Thứ Sáu, 11 tháng 8, 2017

Chuyện nhà quan: HỦ BẠI

HỦ BẠI
FB Thinh Babel - Đọc lịch sử hoặc xem phim cổ trang thấy cái triều đại bại vong chủ yếu là do quan lại hủ bại. Quan lại có hai đặc tính: tham lam và đố kỵ.
Image result for quan lại hủ bại
Trên đời, thấy nhiều vị quan rất chăm đi chùa. Nhưng trên đời, hiếm thấy vị nào thấy đủ là đủ, chỉ thấy họ càng ngày càng tham lam, tham lam vô độ.
Người nói buông bỏ chỉ khi họ thất sủng hoặc hồi hưu. Không ai buông bỏ sớm khi đương chức.
Tham nhũng tràn lan, ai cũng thấy, thấy đến nỗi, thấy bình thường.
Nhưng nói chuyện chống tham nhũng, ai cũng bảo khó.

Tôi chỉ nói một chuyện thôi để thấy có chống hay không chứ không phải khó chống.

Ví dụ, HĐND tỉnh Gia Lai trong một năm tiếp khách 3,2 tỷ đồng.
Người ta tính thế này: Một năm có 365 ngày, trừ đi 104 ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật, và khoảng 10 ngày nghỉ lễ, nghỉ tết nữa, còn 251 ngày làm việc. Lấy 3,2 tỷ tiền tiếp khách đó chia cho 251 ngày, bình quân mỗi ngày văn phòng HĐND tỉnh Gia Lai tiếp khách hết xấp xỉ 13 triệu đồng. Liên miên khách khứa thế, thì thời gian đâu để làm việc. Và ai cũng có thể suy luận, số tiền đó không hẳn đã là tiếp khách mà một phần chảy vào túi những ai đó.

Vậy thì thế này: Tại sao phải chi tiền tiếp khách? Hội đồng là cơ quan đại diện cho nhân dân nhưng đã bao giờ tiếp người dân một bữa cơm chưa? Chưa!
Đó là cái trò “giao lưu học hỏi”, tỉnh này kéo bầu đoàn thê tử đến tỉnh kia du hí và lấy ngân sách tiếp qua tiếp lại.

Vậy thì sao Bộ Tài chính không quy định: Không cho tiếp khách. Ai đi công tác thì có chế độ của người đó. Chỉ một quy định đó thôi, bảo đảm mỗi năm tiết kiệm cho ngân sách hàng nghìn tỷ đồng.

Tại sao không làm?

Không làm là vì không ai tự đập bể nồi cơm của mình cả.
Mỗi mùa lễ hội ở tỉnh thành nào đó, hết bộ này cục khác nhà nhà kéo nhau bắt tỉnh thành đó đài tải. Họ thì còn có thể hiểu nhưng vợ con họ là gì mà đến đâu cũng tinh tướng như thể đương nhiên phải cung phụng mình.

Ở Đà Nẵng tôi ít thấy, hoặc giả, ít tiếp xúc với giới đó, giới đó ăn nhậu có nơi có chốn nên không thấy, chứ vào một nhà hàng nào đó ở các tỉnh thành, để ý một chút, thấy rất nhiều công chức ăn nhậu lấy hóa đơn đỏ về thanh toán. Sở này, ngành này sang làm việc với sở kia, ngành kia trong tỉnh với nhau nhưng bao giờ cũng kết thúc bằng một bữa nhậu mới thành công. Tất nhiên là lấy hóa đơn đỏ.
Tiêu tốn vô thiên lũng.

Phật dạy, thấy đủ là đủ.
Người Bắc Âu không theo đạo Phật nhưng họ thấm nhuần triết lý này. Vì thế họ không bon chen, đố kỵ, sống thanh thản.
Ý thức đó thấm nhuần một cách tự nhiên vào các thế hệ tiếp theo. Họ không làm việc vì tiền, không kiếm tiền bằng mọi giá mà họ làm cái họ thích.
Không gì bằng làm cái mình thích.
Và họ thấy, cuộc đời có một việc quan trọng, rất quan trọng, là đi chơi.

Tôi thấy người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long có tính cách như người Bắc Âu. Tiếc thay, do di dân nên sự giao thoa văn hóa khiến tính cách họ dần dẫn mai một.

Suốt đời nghĩ chuyện kiếm tiền. Vì thế mới có chuyện khai gian tuổi để không phải về hưu, vì thế nên già rồi cũng muốn tại vị. Vì thế mà có bằng giả, bằng dỗm...
Kiếm tiền, kiếm tiền và kiếm tiền… Cho đến một ngày, già rồi, ngày ngày lấy tập sổ đỏ ra đếm lui đếm tới, đếm rồi mà tưởng chưa đếm.
Lúc chết chắc dùng tiền và sổ đỏ hỏa thiêu cho thơm xương.

Không chỉ quan lại, người Việt Nam nói chung cũng thế. Hiếm ai biết đủ là đủ. Vì thế mới có chuyện vay tiền ngân hàng mua ô tô đi uống café cho oai rồi nghĩ cách kiếm tiền trả nợ, chuộc giấy xe từ ngân hàng ra. 

Chưa hết, thấy người khác đi xe sang hơn cũng bươn chãi… Cái vòng luẩn quẩn đó cứ kéo dài suốt cả cuộc đời. Tham ô, tham nhũng cũng sinh ra từ đó.

Rốt cục mỗi bữa ăn mấy bát cơm, ăn mấy miếng thịt, mấy miếng cá, uống mấy ly rượu? 

Bon chen chi để suốt đời sống trong thấp thỏm lo âu không biết khi nào thì đến lượt mình bị lộ?

Người tử tế không chờ đến lúc nào đó mới làm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét