Thứ Sáu, 31 tháng 3, 2023

Tại sao nên để ngân hàng xấu phá sản

Tại sao nên để ngân hàng xấu phá sản
Các ngân hàng xấu cần phải bị loại bỏ ra khỏi hệ thống, bởi việc nó lây nhiễm rủi ro sang các ngân hàng khác, khả năng đánh mất tiền tiết kiệm của người gửi tiền và việc làm xói mòn niềm tin trong toàn hệ thống mới là những điều tồi tệ nhất. Điều duy nhất chúng ta cần bảo vệ là người gửi tiền.
Ảnh: Các nhân viên của nhà đấu giá Christie di chuyển logo của công ty Lehman Brothers, ước tính được bán với giá 3.000 GBP (bảng Anh) và được giới thiệu trong buổi bán các tác phẩm thuộc sở hữu của ngân hàng đầu tư bị sụp đổ Lehman Brothers vào ngày 24/09/2010 tại London, Anh.

Hãy để cho các ngân hàng thất bại phá sản, cứu trợ chỉ tạo ra các ngân hàng thất bại lớn hơn và đạo đức ngân hàng tồi tệ hơn 

Chúng ta đang chứng kiến vụ đỗ vỡ 3 ngân hàng cỡ vừa và nhỏ ở Mỹ và một siêu ngân hàng toàn cầu, nằm trong top 30 ngân hàng có ảnh hưởng trọng yếu toàn cầu, là Credit Suisse của Thuỵ Sĩ. Đi theo số phận của Credit Suisse có thể là Deutsche Bank, cũng có thể là rất nhiều ngân hàng vừa và nhỏ khác ở Mỹ như First Republic... cũng có thể là các kịch bản đổ vỡ thậm chí nằm ngoài hình dung của chúng ta.

1. Nỗi ám ảnh của ngân hàng

Bởi vì, sự đổ vỡ của một ngân hàng thương mại (NHTM) là không hề đơn giản. Sự thất bại của nó là sự thất bại của một mắt xích trên thị trường tài chính. Một mắt xích bị vỡ có thể khiến cả cỗ máy bị tê liệt, thậm chí một phần của cỗ máy này bị phá huỷ theo.

Khác với bất kỳ ngành kinh doanh nào khác, ngân hàng là ngành kinh doanh tiền. Loại hình kinh doanh dựa trên nợ. Huy động từ dân cư và doanh nghiệp để cho vay và đầu tư. Đó chính là kinh doanh dựa trên nợ; một đòn bảy nợ lớn hơn bất kỳ ngành nghề nào khác. Bởi vậy, khác với tất cả các ngành nghề khác, kinh doanh của ngân hàng chính là dựa vào uy tín. Nhưng uy tín của một ngân hàng là không đủ. Uy tín ngân hàng, niềm tin người gửi tiền dành cho cả một hệ thống. Lý do đơn giản là không một ngân hàng nào hoạt động đơn lẻ.


Ngay cả khi ngân hàng A rất uy tín, họ thực hiện kinh doanh với cam kết và đạo đức ngân hàng rất cao. Nhưng để đứng vững, họ phải vay nợ các ngân hàng khác hoặc cho ngân hàng khác vay. Điều gì xảy ra nếu ngân hàng khác (mà ngân hàng A cho vay) trong hệ thống bị sụp đổ vì mất uy tín? Thậm chí, ngay cả khi không có vay ngân hàng A, một ngân hàng mất uy tín trong hệ thống sẽ khiến người gửi tiền ào ào rút tiền từ các ngân hàng khác ngân hàng A. Ai cũng phải bảo vệ túi tiền của mình. Sự sụp đổ hệ thống do hoảng sợ lan rộng trong công chúng là điều đáng sợ nhất của bất cứ hệ thống NHTM nào, dù là ngân hàng lớn đến đâu, lâu đời đến đâu.

2. Câu chuyện hôm nay

Trước các thông tin về nhà đầu tư rút vốn vì đầu tư, đầu cơ thua lỗ, người gửi tiền ở Credit Suisse đã rút hơn 100 tỷ USD trong quý 4/2022. Tình trạng rút tiền ồ ạt vì mất niềm tin đã khiến Credit Suisse không thể đứng vững dù Ngân hàng Quốc gia Thuỵ Sĩ đã đổ vào 54 tỷ USD. Chỉ sau một đêm, UBS phải mua lại Credit Suisse dưới áp lực của các cơ quan chức năng Thuỵ Sĩ, Mỹ và EU.

Giống như mô tả ở trên, nếu để Credit Suisse tự chống đỡ thì nó sẽ tự sụp đổ. Và sự sụp đổ đó sẽ biến thành hoảng loạn dây chuyền đến mức cả hệ thống tài chính có thể sụp đổ. Hậu quả khôn lường.

Nhưng nguyên nhân cuối cùng của sự sụp đổ tại các NHTM hiện nay là gì? Đó là sự sụp đổ đến từ việc có được nguồn vốn quá rẻ từ các NHTW như FED, ECB, các NHTM đã dùng tiền huy động này phục vụ cho tổ hợp tài chính đầu tư và đầu cơ của họ. Họ mang tiền huy động ngắn hạn, tiền tiết kiệm của dân, đầu cơ vào phái sinh, đầu tư vào các chứng khoán nợ như chứng khoán nợ có đảm bảo bằng tài sản (MBS), đầu tư vào trái phiếu chính phủ, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.

Để có lãi, các khoản đầu tư càng dài hạn, lãi càng cao. Nhưng tài sản dài hạn thì rủi ro lại cao. Đặc biệt rủi ro cao, lỗ nặng khi lãi suất không còn thấp nữa. FED, ECB đảo chiều lãi suất và các ngân hàng, hay nói chính xác là các tổ chức đầu tư, đầu cơ tài chính từ tiền huy động của dân cư, không còn hạnh phúc nữa. Họ đương đầu với lỗ. Họ mất niềm tin với người gửi tiền. Họ sụp đổ khi người gửi tiền quay lưng.

Kiểu sụp đổ kinh điển, theo mô tả của sách giáo khoa này, chính xác đã diễn ra với Credit Suisse, với Ngân hàng Thung lũng Silicon, với Signature Bank, Silvergate của Mỹ...

Theo Bloomberg, có tới 70% các NHTM vừa và nhỏ trong số hơn 4.000 ngân hàng của Mỹ có vấn đề tương tự, có cấu trúc tài sản đầu tư, đầu cơ tương tự các NHTM đã sụp đổ.

3. Ý kiến chuyên gia: Hãy để kẻ thất bại thua cuộc

Câu hỏi quan trọng bây giờ là, chúng ta sẽ làm gì với các ngân hàng đang lao dốc này?

Một chuyên gia kinh tế, trong một bài trên chuyên trang Fee Organization, Giáo sư Peter Jacobsen về Nghiên cứu kinh tế tại Gwartney, viết: "Tôi có một đề xuất khiêm tốn—hãy để các ngân hàng đó thất bại".

Theo GS. Jacobsen, cho phép ngân hàng phá sản nghe có vẻ cực đoan, nhưng đó thực sự là giải pháp hợp lý nhất. Đúng là sẽ có một số chi phí nếu ngân hàng phá sản. Bất cứ khi nào một doanh nghiệp phá sản, các nhà đầu tư khác ràng buộc về mặt tài chính với công ty sẽ thua cuộc.

Ông viết: "Nhưng đây là vấn đề - những người đầu tư vào các doanh nghiệp tồi sẽ thua lỗ. Sự phá sản của SVB phản ánh thực tế rằng nó là một cỗ máy hủy hoại tài sản. Nó lấy tiền mặt hoàn toàn tốt của người gửi tiền và chuyển đổi nó thành trái phiếu hiện đang bị mất giá nghiêm trọng".

Một số ngân hàng, bao gồm Credit Suisse và Nomura, đã cảnh báo về những thiệt hại đáng kể đối với kết quả kinh doanh quý I/2021 của họ do sự sụp đổ của một quỹ đầu cơ của Mỹ là Archegos Capital Management do tỷ phú Bill Hwang điều hành, đã buộc phải thanh lý hơn 20 tỷ USD tài sản sau khi vỡ nợ trong các cuộc gọi ký quỹ. 

Các ngân hàng phá hủy tài sản không được phép tiếp tục làm như vậy vô thời hạn. Và khi người gửi tiền “chạy” vào các ngân hàng xấu, họ đang thực hiện một dịch vụ công.

Tại thời điểm này, một gói cứu trợ ngân hàng không chỉ có nghĩa là những người đóng thuế sẽ phải chịu gánh nặng cho những sai lầm của các chủ ngân hàng mà còn có nghĩa là làm hỏng các động cơ trong ngành ngân hàng nhiều hơn nữa.

Điều đáng nói ở đây là nếu NHTM chỉ làm đúng việc của họ là huy động và cho doanh nghiệp, cá nhân vay mà không đầu tư thì có lẽ sự huỷ hoại tài sản như GS. Jacobsen nói đã không quá nặng nề.

Đầu tư, đầu cơ nên là nhiệm vụ độc lập, nên được quản lý độc lập và nên hoàn toàn tách bạch khỏi hoạt động huy động và cho vay truyền thống. Nếu đầu tư, đầu cơ gắn chặt với hoạt động cho vay truyền thống trong NHTM thì vốn ngắn hạn có thể bị đầu tư dài hạn một cách rủi ro như Credit Suisse và như SVB đã làm.

Chính xác là Đạo luật Glass-Steagall đã làm điều đó, các ông chủ ngân hàng chỉ được chọn một trong 2 lựa chọn: hoặc là trở thành NHTM truyền thống hoặc là trở thành NHĐT mà không được phép làm một lúc cả hai chức năng này.

Thị trường tài chính Mỹ đã không có ngân hàng đổ vỡ cho tới đầu thập niên 1970 khi một số quy định hạn chế NHTM truyền thống đầu tư được "gỡ bỏ". Thậm chí, chỉ 10 năm sau khi Glass-Steagall bị xoá xổ (năm 1999), Đại khủng hoảng 2008 đã xảy ra. Cho đến ngày nay, sự sụp đổ của Credit Suisse và SVB đã diễn bởi lý do tương tự: đầu tư, đầu cơ dài hạn từ dòng vốn huy động ngắn hạn; các khoản đầu tư, đầu cơ thua lỗ do chính sách tiền tệ thắt chặt, ngân hàng sụp đổ.

4. Tài trợ khẩn cấp nguy hiểm

Giáo sư kinh tế học cũng nhấn mạnh về nguy hiểm trong hoạt động tài trợ khẩn cấp của Chính phủ dành cho các ngân hàng đầu tư liều lĩnh.

Ông đã viết: "Để xem vấn đề động cơ, hãy xem xét một ví dụ. Hãy tưởng tượng một thế giới, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chính phủ sẽ trả tiền để sửa chữa ô tô sau mỗi vụ tai nạn. Bạn nghĩ gì với số vụ tai nạn xe hơi mỗi năm? Nó sẽ tăng vọt.

Nếu bạn không bao giờ sợ phải trả giá khi đâm xe, tại sao phải lái xe cẩn thận? Vẫn có một số khuyến khích để tránh các tai nạn nghiêm trọng gây chấn thương, nhưng vấn đề là hệ thống này làm giảm chi phí của hành vi rủi ro, và do đó làm giảm động cơ của một cá nhân để cẩn thận. Các nhà kinh tế gọi đây là vấn đề rủi ro đạo đức.

Và đây là vấn đề chính với các gói cứu trợ ngân hàng. Nếu chính phủ đặt ra tiền lệ rằng tất cả các thất bại của ngân hàng sẽ được cải thiện bằng cách sử dụng tiền của người đóng thuế, thì các ngân hàng sẽ tham gia vào hành vi rủi ro mà nếu không có gói cứu trợ này thì họ sẽ không làm. Tại sao phải thận trọng với tiền của người gửi tiền nếu bạn nhận được một gói cứu trợ bất kể điều gì?

Bạn không thể có một thị trường tự do lành mạnh khi bạn tư nhân hóa lợi nhuận và xã hội hóa các khoản lỗ. Ví của người nộp thuế, nếu được coi như tài sản chung, sẽ phải chịu thảm kịch của tài sản chung.

Và ý tôi không chỉ là tôi phản đối gói cứu trợ chính thức để cứu các nhà đầu tư. Tôi phản đối việc tiền thuế của người dân được phân bổ lại để cứu lợi nhuận của bất kỳ ai liên quan. Một số người có thể lo lắng về những người gửi tiền nhỏ, nhưng FDIC đã bảo hiểm tới 250.000 đô-la (bất kể tôi hoặc bất kỳ ai khác nghĩ gì về chính sách đó), nghĩa là mọi người gửi tiền có ít hơn số tiền đó trong tài khoản của họ đều đã nhận được tiền của họ.

Và đối với những người gửi tiền lớn hơn? Giao dịch kinh doanh có rủi ro. Chúng ta không thể trả tiền cho mọi người để bỏ qua thực tế đó. Nếu bạn muốn sở hữu hơn 1/4 triệu USD trong bất kỳ một tổ chức nào, bạn nên rất cẩn thận trong việc lựa chọn.

Nếu một số cá nhân muốn đi cùng và mua SVB hoặc những ngân hàng đang phá sản này và cố gắng hồi sinh chúng, tôi mời họ thử. Có thể có một cơ hội lợi nhuận ở đó. Nhưng nếu sự lựa chọn là giữa cứu trợ và để họ thất bại, câu trả lời là rõ ràng đối với tôi.

Nếu họ có thể có lãi, thì họ cũng phải có lỗ".

https://fee.org/articles/the-tragedy-of-the-commons/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét