Thứ Hai, 13 tháng 3, 2023

Mỗi lần Fed tăng lãi suất là kinh tế Mỹ lại khủng hoảng

Mỗi lần Fed tăng lãi suất là kinh tế Mỹ lại khủng hoảng
Nhìn lại lịch sử, mỗi lần Cục dự trữ liên bang Mỹ (còn gọi là Ngân hàng Trung ương Mỹ, Fed) tăng lãi suất sau thời gian giữ lãi suất thấp để kích thích tăng trưởng, là các cuộc khủng hoảng lớn nhỏ đều sẽ xảy ra. Các vụ đổ vỡ của các ngân hàng thích đánh bạc với tiền ảo là kết quả tất yếu do nguyên nhân đơn giản: Định chế thích mạo hiểm, trong khi Fed khuyến khích mạo hiểm, và các định chế sẽ sụp đổ sau khi... Fed đổi ý...
Lịch sử các vụ phá sản lớn hoặc khủng hoảng kinh tế xảy ra sau gắn liền với các đợt tăng lãi suất của Fed để chống lạm phát sau thời kỳ dài in tiền và chi tiêu quá mức (Nguồn: Bloomberg, tổng hợp từ BOFA Global Government Strategy, GFD finaeon)

1. K
hủng hoảng là tất yếu lịch sử

Trong 11 tháng qua, Fed đã tăng lãi suất lên tới 450 điểm cơ bản; mức tăng lãi suất "nóng nhất" trong suốt 13 năm bơm tiền "không giới hạn" ở mức lãi suất gần như cho không (0,25%). Với việc bơm tiền không giới hạn, Fed vô hình chung đã khuyến khích dòng tiền đổ vào các thị trường đầu cơ; vốn là các thị trường kiếm tiền dựa vào đòn bảy nợ nên hết sức nhạy cảm với lãi suất.

Theo đúng quy luật, đúng với những gì đã xảy ra trong lịch sử, khi Fed phải điều chỉnh chống lạm phát và quay lưng với thị trường nợ bằng cách tăng lãi suất điều hành, sự đổ vỡ trên một khu vực cục bộ hoặc trên một diện rộng phải diễn ra.

Bởi vậy, sự phá sản của 3 ngân hàng ưa thích đánh cược với tiền ảo (còn gọi là tiền mã hoá, tiền kỹ thuật số) của Mỹ là Ngân hàng thung lũng Silicon, Silvergate và Structure Bank là tất yếu. Sự đổ vỡ này có thể còn tiếp tục lan rộng sang các định chế huy động và đầu tư khác. Bởi vì, thị trường tài chính luôn có mối quan hệ ràng buộc chặt chẽ với nhau. Ngoài ra, đầu cơ và nợ khổng lồ không chỉ hình thành trên thị trường tiền ảo (có quy mô từng ở mức 3.000 tỷ USD, hiện còn dưới 1.000 tỷ USD), mà còn ở thị trường mua bán nợ, thị trường phái sinh. Tiền ảo, có lẽ là thị trường đầu cơ yếu đuối và thiếu nền tảng nhất nên sự đổ vỡ đầu tiên dĩ nhiên phải xảy ra ở đó.

Giải thích cho vụ phá sản hàng loạt các ngân hàng ưa thích đặt cược vào tiền ảo, trang Bloomberg đã đưa ra một đồ thị thú vị, ghi chú về các vụ đổ vỡ lớn, các cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra song hành với đà tăng lãi suất của Fed.

Bài viết này điểm lại một số cuộc khủng hoảng lớn, nhỏ có liên quan tới việc Fed tăng lãi suất mạnh để hạ nhiệt nền kinh tế nhưng lại thúc đẩy các vụ vỡ nợ, phá sản và thậm chí là khủng hoảng tài chính tồi tệ.


2. Đại khủng hoảng 1929-1933: 11.000 ngân hàng phá sản.

Trước Đại khủng hoảng 
1929-1933, vì lãi suất thấp, các công ty chứng khoán Phố Wall đã cho các nhà đầu tư vay ký quỹ chỉ ở mức 10%. Tức là chỉ cần có 1 đồng vốn, bạn có thể được vay tới 9 đồng từ các công ty môi giới và NHTM để đầu tư chứng khoán.

Đầu cơ và đầu tư bằng đòn bảy được khuyến khích bằng lãi suất thấp, cho vay ký quỹ dễ dãi.

Thị trường chứng khoán Phố Wall tăng nóng đến mức khó có thể kìm hãm. Thời điểm này, Ngân hàng Trung ương của Mỹ, chính là Cục Dự trữ liên bang (Fed) non trẻ, phải ra quyết định: tiếp tục giảm lãi suất để kích thích nền kinh tế hay tăng lãi suất để hạ nhiệt nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng. Năm 1928, Fed ra quyết định: tăng lãi suất hạ nhiệt thị trường.

Dòng người thất nghiệp xếp hàng trong cuộc Đại khủng hoảng 1929-1933

Tuy nhiên, mức tăng
 lãi suất từ 3,5% lên 5% quá nhỏ để hạ nhiệt thị trường chứng khoán (TTCK). Giá cổ phiếu vẫn tăng vọt, chỉ số Dow Jones đạt đỉnh kỷ lục khi đó là 381 điểm.

Fed đã không thể hạ nhiệt được TTCK ngay nhưng lãi suất cao lại làm tổn thương ngành sản xuất Mỹ. Năm 1929, ngành sản xuất Mỹ giảm 45% sản lượng đầu ra. Cùng với kinh tế thực xấu đi, khi tin tức về một trùm lừa đảo tài chính bị bắt ở Anh nổ ra thì TTCK Phố Wall mới chính thức sụp đổ; bán tháo giải chấp khiến tất cả trở nên khánh kiệt. Rất nhanh, chỉ trong năm 1930, có tới 1.350 ngân hàng của Mỹ phá sản. Các ngân hàng lớn nhỏ, từ của nhà nước tới tư nhân, nối tiếp làn sóng phá sản trong các năm sau đó. Từ 1929- 1933; tổng cộng 11.000 ngân hàng phá sản.

3. Khủng hoảng nợ 1982: 42 ngân hàng phá sản

Nợ bùng nổ nghiêm trọng tại các nền kinh tế ở Mỹ Latinh, chi tiêu quá mức của chính phủ đi kèm tham nhũng khiến các nền kinh tế này mất khả năng trả nợ, lạm phát tăng mạnh. Các cú sốc giá dầu làm giá cả tăng; lạm phát bùng nổ.

Năm 1981, nước Mỹ rơi vào thời kỳ lạm phát hai con số nghiêm trọng. Giá xăng tăng vọt; lãi suất thế chấp cao ngất ngưởng, khiến nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu không thể mua nhà. Thị trường việc làm cũng yếu, với tỷ lệ thất nghiệp trên 7%. Lạm phát tăng dần lên mức 2 con số và đạt đỉnh 13,5% vào năm 1982. Lúc này, ông Paul Volcker, chủ tịch Fed đã kiểm soát lạm phát bằng cách tạo ra hai cuộc suy thoái lớn, nhưng ngắn ngủi, để cắt giảm chi tiêu và buộc lạm phát giảm xuống.

Rất mạnh tay, Chủ tịch Fed khi đó đã tăng lãi suất điều hành lên mức 2 con số, duy trì mức lãi suất điều hành của Fed thực dương (tức là lãi suất lớn hơn lạm phát 13,5%); lãi suất tăng từ mức 9,03% lên tới 19,1%. Gần như ngay lập tức, lạm phát được kiềm chế nhưng cái giá phải trả là suy thoái kinh tế. Trong đợt khủng hoảng này, 42 ngân hàng ở Mỹ phải rời bỏ thị trường, vĩnh viễn không thể nào mở cửa trở lại.

4. Thị trường cổ phiếu sụp đổ 1987: 184 ngân hàng phá sản

Thứ Hai đen tối năm 1987 là xảy ra vào ngày 19/10/1987 khi TTCK toàn cầu giảm điểm sốc trong lịch sử khi chứng kiến chỉ số Dow Jones giảm 22,61%, tương đương 508 điểm xuống mức 1.738,74 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 20,4%, mất 57,64 điểm, xuống 225,06 điểm. Phải mất hai năm sau, chỉ số Dow Jones mới lấy lại được khoản lỗ này.

Trước khi sụp đổ, TTCK Mỹ cũng tăng suốt 5 năm liên tiếp nhờ đòn bảy do lãi suất thấp. Khi đó, Fed tăng lãi suất điều hành kèm các điều kiện vĩ mô xấu đi (thâm hụt thương mại, đề xuất Dự luật Thuế của Mỹ...) đã khiến thị trường đảo chiều. Cú sốc này diễn ra khi Fed tăng lãi suất từ 5,98% lên 7,31%.

Theo báo cáo của FDIC (Công ty bảo hiểm tiền gửi Hoa Kỳ), 184 ngân hàng đã phá sản trong năm 1987.

5. Nổ bong bóng Dotcom 2000

Mặc dù bong bóng dotcom giúp kinh tế Mỹ thịnh vượng một cách thần kỳ trong giai đoạn 1995 - 2000, nó cũng là nguyên nhân khiến nền kinh tế này nhanh chóng rơi vào suy thoái khi nó “phát nổ”.

Các công ty dotcom mang đến làn sóng mới trong nền kinh tế thế giới cuối những năm 1990. Giá trị của các công ty này tăng nhanh hơn bất kì ngành công nghiệp nào khác cùng thời. Mặc dù trên thực tế, hầu hết các công ty internet có rất ít tài sản vật chất, phần lớn các công ty này lại được định giá rất cao trên thị trường chứng khoán vào lúc ban đầu.

Chỉ số Nasdaq trên thị trường chứng khoán chứng kiến phiên tăng mạnh hơn 3000 điểm vào giữa tháng 3/2012, đây là lần đầu tiên chỉ số này đạt tới mốc đó kể từ tháng 12/2000 do tác động của bong bóng dotcom.

Ngoài ra, các nhà đầu tư đã rót một số lượng lớn vốn vào các công ty dotcom do bị hấp dẫn bởi những dự đoán về ngành công nghệ. Rất nhiều công ty dotcom chỉ tập trung vào việc tăng trưởng và quảng bá thương hiệu với mục tiêu đạt được giá trị cao trên thị trường chứng khoán, bất chấp việc các công ty này bán được rất ít sản phẩm trên thực tế.

Vào giai đoạn đó, nước Mỹ trở nên thịnh vượng hơn bao giờ hết. Nền kinh tế Mỹ tăng trưởng tới 4,9% mỗi năm (so với mức trung bình 2,75% trong thời kỳ 1972 - 1995). Chỉ số NASDAQ (chỉ số thị trường chứng khoán Nasdaq) có lúc lên đến đỉnh cao nhất mọi thời đại, ở mức 5132,52 điểm (gấp đôi mức hiện tại là 2803,32).

Bong bóng Dotcom nổ khi Fed thắt chặt tiền tệ và làm dòng vốn đổ vào công ty công nghệ chững lại, bộc lộ nhiều doanh nghiệp công nghệ xác sống; vốn không tồn tại dựa trên sản phẩm và thị trường mà dựa trên dòng vốn vay. Một số nhà đầu tư nhanh chóng chuyển tiền đầu tư của họ sang các công cụ tài chính khác, dẫn đến tình trạng bán tháo và sụt giảm giá cổ phiếu. Một lượng lớn các khoản đầu tư đã bị mất, dẫn đến một cuộc suy thoái nhẹ ở Mỹ và các quốc gia khác.

Giai đoạn này, Fed tăng lãi suất từ 4,76% lên 6,5%.

6. Khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008: 140 ngân hàng phá sản 2008 - 2009

Cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu 2007-2008 là một cuộc khủng hoảng diễn ra vào các năm 2007, 2008, bao gồm sự đổ vỡ hàng loạt hệ thống ngân hàng, tình trạng đói tín dụng, tình trạng sụt giá chứng khoán và mất giá tiền tệ quy mô lớn ở Mỹ và nhiều nước châu Âu, có nguồn gốc từ khủng hoảng tài chính ở Hoa Kỳ.

Nguyên nhân chính là mở rộng nợ dưới chuẩn nhờ chính sách tiền tệ nới lỏng của Fed. Nợ được mở rộng một cách thiếu đạo đức, thiếu giám sát.

Các NHTM cho tăng cường hoạt động cho vay một cách liều lĩnh vì họ có thể bán được nợ cho thị trường mua bán nợ ngay lập tức sau khi giải ngân.

Các ngân hàng đã cho vay dưới chuẩn bất chấp đạo đức ngành với niềm tin rằng rủi ro cho vay dưới chuẩn có thể lập tức bán ra thị trường nợ. Nhà đầu tư thứ cấp trên thị trường nợ lại mua nợ với niềm tin rằng nếu không đòi được nợ thì rủi ro sẽ được bù đắp bằng phái sinh hoán đổi tín dụng đã mua kèm với sản phẩm chứng khoán nợ.

Tăng trưởng nóng, bong bóng nợ bị thổi phồng nhờ lãi suất thấp đến một lúc thúc đẩy lạm phát tăng. Để hạ nhiệt nền kinh tế, Fed lại đảo chiều chính sách lãi suất. Ngày 10/5/2006, Fed tiếp tục tăng lãi suất lần thứ 16 kể từ tháng 6/2004 thêm 0,25% lên 5,00% - mức cao nhất kể từ tháng 4/2001.

Bong bóng nợ đi kèm lãi suất cao của Fed đã buộc dòng vốn rút khỏi thị trường nợ. Tuy nhiên, rủi ro tích tụ trong thị trường nợ đã quá lớn và không thể đảo ngược; mọi việc trở nên tồi tệ khi một định chế nắm giữ một khối lượng lớn tài sản tài chính phái sinh hoán đổi tín dụng mất khả năng chi trả. Hàng loạt NHTM và NHĐT Phố Wall tuyên bố phá sản theo hiệu ứng domino. Cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ Đại khủng hoảng 1929 - 1933 đã bắt đầu như vậy.

Theo thống kê, 140 ngân hàng đã phá sản trong 2 năm 2008 - 2009.

7. Năm 2023: 3 ngân hàng thương mại nhỏ của Mỹ phá sản

Fed đã cắt giảm lãi suất từ tháng 9/2007 tới tháng 12/2008 về mức 0% và duy trì suốt 13 năm qua.

Chu kỳ tạo nợ và bơm bong bóng giá tài sản đầu cơ, bong bóng nợ trên TTTC lại tái tạo một lần nữa. Cho tới khi tất cả phát triển ngoài sức chịu đựng của thị trường, lạm phát của Mỹ bùng phát trở lại, cao nhất trong 40 năm qua. Lúc này Fed lại phải gấp rút đảo chiều lãi suất; tăng tới 450 điểm cơ bản chỉ trong 11 tháng. Một mức tăng lãi suất với tốc độ mạnh chưa từng có trong nhiều thập kỷ.

Sự đảo chiều chính sách này, lại một lần nữa thách thức khả năng chịu đựng của khối bong bóng tài sản tài chính vốn được bơm phồng bằng đầu cơ do lãi suất rẻ trong 13 năm qua. Tài sản nào đầu cơ nhiều, đặc tính đầu cơ lớn, cách xa giá trị thật thì sẽ vỡ đầu tiên. Lần này là tiền ảo (tiền kỹ thuật số hoặc tiền mã hoá) vỡ bong bóng đầu tiên; một thị trường hoàn toàn đầu cơ, không tạo ra bất kỳ giá trị sử dụng hay giá trị gia tăng gì cho nền kinh tế. Đi kèm theo sự sụp đổ của tiền ảo chính là các ngân hàng thương mại, ngân hàng đầu tư ưa thích mạo hiểm, đặt cược quá lớn vào thị trường này, từ dòng tiền gửi tới dòng vốn đầu tư.

Nguồn: Báo nước ngoài.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét