Thứ Hai, 28 tháng 8, 2017

VN: tiến tới dân chủ hay vẫn giữ độc tài quân phiệt?

Việt Nam: tiến tới dân chủ hay vẫn giữ độc tài?
Tình hình hiện nay đòi hỏi một nhân vật gần như phi thường, đầy mưu lược, vận dụng nhiều mưu kế khác nhau, trong viễn kiến cải tổ thể chế toàn triệt, dành được quyền hạn quyết định để tiến hành một cuộc thay đổi lớn cho lý tưởng dân chủ tự do. Nhưng đây chỉ là ước mơ, ít có khả năng thành hiện thực. Cái còn lại với xác xuất cao hơn là một Bộ Chính Trị mới có tâm và tầm nhìn chiến lược cho quốc dân, vượt qua quyền lợi cá nhân và phe phái, tiệm tiến cải tổ sâu rộng và từng phần cho bộ máy chính trị và công quyền hiện nay. Tức là, tự do trước, dân chủ sau. 

Công an ngăn không cho chụp hình, tại một cuộc biểu 
tình chống TQ ở Hà Nội. Nguồn: Reuters/ Nguyen Lan Thang.
Việt Nam có phải là một quốc gia “dân chủ phi tự do”?

Theo định nghĩa của Zakaria, dân chủ phi tự do phải có bầu cử lãnh đạo quốc gia công bằng mà kết quả thể hiện ước muốn của đa số-thì Việt Nam không phải hay chưa phải là một nền dân chủ phi tự do. Việt Nam hiện nay, dưới chế độ độc đảng Cộng Sản, là một quốc gia độc tài đang trên chiều hướng khai mở. Tức là Việt Nam hiện nay đang đi từ một thể chế độc tài toàn trị (totalitarianism) đến một thể chế độc đoán (authoritarianism).

Nhân dân đang dần được sống trong một không gian kinh tế thông thoáng hơn, thịnh vượng hơn nhưng chính trị ngày càng khắt khe hơn (nhưng hãy ráng đọc đến cùng bạn nhé). Tuy rằng về các phương tiện như báo chí, hội đoàn thì về chính sách ngày càng bị giới hạn và kiềm chế-dù internet đã làm cho mọi chính sách về tư tưởng và thông tin, báo chí của Đảng trở nên vô hiệu.

Độc tài ở Việt Nam là một thể loại độc tôn chủ nghĩa trong định chế đảng trị, cộng với guồng máy công quyền và nhân sự thiếu hiệu năng và thối nát. Nó không như các thể loại độc tài cá nhân hay quân phiệt như Nam Hàn hay Singapore trước đây vốn đã xây dựng những định chế cần thiết cho không gian tự do nhằm tạo cơ hội tiến đến dân chủ pháp quyền.

Việt Nam có thể chuyển hóa từ độc tài đảng trị sang một độc tài pháp quyền? Nên nhớ rằng các nền dân chủ lớn như Ấn Độ và Mexico, cho đến gần đây, vẫn là những quốc gia dân chủ độc đảng. Nếu đảng Cộng Sản Việt Nam có thể:

Từ bỏ nội dung và hình thái chủ nghĩa Mác-Lênin

Mở rộng không gian tự do bằng con đường xây dựng những định chế pháp trị và pháp quyền khách quan với một hệ thống tư pháp và tòa án vô tư, độc lập, hiệu quả.

Đặt ưu tiên kinh tế vào thị trường, giảm thiểu vai trò quốc doanh thiếu hiệu năng
Tôn trọng quyền tư hữu ruộng đất và bất động sản bằng hiến pháp
Cải tổ bộ máy hành chính công quyền trở nên hiệu quả, trong sạch, minh bạch
Xây đắp một đội ngũ công chức, cán bộ và lãnh đạo địa phương xứng đáng
Cải tổ sâu rộng cơ chế và chính sách giáo dục…

Từ những điều trên tình trạng độc quyền, độc đảng sẽ không phải là khuyết điểm bất trị. Singapore là một mô hình độc đảng hiệu năng khi họ đã theo đuổi một định hướng tự do như vậy. Khi thịnh vượng quốc gia chưa đạt đến mức chuyển hóa chính trị thì chìa khóa cho sự chuyển hóa này không chỉ là ý thức tự do-mà nhân dân Việt Nam có đủ-mà là ý chí tự do và cách mạng thể chế của một khối quần chúng quyết định, hay một vài lãnh đạo có ý lực đạo đức cho tự do nhằm thuyết phục, thúc đẩy, thực thi cải cách toàn diện cho một bộ máy lỗi thời, ù lì và phản tiến bộ của đảng Cộng Sản Việt Nam bây giờ. 

Với tình hình hiện nay, ý thức và nhu cầu cách mạng thể chế đã chín muồi-và chỉ có người cộng sản Việt Nam, đang nắm vai trò trọng yếu trong thể chế, đương quyền “có tâm, có tầm” mới có khả năng làm chủ được cuộc thay đổi này.

Nền dân chủ hóa thì Việt Nam sẽ đi vào hỗn loạn không?

Câu trả lời phải là không, hay là với khả năng rất thấp. Chúng ta phải công nhận rằng, trên trường quốc tế, khách quan nhận xét, về phương diện nội trị, để thiết lập một thể chế chính trị ổn cố, một trật tự công quyền và an ninh vững chắc, thì Việt Nam đã và đi một bước thành công khá xa-dù cho nội dung trật tự, bản sắc công lý, mức độ trong sạch, minh bạch trong một không gian tự do, pháp quyền đã không đạt được một tầm mức mà phần đông dân chúng mong muốn. Từ một trật tự ổn cố nhưng chưa đạt được nội dung thể chế xứng đáng, Việt Nam đang có nhiều cơ hội và khả năng chuyển hóa con lộ dân chủ bằng phương thức khai mở các định chế tự do hiến định (constitutional liberalism) và phải theo quy trình “tự do trước, dân chủ sau”.


Nam Phi có thể là bài học để Việt Nam tiến tới con đường dân chủ, tự do mà không gây đổ máu như những gì những người cộng sản đã làm với miền Nam sau năm 1975.

Không như các quốc gia khác, ở Việt Nam thì mâu thuẫn địa phương, chủ tộc, hay các yếu tố phân biệt không sâu đậm hay chưa có một lịch sử chia rẽ khó hàn gắn . Ngay cả mâu thuẫn tôn giáo ở Việt Nam cũng rất thấp. Một Tổng Thống dân chủ của một VIệt Nam dân chủ có thể tấn công giàn khoan Trung Quốc ở biển Đông để xoa dịu và mị dân trước cao trào bài Trung , khơi mào một cuộc chiến mới đầy tai hại với Trung Quốc. Hay các sắc dân thiểu số gốc Khmer ở Tây Nam Bộ, hay gốc Thái, Nùng ở cực Bắc, các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên có thể nổi lên phong trào tự chủ, hay một khối quần chúng ở Sài Gòn tranh đấu cho những giá trị hay biểu tượng cũ của Việt Nam Cộng Hòa. 

Nhưng những vấn đề này chỉ là những nguy cơ tương đối thấp vốn có thể giải quyết bằng những phương thức đối thoại và hòa giải khôn khéo bởi lãnh đạo quốc gia. Nên nhớ rằng, dù dân chủ hay không dưới bất cứ chế độ, thể chế hay nhân sự lãnh đạo nào, toàn bộ cơ chế quân đội, công an và hành chính Việt Nam hiện nay phải được giữ nguyên-dĩ nhiên là phải được cải cách toàn diện, độc lập khỏi đảng phái, trong sạch hóa, chuyên môn hóa và pháp chế hóa. 

Sai lầm của Hoa Kì khi lật đổ Sadam Hussein ở Iraq vào năm 2003 là giải thể quân đội và guồng máy chính thể của đảng Baath, tạo nên một khoảng trống công quyền và hành chính, dẫn đến hỗn loạn không chữa trị được. Trong lúc đó, Nelson Mandela của Nam Phi, vị tổng thống da đen đắc cử, đã giữ nguyên hệ thống hành chính công quyền của người da trắng, tạo nên một sự chuyển quyền êm đẹp, tiếp tục cải cách xã hội một cách đầy trật tự và hiệu năng.

Những người Cộng Sản Việt Nam (CSVN) có thể tự tiến hành một cuộc cách mạng thể chế hay không?

Không ai có thể lường trước được cái gì có thể xảy ra và như thế nào cho tương lai. Chúng ta hãy bình tâm nhìn lại, bỏ qua những hiềm khích: Từ khi đi theo khúc quanh đổi mới, suốt phần tư thế kỉ qua, đảng CSVN đã đạt được những thành công về kinh tế, xã hội, ngoại giao đầy ấn tượng, không gian tự do cá nhân và xã hội cũng được mở rộng và xã hội cũng được mở rộng ra nhiều-dù không được như lòng dân và thời đại đòi hỏi. Nếu chấm bảng điểm thì họ đã được điểm C+ hay C-, vừa đủ để đỗ, nhưng chưa đến mức thành công. Nhưng cho đến nay thì con đường đổi mới của đảng CSVN đang đi đến tận cùng hết mức khả thể và khả thi của nó. Chính thể và guồng máy công quyền Việt Nam, từ định chế quy tắc đến phẩm chất nhân sự, đang đi vào con đường băng hoại, thối nát, thiếu hiệu năng, chuyên quyền và bất công trên hầu hết mọi phương tiện. 

Hãy nhìn vào sinh hoạt giáo dục ở học đường. Không quốc gia nào mà chúng ta được biết (trừ Trung Quốc), có nạn “phong bì” hối lộ ngang nhiên và mất nhân phẩm giữa học trò và thầy cô như ở Việt Nam hiện nay. Nhìn đâu cũng thấy tham nhũng, thối nát, từ trung ương đến địa phương, từ giáo dục đến quân đội, công an hay thương trường. 

Tham nhũng, đút lót nay đã trở thành quy luật phổ biến chứ không còn là ngoại lệ. Đảng CSVN phải chịu trách nhiệm trước quốc nạn này. Văn hóa tham nhũng khởi phát từ văn hóa chính trị, văn hóa chính trị khởi phát từ thể chế và chính sách sai lầm của lãnh đạo. Không thể trách rằng nhân dân chấp nhận văn hóa tham nhũng được. 

Thối nát xã hội Việt Nam hiện nay bắt nguồn từ thối nát chính trị và công quyền. Công bằng mà nói, trên thế giới hiện nay, như Ấn Độ, Campuchia, Venenzuela, Indonesia, nạn thối nát, tham nhũng công quyền không thua kém gì ở Việt Nam. Những ai đã đi qua Ấn Độ, một nền dân chủ từ 1947 sẽ thấy công an giao thông ở đó tống tiền tài xế còn trắng hơn ở Việt Nam nhiều, hoặc ai đã xem bộ phim Triệu Phú Khu Ổ Chuột (2008) có thể thấy cảnh sát Ấn Độ thoái hóa, vô trách nhiệm như thế nào.

Tuy nhiên, sai lầm của kẻ khác không phải là biện minh hay là lý do tha thứ hay chấp nhận cho lỗi sai của mình. Chúng ta phải tự hỏi, tại sao Singapore hay Đài Loan, vốn chưa phải là những quốc gia dân chủ tự do đúng nghĩa, nhưng lại có một nền hành chính công quyền hiệu quả, trong sạch và minh bạch?

Vụ VN Pharma, người Việt đang uống trực tiếp những viên thuốc giả có thể gây chết người chứ không phải là người Mỹ. Đừng lấy sự sai lầm của kẻ khác ra làm sự ngụy biện, bao che cho tội ác này.

Tất cả đều có nguyên nhân từ lãnh đạo thể chế chính trị. Việt Nam xứng đáng có một thể chế chính trị tốt đẹp hơn hiện nay. Tuy nhiên, với một chính chế và quy trình đang có có để tuyển lọc nhân sự lãnh đạo của đảng CSVN, khó mà có một hay vài cá nhân có khả năng vượt qua được tính ù lì, bảo thủ của cơ chế. Những ai có ý chí cải cách mạnh đều bị loại ra khỏi guồng máy để rồi trở nên bất mãn, vô hiệu quả (giống như trường hợp con heo Napoleon loại những con heo có ý tưởng cải cách, tiến bộ trong tác phẩm Trại Súc Vật của George Orwell). Rốt cuộc, mọi người muốn tham dự vào đế chế này phải tuân thủ và nói theo một luận điệu có sẵn như cá bô lão đọc sớ cúng ở đình làng theo đúng nghi thức.

Tình hình hiện nay đòi hỏi một nhân vật gần như phi thường, đầy mưu lược, vận dụng nhiều mưu kế khác nhau, trong viễn kiến cải tổ thể chế toàn triệt, dành được quyền hạn quyết định để tiến hành một cuộc thay đổi lớn cho lý tưởng dân chủ tự do. Nhưng đây chỉ là ước mơ, ít có khả năng thành hiện thực. Cái còn lại với xác xuất cao hơn là một Bộ Chính Trị mới có tâm và tầm nhìn chiến lược cho quốc dân, vượt qua quyền lợi cá nhân và phe phái, tiệm tiến cải tổ sâu rộng và từng phần cho bộ máy chính trị và công quyền hiện nay. Tức là, tự do trước, dân chủ sau. 

Nếu không có những yếu tố bất định trong chính sách quốc gia và thế giới, hay là sự khởi động của một cao trào quần chúng trong một năng lực ý chí và ý thức tự do mới-thì liệu đây có phải là định mệnh cho Việt Nam trong vòng hai ba thập niên tới? Tương lai cho tự do và dân chủ ở Việt Nam sẽ còn là một con đường nhiều thử thách, cay nghiệt và đầy bi vọng.

Nguồn: Dịch giả Nguyễn Hữu Liêm, được trích từ cuốn Tương Lai của Tự Do, một số chỗ đã được biên tập để người đọc dễ hiểu.

Quan hệ Quốc tế

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét