Vụ Đồng Tâm: Khi báo chí tự cách… mạng
Tuy vụ nổi loạn ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội đã kết thúc nhưng dư luận vẫn chưa lắng. Điểm đặc biệt là lần này, sau sự kiện Đồng Tâm, mũi dùi của dư luận xoáy vào báo chí sâu hơn là đâm vào hệ thống công quyền.
Một cảnh sát cúi lạy dân Đồng Tâm sau khi được
thả ngày 22 tháng Tư. (Hình: REUTERS/Kham)
Cố che nhưng chắn lộn… chiềuSự kiện Đồng Tâm (dân rào làng, cầm giữ 38 cá nhân bao gồm cảnh sát cơ động, công an và viên chức địa phương làm con tin, đòi thả năm người bị bắt giữ trái phép, đối thoại công khai về chuyện cưỡng chế, thu hồi đất vô lý) xảy ra sáng 15 tháng 4.
Suốt từ đó cho đến cuối ngày 16 tháng 4, chỉ có các facebooker cung cấp cho công chúng thông tin và hình ảnh về cuộc nổi loạn. Hệ thống truyền thông chính thống làm như không biết.
Hệ thống truyền thông chính thống chỉ lên tiếng sau khi Sở Thông tin – Truyền thông thành phố Hà Nội xác nhận, tại xã Đồng Tâm có một vụ “gây rối trật tự công cộng”, dân chúng xã Đồng Tâm đang “giam giữ trái pháp luật” cả cảnh sát cơ động, công an lẫn một số viên chức.
Những ngày sau đó, thông tin về sự kiện Đồng Tâm trên hệ thống truyền thông chính thống chủ yếu vẫn là những “thông tin chính thức” từ Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Công an thành phố Hà Nội và… Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Nhiều cơ quan truyền thông đã cử phóng viên đến Đồng Tâm nhưng các nhà báo có thẻ hành nghề không được dân chúng Đồng Tâm hoan nghênh. Ở thời điểm là “đỉnh” của sự kiện Đồng Tâm (hệ thống công quyền chưa trả tự do cho bốn người bị công an bắt giữ nên dân chúng xã Đồng Tâm chưa phóng thích con tin nào), chỉ có phóng viên của VnExpress và Tuổi Trẻ được phép vào bên trong “khu vực tử thủ” dưới sự giám sát nghiêm ngặt của những người nổi loạn.
“Đối thoại ở thôn Hoành” của Bảo Hà – VnExpress và tâm sự của Duy Hoàng – một trong ba tác giả “Vào ‘tâm bão’ ở Đồng Tâm” mà tờ Tuổi Trẻ “tự ý đục bỏ” sau khi đưa lên Internet chừng 30 phút – trên trang facebook cá nhân cho thấy, tuy trước giờ, báo chí vẫn được ví von như “quyền lực thứ tư” nhưng tại Việt Nam, “dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng”, ngay cả “quyền lực thứ tư” cũng không thuộc về nhân dân. Trong mắt dân chúng, “quyền lực thứ tư” chỉ là một thứ “quyền rơm”, thành ra dân Đồng Tâm không tin mà cũng chẳng có ý định “cậy” vào đó.
Đáng chú ý là trong khi nhiều cơ quan truyền thông trong hệ thống truyền thông chính thống ý thức rất rõ về thân phận của mình, khép nép đứng bên lề sự kiện thì có vài cơ quan truyền thông đột nhiên nhập cuộc, sắm vai “xung kích”. Dẫn đầu nhóm thiểu số này là tờ Pháp Luật TP.HCM và Hà Nội Mới.
Giữa lúc nhiều người, nhiều giới, kể cả báo giới kêu gọi hệ thống công quyền nên “đối thoại” với dân chúng xã Đồng Tâm nhằm giải quyết khủng hoảng một cách ôn hòa, không gây đổ máu, khiến hậu quả trở thành khó lường thì ngày 21 tháng 4, tờ Pháp Luật TP.HCM, cảnh cáo những người nổi loạn bằng bài: “Đồng Tâm, mọi việc đều có giới hạn của nó”. Tờ Pháp Luật TP.HCM nhấn mạnh, việc dân chúng xã Đồng Tâm đòi hỏi ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch thành phố Hà Nội, phải đến xã Đồng Tâm là vô lối vì dân chúng xã Đồng Tâm “có lỗi”. Chuyện dân chúng xã Đồng Tâm cầm giữ con tin được tờ Pháp Luật TP.HCM khẳng định là “hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng”, có thể bị phạt tù đến 15 năm. Tờ Pháp Luật TP.HCM còn cảnh cáo: “Sự thông cảm của bên ngoài dành cho người dân Đồng Tâm đang suy giảm dần”.
Rất dễ hiểu là tại sao tờ Hà Nội Mới – cơ quan ngôn luận của Thành ủy Hà Nội – lập tức đăng lại “Đồng Tâm, mọi việc đều có giới hạn của nó” của tờ Pháp Luật TP.HCM. Trước ngày 21 tháng 4, Hà Nội Mới hoàn toàn lẻ loi khi đơn phương lên án các chuyên gia, luật sư và những cá nhân kêu gọi “đối thoại” bằng bài “Lật mặt những luận điệu sai trái lợi dụng sự việc xảy ra ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức”.
Không may cho cả tờ Pháp Luật TP.HCM lẫn Hà Nội Mới là ngay ngày hôm sau – 22 tháng 4 - Chủ tịch thành phố Hà Nội về tận Đồng Tâm, tự tay viết một văn tự với ba cam kết: Trực tiếp giám sát cuộc thanh tra việc quản lý và sử dụng đất tại xã Đồng Tâm, bảo đảm đúng với “sự thật khách quan” và “đúng pháp luật”, xác định rạch ròi đâu là “đất nông nghiệp”, đâu là “đất quốc phòng”. Không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể dân chúng xã Đồng Tâm. Chỉ đạo điều tra việc bắt và gây thương tích cho cụ Lê Đình Kình, xử lý theo đúng qui định pháp luật.
Bị hớ, Pháp Luật TP.HCM vội vàng đục bỏ “Đồng Tâm, mọi việc đều có giới hạn của nó”.
Có một điểm cần lưu ý là trước khi đục bỏ “Đồng Tâm, mọi việc đều có giới hạn của nó”, tờ Pháp Luật TP.HCM đã từng đục bỏ “Ông Nguyễn Đức Chung đợi dân Đồng Tâm đến đối thoại” – tường thuật chuyện ông Chung thất bại trong việc “vời” dân đến trụ sở huyện Mỹ Đức chiều 20 tháng 4.
Thử so “Ông Nguyễn Đức Chung đợi dân Đồng Tâm đến đối thoại” với “Đồng Tâm, mọi việc đều có giới hạn của nó” để lý giải tại sao tờ Pháp Luật TP.HCM thiếu “nhất quán” ắt sẽ thấy, “Ông Nguyễn Đức Chung đợi dân Đồng Tâm đến đối thọai” sẽ làm giảm… điểm “kiên định” của tờ Pháp Luật TP.HCM.
Còn nếu chấm điểm “kiên định” trong sự kiện Đồng Tâm thì tờ Pháp Luật TP.HCM và Hà Nội Mới qua mặt cả Nhân Dân – cơ quan ngôn luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN. Nhân Dân không hề có dòng nào về sự kiện Đồng Tâm.
Lập trường là chuyện không nên… “đăng ký”
Quyết định và cách hành xử của ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch thành phố Hà Nội trong sự kiện Đồng Tâm được xem là “chưa từng có” khi hệ thống công quyền được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN giải quyết các vụ đối kháng. Tại sao thì quyết định và cách hành xử này đã, đang, cũng như sẽ còn được bàn.
Cũng bởi “chưa từng có”, quyết định và cách hành xử của ông Chung đã làm một số cá nhân và nhiều cơ quan truyền thông lỡ… bộ vì đoán định sai hướng gió. Cuối cùng phải trân mình lãnh búa rìu dư luận.
Facebooker Trần Đình Triển gọi “Lật mặt những luận điệu sai trái lợi dụng sự việc xảy ra ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức” trên Hà Nội Mới là “phản động”. Ông Triển khẳng định, Hồng Đức – tác giả bài viết vừa kể “dốt nát”, toan bênh hệ thống công quyền nhưng lại “vạch áo cho người xem lưng”: Hồng Đức tiết lộ, chính phủ chỉ cấp cho Bộ Quốc phòng 206 héc ta nhưng thực tế đo đạc là 236,7 héc ta, chênh lệch là 30,7 héc ta. Ông Triển chất vấn, tại sao không trả lại cho dân mà đổ lỗi cho “kỹ thuật đo đạc”, khẳng định dân “lấn chiếm”? Thu hồi đất làm sân bay nhưng không làm mà để hoang trong khi dân không có đất trồng trọt là đúng hay sai?
Tương tự, facebooker Bao Trung Nguyen – từng là một nhà báo, nhận định “Hiển hố hàng”. “Hiển” trong status của facebooker Bao Trung Nguyen là ông Nguyễn Đức Hiển – Tổng Thư ký Tòa soạn báo Pháp Luật TP.HCM.
Ông Nguyễn Đức Hiển cũng là một facebooker. Những ý kiến, thông tin, hình ảnh dựa vào các hoạt động của tờ Pháp Luật TP.HCM mà ông Hiển thường xuyên chia sẻ trên facebook tạo ra cảm giác ông là một nhà báo lớn, vừa chuyên đi dạy thiên hạ (cả ở trong lẫn ngoài Việt Nam) làm báo, vừa đủ kiến thức lẫn kỹ năng xử lý khủng hoảng truyền thông. Tuy nhiên trong sự kiện Đồng Tâm, ông Hiển đã tạo ra một cuộc khủng hoảng mà ông không xử lý được vì nó sai hoàn toàn so với thực tế.
Sau khi một facebooker bày tỏ sự băn khoăn về nhận định của ông Hiển: “Tốt nhất người dân nên thả người. Việc đối xử tốt với con tin như cho ăn uống là tình tiết giảm nhẹ khi định khung hình phạt chứ không thể thay đổi dấu hiệu định tội của hành vi bắt giữ người trái pháp luật”, ông Hiển tuyên bố: “Chú tin anh đi, ít lắm cũng có chục chú nhân danh nhân dân đi tù!”.
Bất bình với giọng điệu của ông Hiển, facebooker Bao Trung Nguyen nhắc nhở: “Hiển tưởng làm vậy là được lòng nhà cầm quyền ư? Hiển nhầm to. Hiển cũng đừng rêu rao cái giọng điệu ‘lý tính’ với "thượng tôn pháp luật. Hiển bịp bợm”. … Theo facebooker Bao Trung Nguyen, nếu ông Hiển muốn dẫn dắt tờ Pháp Luật TP.HCM đi theo tinh thần “thượng tôn pháp luật” thật sự thì việc đầu tiên phải chỉ rõ và phân tích là hành vi bắt người trái pháp luật và gây thương tích đối với ông cụ Lê Đình Kình - nguyên nhân dẫn đến cơ sự. Facebooker Bao Trung Nguyen cho rằng: “Hiển đại diện cho sự láu cá, khôn vặt chứ không phải người thông minh khi hết lần này đến lần khác nhảy ra múa may dưới bệ rồng”.
Faacebooker Nguyen Binh Nguyen – cũng đã từng làm báo thì viết: “Đề nghị đưa nhà báo Đức Hiển ra Thôn Hoành với những bài viết bốc mùi trên tay và phân tích, giảng dạy cho bà con về ‘tinh thần thượng tôn pháp luật’. Tôi xin tài trợ chuyến đi này - không có vé khứ hồi”.
Trong trận bão dư luận xoay quanh sự kiện Đồng Tâm, ngoài yếu tố tâm bão xoáy vào một số cá nhân và cơ quan truyền thông “kiên định” với lập trường phải sử dụng “bạo lực cách mạng”, một điểm đáng chú ý khác là những mũi nhọn nhất đến từ các facebooker đã từng làm báo tại Việt Nam.
Facebooker Bạch Hoàn phẫn nộ khi báo chí im lặng lúc người dân Đồng Tâm được thông báo đi cắm mốc phân ranh rồi bị bắt, sau đó tiếp tục im lặng khi cảnh sát cơ động được điều tới để đàn áp và vì vậy mà bị dân bắt giữ, lúc lên tiếng thì chỉ đề cập đến việc các nạn dân vi phạm pháp luật nghiêm trọng, gây rối trật tự công cộng, cản trở người thi hành công vụ, lấn chiếm đất quốc phòng, vẽ ra một bức tranh xấu xí, đáng sợ về những người dân hung dữ… Cô hỏi những người từng là đồng nghiệp của mình rằng, khi làm ngơ trước nỗi đau của dân chúng, quay lưng lại với sự thật, đạp lên công lý thì họ có cảm thấy thấy run sợ hay không? Nuôi vợ, nuôi con bằng viết những bài viết vấy máu thì họ có thấy tanh tưởi không?
Facebooker Bạch Hoàn đề nghị, nếu không thể lên tiếng hai chiều một cách tử tế thì nên im lặng, đừng sẵn sàng đổ mực vào mặt nhân dân như không ít tờ báo, nhà báo vừa làm. Nếu là người tử tế, khi bị chỉ đạo viết những phóng sự, đọc những thông tin trái với luân thường đạo lý thì phải từ chối. Từ chối là quyền của người cầm bút.
Bạch Hoàn nói thêm, cô không nhắm vào toàn bộ báo giới, bởi làng báo còn nhiều người làm báo tử tế.
Facebooker Bạch Hoàn tin và khẳng định điều đó nhưng lúc nào thì các cơ quan truyền thông chính thống ở Việt Nam mới thôi “kiên trì”, “kiên định” với việc chỉ bám theo một bên và cùng nhau ngắc ngoải bởi hệ thống công quyền nuôi không nổi, còn dân chúng thì không bận tâm?
Trân Văn
(Blog VOA)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét