Thứ Năm, 27 tháng 4, 2017

Tại sao tiêu cực lan tràn? Tại chính chúng ta !!!

Vì sao tiêu cực lan tràn?
Lê Văn Tích - Chuyện tiêu cực, chuyện cửa sau, đi đêm, mãi lộ… không còn là chuyện hiếm trong xã hội ta ngày nay. Nó phổ biến, trầm trọng, nghiêm trọng đến mức “đe dọa sự tồn vong của chế độ”. Nó chính là nguyên nhân chủ yếu đã và sẽ hủy diệt mọi giá trị tốt đẹp của đất nước này. Nó không chỉ hủy hoại, tàn phá về tài nguyên, môi trường mà nó còn “dẫm” nát nhân cách, văn hóa và phẩm hạnh của cả một dân tộc mà nếu muốn khôi phục không biết phải mất mấy trăm năm sau?
cầu xin lợi lộc
Tiêu cực thì xã hội nào cũng có, nhưng vấn đề là tại sao xã hội mình lại phổ biến, nhiều như vậy?
Quá dễ để chúng ta trả lời câu hỏi này. (i) Thể chế chính trị, luật pháp khiếm khuyết, lạc hậu, nhất nguyên, độc tài…; (ii) Ý thức phần đa người dân tham lam, ích kỷ, hẹp hòi…
Nếu nguyên nhân nó rõ ràng như thế sao không sửa đổi?

Về nguyên nhân (i) tôi không bàn đến vì nó nằm ngoài tầm lo liệu của một cá nhân. Nhưng ở nguyên nhân (ii), Ý thức phần đa người dân tham lam, ích kỷ hẹp hòi đã tạo “môi trường” cho “dòi bọ” sinh sôi nảy nở. Vấn đề là có phải tất cả người dân khi đi giao dịch với công quyền đều hư hỏng như thế hay chỉ là bộ phận?

Cuộc đời của tôi cũng giao dịch trực tiếp nhiều lần với công quyền quốc gia nhưng tuyệt đối chưa bao giờ phải đút lót và cũng chẳng thấy cơ quan nào vòi vĩnh cả. Không biết tại sao? Từ công việc của mình đến việc nằm viện, học tập, trường lớp của con cái… tôi chẳng bao giờ chủ động đi “bôi trơn” cả. Tôi thẳng thừng, đàng đàng, chính chính mà yêu cầu, mà thực hiện. Lên bệnh viện rút phiếu thứ tự cứ thế ngồi mà chờ; Đăng ký cho con học mầm non cũng cứ bình tĩnh mà chờ theo thứ tự nộp hồ sơ; Kể cả chuyện “căng” nhất là tự xin cho mình đi dạy, chuyển trường, tôi cũng không bao giờ dấm dúi một xu. Tôi chỉ cảm ơn người ta ở những việc hệ trọng đến sinh mạng như khi vợ vượt cạn, khi tôi nhận quyết định đi dạy nhưng chỉ là gói bánh hay bao kẹo và chỉ cảm ơn khi công việc đã hoàn thành.

Cái lần sinh con đầu lòng ở bệnh viện Diễn Châu, lúc vợ sắp sinh, bà chị vợ cứ giục tôi mang phong bì đi dấm dúi cho ca trực nhưng tôi gạt ngay. Tôi nói với chị ấy rằng: “Việc của ai thì người ấy làm, mỗi người một việc, người ta là bác sĩ, họ làm việc là vì cả sự nghiệp của họ nữa chứ không phải vì mấy trăm bạc đút lót. Họ cũng có lương tâm nghề nghiệp chứ không phải tất cả đều “nát” đâu, chị đừng lo quá…!” Đến khi mẹ tròn con vuông, chuẩn bị về nhà tôi mới đưa phong bì (không nhớ là năm chục hay một trăm gì đó) cho bà chị vợ, nhờ chị đi cảm ơn người ta vì dù sao con mình ra đời cũng là ân huệ lớn lao trong đó có công lao chuyên môn của họ. Đó là sự thật. Không phải là một lần, trong đời tôi có đến hàng chục lần đi giao dịch với công quyền nhưng chưa bao giờ tôi mãi lộ và mọi việc diễn ra đúng trình tự quy định của luật pháp.

(Cũng xin nói rõ thân phận của mình không phải là con ông to bà lớn đâu mà cho đến trước khi đi dạy thì thằng tôi này cũng chỉ là thằng lính trơn về đi thi và học ĐH sư phạm, sinh ra trong gia đình nông dân bần hàn, thân cô thế cô mà thôi).

Tôi kể câu chuyện của cá nhân mình không phải là bênh vực cho một cái xã hội mà “ngửi chỗ nào cũng thấy mùi”, ngược lại để chứng minh rằng sở dĩ xã hội đến mức thối tha này trách nhiệm không nhỏ thuộc về đại đa số chúng ta. Tại sao?

Ai đi đút lót, vì sao phải đút lót?

Phần đông người đi đút lót là tham lam hẹp hòi. Muốn con mình được tốt hơn con người nên (chạy trường); Muốn người nhà của mình được chăm sóc chữa trị tốt hơn người nên (phong bì); Muốn tội của mình giảm bớt đi so với trách nhiệm pháp lý mình đã gây ra nên (chạy án, chạy tội); Muốn giảm tội, tiền phạt khi vi phạm Luật giao thông đường bộ nên (mãi lộ, đút lót); Muốn mình được ngồi vào vị trí nhàn hạ, ăn trên ngồi trốc mà không muốn đổ sức lao động, lười nhác nên (chạy chức, chạy quyền)…

Như vậy, đối tượng đút lót là người dân, những người thấp cổ bé họng. Vì sao đút lót: Vụ lợi.

Thay vì việc của người dân (chúng ta) một là, giám sát, theo dõi để bắt kẻ cầm quyền phải thực thi công vụ theo quy chuẩn hiến định thì họ lại chọn cách “đi đêm”. Hành vi vụ lợi và lọc lõi của người Việt đã gián tiếp xô đẩy xã hội đến chỗ nát bét như ngày hôm nay. (Có người lại cho rằng: dân biết gì luật pháp mà giám sát. Dân không biết luật pháp là lỗi của người dân, nhà nước không cấm người dân mua sách luật về để đọc. Quyển Hiến 2013 chỉ có 20.000 đồng cũng không thể nói là không có tiền để mua được).

Hai là, kịp thời lên tiếng bằng nhiều cách thức khác nhau để tố cáo, vạch mặt “lũ chuột mặt người” ra trước công luận nhằm ngăn chặn những hành vi có xu hướng xấu hơn. Cùng lên tiếng và kêu gọi sự lên tiếng của cộng đồng dư luận về những hành vi tiêu cực của xã hội. Nếu mọi người đều làm được như vậy, tôi tin chắc rằng tiêu cực, đút lót sẽ không có đất để sống. (Có những người thấy đúng, biết sai nhưng đến cả nút like, share không dám bấm huống hồ là viết bài để lên án. Cho nên người Việt mình phải ăn đồ nhiễm độc, tắm biển nhiễm độc, cúi đầu đi đêm cũng là xứng đáng?).

Thứ nữa là phần đông dân mình không rộng lượng và vị tha. Không muốn nhường nhịn, không muốn ai hơn mình. Mọi người đều tìm cách thể hiện “đẳng cấp, dòng tộc, quan hệ rộng…” trong khi đó là những thứ đê tiện chẳng đáng một xu ở xã hội văn minh. Nếu mọi người đều hiểu được rằng “miếng bánh của thế giới” là có giới hạn, người ta ăn thì khỏi mình ăn, mình thiệt cho người khác chứ mất đi đâu, mình chấp hành là để làm gương cho xã hội… thì đâu đến nỗi dẫm đạp lên nhau để giành giật đến mức quên hết cả cương thường đạo lý như vậy?

Viết đến đây, tôi nhớ mấy câu chuyện của xứ “dãy chết”:

(i) Phố đi bộ ngoài thủ đô, trong khi có hàng trăm ngàn người đi bộ thì có một chị (chắc là người thủ đô) cưỡi trên chiếc xe máy. Nhưng đi qua hàng nghìn người Việt chẳng ai lên tiếng cho đến khi gặp 1 ông Tây. Ông Tây liền giang hai tay ngáng chiếc xe máy lại và “la lối om sòm” bắt người đi xe máy kia phải xuống xe dắt bộ.

(ii) Một đoạn video trên mạng: Có một chiếc xe (car) dừng trước đèn đỏ nhưng thay vì dừng đúng quy định thì chiếc xe đó lại dừng gần hết phần vạch kẻ ngang dành cho người đi bộ. Vậy là một đoàn người Tây đi bộ bị chiếc xe nọ chặn đường. Các bạn có biết đoàn người Tây đi bộ đó đi bằng cách nào không? Thay vì người Việt mình là vòng để tránh chiếc xe thì đoàn người Tây kia kể cả phụ nữ trẻ em đều leo và đi trên phần trước kính tên lái xe. Thậm chí tôi còn thấy có ông trung niên còn dừng lại dẫm lên ca – bin mấy cái mới nhảy xuống đường;

(iii) Tổng thống của nước Đại Hàn Dân Quốc, Park Geun Hye bị báo chí cáo buộc là dính líu đến việc một người bạn lợi dụng tham nhũng. Mặc dù bà đã nhiều lần đích thân lên truyền hình công khai cúi đầu xin lỗi nhân dân Hàn Quốc nhưng hàng triệu sinh viên Seoul suốt 2 tháng trời tối thứ 7 nào cũng trụ tập để phản đối bà Park. Đến mức cuối cùng hiện nay là ngày (31/3/2017), bà Tổng thống đã bị bắt giam…

Ba câu chuyện đó nói lên rằng không phải chỉ có cơ quan công quyền mới cưỡng chế thực thi luật pháp mà nhiệm vụ nặng nề ấy lại do chính người dân thực thi. Nếu như mọi người dân đều nhận thức đúng và đồng lòng như vậy thì không chỉ kẻ cầm quyền phải “cúp đuôi, thụt cổ” mà ngay chính những tên đầu đường xó chợ, giang hồ cũng phải xanh mắt mà run sợ.

Quần chúng nhân dân là người có quyền lực đáng sợ nhất, quyết định mạnh mẽ nhất đến sinh mạng của kẻ cầm quyền, của chế độ. Vậy nhưng, thay vì họ phải tìm cách để giám sát chặt chẽ làm cho kẻ cầm quyền phải run sợ mà thực hiện công vụ thì chính họ, không ai khác lại tiếp tay, dung túng túng cho bọn dòi bọ tự tung tự tác, vơ vét đục khoét không biết cơ man nào tiền của. Đành rằng hành vi tham nhũng tiêu cực của nhà cầm quyền là sai hoàn toàn nhưng ở phương diện người dân, nếu ai cũng đồng lòng công chính thẳng thừng tuân theo luật pháp, đừng vụ lợi ích kỷ cho bản thân thì sẽ hạn chế được rất nhiều tiêu cực trong xã hội.

Túm lại, chuyện tiêu cực và chạy chọt ở xã hội ta là vô cùng “quan ngại”. Chúng tôi cực lực lên án tham nhũng đút lót dưới mọi hình thức. Chúng tôi có đầy đủ chứng cứ lịch sử và pháp lý để khẳng định tham nhũng và đút lót là những hành vi trái với lương tâm đạo lý, trái với Công pháp quốc tế, đi ngược lại thỏa thuận về đạo đức của các vị tiền bối. Trong khả năng sức hèn lực mọn của mình, tôi chỉ có thể viết ra như thế này và kêu goi mọi người dân “ra sức học tập và làm theo phong cách và đạo đức của Hiến pháp và Pháp luật” và kêu gọi học sinh của mình mua và học thuộc Hiến pháp VN – 2013 trước khi giao tiếp với công quyền, đó là một trong những biện pháp xây dựng xã hội Pháp quyền và Tự do.

https://nghiencuulichsu.com/2017/04/07/vi-sao-tieu-cuc-lan-tran/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét