Thứ Ba, 21 tháng 3, 2023

Trung Quốc có đủ năng lực để phát động chiến tranh ?

Trung Quốc có đủ năng lực để phát động chiến tranh ?
Ngày 07/12/2022, Tiến sĩ Edward Luttwak, cố vấn chiến lược cho chính phủ Hoa Kỳ, đã có bài phát biểu mang ý nghĩa then chốt tại Hội nghị Chuyên đề Quốc tế về các Vấn đề An ninh của Viện Nghiên cứu Quốc phòng Quốc gia Nhật Bản (NIDS). Bài phát biểu có tựa đề “Can China Fight a War?” (Liệu Trung Quốc có thể tiến hành một cuộc chiến không?). Nhà địa chiến lược nổi tiếng Edward Luttwak đã tìm ra chính xác gót chân A-sin của Bắc Kinh, đó là thiếu lương thực và thiếu binh lính.

Du khách ngắm nhìn trực thăng quân sự Trung Quốc bay qua đảo Pingtan, một trong những địa điểm tại Trung Quốc đại lục cách Đài Loan ngắn nhất, ở tỉnh Phúc Kiến, ngày 04/08/2022. 

Hầu hết các hãng thông tấn không đưa tin về Hội nghị của NIDS và hầu như không bên nào đề cập đến bài phát biểu của ông Luttwak. Các hãng thông tấn đã bỏ lỡ cơ hội bình luận về một số điểm yếu chiến lược quan trọng nhất của Trung Quốc. Những điểm yếu này nên được nghiên cứu nghiêm túc nếu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ra lệnh cho Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) tiến hành chiến dịch quân sự chống lại Đài Loan.

1. Liệu Trung Quốc có khả năng tiến hành một cuộc chiến?

Tiến sĩ Luttwak lưu ý ngay từ đầu bài phát biểu rằng ông không thể trả lời câu hỏi: “Liệu chính quyền Trung Quốc sẽ thực sự phát động chiến tranh không; họ sẽ gây chiến với Đài Loan không?”. Theo ông, các nhà lãnh đạo của các quốc gia (chẳng hạn như ông Putin đối với cuộc chiến tại Ukraine hay ông Bush đối với cuộc chiến năm 2003 tại Iraq) “có khả năng sẽ phát động các cuộc chiến mà họ sẽ không thể giành chiến thắng”.

“Điều đó đúng với người Nga và người Mỹ, và thậm chí còn đúng hơn với Trung Quốc”, ông nói.

Ông Luttwak đặt một câu hỏi đơn giản: “Liệu Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, với tình trạng hiện tại, có thể thực sự tiến hành một cuộc chiến… một cuộc chiến tranh quy mô nhỏ… chẳng hạn như một cuộc chiến giành Đài Loan?”.

Ông Luttwak cho rằng ĐCSTQ sẽ gặp rắc rối nếu gây chiến với Đài Loan vào lúc này, đặc biệt nếu chiến tranh kéo dài hơn vài tháng. Phân tích của ông không dựa trên những so sánh có tính tiêu chuẩn về quân sự giữa hai nước - những so sánh dựa trên hệ thống vũ khí và số lượng binh lính. Thay vào đó, ông Luttwak tập trung vào 2 điểm yếu chiến lược lớn nhất liên quan đến tính bền vững của Trung Quốc, đó là: (i) nguồn cung lương thực và (ii) binh sĩ.

2. So sánh với Nga

Ông Luttwak đã so sánh Nga và Trung Quốc. Trước hết, Nga có khả năng duy trì lâu dài một cuộc chiến không?

Theo ông Luttwak, thứ nhất, “Nga không phải nhập khẩu lương thực. Nga có thể nhập khẩu một số loại pâté de foie gras (pate gan ngỗng vỗ béo) đặc biệt từ Paris, nhưng thực phẩm mà người Nga làm ra đủ để phục vụ bữa ăn của họ”.

Thứ hai, Nga không nhập khẩu năng lượng; Nga là nước xuất khẩu năng lượng.

Thứ ba, Nga có được thứ quý giá nhất trong thời chiến, đó là việc một số gia đình có thêm con trai.

3. Lương thực

Theo ông Luttwak, ngược lại với Nga, Trung Quốc nhập khẩu vài triệu tấn lương thực mỗi năm. Ví dụ, vào năm 2022, Trung Quốc đã nhập khẩu hơn 85% lượng đậu tương cần thiết (95 triệu tấn), chủ yếu từ Hoa Kỳ, Brazil và Argentina. Trung Quốc cũng nhập khẩu “95 triệu tấn đậu nành, cộng với khoảng 20.000–30.000 tấn ngô, lúa mì, lúa miến (còn gọi là bo bo), kê và những loại khác để làm thức ăn cho động vật”. Ông nói thêm, “tất nhiên là họ cũng nhập khẩu sữa, rất nhiều sữa” và cả thịt.

Do đó, “Trung Quốc là một quốc gia cần nhiều protein; protein rất quan trọng đối với họ”. Vào thời điểm nổ ra một cuộc chiến dưới bất kỳ hình thức nào, thậm chí là một cuộc chiến quy mô nhỏ, G7 sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Trung Quốc. Điều này có nghĩa là Bắc Kinh sẽ không thể nhập khẩu nhiều mặt hàng, ví dụ như đậu nành từ Hoa Kỳ và Canada.

Ông Luttwak lập luận rằng một khi chiến tranh được phát động, “trong vòng khoảng 3 tháng, họ sẽ phải giết… hầu hết lợn, gà, cừu và bò”.

Trong thời đại Mao Trạch Đông, ông Luttwak cho hay, người dân có thể sống sót bởi họ ăn uống đơn giản hơn rất nhiều so với hiện nay. Họ không có nhiều thịt và chắc chắn không có sữa chua.

“Trung Quốc đã từng tự cung tự cấp. Nói cách khác, Trung Quốc từng là Nga hiện nay về mặt lương thực. Nhưng Trung Quốc bây giờ thì hoàn toàn khác”.

Theo ông Luttwak, giới lãnh đạo Trung Quốc đã thất bại trong việc đảm bảo các địa phương Trung Quốc có được nguồn lương thực thực phẩm dồi dào. Bất chấp chính quyền trung ương ban hành nhiều luật nhằm ngăn chặn việc chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất ở hoặc đất công nghiệp, Trung Quốc vẫn tiếp tục mất đất nông nghiệp, chủ yếu là do xói mòn đất, công nghiệp hóa và đô thị hóa.

Còn ở Nga, ông Luttwak cho hay, Moscow đã tham chiến kể từ tháng 02/2022; vậy mà “người dân Nga vẫn ăn những loại thức ăn mà họ dùng cách đây sáu tháng, một năm”.

4. Năng lượng

Một số nhà phân tích dự đoán rằng Trung Quốc sẽ gặp thách thức trong nỗ lực có đủ năng lượng phục vụ chiến đấu. Tuy nhiên, theo ông Luttwak, dù Trung Quốc nhập khẩu lượng lớn xăng dầu và khí đốt tự nhiên hóa lỏng, nhưng những mặt hàng nhập khẩu đó “không quan trọng về mặt chiến lược bằng lương thực thực phẩm”.

Ông Luttwak nói thêm rằng “Trung Quốc tự thân có sản lượng dầu mỏ và khí đốt lớn”. Nếu phát động chiến tranh, Trung Quốc sẽ có thể chuyển các nguồn năng lượng vốn được dùng trong thương mại xuất khẩu sang phục vụ người dân. “Và, trong thời chiến, khá dễ dàng để ra yêu cầu hạn chế sử dụng năng lượng”.

5. Số lượng lính cần triển khai

Ông Luttwak cho biết, ước tính thấp nhất về số người Nga thiệt mạng tại Ukraine tính đến tháng 12/2022 là 25.000 người (nhiều ước tính khác đưa ra con số hơn 100.000). Ông nói rằng Nga “có thể mất 25.000 binh sĩ trong vài tháng và điều đó không có gì khác biệt… Không ai chặn đường phố ở Moscow để phản đối. Sự việc có thể tiếp tục như thế trong một thời gian dài”.

Sau đó, ông so sánh cuộc xâm lược Tiệp Khắc năm 1968 của Liên Xô, cuộc xâm lược Ukraine năm 2022 của Nga và cuộc xâm lược Đài Loan có thể xảy ra trong tương lai của PLA.

Theo ông Luttwak, khi Liên Xô xâm lược Tiệp Khắc vào năm 1968, họ “có thể điều 400.000 quân vào Tiệp Khắc trong 24 giờ đầu tiên. Và 800.000 quân trong vòng 48 giờ”.

Tuy nhiên, khi Nga xâm lược Ukraine năm 2022, họ đã mắc sai lầm lớn khi chỉ sử dụng 135.000 quân để xâm lược một quốc gia rộng gấp 4,5 lần Tiệp Khắc (603.700 km2 so với 127.900 km2) và đông dân gấp 4 lần (năm 1968, dân số Tiệp Khắc là 10 triệu người; năm 2022, dân số Ukraine là khoảng 41 triệu người). Theo quan điểm của ông Luttwak, lẽ ra Nga cần lên kế hoạch triển khai gấp 4 lần số quân mà Liên Xô đã điều vào Tiệp Khắc, tức là khoảng 3.200.000 người.

Sử dụng tỷ lệ dân số tương tự, PLA sẽ cần triển khai tối thiểu 1.600.000 binh sĩ trong vòng 48 giờ của cuộc xâm lược, vì dân số Đài Loan bằng khoảng ½ dân số Ukraine. ĐCSTQ sẽ phải vật lộn với con số đó, vì lực lượng bộ binh của họ không lớn như thế; họ sẽ giống như cách mà Nga đang phải vật lộn ở Ukraine.

6. Hậu quả của cưỡng ép phá thai, triệt sản

Năm 1980, TQ ban hành “chính sách một con”. Chính sách này kéo dài đến năm 2016. Hầu hết các gia đình Trung Quốc ngày nay chỉ có một con. Mặc dù tình trạng này được cho là sẽ thay đổi bởi vì Bắc Kinh đã ban hành các chính sách mới khuyến khích sinh sản. Tuy nhiên, những chính sách mới đó sẽ không thể cho thấy rõ tác động trong nhiều thập kỷ tới.

Đối với mô hình đất nước mà gia đình có rất ít con, “không thừa con trai, thì gia đình, xã hội, văn hóa và chính quyền đều phải nỗ lực giảm thiểu thương vong”.

Ông Luttwak kể lại cuộc đụng độ năm 2020 giữa quân đội Trung Quốc và quân đội Ấn Độ tại Thung lũng sông Galwan ở Ladakh. Khoảng 20 binh sĩ Ấn Độ đã thiệt mạng, trong đó có một chuẩn tướng. Ngay sau cuộc giao tranh, những người này đã được tổ chức tang lễ theo nghi thức quân đội.

Tuy nhiên, 8 tháng sau cuộc giao tranh, ĐCSTQ mới công bố những binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng. ĐCSTQ thừa nhận rằng có 4 binh sĩ đã hy sinh: một sĩ quan và ba quân nhân. Điều gì đã xảy ra trong suốt 7 tháng im lặng là phần thú vị của câu chuyện.

Vợ của người sĩ quan đã thiệt mạng, một giáo viên âm nhạc tại địa phương, đã được thăng chức làm giáo sư âm nhạc tại một nhạc viện lớn.

Ba quân nhân kia được nhận những lời tuyên truyền rất đặc biệt. Một người trông còn rất trẻ đã được phong làm anh hùng địa phương. Một người khác thì được miêu tả là “người tốt” và được cho là từng nói rằng: “Tôi sẽ hy sinh mạng sống của mình để bảo vệ tổ quốc — từng tấc đất của tổ quốc; tôi ở đây để bảo vệ từng tấc đất”. Tất nhiên, Ladakh chưa bao giờ là một phần của Trung Quốc - đây quả là một sự thật phũ phàng.

ĐCSTQ đã miêu tả quân nhân thứ ba là người “rất truyền thống”. Trong một bức thư được cho là viết trước khi chết, anh ấy viết: “Bố mẹ thân yêu, con rất xin lỗi vì đã không ở bên khi bố mẹ cần con, nhưng nếu có kiếp sau… thì con hy vọng sẽ lại được ở cùng bố mẹ”. Nói đến đây, ông Luttwak lưu ý rằng có một sự phi logic khi những người vô thần (ĐCSTQ) lại đề cập đến thế giới bên kia.

Tóm lại, Trung Quốc “lo ngại về phản ứng của công chúng. Toàn bộ các hoạt động kể trên là để giảm thiểu tác động về mặt cảm xúc khi ĐCSTQ thừa nhận rằng 4 người lính đã chết”.

Theo ông Luttwak, nếu ĐCSTQ mất 8 tháng để giải quyết chi tiết vụ việc của 4 người lính, thì họ sẽ xử lý thế nào với cái chết của vài nghìn, hoặc có thể là vài chục nghìn người? Ông ước tính rằng 25.000–40.000 binh sĩ PLA sẽ chết trong tuần đầu tiên của cuộc xung đột với Đài Loan. Nhiều người sẽ chết trên tàu hoặc máy bay khi cố hạ cánh xuống Đài Loan. Những cái chết này sẽ do hệ thống chống hạm của Đài Loan và tàu ngầm của Mỹ cùng đồng minh gây ra.

Ông Luttwak kết luận rằng mặc dù Trung Quốc sẽ không thể giành chiến thắng trong một cuộc chiến dù ngắn hay trung hạn, nhưng dù sao thì nước này cũng vẫn có thể khơi mào một cuộc chiến như vậy.

“Tôi hoàn toàn không cho rằng việc Trung Quốc không thể chiến đấu trong một cuộc chiến đồng nghĩa với việc họ sẽ không cố gắng gây chiến”.

Tuy nhiên, ông dự đoán rằng “nếu Trung Quốc khơi mào chiến tranh, họ sẽ phải dừng nó lại trong thời gian ngắn”.

Nguồn: Trên mạng
https://www.youtube.com/watch?v=4a_M7QFYzsw

1 nhận xét:

  1. Chiến tranh biên giới 1979 với Vn chỉ đúng 1 tháng đúng như bài viết nhận định- Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi luôn là bài học Vn danh cho thế giới( Cụ Hồ 9 năm , Nguyễn Trãi 10 năm) hậu cần chiến tranh luôn là chìa khóa cho mọi thắng lợi

    Trả lờiXóa