Thứ Hai, 24 tháng 4, 2017

Không những quá đáng và vô lý mà còn “bỉ ổi”

Không những quá đáng và vô lý mà còn “bỉ ổi”
Những ngày qua, dư luận cả nước dồn về điểm nóng Đồng Tâm. Báo lề phải, lề trái, các trang mạng xã hội liên tục đưa tin. Thông tin thật giả lẫn lộn không biết đâu mà lần. Đúng sai đến nay chưa phân rõ, chính quyền nói người dân sai, người dân nói chính quyền sai nhưng vẫn tuyệt đối tin tưởng vào chính sách và đường lối của Đảng và nhà nước. Thôi kệ Đồng Tâm đi, tin Đảng và nhà nước thì cứ để Đảng và nhà nước giải quyết. Muốn biết kết cục, hạ hồi sẽ rõ.
Văn bản gây bất ngờ của UBND huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) khi yêu cầu giáo viên phải nghỉ dạy trong lúc mùa thi của học sinh đang đến gần.

Có một chuyện khác cũng liên quan đến đất, không ồn ào, phức tạp như ở Đồng Tâm, Lai Châu hay Bắc Ninh nhưng bản chất cũng là cướp đất của dân. Nó nhẹ nhàng và bỉ ổi không kém các vụ khác - chuyện ở Hải Phòng.

Báo Dân trí số ra ngày 20/4/2017 đưa tin, hàng loạt giáo viên của các trường học trên địa bàn huyện Vĩnh Bảo (Hải phòng) đã bị yêu cầu nghỉ dạy để về nhà vận động gia đình bàn giao mặt bằng bằng phục vụ thi công quốc lộ 10. Nếu gia đình nào chưa bàn giao thì giáo viên ấy chưa được quay lại làm việc – văn bản số 117/TB – UBND ngày 14/4/2017 của UBND huyện Vĩnh Bảo.

Cũng vấn đề trên, báo Pháp Luật TP. HCM dẫn lời một giáo viên cho biết: “Huyện dùng vấn đề thi đua để ép chúng tôi bàn giao đất là quá đáng và vô lý, chúng tôi thấy việc bồi thường giải phóng mặt bằng không minh bạch, nên yêu cầu huyện giải thích hợp lý”. Đồng thời tờ báo còn cho biết thêm, không chỉ có giáo viên, những gia đình thuộc diện giải tỏa có con cái là người thân làm công an, bộ đội, sinh viên cũng được cho nghĩ việc để vận động gia đình bàn giao mặt bằng.

Đọc những thông tin trên mà uất ức, đau đớn. Để lấy đất của dân, để đạt được mục đích, chính quyền áp dụng mọi biện pháp và không chừa một thủ đoạt nào, kể cả trò bỉ ổi, vô sĩ nhất. Việc làm của quan chức huyện Vĩnh Bảo không những sai luật mà còn thể hiện sự quan liêu, cửa quyền. Nạn nhân của họ không trừ một ai. Xin hỏi ông bí thư huyện Vĩnh Bảo điều luật nào cho phép các ông làm như vậy mà ông dám khẳng định việc ra văn bản yêu cầu giáo viên, cán bộ nghỉ việc về nhà vận động gia đình bàn giao đất là: “Không vi phạm và hoàn toàn đúng quy định…”

Quá chán với cái điệp khúc “đúng quy định, đúng quy trình”. Đường đường là một bí thư huyện, sự việc sai chình ình ra đó nhưng vẫn nói ngơ ngơ “hoàn toàn đúng quy định”. Quy định nào? hay là quy định của các ông định ra. Nếu giáo viên không vận động được gia đình bàn giao đất họ sẽ thế nào?

Việc lãnh đạo huyện Vĩnh Bảo ra văn bản ép giáo viên như vậy chỉ là trò cũ diễn lại. Cách thức này tuy không mới vì trước đây đã từng có nhiều địa phương áp dụng, ví dụ như năm 2012 ở Vụ Bản (Nam Định), năm 2014 ở Hiệp Hòa (Bắc Gian).Và không biết trò nay còn được diễn đi diễn lại đến bao giờ.

Đừng nhân danh tổ chức, tập thể để ép buộc cá nhân, bắt họ phải hi sinh quyền lợi của mình để lấp đầy túi tham của của mấy vị. Nói thật, đất của dân thu hồi làm đường, đường làm cũng từ tiền thuế của dân. Đường làm xong xây trạm thu phí. Đất nông nghiệp thu hồi bàn giao cho doanh nghiệp, song san nền và bán qua tay với cái giá gấp hàng chục, thậm chí hằng trăm lần giá đền bù. Hỏi, ai không bức xúc, ai không giận giữ?

Có thời nào mà cán bộ lại lộng hành, ngang ngược, lộng ngôn như thời nay. Coi dân là cỏ, pháp luật là khoai. Dùng quyền lực của mình để ép người khác phải làm theo ý mình để trục lợi nhưng lại nhân danh tổ chức, nhân danh nhà nước. Chính quyền huyện Vĩnh Bảo thừa biết rằng, giáo viên, cán bộ vì công việc, vì miếng cơm manh áo sẽ chấp nhận im lặng, cuối đầu trước bất công nên mới ra văn bản để ép buộc. Nếu họ không tuân thủ hay lên tiếng phản đối có thể bị kỷ luật, thậm chí bị mất việc. Quá chi là bỉ ổi.

Các giáo viên, công chức, viên chức thậm chí là cả bộ đội, công an bị ép buộc, bức xúc là thế nhưng tuyệt không thấy cái hội nào lên tiếng cho quyền lợi của họ. Tổ chức công đoàn, đại điện và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động cũng im lặng. Ngài tư lệnh ngành giáo dục cũng im luôn.

Mấy ngày trước ông Phó giáo sư, tiến sĩ Phan Xuân Mai – nguyên Trưởng khoa kỹ thuật giao thông, Đại học Bách khoa Tp. HCM, tuyên bố hùng hồn: “đánh vào kinh tế để người dân bỏ xe máy”. Và chính quyền huyện Vĩnh Bảo cũng dùng cách đánh vào công việc của giáo viên, cán bộ để ép họ phải thuyết phục gia đình, người thân giao đất. Sao mà chúng nó nghĩ và làm giống nhau đến thế. Phải chăng bản chất là vậy?

Khốn thay, những giáo viên đó hôm trước chưa từng, không dám lên tiếng trước những bất công của đất nước mà cụ thể là trước những vụ cưỡng đoạt đất. Hôm nay chính họ là nạn nhân, và rồi cũng chỉ biết im lặng, ngậm đắng nuốt cay.

Với giáo viên, công chức, viên chức nhà nước còn bị đối xử như thế thì hạng dân đen xem ra gì. Vậy nên chuyện ở Đồng Tâm đừng mong một cái kết có hậu. Bài học từ Tiên Lãng, Văn Giang, Dương Nội, Long An… vẫn còn rất mới.

Cứ nói rằng, nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trước pháp luật mọi người điều bình đẳng, không ai được đứng trên pháp luật. Nhưng thực tế lại có vô khối kẻ “ngồi xổm trên pháp luật”.

Thiên Luân

1 nhận xét: