Thứ Ba, 28 tháng 3, 2023

Cây xanh còn đâu !!!

Đi ngang qua khắp các điểm du lịch, các phòng ăn nhậu, phòng karaoke tập thể thời nay, chúng ta đều có thể nghe thấy nam thanh nữ tú và cả những ông bà già gần đất xa trời đua nhau gào thét những bài ca cách mạng trước năm 1975. Tôi rất ghét nên không bao giờ tham gia. Đọc bài dưới đây về tàn phá cây xanh ở khắp nơi trên cả nước làm tôi nhớ lại những câu hát ngợi ca việc chặt cây ngày xưa thường được họ gào lên. Ví như trong bài hát "Em là Hoa Pơ Lang" của nhà thơ - nhạc sĩ Anh Thơ có đoạn "Anh có biết buôn làng khắp Tây Nguyên hùng vĩ quyết tâm tiêu diệt Mỹ. Em mong tin từng ngày trông tin anh từng giờ lập nên những chiến công. Quê hương ơi ! Tây Nguyên ơi. Con dao ta phá rừng mũi tên săn bầy thú cùng chung tay diệt Mỹ". Đấy họ cứ gào lên con dao ta phá rừng nên trong đầu họ rừng chả là cái đinh gỉ gì. Rồi "rừng ơi ta đã về đây"; chúng về đến đâu, rừng chết đến đó. Ở các đô thị, chặt cây cổ thụ bán gỗ cũng thu được khối tiền. Hai chục năm nay quan chức có mốt khoe nhà sàn, nhà quê toàn dựng bằng gỗ với những trụ gỗ to một hai người ôm không xuể. Nhìn họ khoe trên FB, tôi thấy tởm lợm. Bọn quan chức này đi nước ngoài rất nhiều, nhưng toàn ở trong các hotel sang trọng và tham quan kiểu cưỡi ngựa xem hoa nên không hiểu ở những xứ văn minh người ta quý cây xanh như thế nào. Bây giờ thấy chặt cây có tiền, thế là đua nhau chặt sạch. Hà Nội gần như chỉ còn bóng cây xanh ở các phố nhà quan, còn đâu cũng mất sạch. Có ông quan to còn bảo mình sang nhiều nước công nghiệp cây xanh trong thành phố ít lắm. Cũng có điểm đúng vì ở các nước xứ lạnh, tuyết nhiều, nếu trồng cây cổ thụ nhiều lá trong thành phố thì vào mùa đông tuyết rơi chồng chất sẽ làm gẫy cành, cành cây và những khối băng tuyết rơi xuống nguy hiểm cho người qua lại. Tuy nhiên ở đó ánh nắng không cháy da cháy thịt như ở nước ta. Mặt khác, họ trồng rất nhiều cây xanh trong các công viên trong thành phố và rất nhiều rừng cây bao quanh thành phố; ở đâu có điểm dân cứ, ở đó họ đều trồng vài khu rừng bên cạnh làm lá phổi. Còn ở ta ở đâu cũng hết cây, trong rừng cũng chỉ còn toàn cây dại tự mọc, hoàn toàn không có hiệu quả kinh tế và môi trường. Bây giờ Sài Gòn hết cây, nắng quá nên họ đề xuất làm mái che, làm thêm cái máng để hứng, khi mưa đưa nước mưa chảy vào lu để chống ngập lụt. Đúng là sáng tạo quá tuyệt đỉnh của các quan Việt thời nay. Vừa chống được nắng lại vừa chống được ngập; một công đôi việc đại sự. Đề nghị bác Trọng tặng huân chương cho những ông quan siêu sáng tạo này; chúng giỏi gấp 10 lần đám Việt Á mà bác đã tặng.
Cây xanh còn đâu !!!
FB Nguyễn Thông - Nhân vụ người ta đang lôi cổ Nguyễn Đức Chung cựu đô trưởng Hà Nội ra hạch tội liên quan tới trồng cây, nhà cháu chẳng nghỉ trưa, biên mấy chữ.
Cây xanh là hình ảnh đặc trưng của vùng nhiệt đới. Nhẽ ra cần phải gìn giữ, bảo vệ, nâng niu nó thì người ta (đám cai trị xứ này) làm ngược lại, cứ phá thật lực, phá cho bằng hết.
.
Lấy danh nghĩa phát triển, thực hiện dự án này nọ, họ không bao giờ tìm giải pháp tốt nhất để cứu cây xanh, mà chỉ nhăm nhăm tạo dựng những cục bê tông. Ví dụ rõ nhất, nếu ai ở Sài Gòn cách nay khoảng chục năm về trước sẽ thấy tiếc đến ngẩn ngơ oặt người khi họ chặt phá những hàng xà cừ trăm mấy chục tuổi trên đường Cường Để - Đinh Tiên Hoàng cũ (sau được đổi tên thành Tôn Đức Thắng) để làm lại đường. Đứa học trò cũ của tôi tòng sự ở trường Tổng hợp (cũ) quen với hàng cây suốt nửa đời người, than thở thầy ạ, ngó họ văng cái cưa máy vào gốc cây sần sùi u mấu to mấy người ôm, em có cảm giác họ chém ngang người em chứ không phải hạ cây.

Trên đường phố Sài Gòn có những cây dầu, cây sao, cây xà cừ trồng từ thời Pháp cần được coi như cây di sản, thứ tài sản quốc gia, phải bảo vệ cho bằng được. Chẳng hạn cây dầu vĩ đại trên đường Nguyễn Đình Chiểu, gần ngã tư giao cắt với Hai Bà Trưng (nghe nói có một ông rất to “chiếm” được ngôi biệt thự gần đó, bắt dẹp cả cây xăng ở gần để đảm bảo an toàn cho quan lớn, giờ hết làm to rồi nhưng không thấy trả lại nhà cho nhà nước; nghe tôi kể, lão hàng xóm nhà tôi bảo loại tham quan ấy có mà đầy). 

Hay con đường dầu cổ thụ sóng đôi Minh Mạng cũ, đường Ngô Gia Tự bây giờ, ngang nhà thờ thánh nữ Jeanne d’Arc, kỳ quan chứ không phải chỉ là cây phố bình thường…

Ông bạn tôi, nhà báo Đoàn Xuân Hải, một gã nghiện xê dịch, từng đi tung hoành khắp thế giới, hộ chiếu đổi xoành xoạch bởi cứ một thời gian là hết chỗ để thị thực vi sa vi siếc, có lần kể tôi nghe sự lạ ở Israel. 

Kể rằng, cái xứ chỉ có cát khô, nóng cháy, sa mạc như thế, người ta quý cây xanh như vàng. Ai mà đụng đến cây xanh bị đi tù chứ chả bỡn. Nước nôi quý hiếm, thiếu thốn, nên người ta tính từng giọt. Mỗi gốc cây đều có đường dẫn nước tới tận nơi, tưới tắm không trượt ra ngoài giọt nào. Trong cái nắng cái nóng dữ dội, cả đất nước thần kỳ này là một màu xanh mát mắt. Chỉ riêng điều đó đã là thứ đẳng cấp mà các quốc gia khác theo được còn khướt.

Nghe lão bạn kể, tôi ngẩn người. Mình chỉ gà què ăn quẩn cối xay, cả đời không đi tới đâu trừ mỗn lần mò sang Thái Lan, hộ chiếu xài một lần rồi hết hạn, thấy phục quá. Tặc lưỡi, khen người Do Thái chẳng khác gì khen phò mã tốt áo, khen mèo dài đuôi.

Lại bần thần nghĩ về cây cối xứ mình. Đã có thời việc chặt cây, phá rừng được nhà cai trị ban thành chính sách. 

(còn tiếp)
Nguyễn Thông





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét