Thứ Sáu, 7 tháng 4, 2017

Mổ xẻ nguyên nhân khiến tăng trưởng thấp

Mổ xẻ nguyên nhân khiến tăng trưởng thấp
Tư Giang, 5/4/2017, (TBKTSG Online) – Giải thích cho tốc độ tăng GDP quí 1-2017 chỉ đạt 5,1% so với cùng kỳ năm trước, mức thấp nhất trong vòng ba năm trở lại đây, có quan chức cho rằng điều đó là “không đáng lo lắng” và “hoàn toàn ổn định”. Song cũng có ý kiến cho rằng biện hộ này liệu có sát với tình hình thực tế? Hay cần nhìn nhận nền kinh tế phải chăng thể hiện dấu hiệu giảm tốc?

Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lên tới 
gần 24 nghìn là rất đáng lưu tâm. Ảnh: Quốc Hùng
Theo Tổng cục Thống kê, sụt giảm GDP quí 1-2017 chủ yếu do khai khoáng giảm, nếu loại trừ yếu tố này thì GDP thực chất tăng 5,95%, cao hơn cùng kỳ 2016.

Tuy nhiên, cách lý giải này được cho là chưa thuyết phục.

Một chuyên gia thống kê phân tích, đóng góp của một triệu tấn dầu vào tăng trưởng GDP 2017 là 0,25 điểm phần trăm. Do đó, với khoảng 600.000 tấn dầu khai thác ít hơn quí 1-2016 thì yếu tố này chỉ làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP quí 1-2017 là 0,15 điểm phần trăm. Nếu tính thêm cả sụt giảm khí và than đá thì toàn ngành khai khoảng chỉ làm giảm GDP là 0,22 điểm phần trăm. Như vậy nếu loại trừ yếu tố khai khoáng giảm thì tăng trưởng GDP quí 1-2017 là 5,32%

Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết thuận lợi đã giúp cho khu vực nông nghiệp phục hồi khá tích cực so với giai đoạn trước khi tăng 1,98% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều so với mức -1,23% của quí 1-2016. Do đó, nếu loại trừ yếu tố thời tiết (giả sử mất mùa như quí 1-2016) thì GDP quí 1-2017 sẽ bị giảm khoảng 0,2%.

Tóm lại, nếu loại trừ tác động từ việc khai khoáng giảm và yếu tố thời tiết so với năm 2016 thì GDP quí 1-2017 ước sẽ tăng 5,12%, không thay đổi nhiều so với mức 5,1% đã công bố và vẫn thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng của cùng kỳ năm 2016.

Như vậy, nguyên nhân tăng trưởng thấp như phân tích ở trên không phải do các yếu tố khách quan như từng được viện dẫn trong các năm trước đây. Song, vẫn còn nhiều lĩnh vực khác đang rất ì ạch do nguyên nhân chủ quan là chính

Đầu tư công ì ạch

Một dấu hiệu đáng lo trong điều hành là chi đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước không những chưa có dấu hiệu cải thiện mà còn có xu hướng kém dần qua các quí 1 của ba năm gần đây, và là mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Đây là nút thắt chủ đạo cho tăng trưởng.

Đến 15-3-2017, chi đầu tư phát triển mới đạt 32,6 nghìn tỉ đồng, chỉ bằng 9,1% dự toán năm 2017 và giảm mạnh 18,7% so với con số hơn 40 nghìn tỉ đồng (15,7% dự toán) của cùng kỳ năm 2016, năm được đánh giá là có tốc độ giải ngân từ ngân sách nhà nước rất chậm.

Tốc độ giải ngân kém như trên lẽ ra cần được nhìn nhận rõ ràng, thẳng thắn để nhận diện những cản nào để tháo gỡ bởi những bộ, ngành liên quan, nhất là Tổ công tác đặc biệt do Chính phủ thành lập để thúc đẩy đầu tư công.

Số doanh nghiệp thành lập mới luôn được nêu là mức kỷ lục nhưng trên thực tế số doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động ở mức cao, chiếm tới 9/10 số doanh nghiệp thành lập mới. Trong quí 1-2017, cả nước có 26.478 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới nhưng lại có tới 23.904 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc hoàn tất thủ tục giải thể. Đây là những con số rất kỳ lạ, thể hiện yếu tố không bền vững cần lý giải thêm.

Nhiều chỉ số khác đáng lo ngại

Bên cạnh đó, trong quí 1 cũng xuất hiện một số số liệu thể hiện xu hướng không bền vững và đáng lo ngại.

Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành (IIP) trong ba tháng đầu năm 2017 tăng 4,1%, thấp hơn nhiều so với con số 6,3% của cùng kỳ năm trước và ghi nhận mức thấp nhất trong 5 năm. Đáng chú ý, ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và quang học, một trong những ngành công nghiệp chủ lực của tăng trưởng kinh tế Việt Nam với sự đóng góp của nhiều tập đoàn đa quốc gia, ghi nhận mức giảm 1%, một phần do việc Samsung Bắc Ninh giảm sản lượng điện thoại thông minh và máy tính bảng.

Điều này một lần nữa cho thấy tăng trưởng kinh tế hiện nay phụ thuộc nhiều vào ngoại lực (khối FDI), có tính tập trung tương đối cao tại một số tập đoàn đa quốc gia lớn, chứa đựng nhiều rủi ro và không đảm bảo tính bền vững.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa tiêu dùng quí 1 ước tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,2% (thấp hơn mức tăng 7,5% của cùng kỳ năm 2016).

Vốn FDI đăng ký tăng mạnh nhưng chủ yếu đến từ những dự án đã hoạt động tại Việt Nam, trong khi lượng đăng ký mới có dấu hiệu tăng chậm lại.

Cụ thể, trong quí 1-2017, tổng vốn FDI đăng ký và bổ sung đạt 6,86 tỉ đô la Mỹ (chưa bao gồm hơn 850 triệu đô la Mỹ vốn đăng ký góp vốn mua cổ phần), tăng mạnh 70,3% so với quí 1-2016. Sự cải thiện mạnh mẽ này đến từ việc một số tập đoàn đa quốc gia lớn tại Việt Nam, đặc biệt là Samsung và Coca Cola, có kế hoạch mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Trong khi đó, FDI đăng ký mới, yếu tố phản ánh khả năng thu hút một cách đa dạng nguồn vốn đầu tư nước ngoài, chỉ đạt 2,92 tỉ đô la Mỹ, tăng 6,4%, thấp hơn nhiều mức tăng ấn tượng hơn 160% của quí 1-2016.

Tăng trưởng công nghiệp thấp kỷ lục

Theo Tổng cục Thống kê, ngành công nghiệp và xây dựng, chiếm tỷ trọng cao và là thành phần cốt lõi trong GDP, tăng trưởng 4,17%, đóng góp chỉ 1,46 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung và thấp hơn nhiều so với mức tăng 7,16% của cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, ngành công nghiệp chỉ tăng 3,85% so với cùng kỳ năm trước, thấp nhất kể từ năm 2011 trở về đây.

Đáng lưu ý, ngành công nghiệp tăng trưởng chậm không những do ngành khai khoáng sụt giảm mạnh khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước, mà còn do tăng trưởng một số ngành công nghiệp chủ lực có dấu hiệu chững lại.
Ví dụ, ngành chế biến, chế tạo đạt mức tăng 8,3% (giảm đáng kể so với mức tăng 9,7% của cùng kỳ năm 2015 và 8,94% của cùng kỳ năm 2016), đóng góp 1,46 điểm phần trăm. Ngành xây dựng tăng 6,1%, thấp hơn tốc độ tăng 8,6% của cùng kỳ năm 2016, đóng góp 0,3 điểm phần trăm.

Như vậy, các chỉ báo kinh tế trong quí 1-2017 đang cho thấy tăng trưởng kinh tế không như kỳ vọng và thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng kế hoạch để hướng tới mục tiêu 6,7% của cả năm 2017.

Lĩnh vực sản xuất, phụ thuộc nhiều vào hoạt động của khối FDI và là đầu tàu cho tăng trưởng kinh tế thời gian qua, bước đầu cho thấy dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Thêm vào đó, nền kinh tế lại vẫn bị kìm hãm bởi các yếu tố phần nhiều mang tính chủ quan, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư công.

Do đó, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% cho cả năm 2017 khó có thể đạt được. Thậm chí, nếu những điểm nghẽn như trên không được sớm khơi thông thì tình trạng giảm tốc của nền kinh tế có thể sẽ còn tiếp tục.

http://www.thesaigontimes.vn/158702/Mo-xe-nguyen-nhan-khien-tang-truong-thap.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét