ĐB Đặng Thuần Phong: Người Việt chạy chọt từ bụng mẹ
"Ở trong bụng mẹ đã phải chạy chỗ sinh đẻ, rồi chuyện chạy trường, chạy lớp, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy điều tra, chạy truy tố..."Chạy chọt từ trong bụng mẹ
Ngày 9/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017.
Phát biểu tại Hội trường, ông Đặng Thuần Phong - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội đã chỉ ra hàng loạt những vấn đề bất an hiện nay của xã hội.
Ông Phong đặt vấn đề tại sao chỉ có một mình Chính phủ hành động, kiến tạo và liêm chính, trong khi có cả hệ thống chính trị. Còn vấn nạn tham nhũng và lãng phí quá lớn chưa được chặn đứng, gây bức xúc lớn trong nhân dân. Xuất hiện dấu hiệu mất cân đối ngân sách, tính ổn định, bền vững của kinh tế vĩ mô chưa cao, các yếu tố tăng trưởng chưa rõ nét.
Hàng loạt vấn đề bức xúc được vị ĐBQH Bến Tre chỉ ra như: hiệu quả đầu tư thấp, nợ công cao, theo chỉ số trung bình mỗi người dân Việt Nam gánh 1.000 USD tiền nợ, xu hướng còn tăng trong những năm tới, áp lực trả nợ quá lớn. Ngoài ra chi đầu tư phát triển chưa ngang tầm, chi thường xuyên gần 70%, mức bộ chi gấp 3 lần tăng trưởng, nghĩa là làm 1 đồng ăn 3 đồng…
Một vấn đề khác được ông Đặng Thuần Phong nhắc đến, đó là tình trạng thương mại hóa các quan hệ xã hội.
Vị ĐBQH lo lắng khi đồng tiền đã chi phối mọi hoạt động và làm phai nhạt tính công tâm của các cơ quan công quyền, đáng lo hơn đồng tiền đã làm suy thoái đạo đức, dẫn dắt chính sách.
“Minh chứng cho vấn đề này là chuyện “chạy”. Ở trong bụng mẹ đã phải chạy chỗ sinh đẻ, rồi chuyện chạy trường, chạy lớp, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, khi vi phạm pháp luật thì chạy điều tra, chạy truy tố, chạy án, thậm chí chạy để bỏ Tổ quốc đến nơi Việt Nam chưa ký kết hiệp định dẫn độ tội phạm”, ông Phong lo lắng.
Ì ạch vay tiền trả nợ
Những ý kiến mà ĐBQH Đặng Thuần Phong đưa ra một lần nữa khiến dư luận giật mình về những vấn đề còn tồn tại trong xã hội.
Trước đó, nhiều ĐBQH cũng từng lên tiếng bày tỏ lo lắng khi tích lũy nợ công Việt Nam đang ở mức báo động, nợ công bào mòn ngân sách. Nếu không có giải pháp Chính phủ sẽ phải tiếp tục đi vay để trả nợ.
Báo cáo của Chính phủ cho hay, sau 5 năm (2011-2016) nợ công tăng nhanh áp lực trả nợ lớn; nợ Chính phủ đã vượt giới hạn quy định (50,3% GDP so với quy định là không quá 50%). Một số khoản chi chưa được quản lý chặt chẽ, bội chi ngân sách còn cao, chưa đạt mục tiêu 4,5% GDP.
Đáng chú ý, tại cuộc họp báo chuyên đề cuối tháng 10/2016, ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại của Bộ Tài chính, cho biết, từ năm 2010, Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình.
Vì vậy trong thời gian tới, Việt Nam có thể sẽ không còn nằm trong nhóm những nước nhận được các khoản vay ưu đãi từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB).
Trong trường hợp này, Việt Nam sẽ phải cam kết trả nợ nhanh hơn, trả tăng gấp đôi tốc độ trả nợ gốc.
Hiện tại, ngân sách Nhà nước đang phải bố trí khoảng 1 tỷ USD mỗi năm để trả nợ nước ngoài. Nhưng nếu phải trả nợ nhanh gấp đôi thì yêu cầu trả nợ sẽ tăng 100% từ 1 tỷ USD đến 2 tỷ USD, đó sẽ là gánh nặng rất lớn cho nền ngân sách quốc gia.
Hoàng Namhttp://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/db-dang-thuan-phong-nguoi-viet-chay-chot-tu-bung-me-3337043/
"Ở trong bụng mẹ đã phải chạy chỗ sinh đẻ, rồi chuyện chạy trường, chạy lớp, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, khi vi phạm pháp luật thì chạy điều tra, chạy truy tố, chạy án, thậm chí chạy để bỏ Tổ quốc đến nơi Việt Nam chưa ký kết hiệp định dẫn độ tội phạm”Đó là ưu việt của thiên đường mà các vị ĐB quên rồi à???
Trả lờiXóaThì sao nào,cả nước đều biết điều đó nhưng họ lại chấp nhận đồng lòng cam chịu. Im lặng chấp nhận cũng đồng ngĩa với sự hậu thuẫn khiến vấn nạn càng được củng cố và lớn mạnh hơn .Với cá tính ấy,người Việt xứng đáng được sống trong một xã hội lũng đoạn như vậy vì chính họ nuôi dưỡng cái xấu chứ ai đâu mà than .
Trả lờiXóa