Thứ Bảy, 18 tháng 3, 2023

THẮNG LỢI KÉP

Tôi đồng tình với quan điểm trong bài này của GS Trang. Đúng là Ba Lan là nước tự do dân chủ nên người dân biểu tình thuận lợi và an toàn; còn ở VN dù Hiến pháp thừa nhận người dân có quyền biểu tình, nhưng luật pháp chưa quy định cụ thể; trong khi Nghị định của Chính phủ và Thông tư của Bộ Công an thì ngăn cản, coi biểu tình là tụ tập đông người trái pháp luật và gây mất trật tự trị an..., nên việc người dân xuống đường biểu tình rất khó khăn. Tuy nhiên, vì người dân không có bất cứ công cụ gì có thể tác động tới đám quan chức tham nhũng đểu cáng của chính quyền để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, ngoài biểu đạt bằng lời nói, đơn thư khiếu kiện và xuống đường biểu tình có tổ chức, theo luật pháp, có mục tiêu cụ thể và phi bạo lực nên muốn thay đổi thực trạng, người dân không có con đường nào khác ngoài khiếu kiện và biểu tình. Qua thực tế và kinh nghiệm của bản thân, tôi thấy rằng nếu chúng ta chỉ gửi đơn thư tố cáo hay xuống đường biểu tình phản đối một số quan chức chính quyền về một số vấn đề dân sinh cụ thể như cơm áo gạo tiền hay visa hộ chiếu..., thì chính quyền, lực lượng công an và dân phòng sẽ can thiệp ngăn cản, nhưng không quá căng thẳng, nhất là không có bắt bớ. Vì vậy rất mong đông đảo người dân tích cực lên tiếng, gửi thư khiếu kiện và nếu hết cách thì sẵn sàng xuống đường đòi quyền lợi của mình; chỉ có làm như vậy thì đất nước mới hy vọng có sự thay đổi. Đặc biệt những người già, những cựu quan chức nhà nước có hiểu biết... nên dẫn đầu làm gương. Chỉ có làm như vậy thì đất nước mới hy vọng có sự thay đổi.
THẮNG LỢI KÉP
FB Mạc Van Trang 18/3/2023 - Cuộc biểu tình vào 12/3/2023 của hơn 300 người Việt ở Ba Lan, trước Đại sứ quán Việt Nam tại thủ đô Warsaw, lên án việc lạm thu, hống hách của các nhân viên sứ quán tại đây, đã đem lại kết quả thực tế và nhiều ý nghĩa.

1. Cho thấy “Nguyên lý cách mạng” vận dụng vào hoàn cảnh hiện nay vẫn đúng: Có áp bức, bất công phải đoàn kết đấu tranh có tổ chức, theo luật pháp, có mục tiêu cụ thể, phi bạo lực và kiên định theo đuổi mục tiêu đến cùng, sẽ đạt kết quả.

2. Kết quả là, Sứ quán đã phải thay đổi phương thức: Từ “hành” dân sang phục vụ dân. Mấy hôm nay, nhiều người dân lên Sứ quân làm giấy tờ cho biết: Các nhân viên Sứ quán đã thực thi công vụ rất nhanh gọn, đúng quy định, công khai, với thái độ tuyệt vời, “chưa có bao giờ được như hôm nay”!

Nhưng nếu người dân không biết giám sát, đòi hỏi thực hiện những gì đã cam kết thì chính quyền cũng chỉ “diễn” một thời gian, rồi lại “ngựa quen đường cũ” một cách tinh vi hơn mà thôi.

3. Cho nên về phía người dân cần phải thay đổi tâm thế: Trước là thân phận người cầu xin, luồn cúi, đút lót cho xong việc; nay phải xác định đúng ý thức và tư cách người công dân được phục vụ; để có thái độ đàng hoàng đúng mực, lịch sự, văn minh nơi Công sở cũng phải học, phải “tu tập”.

Xin lỗi, dân mình vẫn quen thói: có việc thì quỵ lụy, xin xỏ, đút lót, mạnh ai nấy làm… xong việc rồi lại chửi bới sau lưng… Cái thói đó cũng góp phần làm tha hoá viên chức nhà nước.

Xin phép nhắc lại câu của Tản Đà Tiên sinh gần thế kỷ trước: … “Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn/ Cho nên quân nó dễ làm quan/ Đào mà đào được nên đào mãi/… (bài “Tờ chúc thư” trên An Nam tạp chí, số 8, đả kích Tuần phủ Vĩnh Yên).

Người ta nói, Công dân như thế nào, sẽ có Chính phủ phù hợp với nó. Vậy quyết định là ở phía người dân, phải nâng cao ý thức và tư cách công dân của mình, mới đòi hỏi chính quyền đáp ứng đúng.

TÓM LẠI, đấu tranh để giành được một thắng lợi bước đầu là vô cùng giá trị. Nhưng để duy trì được kết quả của cuộc đấu tranh trở thành lẽ sống, nếp sống bình thường trong xã hội thì còn khó khăn gấp bội.

Chỉ có trong Xã hội dân sự, Quyền lực được kiểm soát, Chính quyền dân chủ hoá và Người dân giác ngộ trở thành những Công dân thực sự, thì những tiến bộ xã hội mới bền vững.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét