Thứ Tư, 26 tháng 4, 2017

Khi ngã tư là nhà...

Khi ngã tư là nhà
Anh bạn đồng nghiệp với tôi dạy trung học ở Q.8 rất thích bài viết “Dân ngã tư” của nhà văn Lý Lan. Anh mê giọng văn nhẹ nhàng và cách đặt vấn đề của nhà văn kiêm nhà giáo ra trường sau anh một khoá. Dưới ngòi bút của Lý Lan, cuộc sống người dân lao động Sài Gòn Chợ Lớn hiện ra một cách sinh động nhưng rất đỗi bình thường dửng dưng, không ta thán, không trách móc, không bực bội cho số phận từng con người lao động kiếm sống ngoài đường phố. Họ tự vươn lên trong cuộc sống khó khăn, làm lụng mưu sinh, thậm chí còn có nhiều nghĩa cử giúp đỡ lẫn nhau theo kiểu lưu dân “giữa đường thấy chuyện bất bình”.Ngã tư đường phố lúc nào cũng có cảnh sinh hoạt bán buôn, sửa xe tạo nên bộ mặt Sài Gòn thuở trước – Nguồn: Manhhaiflick

Anh kể qua phôn với tôi vài câu chuyện đời sống dân sinh của người Sài Gòn, nhất là những người lao động nghèo buôn thúng bán mẹt ngày trước. Anh bảo: Không cần đi đâu xa, ngay trong xóm hẻm tôi ở có rất nhiều điều để nhớ. Chẳng hạn quán cóc cà phê vợt của ông già cố cựu gần đầu hẻm ngã ba thông ra đường cái gần khu chợ Xóm Củi. Nói là quán cho xôm chứ đó là một chiếc xe chung quanh bọc nhôm sáng bóng có thể đẩy về nhà sau một ngày bán vài chục ly cà phê cho giới lao động quanh chợ. Nhà của ông không xa nhưng chưa bao giờ tôi thấy chiếc xe cà phê rời khỏi vỉa hè mà nó đã từng yên vị ở đó bao nhiêu năm. Từ tờ mờ sáng, nằm trên gác xép tôi đã nghe thấy tiếng sột soạt tháo mở tấm bạt phủ thùng xe, tiếng chẻ củi nhóm lò. Kế đến là mùi cà phê thơm lừng lan tỏa tận đến mùng của tôi. Rồi tiếng vài ba khách hàng xì xào chuyện trò chuyện cá độ nắng mưa ăn tiền trong lúc chờ ông già làm cho mình một ly cà phê.

Một góc ngã tư ở Chợ Lớn ngày xưa tụ tập người bán buôn và dân bán sức- Nguồn: Manhhaiflick

Chợt nghe chuyện cá độ nắng mưa của dân cà phê đường phố ngã tư nhưng tôi không muốn dừng câu chuyện anh bạn đang kể dễ làm mất hứng. Nắng mưa là bệnh của trời, mấy nhà “thiên văn” cà phê vỉa hè, không cần công cụ quan sát chỉ bằng cảm quan mà “bắt mạch” được “bệnh ông trời” thì quả những con người lạ lùng. Họ đoán đúng sai thế nào tôi xin hầu chuyện các bạn vào dịp khác. 

Còn bây giờ câu chuyện anh bạn kể tiếp đang thầm thì bên tai: Ở ngã tư, ngã ba khắp các con phố mặt tiền hay trong hẻm của vùng đất Sài Gòn Chợ Lớn đều có những con người lao động kiếm sống tự do như thế. Họ buôn bán đủ thứ, từ giải khát đến các loại hàng ăn, quà vặt, sửa chữa xe đạp xe gắn máy, hàng tạp hoá lưu động, có khi là một sạp báo ngay góc phố lấn chiếm lề đường mà chẳng có đội quân cảnh sát nào đi dẹp trả lại cho lề đường thông thoáng. Tôi nghĩ những sinh hoạt bán buôn đó chính là một trong những cảnh quan đô thị. Không có những con người lao động mua bán hay đám thanh niên tụm năm tụm ba ngồi quán cà phê vỉa hè bàn chuyện nhân tình thế thái thì chắc Sài Gòn ngày xưa buồn lắm. Sài Gòn thuở nhỏ của tôi lúc ấy còn thưa vắng người. Không như bây giờ cả triệu con người chen lấn trên lòng đường vào lúc tan sở khiến cảnh kiếm sống của dân ngã tư ngã ba hoặc trên các vỉa hè góc phố chìm khuất trong dòng người xuôi ngược thì không còn là một hình ảnh đẹp nữa.

Vâng, có thể là như vậy. Một thành phố quá tải dân cư sẽ trở nên lộn xộn phức tạp và dễ tạo hình ảnh không bình yên như thành phố Sài Gòn ngày xưa lúc còn chưa đông đúc. Tôi xa quê nhiều năm nhưng về Sài Gòn mấy lần nhìn ngổn ngang xe cộ con người, hàng quán buôn bán khắp nơi thấy hoa cả mắt. Tôi nói với anh bạn đồng nghiệp rằng, Sài Gòn Chợ Lớn có bao nhiêu căn nhà mặt tiền là có bấy nhiêu cửa tiệm, quán xá. Người ta nói đùa nhà mặt tiền đều là “tiền mặt”. Không buôn bán thì cho thuê thu tiền hàng tháng, có khi người mướn phải ký hợp đồng đặt cọc cả năm. Có được địa điểm ở những con đường lớn sầm uất, chủ nhà không cần phải đi làm chi cho mệt, thu tiền cho thuê nhà sống khoẻ. Anh bạn nói thêm, đâu chỉ nhà mặt tiền, nhiều năm sau này, quán xá cũng mọc đầy trong hẻm. Sài Gòn có bao nhiêu con hẻm, chẳng thống kê nào cho biết.

Có khi ngã tư cũng là nhà của những người lao động bán buôn, họ nấu nướng tự nhiên trên lề đường – Ảnh: Tom Matthews

Chuyện buôn bán làm ăn nhỏ xíu của dân ngã tư ngã ba anh bạn kể tôi nghe không gì lạ. Ngày tôi còn bé chuyện buôn bán kiếm sống của người lao động trong hẻm đã có tự bao giờ nhưng không phổ biến thành một chuyện đáng bàn. Về sau này hàng quán lớn nhỏ mọc lên như nấm, càng ngày càng nhiều hơn, và xuất hiện thêm nhiều người buôn thúng bán mẹt từ các nơi nhập cư về Sài Gòn kiếm sống, tạo nên bức tranh đô thị tưởng chừng năng động nhưng chẳng có ý nghĩa gì về mặt phát triển kinh tế. Ðiều đó nên vui hay buồn? Nhưng thôi, nhờ có vậy tôi mới thích thú với cuộc sống, sinh hoạt buôn bán của những con người mà nhà văn Lý Lan gọi là “Dân ngã tư” dù là ngoài phố hay trong hẻm.

Hồi trước ở ngã ba đầu xóm tôi cũng có chiếc xe hàng cà phê vợt của ông già Tàu. Hình ảnh đó đến nay với tôi vẫn là một hình ảnh đẹp tuy nó biến mất từ lâu kể từ khi ông già Tàu qua đời. Hàng cà phê của ông là chiếc xe bọc nhôm y như chiếc xe cà phê của ông già cố cựu nơi xóm anh bạn ngụ cư ở khư vực bên chợ Xóm Củi. Ba tấm gỗ bọc nhôm trên mặt, bật lên cài chốt lại thành miếng bàn hẹp dài rất gọn cho khách để ly cà phê. Ông bày bán từ khi lúc hừng đông cho đến khi chiều xuống. Có lần tôi tập làm người lớn, ra quán cà phê của ông, ngồi trên chiếc ghế đẩu gác chân chữ ngũ kêu ly bạc xỉu và cái giò cháo quẩy. Tôi từ từ đổ thứ cà phê thơm lẫn mùi sữa “Ông Già” beo béo ra chiếc dĩa sành nhỏ nhắn, chấm cái cháo quẩy từ tốn thưởng thức và nói chuyện trời trăng mấy nước với ông già Tàu.

Khi ấy tôi không nghĩ ông xem tôi là con nít mà xem tôi như một khách hàng giống bao nhiêu người quen thuộc ghé quán cà phê nhỏ bé của ông. Hay tại quán trưa vắng khách, ông cần có người trò chuyện cho đỡ buồn ngủ. Pha cho tôi ly bạc xỉu xong, ông già quay trở lại thả lưng trên cái ghế bố vải nylon vừa nằm vừa nói chuyện. Tôi nói với ông già “sao không kêu con cái ra trông chừng về nhà ngủ trưa cho đã mắt”. Ông già đáp: “Tụi nó ra riêng phải lo đi làm kiếm tiền, còn ngộ nằm đây. Ở đây cũng là nhà của ngộ”. Thành thử ra khi nhà văn Lý Lan viết rằng: Có lần tôi viết Ngã tư không phải là nhà, thì anh Su cự nự: “Sao hổng phải? Nhà tui là đây”.

Nghe tức cười nhưng không phải là không có lý.

Hẻm cũng là nơi thành quán xá lộ thiên- Nguồn: Manhhaiflick

Ông già Tàu bán cà phê ở ngã ba đầu xóm tôi hay anh Su bán quần áo cũ trên lề đường và trên khắp các con phố Sài Gòn Chợ Lớn còn biết bao dân lao động buôn thúng bán mẹt kiếm sống trên vỉa hè đường phố mặc nhiên xem nơi đây chẳng khác gì là nhà của mình. Họ buôn bán từ sáng đến chiều tối hay tận nửa đêm. Lý Lan nhận xét: “Và như vậy ngày này qua ngày khác, họ quanh quẩn mãi ở ngã tư mà không hề có cảm giác chật chội tù túng. Ngã tư luôn xuôi ngược người thập phương tám hướng… Như con sông, dòng nước cuộn chảy, vẫn có cái gì đó lắng xuống đáy, tích lũy dần, định hình dần những thói quen, tập quán, những quan niệm đạo lý”.

Khi chiều xuống, ông già Tàu dọn dẹp cái quán cà phê, bao bọc mấy tấm bạt nylon che chắn chẳng khác nào cái nhà nhỏ xiêu vẹo nơi ông trú ngụ mà có lần ông mua gạo của má tôi. Ðến nhà ông giao hàng, tôi mới biết thực chất cái nhà của ông đang ở nó già nua tuềnh toàng như thế nào. Ông già Tàu sống thui thủi một mình trong căn nhà chật hẹp, tối tăm. Tôi hỏi ông có thấy bức bối khi ở nhà hay đang ngồi sau chiếc xe cà phê giữa trời mưa gió chờ vài ba người khách thèm ly cà phê? Ông lắc đầu, “quen rồi”. Nhưng dường như trong lời nói của ông có lời trách móc: “lâu rồi, con cái không về nhà nên ngộ chẳng buồn dọn dẹp”.

Nhà văn Lý Lan có định nghĩa kiểu văn chương “Nhà là gì?” trong cuốn Sài Gòn Chợ Lớn rong chơi: “Là một nơi ta quen thuộc, nơi ta là ta, nơi ta chia sẻ với người thân cuộc sống ở cõi đời này”. Nhưng cõi đời của ông già Tàu chẳng thể chia sẻ với ai ngoại trừ bà vợ mỉm cười ngồi ngửi khói hương trên cái bàn thờ đơn sơ. Bà vợ ông mất để lại thằng con trai. Thằng con lớn lên lấy vợ Việt, đi thuê mướn nhà đâu ở vùng Chợ Lớn, hai vợ chồng buôn bán rau cải bên hông chợ Bình Tây, thỉnh thoảng mới dẫn đám con về thăm ông già cô độc.

Mãi đến sau này, có lần tôi đi dạy về, chiếc xe cà tàng của tôi buồn tình không thèm nổ máy. Tôi dẫn chiếc xe đến một chỗ sửa xe quen khuất sau góc ngã tư gần trường. Xe hư nặng, sửa chữa mất vài ba tiếng đồng hồ. Về nhà chẳng được đành nghe lời anh thợ, gặm ổ bánh mì rồi lên nằm trên chiếc võng đong đưa giữa cây cột điện và cây trứng cá tỏa bóng mát. Ðến trưa thấy chị vợ mang cơm ra cùng ăn với anh chồng. Chuyện vãn một hồi, tôi mới biết vợ chồng anh từ quê lên Sài Gòn ở phòng thuê kiếm sống. Chị rửa chén bát tại một quán nhậu. Phòng ốc chật hẹp oi bức nên chị hiếm khi nấu ăn, cứ ra quán ăn bình dân mua cơm hộp. Cơm chiều anh tự lo. Còn chị làm việc đến gần khuya, ăn uống chủ lo miễn phí.

Chiếc võng này anh thợ nằm bao năm tôi chẳng biết. Và cũng chẳng biết cảm giác của anh sống ở ngã tư như thế nào, có thực sự là nhà như ông già Tàu bán cà phê ở xóm tôi ngày xưa hay không. Riêng tôi chắc tại chưa quen nên có cảm giác bực bội khi tự dưng ngã tư biến thành nhà.

Trang Nguyễn
( Báo Trẻ )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét