Chủ Nhật, 1 tháng 10, 2023

Mỹ nên làm gì để tách rời kinh tế Trung Quốc ?

Đọc để dự báo khả năng tách rời và việc chuyển một số ngành kinh tế của Mỹ khỏi Trung Quốc, từ đó chuẩn bị điều kiện để VN đón nhận luồng vốn đầu tư nước ngoài này của Mỹ từ TQ chuyển sang. VN là đối tác chiến lược và toàn diện của Mỹ nên chắc chắn sẽ nhận được một số ưu tiên của Mỹ khi di chuyển các cơ sở sản xuất.
Mỹ nên làm gì để tách rời kinh tế Trung Quốc ?
Christopher Balding • Mỹ có những lo ngại chính đáng về an ninh quốc gia khi phải phụ thuộc quá mức vào một quốc gia đối địch nắm giữ vị thế gần như độc quyền về sản xuất thuốc cơ bản và đầu vào điện tử. Có một số bước mà Mỹ nên thực hiện để khuyến khích việc tách rời khỏi Trung Quốc một cách có trách nhiệm.
1. Tại sao Mỹ nên tách rời khỏi kinh tế Trung Quốc ?
Các hành động của Bắc Kinh đã sáng tỏ vai trò của nước này trên thế giới và các hành vi mà nước này có thể thực hiện trong tương lai. Do đó, người ta cần phải xem xét lại mối quan hệ kinh tế và tài chính mà Mỹ và các nước khác nên duy trì với một nhà nước độc tài cứng rắn như vậy.

Cả phe ôn hoà và cứng rắn về vấn đề Trung Quốc đều ôm giữ nhận thức sai lầm rằng nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc duy trì sự phụ thuộc sâu sắc về kinh tế và tài chính. Ví dụ, nhiều người cho rằng Trung Quốc nắm giữ khoảng 1 nghìn tỷ USD nợ chính phủ Mỹ và có thể gây ra sự gián đoạn kinh tế trên diện rộng đối với Mỹ. 

Trên thực tế, Trung Quốc chỉ nắm giữ khoảng 4% số chứng khoán nợ còn tồn đọng của Mỹ và Cục Dự trữ Liên bang sẵn sàng can thiệp nếu Trung Quốc cố gắng vũ khí hóa số trái phiếu nắm giữ của mình. Trung Quốc trong thời gian dài đã đóng cửa thị trường tài chính đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Nước này đã hạn chế đầu tư vào cổ phiếu và các hoạt động kinh doanh phức tạp như hoạt động ngân hàng ở Trung Quốc. Trên thực tế, những ràng buộc về tài chính vẫn ở mức tối thiểu và có thể quản lý được.

Kinh tế là một bức tranh phức tạp hơn. Nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm khoảng 2% GDP, với xuất khẩu bằng 0,6% GDP, xếp sau Mexico, trong lúc thương mại của Mỹ đang dịch chuyển dần về quê nhà. Mặc dù các con số này tương đối nhỏ, nhưng chúng cũng không thể giúp chúng ta nắm bắt được toàn bộ câu chuyện. Hầu hết hàng nhập khẩu từ Trung Quốc tiếp tục rơi vào danh mục sản xuất cơ bản như hàng may mặc, máy móc, đồ chơi và đồ nội thất, và danh mục thứ hai là thiết bị điện tử cơ bản như iPhone và TV. Loại hình hàng hoá thương mại là quan trọng để đánh giá tầm quan trọng của chuỗi cung ứng và rủi ro tiềm ẩn đối với Mỹ.

​​Trung Quốc tự coi mình là công xưởng của thế giới, nhưng trên thực tế, rất nhiều mặt hàng xuất khẩu của nước này có thể được di dời sang các nước khác, sau đó được nhập khẩu vào Mỹ mà không tạo ra nhiều gián đoạn. Ví dụ, một lượng lớn hàng may mặc, dệt may và sản xuất cơ bản có thể được di dời mà không tạo ra hoặc ít tạo ra gián đoạn. Ngay cả khi không chuyển sang các nước khác, loại hình thương mại này không gây rủi ro đáng kể cho Mỹ.

Hàng hóa điện tử là một vấn đề phức tạp hơn. Một số loại hình sản xuất điện tử, chẳng hạn như lắp ráp iPhone, có thể được chuyển sang các nước khác mà không tạo ra sự gián đoạn lớn. Tuy nhiên, các loại hình sản xuất điện tử khác, chẳng hạn như tivi, đòi hỏi nhiều nhà xưởng, đầu vào và lao động chuyên biệt hơn, đòi hỏi thời gian cho sự di dời cũng như hoạt động chuyển giao kiến thức và cơ sở hạ tầng.

Một hạng mục thương mại khác cần được đề cập: Sự độc quyền của Trung Quốc trong các sản phẩm chủ chốt, chẳng hạn như một số kim loại, khoáng sản và pin xe điện. Trung Quốc đã chi những khoản tiền lớn để chiếm lĩnh thị trường toàn cầu ở một số nguyên liệu thô và thành phẩm nhất định.

Pin lithium trong xưởng của một công ty sản xuất pin lithium ở Hoài Bắc, tỉnh An Huy, Trung Quốc, vào ngày 14/11/2020. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Điều này đặt ra một câu hỏi hóc búa cho Mỹ: Loại hàng nhập khẩu của Trung Quốc dễ dàng chuyển sang các nước khác nhất thường là ít quan trọng nhất xét từ góc độ rủi ro, trong khi hàng nhập khẩu rủi ro nhất thường phức tạp hơn nếu muốn chuyển sang các nước khác.

Vậy làm thế nào chính phủ Mỹ có thể khuyến khích và hỗ trợ việc tách rời khỏi các sản phẩm Trung Quốc có rủi ro cao?

2. Các biện pháp để tách rời

Thuế quan không hiệu quả và khuyến khích hành vi thiếu cạnh tranh, vì vậy cần tránh áp dụng thuế quan. Nhưng trong trường hợp của Trung Quốc, thuế quan giúp các nhà sản xuất toàn cầu chuyển dịch sản xuất. Như một tín hiệu về giá, thuế quan làm tăng giá hàng hóa từ Trung Quốc, giúp các công ty có thời gian di chuyển sản xuất và xây dựng nhà máy mới cho những sản phẩm đó. Tuy nhiên, việc tăng giá sản phẩm từ Trung Quốc không đủ mạnh để giúp di dời chuỗi cung ứng khỏi các nhà cung cấp có rủi ro cao.

Có một số bước mà Mỹ nên thực hiện để khuyến khích việc tách rời khỏi Trung Quốc một cách có trách nhiệm. Washington nên tích cực làm việc với các quốc gia và công ty muốn rời khỏi Trung Quốc cũng như những quốc gia mong muốn nhận được khoản đầu tư mới. 

Lỗi lầm chính của Mỹ, dưới thời chính quyền Trump và Biden, bắt nguồn từ việc từ chối đưa ra các ưu đãi cho các quốc gia không thoải mái với Trung Quốc và các công ty làm việc với Trung Quốc. Mối bất bình lớn nhất từ các nước Đông Nam Á là sự vắng mặt tương đối của Mỹ trong khu vực hoặc sự thiếu vắng các lời đề nghị hữu hình. Trong lúc Mỹ nỗ lực giúp các công ty rời khỏi Trung Quốc, Mỹ đồng thời có thể mang lại đầu tư và việc làm cho các nước khác.

Mỹ nên ưu tiên những hàng hóa và ngành công nghiệp cần tách rời và tập trung vào việc làm cách nào để đạt được mục tiêu đó. Việc tách rời không có nghĩa là chấm dứt hoàn toàn mọi hoạt động thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Thay vào đó, nó có nghĩa hoặc nên có nghĩa là sự tách rời đối với các sản phẩm có rủi ro cao và chuyển các lĩnh vực có rủi ro cao với mức độ tập trung hóa cao sang một số lượng đa dạng các nhà sản xuất hơn. 

Trung Quốc gần như độc quyền toàn cầu trong sản xuất thuốc cơ bản, kim loại và khoáng chất quan trọng cũng như một số thiết bị điện tử, khiến Mỹ phải đối mặt với rủi ro nghiêm trọng trong nhiều lĩnh vực, từ sản xuất thuốc chống virus Corona đến đầu vào điện tử. Việc tăng giá các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất trong các lĩnh vực này sẽ gây thiệt hại cho người tiêu dùng Mỹ nếu không có công ty nào khác trên toàn thế giới sản xuất những sản phẩm đó.

Mỹ có những lo ngại chính đáng về an ninh quốc gia đối với việc phụ thuộc quá mức vào một quốc gia đối địch nắm giữ vị thế gần như độc quyền về sản xuất thuốc cơ bản và đầu vào điện tử. Bằng cách hợp tác với các công ty và các quốc gia khác, Mỹ có thể tiến hành nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng quan trọng của mình khỏi một quốc gia đối địch, vốn sẵn sàng sử dụng quyền lực độc quyền của mình để làm tổn hại các bên khác. 

Mỹ đã thực hiện bước đầu tiên để tách rời – nước này phải tiến xa hơn nữa.

Tác giả Christopher Balding từng làm việc tại Đại học Fulbright Việt Nam và Trường Kinh doanh HSBC thuộc Đại học Bắc Kinh. Ông chuyên nghiên cứu về kinh tế, thị trường tài chính và công nghệ Trung Quốc. Là thành viên cao cấp của tổ chức Henry Jackson Society, ông đã sống ở Trung Quốc và Việt Nam trong hơn một thập kỷ trước khi chuyển đến Mỹ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét