Thứ Sáu, 7 tháng 4, 2017

Lý giải vì sao GDP quí 1 tăng trưởng thấp

Lý giải vì sao GDP quí 1 tăng trưởng thấp
Hoàng Ngọc Khanh, 6/4/2017, Nếu thực trạng trên không được cải thiện thì mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2017 ở mức 6,7% là rất thách thức. Để đạt được mục tiêu đó thì trong chín tháng còn lại của năm 2017, tăng trưởng GDP phải đạt mức 7%, theo nhận định của Tổng cục Thống kê. Muốn vậy thì cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa từ phía chính sách tài khóa, mà đứng đầu là các bộ như Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương…
Sản lượng dầu thô khai thác thấp hơn so với cùng kỳ năm 2015 và 2016 là nguyên nhân chủ quan và cũng là nguyên nhân chính dẫn đến việc GDP quí 1 tăng trưởng thấp. Ảnh: TRIỆU TRÙNG ĐIỆP

(TBKTSG) - Năm 2017 được xem là năm bản lề của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2016-2020. Rất nhiều quyết sách đã được Chính phủ đưa ra nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển theo đúng kế hoạch, tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và cả xã hội nói chung. Theo đó, chỉ số VN-Index trên thị trường chứng khoán, một chỉ báo quan trọng phản ánh sức khỏe của nền kinh tế trong tương lai, đã ghi nhận mức tăng 8,6% từ đầu năm cho đến hết ngày 31-3-2017.

Tuy nhiên, kết quả tăng trưởng kinh tế (GDP) trong quí 1-2017 chỉ đạt 5,1%. Đây là mức thấp so với kết quả cùng kỳ của các năm 2015 và 2016, lần lượt đạt 5,48% và 6,12%.

Có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan

Sản lượng dầu thô khai thác thấp hơn so với cùng kỳ năm 2015 và 2016 là nguyên nhân chủ quan và cũng là nguyên nhân chính. Theo đó, trong khi sản lượng khai thác dầu thô trong quí 1-2017 chỉ đạt 3,4 triệu tấn, thì con số này của cùng kỳ năm 2015 và 2016 lần lượt là 4,2 và 4 triệu tấn. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, nếu sản lượng khai thác dầu thô đạt mức của cùng kỳ các năm trước thì GDP quí 1 năm nay có thể đạt tới 5,9%.

Có hai nguyên nhân ảnh hưởng đến sản lượng khai thác của năm nay. 

Thứ nhất, Chính phủ đang chủ động đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chủ yếu khai thác tài nguyên thiên nhiên sang các ngành sản xuất kinh doanh mà không cần phải khai thác tài nguyên. Do đó, kế hoạch khai thác của tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trong năm 2017 sẽ chỉ ở mức 12,3 triệu tấn, thấp hơn so với con số thực hiện 15,2 triệu tấn của năm 2016 và con số 16,7 triệu tấn của năm 2015. 

Thứ hai, đó là sự tăng giá của giá dầu mỏ thế giới. Dự toán giá dầu của Bộ Tài chính trong cân đối ngân sách 2017 chỉ ở mức 50 đô la Mỹ/thùng, trong khi đó, giá dầu bình quân trong quí 1-2017 ở mức 53 đô la Mỹ/thùng. Do đó, theo số liệu của PVN thì trong quí 1-2017, tập đoàn này đã hoàn thành vượt mức từ 4-16% kế hoạch tất cả các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh, hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra các chỉ tiêu tài chính. Do đó, PVN đã phần nào chủ động hạn chế sản lượng khai thác.

Nguyên nhân khách quan một phần đến từ sự sụt giảm của ngành công nghiệp chế biến và chế tạo. Theo nhận định của hãng tin Bloomberg, thì việc tập đoàn Samsung cắt giảm sản lượng sản xuất điện thoại và các thiết bị điện tử do ảnh hưởng của sự cố Galaxy Note 7 là một trong nhiều nguyên nhân tác động trực tiếp đến tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp. Tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp và xây dựng trong quí 1-2017 chỉ ở mức 4,17%, thấp hơn nhiều so với con số 8,74% và 7,16% của năm 2015 và 2016.

Vai trò của chính sách tiền tệ và tài khóa đang ở đâu?

Chính sách tiền tệ phần nào đang thể hiện được vai trò của mình. Trong khi đó, chính sách tài khóa dường như đang lặp lại điệp khúc “thừa tiền mà không dám tiêu”.

Xét trên phương diện tổng thể nền kinh tế thì các yếu tố trên cũng chỉ là hệ quả của chính sách tiền tệ và tài khóa. Trong khi chính sách tài khóa mang tính dẫn dắt, định hướng đầu tư vào các dự án, các ngành kinh tế thì chính sách tiền tệ có vai trò điều tiết cung và cầu tiền nhằm đảm bảo tất cả dự án đầu tư có tính khả thi thì đều được tài trợ vốn. Do đó, sự phối hợp đồng bộ và hiệu quả của hai chính sách này có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế tăng trưởng theo đúng định hướng.

Chính sách tiền tệ phần nào đang thể hiện được vai trò của mình.


Tín dụng ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất trong sáu năm trở lại đây, với mức tăng 2,81% trong quí 1-2017. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay trên thị trường 1 được duy trì ổn định từ đầu năm 2017 đến nay trong bối cảnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng cao. Điều này cho thấy khả năng hấp thụ vốn của người dân và doanh nghiệp đang được cải thiện rõ rệt. Việc tiếp cận với nguồn vốn tín dụng đã trở nên dễ dàng hơn nhiều, theo đó, ngành ngân hàng hiện nay không còn dành phần lớn sự quan tâm vào tài sản đảm bảo của khách hàng là gì mà thay vào đó là phương án kinh doanh, tính khả thi của dự án mà doanh nghiệp sẽ đầu tư.

Bên cạnh đó, hoạt động tín dụng tiêu dùng (cả thế chấp và tín chấp) đã đạt mức tăng trưởng kỷ lục 49% trong năm 2016. Nhiều sản phẩm cho vay tín chấp đã được triển khai, trong đó, hoạt động cho vay của các công ty tài chính đã góp phần giúp người dân có cơ hội cải thiện chất lượng cuộc sống cũng như trình độ chuyên môn thông qua các sản phẩm cho vay du học hay cho vay mua các thiết bị điện tử… Với những kết quả thành công đó, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 16/2017/NĐ/CP giao cho Ngân hàng Nhà nước là cơ quan xây dựng chỉ tiêu lạm phát hàng năm thay vì nhiều cơ quan khác nhau cùng tham gia như trước đây.

Trong khi đó, chính sách tài khóa dường như đang lặp lại điệp khúc “thừa tiền mà không dám tiêu”.

Thực trạng này đã diễn ra trong cả năm 2016 khi giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản ở mức thấp, chỉ đạt 89,8% so với kế hoạch và thấp hơn con số 92,8% của năm 2015. Nguyên nhân chính là tâm lý “e ngại, sợ trách nhiệm” của không ít bộ, ngành và địa phương trong việc triển khai các thủ tục đầu tư. Với tâm lý này thì mới đây, người đứng đầu Văn phòng Chính phủ đã phải thốt lên rằng thời gian gần đây Chính phủ phải họp rất nhiều do các bộ và địa phương đã “chủ động” đẩy việc lên Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Và xem ra diễn biến này chưa có dấu hiệu được cải thiện trong năm 2017 khi giải ngân nguồn vốn từ khu vực nhà nước trong quí 1-2017 chỉ đạt mức tăng 4,9%, thấp hơn so với kết quả cùng kỳ của năm 2015 và 2016.

Nếu thực trạng trên không được cải thiện thì mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2017 ở mức 6,7% là rất thách thức. Để đạt được mục tiêu đó thì trong chín tháng còn lại của năm 2017, tăng trưởng GDP phải đạt mức 7%, theo nhận định của Tổng cục Thống kê. Muốn vậy thì cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa từ phía chính sách tài khóa, mà đứng đầu là các bộ như Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương…


http://www.thesaigontimes.vn/158717/Ly-giai-vi-sao-GDP-qui-1-tang-truong-thap.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét