Đại biểu Quốc hội vỡ oà sau cuộc đối thoại với dân Đồng Tâm
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân: ôi cho rằng có hai vấn đề cần đặt ra. Thứ nhất, phải phân loại các loại đất, đất an ninh quốc phòng, công trình công cộng phải công bố rộng rãi cho toàn dân biết. Thứ hai là, đất phục vụ mục đích kinh tế có lợi nhuận thì phải sòng phẳng lợi ích với nhân dân, không thể giao đất cho các doanh nghiệp mà không có sự thỏa thuận với nhân dân theo giá thị trường. Thế nên phải khẩn trương xây dựng cơ sở pháp lý tạo dựng thị trường quyền sử dụng đất. Giải quyết việc ấy thì xung đột mâu thuẫn về đất đai hạn chế rất nhiều và tiến tới chấm dứt.
Ông Lê Thanh Vân viết tặng ông Phạm Xuân Triển -
nguyên Bí thư Thị ủy Hải Dương 4 chữ "Công bộc vĩnh xương".
Dân trí: Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, nói rằng niềm vui trong ông vỡ oà trước kết quả buổi đối thoại giữa Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung với bà con nhân dân Đồng Tâm và khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát quá trình giải quyết sự việc này. Thôn Hoành bình yên trở lại sau gần 10 ngày “dậy sóng” / Nhân dân Đồng Tâm phấn khởi sau tuyên bố của Chủ tịch TP Nguyễn Đức Chung
- Là đại biểu Quốc hội đầu tiên lên tiếng, cho rằng Chủ tịch UBND TP Hà Nội cần phải sớm đối thoại với người dân xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức), ông đón nhận kết quả buổi đối thoại ngày 22/4 với tâm trạng như thế nào?
Tôi đã theo dõi sự kiện xảy ra ở Đồng Tâm ngay từ đầu và luôn theo dõi, bám sát diễn biến, tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin. Sau khi chia sẻ của tôi được đưa lên trang Facebook cá nhân, nhiều báo viết bài phản ánh, tôi đã nhận được rất nhiều cuộc điện thoại, nhắn tin của người dân trên cả nước, trong đó có không ít người ở Đồng Tâm.
Chính vì thế kết quả cuộc đối thoại của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung với người dân Đồng Tâm ngày 22/4, khiến niềm vui trong tôi vỡ oà. Tôi đánh giá cao tập thể Thành ủy - UBND TP Hà Nội mà đại diện là ông Nguyễn Đức Chung với tinh thần cầu thị, dám đối mặt với sự thật, tuy hơi chậm nhưng có kết quả tốt đẹp.
Tôi mong rằng ở những “điểm nóng” khác trên cả nước những người lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền địa phương cũng có cách xử lý thế. Nước là Dân, Dân cũng là Nước, Dân thắng là Nước thắng thì sẽ không còn tình trạng gây căng thẳng giữa chính quyền với nhân dân nữa.
Qua việc này, tôi cũng muốn ở cấp chính quyền địa phương phải tăng cường đối thoại với nhân dân thường xuyên hơn. Nghị quyết của Đảng đã có rồi, cấp ủy chính quyền phải thường xuyên nắm bắt tâm tư, sửa đổi lề lối để gần dân hơn nữa thì mối quan hệ giữa nhà nước với nhân dân sẽ gắn chặt hơn.
Nắm bắt mọi vấn đề phản ánh, tâm tư nguyện vọng của nhân dân hơn thì đấy mới là nhà nước của dân, do dân, vì dân. Đấy là điều tôi mong muốn nhất.
Có điều chắc chắn rằng tôi và dư luận vẫn sẽ theo dõi những diễn biến tiếp theo về chuyện ở Đồng Tâm.
- Ông quan tâm, theo dõi những vấn đề nào trong quá trình giải quyết sự việc này?
Hà Nội đã quyết định thanh tra quá trình quản lý, sử dụng đất trong vòng 45 ngày. Theo quy định về trình tự giải quyết khiếu nại, tố cáo thì hiện nay đang trong tay của chính quyền Hà Nội. Nhưng tôi cho rằng nếu để giải quyết rốt ráo cần sự vào cuộc của những cơ quan hữu quan ở Trung ương như Bộ Quốc phòng, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Để có thể thanh tra toàn diện như chủ trương Hà Nội nêu, đảm bảo tính khách quan, minh bạch, rõ ràng với người dân và dư luận cả nước.
Tại sao đất đấy giao từ năm 1980, đã qua chuyển đổi nhiều lần sử dụng không rõ mục đích?. Nếu đúng như báo chí phản ánh thì mấy chục năm qua chỉ có chuyện chuyển đi chuyển lại, đất không dùng vào mục đích nào. Câu hỏi đặt ra là công tác quy hoạch không có hiệu quả là quy hoạch treo, gây thiệt hại là đất không được sử dụng - lẽ ra chí ít cũng phải được sử dụng vào mục đích nông nghiệp cho nông dân cấy cày - thì ai chịu trách nhiệm.?
Vấn đề thứ hai, ranh giới khu đất tới đâu, mấy chục năm qua thay đổi tới đâu khiến cho nhập nhèm giữa đất quốc phòng với đất nông nghiệp, để cho một số kẻ cầm quyền lợi dụng trục lợi mà TP Hà Nội đã đưa ra truy tố xét xử? Chính ranh giới mập mờ như vậy, nên một số kẻ tham lam "đục nước béo cò", khiến dư luận nhân dân Đồng Tâm bức xúc, tạo thành tâm lý căng thẳng.
Vấn đề thứ ba là thủ tục trình tự, cơ sở pháp lý bắt người dân ở cánh đồng đã được giao cho cơ quan có thẩm quyền làm rõ, nhưng tôi cho rằng phải kiểm điểm thật nghiêm, xử lý nghiêm minh những kẻ đã lạm dụng pháp luật. Về mặt Nhà nước thì những kẻ nào lạm dụng quyền hành để bắt người không đúng thủ tục, thiếu cơ sở pháp lý thì phải trừng trị nghiêm minh hơn người dân. Pháp luật quy định đấy là những chủ thể có tình tiết tăng nặng vì nắm bắt pháp luật, hiểu biết pháp luật nhưng cố tình vi phạm thì phải xử lý nghiêm minh để ngăn chặn tình trạng lạm dụng công quyền gây ra bức xúc cho nhân dân.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung vui vẻ bắt tay đại diện lãnh đạo, nhân dân xã Đồng Tâm sau buổi đối thoại (Ảnh: Quang Phong)
-Theo ông, câu chuyện xảy ra ở Đồng Tâm đặt ra những vấn đề nào cần giải quyết trong thời gian sắp tới?
Từ chuyện ở xã Đồng Tâm, tôi cho rằng tranh chấp, mâu thuẫn giữa người dân với chính quyền về đất đai phải được giải quyết căn bản bằng cách sửa đổi lại chính sách đất đai hiện nay.
Nếu tiếp tục duy trì quyền sở hữu toàn dân về đất đai thì khó giải quyết tranh chấp ấy, bởi vì sở hữu toàn dân thì giải quyết về mặt chính trị rất tốt, nhưng thể chế hóa bằng pháp luật lại là do nhà nước làm đại diện. Nhà nước cũng là một tập thể, chủ thể không xác định được con người cụ thể nên đã trao cho quyền cá nhân không chỉ là những người có thẩm quyền ký các quyết định đất đai mà cả bộ máy tham mưu nữa. Tập hợp những cá nhân đấy nếu cái tâm không sáng, không vì nước vì dân thì tài sản công sẽ dễ bị biến thành tài sản tư.
Chính vì thế, tôi cho rằng có hai vấn đề cần đặt ra. Thứ nhất, phải phân loại các loại đất, đất an ninh quốc phòng, công trình công cộng phải công bố rộng rãi cho toàn dân biết, tôi tin dân chúng sẽ ủng hộ.
Thứ hai là, đất phục vụ mục đích kinh tế có lợi nhuận thì phải sòng phẳng lợi ích với nhân dân, không thể giao đất cho các doanh nghiệp mà không có sự thỏa thuận với nhân dân theo giá thị trường.
Thế nên phải khẩn trương xây dựng cơ sở pháp lý tạo dựng thị trường quyền sử dụng đất. Có như vậy mới coi quyền sử dụng đất như một thứ hàng hóa và trao đổi bình đẳng theo cơ chế thị trường. Giải quyết việc ấy thì xung đột mâu thuẫn về đất đai hạn chế rất nhiều và tiến tới chấm dứt.
- Chuyện ở Đồng Tâm một lần nữa cho thấy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ở địa phương. Theo ông cần phải quy trách nhiệm đối với những người đứng đầu lười tiếp dân, thiếu trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại tố cáo, đối thoại với người dân, để xảy ra “điểm nóng”?
Đúng như vậy. Tôi nhắc lại, mối quan hệ giữa nhân dân với chính quyền là quan hệ cá - nước, cá không có nước không sống được, nước không có cá thì nước không có tác dụng. Quan hệ đó phải thường xuyên gắn bó qua đối thoại, khi có dấu hiệu điểm nóng thì người đứng đầu chính quyền phải xuống đối thoại để trực tiếp xử lý vấn đề xảy ra theo thẩm quyền của mình ngay tại chỗ, gỡ được nút thắt giải quyết được khiếu kiện kéo dài, tránh việc đùn đẩy giải quyết lên trung ương như hiện nay.
Trong đó cần phải đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cấp. Chúng ta đã trao cho họ thẩm quyền thì phải gắn với trách nhiệm. Ở đâu có khiếu kiện, tố cáo kéo dài, mâu thuẫn, bất ổn thì người đứng đầu cấp ủy chính quyền ở đấy trước hết phải chịu trách nhiệm. Có như vậy người ta mới xả thân gắn bó, dám nghĩ dám làm vì dân.
Muốn được thế thì phải thay đổi công tác cán bộ, chọn được người có năng lực, thực tâm, thực tại. Thực tâm là biết lắng nghe nhân dân, biết thương xót nỗi đau nhân dân. Thực tại là nắm chắc pháp luật, nắm chắc chủ trương, hiểu biết để khi có vấn đề đặt ra trực tiếp giải quyết, kịp thời phúc đáp nhân dân ngay lập tức.
Thẩm quyền của người đứng đầu là Chủ tịch UBND phải nắm chắc pháp luật để có thể giải quyết ngay lập tức theo thẩm quyền, luật pháp quy định rồi nhưng năng lực của cán bộ không làm được việc đó, đùn đẩy cho bộ máy tham mưu hết cấp này cấp khác, nên không giải quyết dứt điểm được. Chính vì thế mà phẩm hạnh năng lực cán bộ quan trọng lắm.
- Xin cảm ơn ông!
Đại biểu Quốc hội phải chủ động lên tiếng
Theo ông Lê Thanh Vân, hoạt động giám sát của Quốc hội, phải căn cứ vào quy định Luật hoạt động giám sát của Quốc hội. Chính vì thế, Quốc hội giám sát theo tầng lớp, thẩm quyền. Đối với những sự việc diễn ra ở địa phương thì trước hết, Hội đồng nhân dân các cấp theo thẩm quyền của mình phải thực hiện giám sát trước tiên; đến khi Quốc hội giám sát phải tuân theo trình tự quy trình, phân cấp phân quyền rõ ràng.
“Với đại biểu biểu Quốc hội, tôi cho rằng không chỉ đại diện cho đơn vị bầu cử, mà phải căn cứ theo Hiến pháp, pháp luật: Dù bầu ở đâu thì liên quan tới quốc kế dân sinh, đại biểu Quốc hội phải chủ động lên tiếng"- ông Vân nói.
Thế Kha (thực hiện)
http://dantri.com.vn/xa-hoi/dai-bieu-quoc-hoi-vo-oa-sau-cuoc-doi-thoai-voi-dan-dong-tam-20170423085953095.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét