Chủ Nhật, 23 tháng 4, 2017

(2) Về xứ Bắc: Hà Nội nồi lẩu xứ Bắc

Hà Nội nồi lẩu xứ Bắc
Cái tên Thăng Long vốn đã gắn bó nơi đây được 1000 năm cho tới khi nhà Tây Sơn đổi tên thành Bắc Thành, và sau lại được vua Minh Mạng đổi thành Hà Nội dựa theo tên một địa phương nhỏ bé bên dòng Hoàng Hà Trung quốc. Thực tế thì triều đình nhà Nguyễn đã nỗ lực rất nhiều trong việc thứ yếu hóa vai trò của kinh thành này, đẩy Thăng Long xuống đô thị hàng tỉnh, đổi tên phủ Phụng Thiên thành Hoài Ðức.
Góc nhìn từ tầng 2 của cafe Mê Trang góc đường Đinh Liệt, 
Cầu Gỗ nhìn ra quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục
Tôi lẫn lộn trong bức tranh Ðông dương thời Pháp thuộc, thời Tự Ðức, thời bao cấp và cả thời hiện tại. Hà Nội trong tôi, dường như ngày càng trở nên quá tải. Bụi bặm và tiếng ồn. Những khúc quanh đỏ bụi và những gương mặt lo toan vặt vãnh. Cái chốn mà âm thanh dần trở nên dịu đi, không còn những tiếng rao, “bàn là, quạt cháy, máy bơm, công tơ, sắt thép,nồi cơm,bộ dàn, …” của người mua đồ cũ, tiếng xe máy, còi xe, và cả những huyên náo. Chỉ đấy là một Hà Nội về đêm. Còn Hà Nội của ngày, nơi nào cũng người là người, rác là rác, bụi là bụi… Hà Nội của những bất ổn và rối loạn, những nhô nhích xe cộ và người. Gã bạn Nghiêm Chỉnh thì chân chất rằng “Hà Nội, quả thực chưa đêm nào ngủ cả!”

Với những người Tây Âu và Bắc Mỹ, nơi họ lựa chọn sinh sống ở Hà Nội là mạn xóm Chùa nằm ở phía Bắc Hồ Tây. Và như anh Chỉnh nói thì nhóm trên xóm Chùa gần như có một sự “obsession” với khí hậu ở Hồ Tây, nơi có mặt nước và mật độ thưa, không khí thoáng đãng và tách khỏi những sự ồn ã của khách du lịch ồ ạt trong Phố cổ hay những con phố đầy còi xe, khói bụi và ngộp âm của những cái loa thùng hết cỡ.

Hà Nội bên lề một gánh hàng hoa

Cái khuất nẻo văn minh Tây phương ủ mình trong gió Tây Hồ. Nhóm người Hàn tụ tập ở khu Trung Hòa, Nhân Chính gần với tòa tháp Keangnam cao nhất Hà Nội. Những người Hàn này họ vẫn có sự ồn ã, túm tụm của dân châu Á nhiều hơn dân Tây Phương. Người Nhật thì lại chọn ở tản mạn khắp chốn yên tĩnh quanh Hà Nội. Gã bạn Chỉnh nói rằng nếu tôi có dịp trò chuyện với những người bạn Nhật ở đây, có thể thấy họ cũng có phần hạnh phúc với sự cởi trói phóng túng ở cái xứ sở Việt Nam này, khác hẳn trong những hòn đảo ở Nhật Bản nơi mà văn hóa gây hấn thụ động (passive aggressive) làm họ chịu khá nhiều áp lực. Và như những “sô vanh” ở Hà Nội hay nói về Hà Nội là nơi “khí thiêng hội tụ” thì chẳng lạ gì, ở đây người ta còn thần thánh hóa loài rùa trong totem giáo nguyên thủy đến mức độ đáng kinh ngạc. Và bạn có thể dễ dàng google ra hàng nghìn đầu báo xưng tụng “cụ Rùa”.

Khách du lịch độc bộ với bản đồ trên tay trong “mê cung Kẻ chợ”.

Cái thành đất ở Cổ Loa chẳng khiến tôi nhiều ngưỡng mộ. Sự u tịch trong am Mỵ Châu, huyền sử Cổ Loa Thành- ngọc trai mà máu của Mỵ Nương như một vết nhơ. Chiếc lông ngỗng, tấm thân nàng Mỵ không đầu giam mình bên sau những chấn song. Nhưng sự ồn ào của du khách Việt tại Cổ Loa thì tôi lại nhớ. Lạ thật!

“À, mà Mỹ Hạnh này, ta cũng có thể nhìn thấy những tàng thư lịch sử trong lòng đất, trong gió hồ, trong hơi thở, trong phong cách sống và tại những chốn am tịch thiền,” Hà Nội như cách chàng Chỉnh thi vị hóa thì để thấm cái sự chậm và trầm phải cần một thái độ khác vậy, giống như cách Trịnh Công Sơn ra ngồi với ly café và trầm tư Hà Nội. Nghe quá ư thanh kỳ!

Ẩm, ngột ngạt nóng, xoong nồi… Có thể thấy là sự trẻ hóa của đầu bếp hay phụ bếp nam, hình ảnh rất thường thấy ở những quán ăn ở Việt Nam thời này.

Dẫu thế nào, tôi vẫn thực yêu thích những quán cafe ở Hà Nội, nó có những điểm đặc trưng riêng biệt mà ít nơi nào có được. Có thể với nhiều người chọn những quán cafe cỏ, cafe cóc hay những cafe phố cổ, nhưng với những ai mới đến Hà Nội, hẳn nhiên sẽ thật bất ngờ với tập quán cafe cực kỳ đa dạng ở xứ sở này.

Sự thượng lưu của “văn hóa café” này khi xứ Bắc kỳ thuộc địa mở lối đường sắt sang Vân Nam, và cafe là một trong những thứ mà chỉ dành những người giàu ở vùng đất của dãy Tuyết sơn bên Tàu xưa. Những chuỗi cafe như Fresh Garden, Cộng Cafe, Gemini hay Urban Coffee thực sự đã đem lại những hương sắc mới với cách phục vụ trẻ trung, ân cần, như tôi biết thì các bạn trẻ cũng chỉ được trả 18.000 đồng/giờ trong một ca từ 6-8 tiếng. Ðó quả thực là mức lương chẳng nhiều nhặn gì với ngay cả những thường dân ở Hà Nội.

Tuyến đường sắt cộng sinh trong cộng đồng quần cư sát đường ray

Có lẽ, có lúc tôi đã phải tự quên, tự khép lại những trăn trở chỉ để tìm một khoảnh khắc thư thái trong không gian của một vùng đất từ bao năm nay vẫn luôn hỗn tạp. Và chỉ để cảm nhận một thoáng Hà Nội bên tách café và trang sách, có thể kể đến café sách Tranquil nằm trong một con hẻm ở đường Nguyễn Quang Bích. Những góc café lẩn khuất hay trên những boulevard còn sót lại. Sự hào hoa của những dãy phố Café luôn làm tôi phấn kích cũng tựa hình ảnh của những chiếc xe đạp thồ sinh kế với những giỏ hoa lớn, những “hàng hoa” sặc sỡ trôi trên phố xá. Cái nghèo mà lẫn với chất thơ, tôi nghĩ. Chàng Chỉnh thì cười khẩy, bảo chỉ ngửi được mỗi cái mùi nhọc nhằn!

Con phố Phùng Hưng, đặc trưng với những quán lẩu. Sự lên ngôi của đủ các loại lẩu mà thực chất nó đều na ná nhau, món ăn Hà Nội ở khía cạnh này thì quả thực là một thảm họa! Lại nhớ ở đầu trên con phố Phùng Hưng là một quán bánh đa cua khá nổi tiếng ở Hà Nội. Khi tôi kêu món bánh đa cua khô thì bà chủ quán do lầm với bát bánh đa nước, rồi bà chỉ chắt hết nước và múc thêm một chén súp riêng. Nhìn bát bánh đa cua khô vẫn sũng ướt những thớ đậu và bánh đa chèm bẹp. Sự thắc mắc của tôi được trả lời bằng ánh mắt khinh khỉnh của bà chủ quán. Hàng quán vỉa hè dẫu có ngon nức tiếng Hà Nội, có nơi, cũng chỉ ẩm ương sự thấp kém của cái gọi là “văn hóa Kẻ chợ”, hệt như tô bánh đa cua mà họ đã phục vụ cho thực khách vỉa hè vậy.

Cháo sườn ngõ Huyện, 25 ngàn/tô (1 đô 15 cent), món ăn ngon miệng bình dân ở một vỉa hè

Nghiêm Chỉnh có nói tôi về một quán “bún mắng cháo chửi” ở phố Ngô Sĩ Liên vốn nằm ở phía sau ga Hàng Cỏ. Gã bạn thì chẳng hằn học gì, bởi lịch sử những con phố nằm phía sau ga Hàng Cỏ và đi dọc theo lối Linh Quang, Văn Chương trở về Khâm Thiên là chốn của dân tàu xe, những người phu bốc vác; hay xuôi xuống dưới nữa Khâm Thiên là phố của giới hút xách, hát ả đào và các động lầu xanh ngoài rìa khu phố cổ và khu phố Pháp. Văn hóa thấp kém có lẽ còn lưu giữ lại trong những quán bún mắng cháo chửi nơi này, “văn hóa Kẻ chợ” lấp liếm với nhiều lớp lang màu sắc mà phải thật kiên trì bóc tách nó y như cách nói “Hà Nội không vội được đâu”.

Một khung ảnh điển hình về bộ ảnh cưới của những cặp tân hôn ven hồ Hoàn Kiếm

Dù ở Ðông Kinh, Thăng Long hay ở đâu, vùng đất phù sa của con sông Hồng từng chịu sự nhòm ngó của nhiều thế lực. Từ người Thái hậu duệ của vương quốc Nam Chiếu năm 863, người Chiêm Thành với cuộc tấn công của Chế Bồng Nga, những đợt di cư của người Hoa Nam và Hồi hột (người Hồi giáo nhưng tộc Hoa) từ phương Bắc, đế quốc Mông Cổ, người Pháp và người Mỹ với Thăng Long phi chiến địa. Ðã hơn 40 năm sau hậu chiến, con người Hà Nội chỉ làm độc một việc là đánh vật với tiếng kêu gào của dạ dày. Và những giá trị truyền thống bao đời ấy cũng dường như dần tan loãng…

Café hồ Tây, có lúc sự thi mộng phải nhường chỗ cho sự dạo mát của những chú chuột cống Hà thành

Có những buổi chiều thật Hà Nội, tôi với ly café trên đầm Xác cáo (hồ Tây), nhìn ra đền cẩu nhi. Thành quách giang sơn, gió bụi trăm trận như được thu cả về nơi đây. “Cái đất này không sợ quan lại nhưng chỉ chửi móc máy sau lưng. Nó vốn thế chứ không anh minh thần dũng!” Cái vốn phiếm về “người Hà Nội” của gã Nghiêm Chỉnh luôn làm tôi bật cười, mà ở xứ Bắc, văn hóa giễu nhại là điển hình của sự chịu đựng và tự giải tỏa bực bội của những Chí Phèo, chị Dậu bằng những tiếng cười theo kiểu Trạng Quỳnh như “Tiên sư thằng nào Bảo Thái”!

Ông Từ trong đền vua An Dương Vương, một mảng màu âm tính Cổ Loa Thành

Những ngày ở một Hà Nội Quen và Lạ. Tôi tiếp xúc không ít những nhân vật như “King Hoàng”, “Bố già Hà Nội”, và giới văn nghệ sĩ phu Bắc Hà, đủ các thành phần con người của đất Hà thành. Chuyến lưu bạt “chốn kinh sư” này đã dường như trở nên đậm đà với riêng tôi, hệt như tô phở Bát đàn mà thực khách chen chúc để có được.

Trong tất cả các thị thành ở Việt Nam, có lẽ Hà Nội đã dành được sự ưu ái của giới văn chương, hội họa và âm nhạc. “Sô vanh tính” cũng có thể đậm chất ở con người của gã Nghiêm Chỉnh vốn có gốc gác ngoại ô Hà Nội. Chàng Chỉnh có thể vừa nghiêm nghị với chút trịch thượng, vừa huyên thuyên về “tinh hoa ẩm thực”, về hồn cốt Hà Nội, lại vừa nhắc về “ngàn năm văn vật”…, hệt như những cái loa phường ra rả từ đầu giờ sáng và cuối giờ chiều.

Một góc của Cổ Loa Thành (Cũng hình này, trong số báo trước bị ghi sai là Kỳ đài hay Cột cờ Hà Nội. Xin cáo lỗi cùng độc giả).

“Tinh hoa, hồn túy, ngàn năm văn vật, văn hiến, gia truyền, cổ truyền, rồng thiêng, khí thiêng hội tụ, địa linh nhân kiệt…” Sự bào mòn trong ngôn ngữ của những người Hà Nội cũng phần nào cho tôi một cảm giác sự “mỹ ký hóa”, tựa những món hàng mỹ ký xuềnh xoàng được bày bán trong những phiên chợ đêm đi bộ phố cổ. Tinh anh chẳng thể lượm lặt, hay chỉ phủ phê bằng những thứ văn hóa xổi như cách người ta quét lại vôi Văn Miếu và Hoàng thành Thăng Long.

Ôi Hà Nội, thứ đỏng đảnh phù phiếm mà thâm trầm âm hiểm!

Tác giả (trái) ở một góc tịch mịch khuất sau sự ồn ào phố thị – Tranquil cùng cafe sách

Ðmh
Facebook: https://www.facebook.com/hanhphoto

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét