Vì sao VN Pharma phát triển thần tốc, 'đấu đâu thắng đó”?
26/08/2017 TTO - Thành lập tháng 10-2011, Công ty cổ phần VN Pharma đã phát triển thần tốc, đẻ một loạt chi nhánh và "đấu đâu thắng đó” với các hợp đồng chục tỉ, trăm tỉ cung ứng thuốc cho bệnh viện. Khi thành lập công ty và giữ chức vụ chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc VN Pharma, ông Nguyễn Minh Hùng mới 33 tuổi.Bị cáo Nguyễn Minh Hùng (bìa phải) - nguyên chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty cổ phần VN Pharma - nhận mức án 12 năm tù - Ảnh: HỮU KHOA
Phát triển “thần tốc”
Là công ty “sinh sau đẻ muộn”, nhưng nhiều người trong ngành dược, đặc biệt là tại TP.HCM, rất ngạc nhiên trước tốc độ phát triển chóng mặt và chiếm lĩnh thị trường dược phẩm rất nhanh của VN Pharma.
Theo nhiều tài liệu được công bố công khai của Công ty VN Pharma, công ty này tham gia thị trường phân phối dược phẩm bắt đầu từ tháng 11-2011. Cuối tháng 5-2012 VN Pharma tiến hành đại hội cổ đông, đại hội công nhân viên lần đầu tiên.
Điều đặc biệt hơn dù chỉ mới “chào đời” được 4 tháng tuổi, VN Pharma đã thành lập VN Pharma An Giang (27-2-2012). 8 tháng sau kể từ ngày thành lập, VN Pharma tiếp tục “sinh” thêm VN Pharma Cà Mau (18-6-2012).
Phát triển hệ thống phân phối xuống các tỉnh miền Tây Nam Bộ xong, cuối năm 2012 công ty này tiếp tục “Bắc tiến” thành lập chi nhánh tại Hà Nội để mở rộng hệ thống phân phối ra miền Bắc.
Để thực hiện mục tiêu hoạt động đa lĩnh vực trong ngành y tế, công ty này còn liên tiếp thành lập các đơn vị thành viên như VN Medicare (tháng 11-2012) hoạt động trong lĩnh vực vệ sinh và sinh hóa phẩm y tế, VN Logistics (tháng 3-2013) hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ kho bãi và hậu cần ngành dược, VN Clinic (tháng 7-2013) hoạt động trong lĩnh vực phòng khám.
Dù đã “sinh thêm nhiều con” nhưng VN Pharma vẫn tiếp tục thành lập thêm nhiều công ty thành viên khác như Công ty TNHH MTV dược Nam Anh (ông Nguyễn Minh Hùng làm phó tổng giám đốc), Công ty CP dược Nam Hùng, Công ty TNHH MTV dược VN Pharma.
Tháng 8-2013, VN Pharma nâng vốn điều lệ lên 40 tỉ đồng. Chưa đầy một năm sau (ngày 5-7-2014) tại đại hội đồng cổ đông lần 3 (nhiệm kỳ 1-2014), ông Hùng đã báo cáo năm 2013 doanh thu bán hàng hợp nhất của công ty này đạt 971 tỉ đồng và (lúc đó) dự kiến năm 2014 doanh thu bán hàng của VN Pharma đạt 1.077 tỉ đồng...
Trúng thầu “khủng”
Tuy chỉ là một công ty cổ phần ra đời mới hơn 2 năm, nhưng tháng 5-2014 VN Pharma đã làm nhiều người trong ngành dược ngạc nhiên vì trúng thầu 46 mặt hàng thuốc trị giá hơn 267 tỉ đồng.
Trước đó VN Pharma đã tham gia đấu thầu vào gói thầu thuốc tập trung do Trung tâm mua sắm hàng hóa và tài sản công (thuộc Sở Y tế TP.HCM) tổ chức.
Đơn cử như trúng thầu thuốc tiêm Perolistin 80mg với 59.280 lọ trị giá hơn 30,8 tỉ đồng; thuốc tiêm Vancomycin (loại 500mg và 1g) trúng thầu 369.352 lọ với tổng trị giá hơn 20 tỉ đồng; thuốc Hemoflon trúng thầu hơn 21,3 triệu viên với tổng trị giá hơn 19,4 tỉ đồng; thuốc tiêm Farvinem 1g trúng thầu cung ứng 31.815 lọ trị giá gần 14 tỉ đồng; thuốc tiêm Vipimax 2g trúng thầu 119.664 lọ trị giá gần 10,2 tỉ đồng...
Cùng thời điểm này, Công ty TNHH MTV dược Nam Anh do ông Nguyễn Minh Hùng làm phó tổng giám đốc cũng trúng thầu cung ứng 17 mặt hàng thuốc trị giá hơn 208 tỉ đồng cho gói thầu thuốc tập trung của Sở Y tế TP.HCM.
Trong đó chỉ riêng mặt hàng thuốc tiêm Itaban trúng thầu cung ứng gần 624.000 lọ với tổng trị giá hơn 58 tỉ đồng. Đây là mặt hàng do liên danh Công ty dược Nam Anh và Công ty CP Dược phẩm trung ương 1 trúng thầu.
Tổng cộng hai công ty nói trên do ông Hùng làm tổng giám đốc và phó tổng giám đốc đã trúng thầu cung ứng thuốc cho Sở Y tế 63 mặt hàng thuốc với tổng trị giá hơn 476 tỉ đồng.
Một con số mà nhiều công ty sản xuất, kinh doanh dược phẩm “sinh sau đẻ muộn” nằm mơ cũng không thấy.
Lực lượng an ninh làm nhiệm vụ tại trụ sở Công ty CP VN Pharma (đường 3 Tháng 2, P.14, Q.10, TP.HCM) vào tối 19-9-2014 để thu thập tài liệu chứng cứ liên quan tới hành vi buôn lậu của ông Nguyễn Minh Hùng (chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc công ty) - Ảnh tư liệu: GIA MINH
Ưu ái?
Giữa năm 2014, khi kết quả đấu thầu thuốc tập trung do Trung tâm mua sắm hàng hóa và tài sản công được công khai thì ngay lập tức đã lùm xùm nhiều vấn đề liên quan đến một số thuốc được trúng thầu.
Trong đó nổi cộm vấn đề thuốc H-Capita caplet 500mg (hoạt chất Capecitabine, trị ba loại ung thư vú, dạ dày, đại trực tràng, chưa có số đăng ký của Cục Dược) được Cục Quản lý dược cấp phép cho VN Pharma nhập chuyến, nhưng hồ sơ dữ liệu thông tin của thuốc không đúng với thực tế.
Khi dư luận lùm xùm thì VN Pharma đã được cho trúng thầu cung ứng vào bệnh viện hơn 470.000 viên H-Capita caplet (31.000 đồng/viên), với tổng trị giá hơn 14 tỉ đồng.
Việc thuốc của VN Pharma dễ dàng được trúng thầu cũng thể hiện rõ khi Sở Y tế TP.HCM cho cùng một hoạt chất được trúng thầu hai lô là trái với quy định.
Cụ thể tại thời điểm đó, theo quy định của UBND TP.HCM, nếu hoạt chất nào đã trúng thầu ở lô số 2 (thuốc sản xuất tại các cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn GMP-WHO) rồi thì lô số 1 (sản xuất tại các nước tham gia EMA, hoặc ICH, hoặc PIC/S...) sẽ không được có hoạt chất đó nữa.
Vì thế mới có chuyện tréo ngoe: thuốc Xelocapec 500mg (hoạt chất Capecitabin) đã trúng thầu cung ứng 1.291.275 viên (26.800 đồng/viên) với tổng trị giá hơn 34,6 tỉ đồng ở lô 2 nhưng thuốc H-Capita caplet (cùng hoạt chất Capecitabin) vẫn được cho trúng thầu lô 1 với số lượng và trị giá như trên.
Không chỉ mặt hàng H-Capita caplet 500mg, năm 2014 VN Pharma còn được Cục Quản lý dược cho phép nhập chuyến nhiều đơn hàng mà công ty này đề nghị, cấp số đăng ký cho 7 mặt hàng dung dịch tiêm truyền do Helix Pharmaceuticals. Inc sản xuất.
Kết quả, cùng ngày tổng giám đốc VN Pharma Nguyễn Minh Hùng bị bắt (19-9-2014), hai lãnh đạo của Cục Quản lý dược mới vội vã ký hai văn bản: rút số đăng ký 7 loại dung dịch tiêm truyền do Helix Pharmaceuticals. Inc sản xuất do VN Pharma đứng tên đăng ký và yêu cầu VN Pharma ngừng nhập khẩu và lưu hành các thuốc mà trước đó cục này đã cho phép nhập chuyến theo đề nghị của VN Pharma.
Vì sao VN Pharma chiếm lĩnh thị trường dược nhanh chóng và được ưu ái trúng thầu số lượng lớn? Vì sao “lý lịch” thuốc H-Capita caplet 500mg và 7 mặt hàng dung dịch tiêm truyền có những điểm không rõ ràng, mâu thuẫn... nhưng vẫn qua mặt được các chuyên gia thẩm định của Cục Quản lý dược? Câu hỏi này cho đến nay vẫn chưa có lời giải đáp!
Dịch vụ đặc biệt
Ngoài phân phối dược phẩm, VN Pharma còn thực hiện hàng loạt dịch vụ kinh doanh khác như: dịch vụ kho bãi và logistics, xuất nhập khẩu, phân phối, nghiên cứu - đăng ký thuốc, xúc tiến thương mại, dịch vụ phòng khám.
Trong đó, công ty còn cung cấp các dịch vụ đặc biệt như: tư vấn đăng ký lưu hành thuốc; nộp hồ sơ xin cấp đăng ký lưu hành cho thuốc sản xuất trong nước và nước ngoài; nộp hồ sơ và xin cấp giấy phép lưu hành cho thực phẩm chức năng sản xuất trong và ngoài nước; tư vấn thủ tục thay đổi tên sản phẩm, tên nhà sản xuất, nhãn hiệu hàng hóa...
476 tỉ đồng
Đó là trị giá hai gói thầu do VN Pharma và Dược Nam Anh đấu trúng vào cùng thời điểm tháng 5-2014.
LÊ THANH HÀ
http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20170826/vi-sao-vn-pharma-phat-trien-than-toc-dau-dau-thang-do/1375417.html
Bộ Tế ở đâu mà để họ ngang nhiên ,tự tung ,làm những điều thất nhân thất đức vậy,hay cùng đồng lõa ăn chia với nhau hại dân,đúng là bọn ăn thịt đồng loại.
Trả lờiXóa