Thứ Ba, 25 tháng 4, 2017

Lấy tiêu chuẩn viết sách để xét GS thì chỉ có ở VN

Giáo sư Ngô Bảo Châu: Lấy tiêu chuẩn viết sách để xét giáo sư thì chỉ có ở VN!
Trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên, Giáo sư Ngô Bảo Châu chia sẻ một số quan sát cá nhân về những khác biệt của VN so với thế giới trong việc bổ nhiệm giáo sư. Theo ông, khi xét ứng viên giáo sư, hội đồng cần tham vấn các chuyên gia, từ đó đưa ra những đánh giá định tính và trong quá trình đánh giá cần có sự tranh biện khoa học.

Giáo sư Ngô Bảo Châu (trái) dự khai giảng ở Trường tiểu học Lũng Luông (Võ Nhai, Thái Nguyên). ẢNH: QUÝ HIÊN



Giáo sư (GS) Ngô Bảo Châu nhận xét: “Do yếu tố lịch sử nên khái niệm GS của mình hiện rất khác với thế giới. Thế giới thì GS là một chức vụ trong các cơ sở đào tạo, nghiên cứu. Vì thế nó có một số lượng chỉ tiêu nhất định, khi thiếu chỉ tiêu (chẳng hạn do có một ông GS nào đó về hưu) thì họ sẽ tuyển người mới. Với các khoa, việc tuyển GS tối quan trọng, vì họ là những nhà khoa học đầu ngành, là linh hồn của khoa trong tương lai. Chất lượng của GS ảnh hưởng tới sự sống còn của khoa. Một khoa tuyển dụng 3 ông GS mà toàn ông hỏng thì khoa đó “tiêu”, bởi GS mà kém thì những người do ông ấy tuyển vào cũng sẽ kém.


Trong việc đánh giá một nhà khoa học thì những đánh giá định tính quan trọng hơn các tiêu chuẩn đã được số hóa

Mỗi lần tuyển, mỗi khoa chỉ xét 1 - 2 trường hợp nên họ có thời gian xem hồ sơ của ứng viên rất kỹ. Tất nhiên họ không bao giờ quan tâm những chỉ tiêu đã được lượng hóa như cách mà VN đang làm, kiểu như có đủ số bài báo quốc tế, hay số sách đã viết, số tiến sĩ đã đào tạo... vì trong bối cảnh giáo dục ĐH thế giới ngày nay, những con số đó không mấy ý nghĩa. Thường thì họ xem xét sự ảnh hưởng của người mà họ muốn tuyển dụng tới cái ngành nghiên cứu mà khoa đang muốn thúc đẩy nó phát triển như thế nào. Họ sẽ gửi thư hỏi ý kiến của những chuyên gia hàng đầu của ngành đó trong mạng lưới khoa học toàn cầu. Thường thì cần tới đánh giá của khoảng 10 chuyên gia. Về phía các chuyên gia, họ đánh giá rất kỹ lưỡng và xét từng trường hợp cụ thể chứ không đưa ra một bảng tiêu chuẩn rồi tích vào từng ô mà cho điểm một cách cứng nhắc như ở VN.

Trước khi đến ĐH Chicago, tôi chưa hề viết sách

Nhiều nhà khoa học cho rằng với quy định tiêu chuẩn hiện nay và kể cả trong dự thảo quy định sắp tới, việc xét sẽ khiến nhiều người kém tài được vinh danh, trong khi nhiều người thực tài không được công nhận, GS nghĩ sao?

Theo tôi thì đã đến lúc chúng ta bỏ bớt việc cân đo đong đếm các tiêu chuẩn. Cách làm này cũng có cái hay trong một số trường hợp nhất định, chẳng hạn như việc đếm số bài thì sẽ tăng số công trình được đăng ở tạp chí ISI/Scopus. Nhưng không phải cứ tăng là mừng, bởi làm khoa học thì quan trọng vẫn là chất lượng, trong khi không cứ được đăng bài là chất lượng tốt. Vì thế khi xét công nhận GS, PGS, theo tôi nên có thêm quy định hội đồng phải xem xét thư đánh giá của các nhà khoa học đẳng cấp quốc tế, gồm cả người trong nước và ở nước ngoài, trong từng ngành của mỗi ứng viên, như cách mà các khoa ở các trường ĐH của thế giới người ta làm mỗi khi họ cần tuyển dụng GS. Trong việc đánh giá một nhà khoa học thì những đánh giá định tính quan trọng hơn các tiêu chuẩn đã được số hóa.

Nhưng ở VN, nếu để cho hội đồng quyền to như thế thì rất dễ nảy sinh tiêu cực...

Nhưng nếu đưa ra các tiêu chuẩn cứng thì đưa ra thế nào? Theo tôi thì đó không thể là những quy định cứng như viết được bao nhiêu cuốn sách hay đào tạo được bao nhiêu nghiên cứu sinh. Khi tôi được mời về ĐH Chicago, tôi chưa viết cuốn sách nào và cũng chưa hướng dẫn thành công nghiên cứu sinh nào.

Quy định viết sách đó liệu có hợp lý không?

Làm khoa học, viết sách thì hợp lý nhưng lấy tiêu chuẩn viết sách để xét ai đó có được làm GS hay không thì chỉ có ở VN thôi.

Nói chung, với giới khoa học thì người ta muốn họ ưu tiên việc nghiên cứu khoa học, nghiên cứu những gì đang nóng bỏng nhất. Mà những người đang ưu tiên thời gian nghiên cứu vào những gì nóng bỏng nhất thì họ không có thời gian viết sách. Thường khi người ta lớn tuổi rồi, hoặc muốn “chậm” lại một chút thì ai thích mới viết sách. Còn khi đang hăm hở nghiên cứu thì thường họ muốn khám phá những cái mới, kết quả khám phá đó là các bài báo. Quy định viết sách có lẽ là một quy định tương đối cổ hủ, lạc hậu, theo quan niệm GS của thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, không phải là quan niệm của hiện nay.

Khi về ĐH Chicago, GS mới bắt đầu đào tạo nghiên cứu sinh?

Thì họ tuyển mình về là để đào tạo nghiên cứu sinh. Tôi không biết nhận xét về tiêu chuẩn phải đào tạo được nghiên cứu sinh rồi mới công nhận GS thế nào, vì ở những nơi mà tôi làm việc họ không đặt ra. Tôi được bổ nhiệm GS khi còn ở bên Pháp, nhưng kể cả GS rồi tôi vẫn chỉ lên lớp dạy bình thường, cũng có lần đào tạo nghiên cứu sinh nhưng không thành công. Lúc đó công việc được ưu tiên hàng đầu của tôi là nghiên cứu.

Phải hướng tới những chuẩn mực quốc tế

Trở lại việc xét công nhận GS, PGS của hội đồng, theo GS thì những thành viên tham gia hội đồng phải như thế nào để đảm bảo việc xét công bằng, khách quan?

Thành viên của hội đồng trước hết phải là những người chính trực, thứ hai họ phải là những giỏi nhất trong số những người mà ta có. Họ có thể không hiểu được cặn kẽ, chính xác về chất lượng các công trình mà ứng viên đã làm nhưng họ phải có khả năng đọc hiểu được những bức thư đánh giá của các chuyên gia về các công trình đó... Như tôi đã nói ở trên, quan trọng là phải có đánh giá của các chuyên gia quốc tế và trong nước.

Nhưng có những ngành không có công bố quốc tế nào thì việc tham vấn chuyên gia quốc tế liệu có hiệu quả khi mà họ chẳng biết người mình được mời nhận xét là ai?

Cách làm đó sẽ là động lực để các nhà khoa học trẻ hội nhập. Còn trong thời gian đầu, hội đồng có thể gửi công trình của các ứng viên để nhờ đánh giá. Trong các hoạt động nghiên cứu luôn luôn cần có sự đánh giá của cộng đồng. Nếu một nhà khoa học nghiên cứu một lĩnh vực nào đó nhưng lại không muốn ai đánh giá công việc của mình thì đúng là anh ta đang đi vào ngõ cụt.

Theo tôi, để phát triển ĐH thì phải hướng tới những chuẩn mực quốc tế. Có thể với một số người lớn tuổi ngoại ngữ không tốt, phương pháp nghiên cứu không được công nhận thì việc giới thiệu công trình của mình ra thế giới là rất khó. Nhưng tôi nghĩ với các bạn trẻ hơn thì đó không phải là vấn đề lớn nên việc lo lắng nếu không có đặc thù riêng thì một số ngành sẽ bị tiêu vong là không có cơ sở. Sẽ không có tiêu vong mà sẽ chỉ có sự thay máu.

Chỉ dựa vào những tiêu chí cứng nhắc thì không cần hội đồng

Nếu việc xét GS, PGS chỉ dựa vào các tiêu chuẩn cơ học thì cần gì hội đồng? Chẳng lẽ hội đồng chỉ là những người ngồi đếm rồi cộng xem tổng điểm của ứng viên có đủ hay không? Điều đó là vô lý. Để đánh giá một con người thì phải cần những con người cụ thể có khả năng đánh giá định tính công việc của người khác thông qua những phân tích của các chuyên gia... Và quan trọng là trong quá trình đánh giá của hội đồng thì cần phải có sự tranh biện về mặt khoa học, có như thế mới tránh cảm tính.

Một vấn đề khác mà theo tôi cần phải xem xét, đó là việc bỏ phiếu. Đã họp với nhau trong hội đồng là phải kín rồi, sao còn phải bỏ phiếu kín? Trong hội đồng, khi cần bỏ phiếu thì phải giơ tay công khai. Trước khi biểu quyết là đã có tranh biện, trong tranh biện ý kiến anh thế nào thì khi bỏ phiếu anh cũng thể hiện quan điểm như thế. Anh phải bảo vệ ý kiến của mình chứ không thể làm ngược lại được.­

Quý Hiên (thực hiện)
(Thanh Niên)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét