Chủ Nhật, 23 tháng 4, 2017

(1) Về xứ Bắc: “Hà Nội không vội được đâu!”

Về xứ Bắc: “Hà Nội không vội được đâu!”
Đặng Mỹ Hạnh - Chuyến bay của Japan Airlines tới trễ, Hà Nội luôn ngủ muộn. Lần đầu đến Hà Nội, tôi ngắm đường phố Hà Nội nhưng chẳng tưởng người dân ở đây có một cuộc sống an lành. Ừ, mà chẳng thể an lành được, bởi đất Hà Thành chỉ khiến người dân kham khổ để chống đỡ những cơn lũ. Năm nào cũng vậy, việc trị thủy của đất kẻ chợ 4000 năm vẫn chẳng đến đâu mà phải chờ mãi sau này người Việt mới có thể xây dựng thủy điện Sông Ðà để chế ngự thiên nhiên. Sự lệ thuộc vào thiên nhiên khiến người dân xứ này càng trầm mình bảo thủ.
Cổ loa
Nước da ngăm ngăm đen, “Nghiêm Chỉnh” đã “đèo” tôi rong ruổi khắp cái xứ Bắc kỳ. Anh bạn có cái tên đầy “cách mạng tính” lại làm tôi liên tưởng đến tay xà ích Ấn Ðộ trên chuyến xe Malabare của những đại lộ thời Pháp thuộc. Nhà anh Nghiêm Chỉnh tuy chẳng phải dân Hà Nội gốc nhưng đã hòa nhập vào xứ kinh kỳ cũng được vài đời. Tôi chẳng bật cười lắm khi tên của anh ta là Nghiêm Chỉnh và bố là Nghiêm Chuẩn.

Quê Chỉnh ở miệt Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, xứ Cửu Chân xưa kia núi non cách trở. Dân vùng ấy vốn sống tách biệt nên địa phương tính cao, nên nề hà chuyện vùng miền. Quan lại xưa kia ở vùng này cũng giống như vua một cõi. Anh cũng thực tình trả lời tôi về cái thời ông của anh “giác ngộ” nên đặt tên cho mọi người toàn những tên có cách mạng tính cao như vậy! Hẳn những cái tên như một sự nhắc lại về cái thời mà Việt Nam sau mấy ngàn năm lậm trong giáo điều Lão Khổng đã vơ vội bất kỳ những thứ gì mà họ cho là lý tưởng tuyệt đối. “Tam Tứ Ðại Ðồng Ðường”- điểm chung của hầu hết các gia đình Hà Nội ngày ấy, ba bốn thế hệ với nhiều chuẩn giá trị song song tồn tại.

Hàng hoa ở ngõ Cầu Gỗ

Xưa kia, ông của Chỉnh mà giờ không còn ai nhớ tên tục và ngày tháng năm sinh có kể lại ông bà là người xứ Ðàng Trong, theo quân Tây Sơn ra Bắc mà ở lại đấy. “Dân xứ đấy giờ vẫn giữ một giọng nói khang khác với dân Thăng Long tứ xứ. Mà cũng nhân tiện đây kể về việc tứ xứ của Thăng Long xưa kia gồm Ðông, Ðoài, Sơn Nam, Kinh Bắc. Xa hơn nữa lên phía Bắc là miệt viễn biên Cao Bằng, Phủ Lạng Thương hay tới Lào Kay là nằm xa ngoài rồi, xứ Ðoài cũng chỉ tới Hà Tây, Vĩnh Phúc, Phú Thọ nơi đất của kinh đô Văn Lang xưa chứ nằm bên kia Ba Vì, Tản Viên xa quá cũng không được tính là Ðoài. Sơn Nam thì cũng chỉ tới Ninh Bình, Nam Ðịnh chứ không hơn. Còn xứ Ðông thì tới Hải Dương, Hưng Yên mà nơi Phố Hiến đã từng là thương cảng nổi tiếng ngày xưa. Phố Hiến giờ cũng đã nằm sâu trong đất liền.” Anh Nghiêm Chỉnh, có thể thao thao hàng giờ liền như một “nhà Hà Nội học” thực thụ, anh thành thục các lễ khấn, anh đeo chéo một chiếc túi như những thanh niên thời thượng nhưng vẫn có thể nhấm nhẳn một chút thói gia trưởng của đàn ông xứ Bắc. Anh huyên thuyên về những huyền thoại của đất Hà Nội, nhưng cũng có thể tự mỉa mai “Hà Nội không vội được đâu”.

Mũ nồi, quần trắng, giày tây – Cắt tóc vỉa hè bên bức tường rêu đổ nơi đường Quốc Tử giám

Cái xứ Bắc kỳ chịu ảnh hưởng sâu sắc hơn nhiều của văn hóa Pháp và Nam Âu với những hàng cây râm mát chạy dọc con phố Phan Ðình Phùng, nó khác hẳn xứ Trung kỳ bảo hoàng và Nam kỳ hòn ngọc viễn đông xưa kia. Ngồi ở quán café độc vị, tôi có thói quen để mắt đến những chiếc Vespa mang biểu tượng của hãng xe Piaggio Italia chạy tà tà trên những phố xá. Vào những năm 1980, Hà Nội đã có nhiều xe máy hơn, chủ yếu là những xe cũ được đưa từ miền Nam ra. Sở hữu một “con” Honda 67 là một tài sản không nhỏ. Ba mươi năm trước, những chiếc xe đạp tạo nên đặc trưng của Hà Nội.

Góc ký họa trên lối đi bộ ven hồ Gươm

Nhưng với giấc ngủ trưa dài và tinh thần “trầm ngâm câm lặng chờ sổ hưu” của người Hà Nội, tôi chợt mường tượng về quá khứ của nạn kiêu binh mà người dân Thăng Long tứ xứ phải trải qua. “Sự nghi kỵ của triều đình nhà Nguyễn khi hầu hết các quan trấn Bắc thành là người xứ Quảng như Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu, cái thời mà triều đình trung ương Huế vẫn coi người dân xứ Hà thành là con cháu nhà Lê. Chính vì thế mà khi Pháp tấn công thành Hà Nội thì người dân Hà Nội cũng khá thờ ơ, và triều đình phải vời quân cờ đen Thái bình thiên quốc của Lưu Vĩnh Phúc quấy phá người Pháp.” Chàng Chỉnh vẽ lại một mảng màu phức tạp về lịch sử, nó cứ như một tấm mosaic đầy tâm tư của người dân xứ Bắc vậy.

100 năm hoen gỉ – con cầu Doumer vẫn “lao mình” trên các tuyến hỏa xa!

Trong ký ức của những thế hệ xưa, đi kèm với những viên gạch giữ chỗ xếp hàng, những can dầu hôi rình giấu nơi một góc khuất nào đó. Hà Nội nhọc nhằn như những câu chuyện về cái thời bao cấp xếp hàng mua nhu yếu phẩm gia đình. Với vải vóc phân phối, trong một thế giới trang phục cùng màu, “cả nước” ăn mặc gần như giống nhau! Cái máu của sự khốn khó vẫn còn đọng lại trong nếp nghĩ của người dân Hà Nội. Họ có khả năng cải tiến, tích lũy, tái sử dụng đa dạng một đồ vật nhiều thứ. Người Bắc bộ cũng có tính giống như người Di-gan ở châu Âu, họ có thể dùng một đồ vật cho nhiều mục đích sử dụng, họ ít vất đi thứ gì. Cũng hẳn vì thế mà người xứ Bắc tích lũy, tằn tiện hơn nhiều những người dân Nam bộ vốn trù phú về sản vật.

Một chốn “lui tới” của giới trẻ đất Hà thành ở Đào Duy Từ.

“Tôi cho rằng nỗi đau của hàng ngàn năm quan lại phong kiến hách dịch và gần đây là bao cấp chỉ làm hằn thêm nếp suy nghĩ này”, chàng Nghiêm Chỉnh và cái thói quen rít điếu Việt Nam Tàn Bạo – Vinataba như khói hỏa xa. Anh có thể nói ra những điều tưởng chừng là đúng đắn nhưng cũng có thể tự AQ chính mình về những điều phi lý.

Ngay như ở xứ Huê kỳ này thì tôi cũng có thể hình dung những tập tính hàng ngàn năm hiển hiện ở cộng đồng người Hoa, China town vẫn luôn hàm nghĩa cả một khu phố có màu nhếch nhác, bẩn thỉu và những hủ tục cộng đồng cổ lỗ. Khu Chợ Lớn quận 5 Sài Gòn cũng vẫn chưa thoát khỏi tư duy này, khi cộng đồng người Hoa vẫn có sự vô thức trong tư duy sống tạm và tích lũy. Người dân ở Hà Nội cũng vậy, ở nơi đây cũng còn có thể gặp những người từng trải qua thời kỳ bao cấp, và những “chất đủ đống đồ lỉnh kỉnh” trong nhà mà chẳng bao giờ sờ tới.

Nón cối và “xích lô du lịch”

Diện mạo của một Hà Nội Cũ và Mới, sự thiếu hiểu biết về thế giới khiến cho đời sống ở đây dường như vẫn diễn ra bình thường. Nhưng những cái giá của công cuộc phát triển toàn cầu hóa: “giao thông ùn tắc”, không khí ô nhiễm, và các vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm…

Ðôi mắt và ống kính, là cách tôi tiếp cận với “mảnh đất hóa tâm hồn, tâm tư của một thời”. Nếu trong những vùng đất tôi đi qua ở Việt Nam, Hà Nội dẫu với dấu ấn thời gian nhưng trong tôi, vẫn chẳng là những lưu luyến. “Với cộng đồng expat, tức những người nước ngoài làm việc ở Việt Nam, chia sẻ thì, bạn có thể mất một ngày để yêu Sài Gòn nhưng bạn cần một tuần để yêu Hà Nội.” Là Chỉnh nói, cứ như là “cái sự yêu dành cho Hà Nội nó cũng sẽ trở nên sâu sắc hơn rất nhiều.” Doumer, toàn quyền Ðông Dương thời kỳ xưa hẳn còn muốn gọi Hà Nội bằng cái tên Delila yểu điệu quyến rũ vì nó gần hơn với cái tên Ðại La hay La Thành thời cổ xưa.

Những trái khóm, trái cam trên những chiếc xe đạp bán rong sờn lốp

Anh Nghiêm Chỉnh kể với tôi rằng, vào cái thời kỳ của vương triều cũ thì con sông Tô Lịch uốn quanh đất La Thành cổ này là con đường du ngoạn bằng thuyền của các đấng vương tôn công tử hay các cung tần, công chúa. Có thời kỳ con sông Tô Lịch này nước tối ngầu, đặc ken toàn rác và nước thải mà mùi của nó thì thật kinh khủng. Giai thoại cũ của Hà Nội kể rằng, nếu ai lỡ bị rơi xuống sông Tô Lịch thì sẽ chết vì ngộp thở và ngộ độc không khí trước khi có thể bơi vào bờ! Hẳn nhiên, con sông Tô Lịch nay đã khác xưa và dần thay da đổi thịt với những bờ kè ven sông, nhưng nó vẫn quần tụ cái sự hổ lốn nhếch nhác của sự ồn ào mà Hà Nội muốn hay không muốn thoát ra.

Đoàn ăn hỏi trên xích lô ở con phố Đinh Tiên Hoàng

Trong suốt lịch sử, mật độ đô thị ở đồng bằng châu thổ sông Hồng luôn nằm trong top 10 thế giới. Ngay như đối với người Việt Nam, thì một công hay một sào Bắc bộ chỉ là 360 m2 nhưng tới Trung kỳ thì đã là 500 m2, còn tiến về phía Tây nguyên hay Nam bộ thì một công đất được “chuẩn hóa” là 1000 m2. Tất nhiên những người dân ở xứ Việt họ vẫn quen đo thô sơ bằng tay nên nếu đất của họ chỉ dốc 30 độ thì diện tích thực đã bị hao hụt mất một phần tư.

The little Boulevard – Phố cổ xưa trong quá trình 
giao thoa hóa với văn minh Tây phương

Nghe người Hà Nội cũ kể về Hà Nội, tôi chừng như ám ảnh. Hẳn chẳng có một nơi nào trên thế giới mà có Tục Bốc Mộ kinh khiếp như ở đồng bằng châu thổ sông Hồng. Cũng như cách người ta kinh khiếp với tục thiên táng hay điểu táng của người xứ Tây Tạng. Nhưng tục bốc mộ xuất phát từ một thực tế là diện tích đất canh tác ở vùng đất này tính theo đầu người rất thấp, nên họ đã phải đào huyệt lên để bốc xương người đã khuất cho vào cái tiểu nhỏ hơn rồi chôn lại.

Rock vỉa hè đêm phố cổ ở Lương Ngọc Quyến

Một chiều giữa Hà Nội phù hoa, tôi chợt hình dung về một Hoàng Diệu tuẫn tiết trong tiếng pháo rền vây hãm của người Pháp… Vẫn cảm giác một Hà Nội khó thể vùi dập bởi ký ức, như những lỗ hổng đạn pháo còn khắc lại trên thành Cửa Bắc của Hà Thành.

Tác giả và một góc quán café Hà Nội

ÐMH
Facebook: https://www.facebook.com/hanhphoto
http://baotreonline.com/ve-xu-bac-2/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét