Thứ Tư, 14 tháng 6, 2017

Nhà nước không phải bồi thường khi thu hồi sân golf TSN ?

Hợp đồng chuyển đất quốc phòng làm sân golf Tân Sơn Nhất vô hiệu
13/06/2017, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng biết hợp đồng được ký kết sai thẩm quyền nhưng các bên liên quan vẫn tiến hành, cả Bộ Quốc phòng và nhà đầu tư đều sai. Việc kí kết hợp đồng sân golf Tân Sơn Nhất của Bộ Quốc phòng đã sai luật. Khi đó, hợp đồng kinh tế bị vô hiệu, nếu sân golf bị thu hồi, rủi ro kinh tế xảy ra cả hai bên đều phải chịu.
Sân golf Tân Sơn Nhất. (Ảnh: Zing.vn)
“Dư luận phản ứng về việc đất quốc phòng sử dụng làm sân golf trong khi sân bay Tân Sơn Nhất quá tải là đúng”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết.

Về việc Chính uỷ Quân chủng Phòng không Không quân Lâm Quang Đại khẳng định tại Quốc hội: “Bộ Quốc phòng thống nhất về mặt quan điểm xây dựng sân golf là để tận dụng đất còn nhàn rỗi để phát triển kinh tế, củng cố hệ thống doanh trại cho các cơ quan đơn vị trong quân đội”, Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội cho rằng không thể giải thích theo cách của Bộ Quốc phòng.
“Vấn đề này phải quay lại quy định của Hiến pháp. Đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, sau giải phóng, nhà nước giao cho quân đội quản lý, sử dụng vào mục đích quốc phòng. Việc quân đội không sử dụng hết giao cho nhà đầu tư bên ngoài khai thác làm sai mục đích sử dụng đất là Bộ Quốc phòng đã vi phạm Luật Đất đai”, ông Nguyễn Đức Kiên nêu quan điểm.

Ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng xét về Luật Đất đai, các đơn vị ký hợp đồng sử dụng đất quốc phòng làm sân golf đều sai Luật. Bộ Quốc phòng đã ký kết hợp đồng xây dựng sân golf Tân Sơn Nhất sai thẩm quyền. Một hợp đồng kinh tế giữa Bộ Quốc phòng và đơn vị đầu tư ký sai thẩm quyền thì theo quy định pháp luật, hợp đồng này vô hiệu.

Do đó, biết hợp đồng được ký kết sai thẩm quyền nhưng các bên liên quan vẫn tiến hành, cả Bộ Quốc phòng và nhà đầu tư đều sai.


Theo Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, ai là người kí kết hợp đồng sân golf Tân Sơn Nhất người đó phải chịu trách nhiệm. Khi hai bên đều sai, nếu sân golf bị thu hồi, rủi ro kinh tế xảy ra cả hai bên đều phải chịu.

Đề xuất của các chuyên gia hàng không thu hồi phần đất sân golf trong sân bay đủ làm thêm đường băng thứ ba và nhà ga mới – Nguồn: Tuổi Trẻ.


Được thành lập vào năm 2006 với sự tham gia góp vốn của một doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng nhưng trong cơ cấu vốn hiện nay của Công ty CP đầu tư Long Biên (LOBICO) – chủ đầu tư sân golf Tân Sơn Nhất và sân golf Long Biên, doanh nghiệp quân đội này không còn nắm bất cứ cổ phần nào.

Đến tháng 8-2015, chỉ sau 9 tháng kể từ khi “nhóm Him Lam” nắm trọn cổ phần LOBICO, sân golf Tân Sơn Nhất được đưa vào khai thác mà không còn bóng dáng cổ phần nào của nhà đầu tư quân đội như trước đó.

Căn cứ trên hồ sơ sổ sách, các cổ đông hiện nay của LOBICO, tức “chủ” của hai sân golf Tân Sơn Nhất và sân golf Long Biên, đều là “nhóm Him Lam”.


Đồ họa: TẤN ĐẠT (Tuổi Trẻ)

Được biết sáng 13-6, trao đổi với báo chí tại nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý về chủ trương thuê tư vấn nước ngoài để nghiên cứu mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.

“Còn phương án như thế nào phải để tư vấn nước ngoài nghiên cứu độc lập mới khách quan được. Hướng là sẽ phải xử lý để phù hợp với việc chống ùn tắc, quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất”, ông Mai Tiến Dũng cho biết.
Gia Luật (t/h)

http://nhaquanly.vn/hop-dong-chuyen-dat-quoc-phong-lam-san-gofl-tan-son-nhat-vo-hieu-d23967.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét