Chủ Nhật, 11 tháng 6, 2017

Một thanh niên ở Hà Nội đốt bằng cấp học vị

Một thanh niên ở Hà Nội đốt bằng cấp học vị
Vietnam – Vì lý do bằng cấp chứng nhận học vị không còn quan trọng, thiết yếu đối với công việc mình đang làm nên một thanh niên Việt Nam quyết định đốt những bằng cấp mà bản thân có được từ những năm tháng học hành vất ở ghế nhà trường. Người thanh niên có tên Phạm Vũ Hồng Lĩnh (sinh năm 1981) hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội…
Anh Lĩnh đốt những bằng cấp học vị của mình vì cho nó không cần thiết đối với công việc của mình ở hiện tại (ảnh; anh Lĩnh cung cấp)

Đốt vì thấy không còn cần thiết

Theo anh Phạm Vũ Hồng Lĩnh chia sẻ với Cali Today, những bằng cấp học vị cùng những giấy tờ đem đốt ấy là có hai nguyên do: Thứ nhất là do lâu lắm rồi anh Lĩnh không sử dụng đến. Kể từ năm 2011, anh Lĩnh nghỉ việc để tìm việc mới do công việc cũ không đáp ứng được nhu cầu cuộc sống của bản thân cũng như không giúp ích gì nhiều cho gia đình, lúc ấy anh Lĩnh tìm cách học chuyển đổi ngành nghề nên bằng cấp học vị từ ghế nhà trường đành phải đem cất. Anh Lĩnh chuyển sang học lập trình và hiện đang ổn định theo nghề lập trình, thu nhập cao hơn nhiều so với lúc xin việc theo những bằng cấp đã học nên đến nay anh quyết định đem đốt. Ngoài ra, còn nguyên do thứ hai khiến anh Lĩnh phải đi đến quyết định đốt bằng cấp học vị là bản thân anh hay khuyên mấy đứa em và mấy đứa cháu học hành ở trường học vừa vừa thôi, đừng cố học lấy điểm cao làm gì cho mất thời gian mà không thực tế. Bởi theo anh Lĩnh, những bằng cấp ấy thực sự nó không giá trị quá nhiều như những gì thầy cô và cha mẹ nói, cái chính là phải kiếm cho mình một cái nghề giỏi thì lúc ấy mới kiếm được thu nhập. Anh Lĩnh chia sẻ:

“Những cái bằng học ở trường mình kiếm điểm năm, điểm sáu miễn sao nắm được cái bằng cũng được chứ đừng đầu tư mất thời gian giống như tôi cũng từng đầu tư bốn, năm năm vào những bằng cấp ấy để rồi phải đốt vì không sử dụng. Mình nói thế thì mấy đứa không tin, mình đốt phát cho nó biết.”
anh Phạm Vũ Hồng Lĩnh, nhân vật
 trong bài viết (ảnh; Facebook Phạm Lĩnh) 

Những bằng cấp học vị đem đi đốt được anh Lĩnh cho Cali Today biết là một bằng tốt nghiệp cấp III, một bằng Đại học xây dựng và những giấy tờ bảo hiểm. Theo anh Lĩnh, bằng cấp III sau khi vào học Đại học cũng như giờ đi làm chẳng ai hỏi bằng cấp III trong khi cấp III mình học cũng rất vất nhưng kiến thức cấp III hầu hết là không dùng đến và bằng Đại học xây dựng cũng thế bởi vì:

“Hiện giờ mình có thu nhập từ nghề khác rồi nên mình không cần cái bằng ấy nữa. Nghề mình đang có thu nhập chẳng đòi bằng cấp gì nhiều đó là nghề lập trình, cứ làm được việc là người ta gửi trả tiền chứ không cần đòi hỏi bằng cấp”

Theo số liệu thống kê vào năm 2016, cả nước Việt Nam có 412 trường Đại học, Cao đẳng, trung bình mỗi tỉnh, thành phố có khoảng 6,6 trường. Cả nước có khoảng 2,2 triệu sinh viên trong tổng dân số 95 triệu người và tính Qúy I /2016 có khoảng 225.000 người có trình độ cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp cao ở Việt Nam chủ yếu là quản lý yếu kém cả ở cấp vĩ mô lẫn vi mô, chất lượng không đi cùng với số lượng, mở cửa tuyển sinh ồ ạt nhưng đầu ra thì quá kém, không đáp ứng được nhu cầu thương mại cần thiết, nhu cầu tuyển dụng của nhà tuyển dụng, thừa thầy thiếu thợ, khác biệt giữa lý thuyết giảng dạy ở nhà trường và thực tế việc làm bên ngoài xã hội. Theo anh Lĩnh, nếu nói ở xã hội Việt Nam thì khoảng cách học hành ở trong nhà trường và bên ngoài xã hội có phần gần tương đồng nhưng so với mặt bằng đòi hỏi của quốc tế thì khác biệt rất xa.

“Thực ra nếu nói riêng ở Việt Nam tôi thấy nó không khác nhiều nhưng thừa nhiều quá. Tiếp nữa, những kiến thức của những môn thừa như môn Triết học Mác-Lenin đấy là thừa đương nhiên rồi và đến cả những môn chuyên ngành cũng thừa, nhà trường muốn dạy để trở thành tòan diện nhưng nếu ra trường đi làm thì đầu tiên cơ quan chỉ giao cho tôi một, hai loại việc, sau đó lúc nào cơ hội mới làm những công việc khác đi.”

“Nhưng thực ra mình vừa đi làm vừa học cũng được chứ không nhất thiết phải học hết ở trường, học nhiều đến khi ra trường làm việc đôi khi cũng chẳng nhớ, khi làm việc mình trực tiếp học và trực tiếp nghe hướng dẫn đem lại hiệu quả nhanh hơn ở trường nhiều.”

Bản thân anh Lĩnh thừa nhận ở Việt Nam nếu có bằng Đại học sẽ xin việc làm dễ dàng hơn, được ưu tiên hơn những người không có bằng cấp. Tuy nhiên, không phải không có trở ngại bởi có việc làm rồi thì xét đến vấn đề thu nhập của công việc, đặt trường hợp thu nhập thấp, không tương xứng với bằng cấp mình đã học thì người làm cũng sẽ sẵn sàng bỏ việc để đi kiếm việc làm mới. Vì vậy, anh Lĩnh cho rằng quan trọng là có thu nhập như thế nào chứ không quan trọng có bằng cấp như thế nào.

“Giờ cầm cái bằng Đại học ra xin việc làm đúng là hơi khó, bạn bè của tôi cứ Alo nói nghỉ việc, đi tìm việc mới làm suốt….nói chung là có bằng Đại học xin được được việc làm là một chuyện nhưng có thu nhập tốt hay không là chuyện khác, còn không thì anh lại phải nghỉ việc và đi xin việc làm mới tốn thời gian”- Lời của anh Lĩnh.

Qúa trình đi xin việc làm, làm việc và chuyển đổi ngành nghề đã giúp cho anh Lĩnh có những đánh giá về Giáo dục Việt Nam hiện có nhiều điểm không hợp lý. Thứ nhất, Giáo dục mà cụ thể ở đây là các nơi đào tạo đã đào tạo nhiều quá. Thứ hai, nếu mang kiến thức đào tạo ở Việt Nam mà ra làm với thế giới không hợp lý bởi vì thế giới họ làm theo một cách khá bài bản, khoa học.

“Ngày trước, khi tôi cầm cái bằng Đại học xây dựng xin vào công ty nước ngoài họ không nhận cái bằng của mình và cũng không phân cho mình làm những công việc tính toán quan trọng của một kỹ sư, việc tính toán của họ khác hoàn toàn.”- Chia sẻ của anh Lĩnh.

“Những người cầm bằng Đại học xây dựng Việt Nam nhưng tôi nếu muốn học tiêu chuẩn nước ngoài, có những người học giỏi thì vừa nắm tiêu chuẩn Việt Nam vừa nắm tiêu chuẩn nước ngoài. Tiểu chuẩn nước ngoài độ khó ngang ngửa hoặc hơn so với Việt Nam cho nên khi quyết định đi học tiêu chuẩn nước ngoài để kiếm công việc hợp lý, có lương thu nhập cao thì phải xác định quên hết kiến thức ở Việt Nam đi để nhẹ cái đầu đặng sang học những kiến thức nước ngoài được”

Tuy nhiên, anh Lĩnh nói tiếp:

“Như thế thì kỹ sư Việt Nam bỏ rơi thi trường Việt Nam để lựa chọn thị trường nước ngoài khiến nhiều người băn khoăn, trong băn khoăn đó có lo lắng lỡ ông nước ngoài bỏ rơi mình thì mình phải sang làm ở thị trường Việt Nam thế nên cầm bằng đi xin việc không dễ. Quan điểm bản thân tôi tốt nhất mình nên có một cái nghề giỏi còn hơn có cái bằng để dễ đi xin việc”

Quyết định đốt bằng cấp học vị của anh Lĩnh sau khi đăng tải hình ảnh lên trang Facebook cá nhân đã đón nhận nhiều ý kiến trái chiều. Có ý kiến tán thành nhưng cũng có ý kiến cho rằng anh Lĩnh đã lãng phí những năm tháng học hành của mình. Và cũng có người đặt câu hỏi cho chính bản thân mình cũng như cho số đông người quan tâm khác là sẽ làm gì khi cầm tấm bằng cấp học vị ra trường nhưng thất nghiệp, việc làm và thu nhập không đáng với những công sức mình bỏ ra học?./.

THIÊN HÀ
(Calitoday)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét