Chủ Nhật, 19 tháng 3, 2023

Ngư dân VN bị Indo bắt: chi phí hồi hương cao khó hiểu?

Ngư dân VN bị Indonesia bắt giữ: chi phí hồi hương cao khó hiểu?
2023.03.16 
Gần 30 ngư dân Việt Nam hiện đang bị giam tại đảo Tanjung Pinang (Indonesia) từ 3-4 năm nay do bị cáo buộc đánh bắt bất hợp pháp trong vùng biển của nước này. Hầu hết trong số họ đều nghèo khổ, thậm chí phát bệnh trong trại giam. Trong khi đó, chi phí để được hồi hương lại cao một cách khó hiểu.
Ảnh: Sinh hoạt trong trại Tanjung Pinang, nơi nhốt các ngư dân Việt Nam với cánh cổng luôn đóng kín. Nhân vật cung cấp

Có tiền mới được về

Đỗ Minh Dương, năm nay 26 tuổi, một thuyền viên theo ghe đi đánh cá từ vùng biển Vũng Tàu. Anh cùng với 16 người khác đi cùng chuyến, trong đó có hai tài công, bị hải cảnh Indonesia bắt vào tháng 9/2020. Tất cả sau đó được đưa về trại giam ở đảo Tanjung Pinang (Indonesia):

“Mới đi chuyến đầu tiên luôn, lúc trước đi ghe bên kia cũng thấy cảnh tàu bị dí thì cũng sợ, nhưng mà nghĩ cảnh ở nhà đang thiếu nợ người ta cho nên mới đi chuyến này, ai ngờ bị bắt luôn…”

Theo lời anh Dương, thuyền viên đi theo ghe đánh bắt chỉ bị tạm giam chờ ngày làm thủ tục về nước chứ không phải ra toà. Đợt này, Sứ quán Việt Nam tại Indonesia thông báo tổng chi phí để được về nước là 18 triệu 800 ngàn đồng. Số tiền này đã rẻ hơn nhiều so với những năm dịch COVID - 19. Khi đó, con số có khi lên tới hơn 50 triệu đồng mỗi người.

“Có mấy người đi bạn, ai liên lạc được thì ở nhà tự lo, còn ai không liên lạc được, có hoàn cảnh khó khăn thì còn ở lại bên này. Ghe của em hiện tại còn ba người ở bên này.

Nếu mình có 18 triệu 800 ngàn để đóng cho Quỹ bảo hộ công dân thì Đại sứ quán sẽ làm hộ chiếu cho mình, có chuyến bay là về thôi.”

Anh Dương hiện chỉ còn cha già ở Việt Nam. Ông đi làm bảo vệ hàng tháng cũng chỉ đủ để gởi thêm tiền cho anh chi tiêu mỗi tháng, chứ không đủ khả năng đóng gần 20 triệu bảo lãnh con về. Trong khi đó, đi vay mượn thì cũng không ai cho:

“Ông già của em thì già rồi, còn bà già thì mất lúc em ba tuổi. Ông già bây giờ đi làm bảo vệ. Nếu mà có tiền, có điều kiện thì em đã về lâu rồi chứ có đâu mà ở đây tới ba năm cho tới giờ.

Cũng đang cố gắng kêu ông già vay mượn tiền để về nhưng mà cũng chưa có ai cho mượn. Còn hàng tháng thì ông già của em cũng gửi qua để em ăn uống thêm, chứ còn chủ ghe thì nó bỏ luôn rồi.”

Ngư dân đổ bệnh trong tù

Anh Dương cho biết thêm, ở nhà tù này đang còn nhốt 29 ngư dân Việt Nam, hầu hết đều có hoàn cảnh vô cũng khó khăn, không lo nổi số tiền làm thủ tục về nước. Thậm chí, có người đã ngoài 50, sức khoẻ yếu, bệnh tật không đi đứng nổi, nhưng vì không có tiền nên đã bị nhốt đến nay là gần bốn năm vẫn chưa được về.

Đó là trường hợp của ông Nguyễn Thái Hùng, sinh năm 1970, đi đánh bắt từ huyện Rạch Giá, Kiên Giang. Sau gần một tháng lênh đênh trên biển, ghe của ông Hùng bị bắt vào ngày 1/3/2020.

Ông Hùng nói, trước khi đi, chủ tàu cam đoan với ông là sẽ không đánh bắt ở vùng biển của nước khác:

“Đầu năm 2020 có người quen ở xóm lại gọi tôi đi ghe biển, ba tháng trả tôi 17 triệu. Tôi không đồng ý đi vì đi vùng biển gần Malaysia tôi sợ bị bắt, bị ở tù lắm. Người đó mới đảm bảo là đi sẽ không xâm phạm vùng biển nước ngoài.

Khi đánh bắt ở nước người ta, người ta bắt thì tài công bỏ chạy, không nghe theo lệnh của người ta. Người ta bắn nhiều lắm, tôi tưởng là chết hết rồi, bò lết hết trên ghe.”

Khi mới bị bắt, ông Hùng nói ông bị hải quân Indonesia đánh đến mức đổ bệnh:

“Khi tôi mới qua đây tôi bị hải quân đánh rồi lâm bệnh. Tôi ở trong phòng cách ly hết hai năm là tôi muốn chết ở trong đó luôn rồi. Khi họ thấy như vậy mới đưa tôi ra… Tôi thở không có nổi, người ta khám bệnh mà không biết làm sao họ lại cách ly một mình tôi trong một phòng. Phòng đó dài 2,5 thước, ngang 1,8 thước.

Tôi bị xụi hết một cái chân bên trái, khó thở, mắt mờ… Khi báo bệnh thì người ta cho thuốc giảm đau thôi chứ không có tiền yêu cầu đưa thuốc điều trị cho mình.

Bây giờ mình ăn uống cũng không được như người ta, đi đứng thì trại có phát cho tôi hai cây nạn, đồ ăn bên Indo này thì khó ăn lắm. Tôi muốn uống sữa mà không có tiền.

Đại sứ quán vẫn biết sức khoẻ của tôi chứ, nhưng mà tiền đâu mà tôi đóng.

Tôi không có vợ, cũng không thân với ai hết.”

Ông Hùng cho biết, phía Đại sứ quán Việt Nam vào dịp Tết 2022 có cử người đến thăm, gởi quà gồm sữa, nước ngọt và thuốc lá cho mọi người và hứa sẽ tìm chủ tàu để bắt họ đóng tiền đưa mọi người về nước. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có kết quả gì.
Chi phí cao một cách khó hiểu!

Một luật sư, hiện đang ở trong nước, không muốn nêu danh tính vì lý do an toàn, cho biết theo quy định của Chính phủ, việc Sứ quán thu tiền của thuyền viên là không đúng:

“Những người chủ tàu chủ thuyền phải trả tiền để cho người thuyền viên nhà nước. Trường hợp nếu mà chủ tàu không trả thì địa phương nơi có tàu thuyền vi phạm phải trả số tiền đó.

Việc mà Đại sứ quán yêu cầu những thuyền viên này phải tự bỏ tiền để lo chi phí về nước là trái với Công điện của Thủ tướng. Địa phương nên bỏ tiền lo cho công dân về nước trước, sau này có đền bù, trả lại như thế nào thì tính sau.”

Công điện số 732 về việc “ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài” được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành vào năm 2017. Tại khoản d, điều sáu của công văn này quy định “Bắt buộc chủ tàu cá vi phạm phải chi trả kinh phí để đưa ngư dân vi phạm về nước; nếu chủ tàu không chi trả thì địa phương có tàu vi phạm chịu trách nhiệm chi trả.”

Phóng viên RFA liên hệ tới Phòng Bảo hộ Công dân hai lần. lần đầu tiên, khi xưng là phóng viên thì cán bộ trực ban từ chối trả lời.

Lần thứ hai, chúng tôi đi thẳng vào câu hỏi (mà không nêu danh tính) về chi phí đóng tiền đưa ngư dân từ Indonesia về nước, thì được cho biết là ngư dân sau khi về nước sẽ được quyết toán, trả lại tiền nếu còn thừa.

Đồng thời cán bộ này khẳng định, đối với thuyền viên thì chỉ cần đóng tiền vé máy bay, cùng với chi phí ăn ở chờ ngày về mà thôi:

“Đây chỉ là số tiền tạm ứng thôi. Sau khi xong thì Quỹ Bảo hộ Công dân ở trong nước sẽ quyết toán và trả lại phần thừa.

Có thể bao gồm nhiều chi phí khác như là cơ quan trục xuất phải mua vé máy bay ở khách sạn hay là tiền ăn ở khách sạn trong thời gian chờ trục xuất nữa.

Thuyền viên chỉ chịu tiền ăn ở sinh hoạt để chờ trục xuất mà thôi.”

Anh Dương cho biết, theo lời cán bộ Sứ quán, số tiền phải đóng là 18 triệu 800 ngàn đồng bao gồm tiền làm hộ chiếu cho ngư dân và chi phí đi lại, cùng với vé máy bay đưa người về tới TPHCM. Anh cũng cho biết thêm rằng thường những người về nước sẽ di chuyển từ đảo ra thủ đô Jakarta (Indonesia), ngủ lại chỉ một đêm rồi hôm sau lên máy bay về nước luôn.

Kiểm tra giá vé máy bay trong tháng ba và tháng tư sắp tới, vé một chiều hạng phổ thông từ Jakarta về TPCHM chỉ từ hai triệu 300 ngàn đến bốn triệu đồng/người. Giá khách sạn bình dân ở thủ đô Jakarta chỉ tầm 20 đô-la Mỹ/đêm, có thể ở hai người. Giá để cấp một cuốn hộ chiếu mới ở nước ngoài là 35 đô-la Mỹ.

Như vậy, chi phí làm lại hộ chiếu và về Việt Nam chỉ tầm hơn năm triệu đồng mỗi người. Vì sao Sứ quán lại yêu cầu mỗi ngư dân đóng gần 19 triệu?

Chúng tôi tiếp tục gọi điện tới Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia theo số điện thoại được đăng công khai trên trang web của Sứ quán để hỏi thêm thông tin nhưng không có ai nghe máy, dù đang trong giờ hành chính.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnamese-fishermen-detained-by-indonesia-inexplicably-high-repatriation-costs-03162023211915.html


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét