Thứ Sáu, 2 tháng 6, 2017

Các dự luật: Thủ tướng Phúc tiếp tục bị các bộ qua mặt ?

Luật du lịch & thất bại của Thủ Tướng
Huy Đức - Bộ VHTTDL đang làm gia tăng ĐKKD chứ không phải cắt giảm chúng. Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư đang soạn thảo Luật Hỗ trợ DN vừa và nhỏ theo hướng ban ơn, xin cho. Dự luật Du Lịch do Bộ Văn Hóa Thể Thao & Du Lịch (VHTT & DL) soạn thảo và sắp được Quốc Hội thông qua cho thấy chủ trương có ý nghĩa nhất mà thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra kể từ đầu nhiệm kỳ, "gỡ bỏ các rào cản kinh doanh", đã thất bại. Nếu Thủ tướng chỉ đánh trống bỏ dùi, để cho các bộ qua mặt, tiếp tục củng cố các điều kiện kinh doanh (ĐKKD) như thế này thì chính phủ của ông sẽ không có gì mới, nó không những không thể nào đóng vai trò "kiến tạo" mà còn tiếp tục kềm hãm người dân thực hiện quyền tự do kinh doanh.
Không những không giảm được thủ tục nào, Dự Luật Du Lịch còn đưa lữ hành nội địa thành ngành kinh doanh có điều kiện. bắt buộc DN phải ký quỹ tại ngân hàng - một bước lùi so với Luật 2005. Quy định này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho các doanh nghiệp (vốn bị chôn trong ngân hàng - chưa rõ ai được hưởng lợi về lãi suất) mà còn cho thấy Bộ không hiểu gì về vai trò của mình, sử dụng một công cụ hành chính can thiệp vào một quan hệ dân sự (tour là hợp đồng dân sự - nếu có vấn đề về dịch vụ: thì có thể kiện; tòa phân xử chứ không phải cơ quan hành chính).

Không những tiếp tục yêu cầu về tiêu chuẩn nhân sự mà Dự luật Du Lịch còn áp dụng những quy định có dấu hiệu tham nhũng chính sách của Luật Xuất Bản, do Bộ TT & TT soạn thảo: Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành phải tốt nghiệp trung cấp chuyên ngành lữ hành trở lên; trường hợp tốt nghiệp trung cấp chuyên ngành khác trở lên phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch nội địa (tương tự ngành in: cao đẳng in hoặc tốt nghiệp lớp bồi dưỡng ngành in).

Về xếp hạng các cơ sở lưu trú, Bộ tuy có buông bớt quyền lợi cho Sở bằng cách chỉ giữ quyền cho Tổng cục xếp hai hạng khách sạn 4 & 5 sao, thay vì từ 3 sao như Luật 2005, nhưng lại mở rộng phạm vi "quản lý" hơn khi đặt tất cả các cơ sở lưu trú (Khách sạn, biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, tàu thủy lưu trú du lịch) vào diện quản lý xếp hạng thay vì chỉ có khách sạn như Luật 2005.

Mặc dầu đã nhận thức được rằng, áp dụng nguyên tắc bắt buộc xếp hạng cơ sở lưu trú là "mang nặng tính hành chính, can thiệp vào sự vận hành của hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú theo quy luật thị trường". Và đã được khuyến cáo rằng, "đăng ký xếp hạng cơ sở lưu trú cần được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện. Cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng là nhu cầu, quyền lợi của doanh nghiệp. Việc đăng ký xếp hạng theo nguyên tắc tự nguyện thể hiện quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp; bảo đảm hoạt động kinh doanh được vận hành theo quy luật thị trường, giảm thủ tục hành chính". Nhưng, Bộ vẫn bào chữa cho sự can thiệp của mình rằng, việc xếp hạng theo nguyên tắc tự nguyện "có thể gây khó khăn trong việc quản lý, thống kê, dễ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp tự mạo nhận sao, ảnh hưởng đến quyền lợi của khách du lịch".

Dự kiến, Quốc hội sẽ bỏ phiếu lựa chọn hai phương án tự nguyện và bắt buộc nhưng với cách làm luật như hiện nay, chúng tôi e rằng, các đại biểu nếu không nghiên cứu kỹ sẽ khó lòng vượt qua cái bẫy mà Bộ đang giăng ra cho Quốc hội. Xin các đại biểu hãy đọc kỹ phương án "Tự nguyện xếp hạng". Nói là tự nguyện nhưng cách cài đặt chính sách của Bộ vẫn trao quyền tối cao cho "cơ quan nhà nước"; trình tự xếp hạng được chia ra 3 công đoạn: "đi đánh giá" - có thể ko phải là nhà nước; nhưng thẩm định và thừa nhận thì vẫn là tổng cục và sở. Đặc biệt, điểm "đ" của phương án này ràng buộc rằng, chủ các cơ sở lưu trú "Chỉ được sử dụng từ 'sao' hoặc hình ảnh ngôi sao để tuyên truyền, quảng cáo về hạng cơ sở lưu trú du lịch sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận".

Đi kèm theo một giải pháp bao giờ cũng là một bộ máy, biên chế nhà nước càng tăng lên cho việc xếp sao, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp càng bị nhũng nhiễu nhiều hơn và phải tăng thêm chi phí.

Không phủ nhận rằng, việc sử dụng quyền lực nhà nước can thiệp vào chất lượng dịch vụ là có mang lại những kết quả nhất định. Nhưng vấn đề là lợi ích mà nó mang lại có tương xứng với những chi phí mà nhà nước và doanh nghiệp đã phải bỏ ra. Chưa tính tới việc, chất lượng dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ cao cấp đòi hỏi nhiều yếu tố chứ không chỉ đơn giản những tiêu chuẩn về diện tích phòng, hay quy mô như Luật Du lịch. Hãy so sánh một khách sạn 5 sao của các hãng như sophitel hay sheraton với một khách sạn của Mường Thanh được Tổng cục du lịch gắn 5 sao sẽ thấy chất lượng của nó là hoàn toàn khác nhau.


Các đại biểu Quốc hội cũng nên biết rằng sáng kiến xếp sao có từ năm 1900 là của công ty sản xuất lốp xe ôtô nổi tiếng của Pháp, Michelin. Chủ công ty, hai anh em Ándre và Édouard , đã cho phát hành cuốn Michelin Guide chấm điểm các nhà hàng, khách sạn, quán ăn... trên khắp nước Pháp rồi phát cho khách hàng mua lốp xe vì nghĩ rằng mọi người càng lái xe đi chơi, đi ăn càng nhiều thì lốp càng dễ hỏng và như thế, họ sẽ bán được nhiều lốp xe ôtô hơn.

Tất nhiên, sáng kiến này về sau được các hiệp hội du lịch ứng dụng nhưng nhắc lại câu chuyện này để thấy rằng, nhu cầu nâng cấp chất lượng phục vụ khách du lịch là của chủ đầu tư các khách sạn chứ không phải nhà nước. Chính sự cạnh tranh giữa các hãng sẽ giúp giải quyết vấn đề chất lượng. Chúng tôi cho rằng, cho dù ngành du lịch có mẫn cán thế nào thì cũng không thể lo cho doanh nghiệp du lịch bằng họ lo cho chính hiệu quả kinh doanh của họ; không thể lo cho "quyền lợi của khách du lịch" bằng chính những người khách này lo cho túi tiền của họ.

Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có lựa chọn đúng khi chủ trương "gỡ bỏ tối đa các điều kiện kinh doanh". Chỉ có khai thông các điểm nghẽn về thể chế (do khoảng 7000 giấy phép, điều kiện kinh doanh được ban hành trong khoảng từ 2008 - 2015) thì mới có thể khơi dậy các dòng chảy về vốn trong nền kinh tế, mới có thể nói đến ngăn chặn suy thoái và tăng trưởng GDP (chứ không chỉ trông vào đầu tư công hay khai thác dầu). Hàn Quốc cũng đã từng vượt qua khủng hoẳng kinh tế 1997 nhờ bãi bỏ hơn ba nghìn ĐKKD. Tuy nhiên, chỉ nhìn vào cách mà các cơ quan dưới quyền của ông soạn thảo Luật Du Lịch và Luật Hỗ trợ DN vừa và nhỏ đã thấy lựa chọn đúng đắn của Thủ tướng đang đứng trước nguy cơ thất bại.

Bộ VHTTDL đang làm gia tăng ĐKKD chứ không phải cắt giảm chúng. Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư đang soạn thảo Luật Hỗ trợ DN vừa và nhỏ theo hướng ban ơn, xin cho
thay vì muốn hỗ trợ các DN vừa và nhỏ thì Chính phủ chỉ cần ngay lập tức bãi bỏ các ĐKKD phân biệt quy mô, đặt các doanh nghiệp nhỏ và vừa ra khỏi cuộc chơi như Thông tư 20/2011/TT-BCT (nhập khẩu xe nguyên chiếc); Nghị định 109/2010/ND-CP (về xuất khẩu gạo); Nghị định 86/2014/NĐ-CP (điều kiện lập hãng taxi); Nghị định 19/2016/ND-CP (về kinh doanh gas)...

Không chỉ ăn chia tiền bạc trong các dự án, tham nhũng phôi thai ngay trong các giai đoạn hình thành chính sách, cài bẫy các thủ tục làm khó người dân, doanh nghiệp, rồi nhũng nhiễu, làm luật khi thi hành. Cách tổ chức bộ máy chính phủ kiêm nhiệm cả vai trò hành pháp chính trị và hành chính công vụ (chính những người đề ra thủ tục có thể trục lợi ngay trên chính thủ tục đó) thì không thể nào gỡ bỏ được các điều kiện kinh doanh. Biện pháp nâng cấp thẩm quyền văn bản có thể đề ra ĐKKD cũng không mấy tác dụng vì cho dù nghị định hay luật thì cũng do các ngành chuyên môn soạn thảo.

Nếu thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thực sự muốn gỡ bỏ các điều kiện kinh doanh mà không trang bị cho mình một tư duy mới về vai trò của nhà nước đối với kinh tế thị trường; không đầu tư thích đáng để biết nên bắt đầu từ đâu thì thất bại là điều không tránh khỏi. Luật Du Lịch sắp được Quốc hội thông qua là một ví dụ hùng hồn cho thất bại đó.

Huy Đức
(FB Trương Huy San)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét