Ám ảnh giấc mơ mang tên Khoản 3 Điều 19 BLHS 2015
02/06/2017, Luật sư Trần Hồng Phúc
Tôi viết bài này xin dành tặng cho các em học viên khoa đào tạo luật sư đang có mong muốn cháy bỏng trở thành luật sư ở đất nước hình chữ S. Tất nhiên, tôi đồng ý với những bức xúc của nhiều em về sự thờ ơ của một số người trong giới luật gia, luật sư đối với khoản 3 Điều 19 BLHS (sẽ sớm đổi từ dự luật thành bộ luật vào cuối tháng 6 này) vì những hậu quả phái sinh mà nó sớm tạo ra.Không sao cả! Xã hội nào cũng có những kẻ luôn đứng bên lề cuộc sống để nhìn thôi. Còn các em thừa biết rằng xã hội nào chẳng muốn hướng đến sự tiến bộ, xóa bỏ bất công, bảo đảm quyền con người. Điều ấy ở đâu ra, không ở trên trời tự nhiên rơi xuống, nên vẫn còn một số kẻ như tôi và các em đang quan tâm đến những gì đi ngược xu hướng ấy. Đất nước này là của tất cả chúng ta nhưng tương lai nghề luật sư thuộc về các em. Tôi nhắc lại, nghề này ý nghĩa lắm bởi nó hướng thẳng đến mục tiêu bảo vệ công lý, quyền con người – có nghĩa là làm cho pháp luật được thực thi chứ không chỉ nằm trên các văn kiện, nghị quyết…
Đừng đổ lỗi cho những nhà lập pháp, cho thể chế mà cần xem lại chính chúng ta. Nhà nước trao cả quyền lập pháp cho công dân nên không hành động là chúng ta đã tự tước bỏ quyền xây dựng xã hội đó của mình. Pháp luật tạo ra để bảo đảm trật tự xã hội nhưng đặc biệt bảo vệ nhân quyền (ngay cả đối với những người bị buộc tội) nên với tư cách công dân, hiểu biết pháp luật chúng ta cần có trách nhiệm với vấn đề lập pháp của chính mình.
Gần 500 đại biểu Quốc hội thực hiện quyền lập pháp hôm nay là do chúng ta tin tưởng bầu ra. Họ có trách nhiệm nói tiếng nói của cử tri chứ không phải tiếng nói của bất kỳ ai khác! Không có câu chuyện xây dựng chính sách pháp luật cho một nhóm người, mà phải tin rằng những dự luật đang khiếm khuyết đó là do thái độ thờ ơ của đám đông chúng ta.
Thú thực, mấy ngày nay, tôi cũng khá bất ngờ khi thấy nhiều “đại luật sư” có quan điểm rằng: “khoản 3 Điều 19 có cũng được, không có cũng chẳng sao vì không dễ gì truy cứu trách nhiệm hình sự của luật sư”. Có phải họ chỉ nghĩ đến bản thân mình???
Đấu tranh loại bỏ khoản 3 Điều 19 BLHS 2015 [vấn đề luật sư tố giác thân chủ - DL] đang chuẩn bị được Quốc hội thông qua không phải là cho luật sư nói riêng hay người bào chữa nói chung mà là bảo vệ Hiến pháp, bảo vệ nền văn minh pháp lý của một xã hội tiến bộ, dân chủ và bảo vệ quyền con người trong đó có quyền bào chữa.
Đừng nhầm lẫn quyền bào chữa là của người bào chữa – mà chủ thể của quyền này là người dân chúng ta bị vướng vào vòng lao lý với vai trò là người bị buộc tội. Khi ấy, quyền bào chữa là phương tiện pháp lý cần thiết để những người bị buộc tội bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Nhà nước ta đồng ý và thừa nhận quyền bào chữa tức là đã đồng ý và thừa nhận tính tranh tụng trong hoạt động tố tụng hình sự và nếu thiếu nó việc xét xử khách quan, công bằng sẽ không bao giờ có. Thế nên, lập pháp càng mở rộng phạm vi quyền bào chữa bao nhiêu thì càng tăng tính hiệu quả của hoạt động tranh tụng bấy nhiêu và dĩ nhiên kết quả tương ứng là ngày càng hạn chế khả năng gây oan, làm sai đối với người vô tội!
Quyền bào chữa – đó là quyền con người trong xã hội này gắn liền trực tiếp với lợi ích hợp pháp của mọi người dân chứ không phải quyền của luật sư (một trong số các chủ thể là người bào chữa). Thực ra, việc tham gia bào chữa của luật sư không chỉ bảo đảm tốt hơn quyền bào chữa của người bị buộc tội mà còn giúp các cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện, sửa chữa những thiếu sót, sai lầm, làm rõ sự thật khách quan vụ án để xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Vì vậy, trách nhiệm bào chữa của luật sư là phái sinh từ quyền bào chữa của thân chủ.
Vậy thì, làm nghề mà ta lỡ lòng thờ ơ, vô cảm với những người dân của chúng ta hay sao??? Không được! Đây là thứ đạo đức cần có và là bài học đầu tiên về đạo đức của bất kể của người nào mang chiếc Thẻ luật sư!
Các em ạ, Nhà nước này là của dân – do dân – vì dân và những người lãnh đạo hôm nay chỉ là đại diện của người dân chúng ta cử ra để điều hành đất nước – họ hoàn toàn không phải là ông Vua (“con trời”) ngày xưa để khi chúng ta cất tiếng xây dựng pháp luật trái chiều thì bị coi ngay là kẻ “bất trung” hay “đại nghịch”! Lãnh đạo đất nước ta họ luôn ý thức là công bộc của người dân nên đừng lo gì việc chấp nhận bổ sung tình tiết phạm tội bị tăng nặng do “xúc phạm uy tín, danh dự của lãnh đạo Đảng và Nhà nước”! Không bao giờ có những điều "dị luật" ấy được thông qua trong một cơ quan lập pháp mà 100% các đại biểu đều do Nhân dân bầu ra! Tôi xin khẳng định!
Tuy nhiên, tôi còn nhớ ai đó bảo rằng: đừng khoanh tay chờ đợi nếu chúng ta muốn có một đất nước phát triển, một xã hội dân chủ, văn minh, quyền còn người được bảo đảm. Ở đây không có kẻ chăn cừu nhưng đừng ngồi chờ có một nhà thần học Martin Luther nào đó xuất hiện gạt bỏ bất công, tạo ra sự bình đẳng; cũng đừng nằm mơ có một Lý Quang Diệu thứ hai mang đến cho chúng ta một chính quyền minh bạch, liêm chính hoặc đợi mẹ Teresa tái sinh để gieo mầm sự tử tế trong xã hội này...
Chúng ta không bảo vệ người dân, không đứng về đồng loại thì không bao giờ biến được những giấc mơ đáng sống thành hiện thực, mà có lẽ sau này chỉ để lại cho con cháu chúng ta những dạng giấc mơ tái sinh mang tên khoản 3 Điều 19!
Cũng hy vọng hòm thư điện tử và tài khoản Facebook của tôi sẽ không bị tin tặc tấn công khi bài viết này được đăng bởi tôi là một trong số các luật sư phản đối việc Quốc hội thông qua khoản 3 Điều 19!
Thưa Quốc hội, với trách nhiệm và lương tâm của các đại biểu vì dân – xin hãy để cho xã hội có những thảo luận đa chiều hướng đến việc ban hành các sản phẩm lập pháp hoàn hảo, giúp chúng ta sớm tìm được những điều tử tế dù rất nhỏ nhoi…
(Tết Đoan ngọ 2017)
Luật sư Trần Hồng Phúc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét