Vì sao Tập Cận Bình để tóc bạc?
FB Lê Tây Sơn 18 tháng 3, 2023 - Tóc đen tuyền là yêu cầu truyền thống của giới lãnh đạo ở Trung Quốc (TQ) từ thời cổ đại, nhưng Tập Cận Bình đã tự tạo ra một ngoại lệ…Ảnh: “Mốt” tóc muối tiêu dường như là “qui định” mới, theo tiêu chuẩn “đồng bộ” và “nhất quán” đặc sệt màu sắc cộng sản Trung Quốc – ảnh: Tập Cận Bình và tân Thủ tướng Lý Cường với màu tóc hệt nhau (Lintao Zhang/Getty Images)
Vì sao lãnh đạo TQ thường luôn nhuộm tóc đen? Chuyện này không liên quan gì đến hệ tư tưởng cộng sản. Ý tưởng rằng những người cai trị phải có mái tóc đen, dấu hiệu của sức sống và năng lượng dồi dào, đã có từ thời cổ đại. Như Mạnh Tử đã nói vào thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên: “Những người có mái tóc trắng nên được chăm sóc hơn là làm những công việc nặng nhọc”.
Từ quan điểm này, sẽ rất lạ, nếu TQ được cai trị bởi “những người tóc trắng” cần được người khác chăm sóc hơn là lo chuyện quốc gia đại sự. Một chuyên gia chăm sóc tóc chuyên nghiệp ước tính, để duy trì vẻ ngoài trẻ trung với mái tóc đen tuyền, các chính trị gia TQ phải nhuộm lại mái tóc của họ mỗi 10 ngày một lần hoặc lâu hơn chút ít.
Đối với một nhà lãnh đạo TQ, mái tóc muối tiêu hay bạc trắng đồng nghĩa với việc ông ta đã rời bỏ chính trường, cho dù bằng ép buộc, tự nguyện hoặc hết nhiệm kỳ. Khi cựu Ủy viên Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang (nạn nhân cấp cao nhất trong chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình) ra tòa vào năm 2015, mái tóc đen của ông đã chuyển sang bạc trắng. Trong khi đó, cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân vẫn tiếp tục nhuộm tóc khi xuất hiện trước công chúng cho đến tận 90 tuổi và vẫn thực thi quyền lực ở hậu trường.
Cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào là người luôn gửi thông điệp từ mái tóc: Mái tóc đen của ông hòa quyện với các nhà lãnh đạo khác nhuộm tóc giống hệt nhau đã gửi đi thông điệp rằng ông thực sự ngang hàng với tám thành viên của Ban Thường vụ và không có quyền tối thượng hơn họ. Tuy nhiên, thực tế thì khác. Trong hệ thống lãnh đạo tập thể dưới thời Hồ, mỗi nhà lãnh đạo cao nhất trên thực tế đều có quyền phủ quyết đối với các quyết định của tập thể, khiến cho các nhóm lợi ích có thể cản trở những cải cách cần thiết.
Năm 2012, khi Tập Cận Bình trở thành Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Bộ chính trị đã giảm từ chín xuống còn bảy thành viên. Sáu năm sau, các nhà lập pháp TQ đã thông qua những thay đổi lớn trong Hiến pháp nhằm bãi bỏ giới hạn nhiệm kỳ của chủ tịch. Cả Giang và Hồ bị giới hạn hai nhiệm kỳ năm năm; nhưng năm ngoái, Tập đã được Quốc hội “bầu” nhiệm kỳ thứ ba nhờ Hiến pháp sửa đổi bỏ hạn chế nhiệm kỳ có từ thời Đặng Tiểu Bình.
Năm 2019, ông Tập đã phá vỡ một chuẩn mực chính trị lâu đời khi ông xuất hiện trước công chúng với mái tóc bạc, làm như ngầm chứng tỏ ông không phải là người cần chăm sóc mà có thể “chăm lo” cho người dân. Chủ đề tóc bạc nằm ngoài giới hạn của giới truyền thông trong nước nên không tờ báo dám bàn. Nhưng giới truyền thông phương Tây suy đoán, Tập bằng cách để tóc bạc muốn khẳng định quyền lực vượt trội của mình so với các thành viên khác trong Ban thường vụ Bộ Chính trị.
Hung Huang, một nhân vật truyền thông lớn lên trong giới tinh hoa chính trị ở Bắc Kinh trong hai thập niên 1960 và 1970, nhận xét: “Các nhà lãnh đạo TQ có truyền thống nhuộm tóc đen để hoà vào tập thể đoàn kết và đồng thuận. Nhưng Tập, người rõ ràng đang đứng trên tất cả những người khác, không cần truyền thống này nữa”, dẫn lại từ Wall Street Journal.
Phải chăng vẻ ngoài “tự nhiên” hơn của Chủ tịch Tập phản ánh sự kết thúc của chế độ lãnh đạo tập thể? Còn quá sớm để nói. Điều có thể chắc chắn là ngay cả khi Tập muốn chứng tỏ là một nhà lãnh đạo giống như Putin (người cai trị nước Nga trong nhiều thập niên với quyền lực tuyệt đối) thì ông ấy cũng sẽ không để tóc của mình bạc trắng mà chỉ điểm bạc.
Quan niệm rằng những người tóc trắng không tự chăm sóc mình nên không được phép cai trị vẫn là một “điều khoản” bất thành văn “không thể xâm phạm” của phong cách văn hóa chính trị cộng sản TQ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét