Thứ Sáu, 5 tháng 12, 2014

Đòn phản pháo của Nga

Đòn phản pháo của Nga
(Chinhphu.vn) - Hiện cả châu Âu đều cảm thấy sốc trước quyết định của Tổng thống Nga Vlarimir Putin, về việc ngừng triển khai dự án “Dòng chảy phương Nam”. Quyết định ngừng "Dòng chảy phương Nam" được xem như câu trả lời dứt khoát của Tổng thống V.Putin và thể hiện quyết tâm của Điện Kremlin nhằm đa dạng hóa nguồn cầu cho mặt hàng khí đốt. Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, đây là đòn đáp trả mạnh tay của ông V.Putin đối với EU vì Cựu lục địa đang phụ thuộc tới 1/3 nguồn cung khí đốt vào Nga.

Hệ thống đường ống "Dòng chảy phương Nam" (xanh) - Nguồn: BBC
Sau “đòn chí mạng" đình chỉ “Dòng chảy phương Nam”, Nga lại “dội gáo nước lạnh” vào phương Tây mà chủ yếu là các nước EU khi quay sang bắt tay Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia thành viên NATO và đang cố gắng gia nhập EU.

Được khởi động từ tháng 12/2012, "Dòng chảy phương Nam" là dự án tham vọng vận chuyển khí đốt sang châu Âu mà không đi qua lãnh thổ Ukraine, nhằm giảm sự phụ thuộc vào đường ống trung chuyển khí đốt của Ukraine. Nếu hoàn tất, dòng khí đốt đầu tiên sẽ đi qua đường ống vào cuối năm 2015. Tuy nhiên, theo yêu cầu của Ủy ban Châu Âu (EC) với lập luận dự án vi phạm luật cạnh tranh, "Dòng chảy phương Nam" đã bị đình chỉ hồi tháng 6 khi đi qua lãnh thổ Bulgaria. Đây cũng là thời điểm cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây bùng nổ liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine.

Dự án này do Tập đoàn Dầu khí Gazprom của Nga và Tập đoàn năng lượng ENI của Italya khởi xướng với tổng vốn đầu tư ước tính lên đến 40 tỷ USD. Có chiều dài gần 900km, “Dòng chảy phuonwg Nam” chạy qua Biển Đen vào lãnh thổ các nước Bulgaria, Serbia, Hungary, Slovenia, Áo và Italy, các nhánh chạy qua Thổ Nhĩ Kỳ, Croatia, Macedonia và Hy Lạp, dự án được cho là có tầm quan trọng chiến lược trong việc bảo đảm an ninh năng lượng cho bán đảo Balkan cũng như toàn bộ châu Âu. Đơn cử như Bulgaria, việc hủy bỏ dự án Dòng chảy phương Nam có thể khiến Bulgaria mất đi nhiều lợi ích, trong đó, riêng nguồn thu ngân sách từ phí trung chuyển khí đốt sẽ đem lại cho Sofia 400 triệu euro/năm.

Sau “đòn chí mạng" đình chỉ “Dòng chảy phương Nam”, Nga lại “dội gáo nước lạnh” vào phương Tây mà chủ yếu là các nước EU khi quay sang bắt tay Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia thành viên NATO và đang cố gắng gia nhập EU.

Theo thỏa thuận mới được ký trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỹ ngày 2 và 3/12/2014, Nga sẽ tăng thêm 3 tỷ mét khối khí đốt hàng năm cho Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời đề nghị xây dựng trung tâm năng lượng tại Thổ Nhĩ Kỳ, gần biên giới với Hy Lạp để phục vụ cho nhu cầu năng lượng tại phía Nam châu Âu.

Ngoài ra, Nga còn tỏ ra rất thiện chí khi quyết định giảm 6% giá bán khí đốt cho Ankara kể từ năm 2015. Tập đoàn khí đốt Gazprom (Nga) còn cho biết 2 nước đang cân nhắc tới việc xây dựng đường ống dẫn dầu mới ở ngoài khơi, sẽ nối trực tiếp từ Nga sang Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo các chuyên gia, quyết định của Tổng thống V.Putin (tăng cường quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ) là nhằm sử dụng một viên đạn đạt được hai đích. Thứ nhất, khoảng 4,5 tỷ USD đã đầu tư vào phát triển dự án đường ống dẫn khí đi trên lãnh thổ Nga, mua ống và trang thiết bị. Nay Nga sẽ xây tuyến đường ống sang Thổ Nhĩ Kỳ, với chỉ phí chỉ bằng một nửa. Và như vậy Nga có thể tận dụng các đường ống cũng như những phát triển của "Dòng chảy phương Nam". Thứ hai, bằng cách tăng nguồn cung cho Thổ Nhĩ Kỳ, Nga khiến cho việc xây dựng các tuyến ống khác chuyển tải khí đốt từ Trung Á sang châu Âu trở nên vô nghĩa.

Một số chuyên gia năng lượng cho rằng, việc Nga thay đổi kế hoạch xây dựng đường ống “Dòng chảy Phương Nam” sang châu Âu, thay bằng đường ống tương đương sang Thổ Nhĩ Kỳ, sẽ khiến Ukraine gặp khó trong tương lai dài hạn. Vì cùng với Nga, Azerbaijan và Iran cũng đang triển khai dự án xây dựng đường ống khí đốt từ hai nước này sang Thổ Nhĩ Kỳ, biến Thổ Nhĩ Kỳ đến năm 2019 trở thành điểm tập kết khí đốt lớn nhất trong khu vực, với khối lượng lên đến hơn 100 tỷ mét khối mỗi năm. Điều đó đồng nghĩa với việc khối lượng trung chuyển khí đốt Nga qua Ukraine có thể giảm từ 60 tỷ mét khối hiện nay xuống còn 40 tỷ và các nhà đầu tư Phương Tây sẽ buộc phải từ chối lời mời của Ukraine tham gia nâng cấp hệ thống đường ống dẫn khí của nước này, vì không còn lợi ích kinh tế.

Do đó, với việc kết thúc dự án “Dòng chảy phương Nam” giữa lúc giá dầu đang xuống quá thấp, không ít nhận định trong thời gian gần đây cho rằng, căng thẳng tại Ukraine đang "lây lan" sang thị trường nhiên liệu thế giới và đẩy an ninh năng lượng toàn cầu đứng trước những thách thức mới. Nắm trong tay "lá bài" nhiều sức mạnh, trong thời gian tới, không loại trừ khả năng Moscow sẽ tiếp tục giảm bớt lượng khí đốt cung cấp cho châu Âu nhằm trả đũa kế hoạch hạ thấp giá dầu của Mỹ, EU và các nước đồng minh, gây tổn hại không nhỏ tới nguồn thu ngân sách và nền kinh tế Nga thời gian qua.

Nguyễn Chiến
http://baodientu.chinhphu.vn/quoc-te/don-phan-phao-cua-nga/215074.vgp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét