Về dự trữ ngoại hối của Việt Nam
20/08/2017 Theo công bố của NHNN, dự trữ ngoại hối của Việt Nam tính đến tháng 7/2017 là khoảng 42 tỷ USD, ước tính đáp ứng tiêu chuẩn tối thiểu là 3 tháng nhập khẩu. Lượng dự trữ này tương đương với khoảng 37,1% nợ công hiện nay. Đây là mức dự trữ cao nhất từ trước đến nay của Việt nam. Tuy vậy, việc nắm giữ ngoại tệ cũng đi kèm với những chi phí khác, do đó, câu hỏi đặt ra về mức độ dự trữ bao nhiêu là phù hợp luôn là vấn đề đối với các nhà quản lý chính sách.
Ảnh: Pixabay
Các nhà tạo lập chính sách thường dựa vào một số chỉ tiêu để đánh giá mức độ phù hợp của dự trữ ngoại hối của một quốc gia như tuần/tháng nhập khẩu, tỷ lệ dự trữ so với nợ nước ngoài ngắn hạn hoặc so với lượng cung tiền M2 (cung tiền M2 của một quốc gia bao gồm lượng tiền mặt đang trong lưu thông và tiền gửi trong hệ thống ngân hàng).Trên thế giới, các nước đang phát triển có xu hướng nắm giữ nhiều ngoại tệ hơn các nước phát triển bởi lượng ngoại tệ nắm giữ thường là các ngoại tệ mạnh. Nguồn ngoại tệ này sẽ giúp các nước đang phát triển giữ ổn định tỷ giá, đặc biệt là đối với các quốc gia thực thi chính sách tỷ giá cố định; và đối phó với các cú sốc kinh tế.
Dự trữ ngoại hối của Việt Nam khá mỏng so với các nước trong khu vực
Tính riêng trong khu vực Đông Nam Á, ngoại trừ các nước như Lào, Camphuchia, Myanmar, dự trữ ngoại hối của Việt Nam so với các nước còn lại đều tương đối khá thấp. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam chỉ bằng 1/5 so với Thái Lan, khoảng 1/3 so với Malaysia hoặc Indonesia, và bằng 1/2 so với Philippines.
So sánh với các nước trong khu vực châu Á, thì tỷ lệ này càng thấp hơn. Tính đến tháng 6/2017, dự trữ ngoại hối của Thái Lan khoảng 177 tỷ USD, Hồng Kông khoảng 402 tỷ USD, Singapore khoảng 258 tỷ USD, Hàn Quốc khoảng 368 tỷ USD, Đài Loan xấp xỉ 444 tỷ USD, Trung Quốc khoảng 3.080 tỷ USD.
bao gồm cả vàng (Số liệu: WB | ĐVT: tỷ USD)
Tính theo số tháng nhập khẩu, chỉ tiêu này của Việt Nam đã giảm dần và không đạt được mức tối thiểu là 3 tháng nhập khẩu trong giai đoạn từ năm 2009 đến 2015. Năm 2015, dự trữ của Việt Nam chỉ đạt được 1,8 tháng nhập khẩu, năm 2011 thậm chí chỉ đáp ứng được khoảng 1,4 tháng nhập khẩu. Trong khi đó chỉ tiêu này ở các nước thường là trên 5 tháng.
tháng nhập khẩu (Số liệu: WB | Đồ họa: Trí thức VN)
Xét theo tỷ lệ dự trữ so với GDP hàng năm, Việt Nam cũng kém xa các nước và có xu hướng giảm trong vòng 10 năm trở lại đây, mặc dù Việt Nam nằm trong top những nước có tốc độ tăng trưởng GDP nhanh nhất thế giới trong suốt nhiều năm.
Năm 2015, tỷ lệ này của Việt Nam thấp nhất là 9,99% năm 2011 và cao nhất là 30,33% năm 2007, năm 2015 chỉ đạt 14,62%. Tỷ lệ này ở Thái Lan từ trên 30% đến hơn 50%; của Singapore hơn 84%.
Bảng 3: Tỷ lệ dự trữ ngoại hối so với GDP (Số liệu: WB | ĐVT: %)
Khả năng thanh toán trong ngắn hạnBảng 4: Tỷ lệ dự trữ ngoại hối so với nợ ngắn hạn nước ngoài (Số liệu: WB | Đồ họa: Trí thức VN)
Để đáp ứng được các nhu cầu tức thời của chủ nợ quốc tế, mức dự trữ ngoại hối tối thiểu cần đạt được phải tương đương với số dư nợ nước ngoài ngắn hạn.
Như vậy, tỷ lệ dự trữ ngoại hối so với nợ nước ngoài ngắn hạn tối thiểu phải bằng 1. Trong giai đoạn 2006-2015, tỷ lệ này của Việt Nam đã đạt trên mức tối thiểu, tuy vậy tỷ lệ này cũng có xu hướng giảm dần.
Trong đó, năm 2006, dự trữ ngoại hối của Việt Nam gấp 5,4 lần nợ ngắn hạn nước ngoài, nhưng đến năm 2015 dự trữ ngoại hối của Việt Nam chỉ cao gấp 2,3 lần so với nợ ngắn hạn.
Mặc dù dự trữ ngoại hối tăng lên nhưng tỷ lệ dự trữ ngoại hối so với nợ ngắn hạn giảm đi, tức là khả năng trả nợ ngắn hạn giảm, phù hợp với xu hướng nợ công đang tăng của Việt Nam.
Khả năng ứng phó trong cơn khủng hoảngBảng 5: Tỷ lệ dự trữ ngoại hối so với cung tiền M2 (Số liệu: WB | ĐVT: %)
Một chỉ tiêu khác được các nhà phân tích xem xét là tỷ lệ dự trữ so với cung tiền M2 của quốc gia đó. Một mức độ phù hợp là khi dự trữ ngoại hối chiếm tỷ lệ từ 5%-20% lượng cung tiền M2. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam nằm trong biên độ 5%-20%. Tuy nhiên tỷ lệ này cũng giảm dần trong 10 năm trở lại đây và thấp hơn 20% trong khi các nước trong khu vực luôn duy trì tỷ lệ này trên 20%.
Tỷ lệ dự trữ ngoại hối so với cung tiền M2 phản ánh niềm tin của nhà đầu tư đối với giá trị của đồng nội tệ. Trong nhiều trường hợp, khi có những biến động về kinh tế, sự mất niềm tin của nhà đầu tư sẽ là nhân tố chính kích thích cho cuộc khủng hoảng diễn ra nhanh hơn.
Chẳng hạn nhà đầu tư cảm thấy đồng nội tệ sẽ nhanh chóng mất giá trong ngắn hạn, thì ngay lập tức họ sẽ đồng loạt rút vốn khiến luồng vốn tháo chạy khỏi đất nước. Trong tình huống đó, nguồn dự trữ ngoại tệ mạnh sẽ là cứu cánh giúp xoa dịu tâm lý và bình ổn thị trường.
Cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á 1997 càng cho thấy rõ hơn vai trò của dự trữ ngoại hối đối với một quốc gia đang trong cơn khủng hoảng, nhất là với các nước đang phát triển và phụ thuộc nhiều vào luồng vốn đầu tư nước ngoài.
Trong cuộc khủng hoảng này, nhiều nhà đầu tư đã tìm cách rút vốn ra khỏi các nước châu Á khiến cho các thị trường tiền tệ, chứng khoán châu Á chao đảo, kinh tế nhiều nước trong khu vực đã chịu tác động mạnh.
Thái Lan, Hàn Quốc, với nguồn dự trữ khi đó chỉ khoảng 26-30 tỷ USD, đã không thể cứu vãn nổi tình thế. Còn Malaysia cũng với lượng ngoại tệ tương đương đành phải dùng đến biện pháp “cấm” để ngăn chặn khủng hoảng như không cho nhà đầu tư vay ngoại tệ nếu không vì mục đích thương mại, cổ phiếu của công ty Malaysia chỉ được giao dịch tại thị trường chứng khoán Kuala Lumpur, tiền Malaysia đang lưu hành ở nước ngoài phải chuyển về Malaysia,… đổi lại là sự chỉ trích của giới đầu tư quốc tế về việc thay đổi luật chơi này.
Trong khi đó Hồng Kông với dự trữ khoảng 70-80 tỷ USD đã dành khoảng 15 tỷ USD liên tục mua vào nội tệ và cổ phiếu nhằm giữ cho đồng nội tệ và giá chứng khoáng không bị sụt giảm. Đài Loan với tiềm lực mạnh hơn (khoảng 100 tỷ USD) đã để cho đồng nội tệ tự mất giá.
Đối với Việt Nam, một nền kinh tế mới chỉ hội nhập trong vòng 10 năm trở lại đây với dấu mốc đầu tiên là việc gia nhập WTO năm 2007, đã mở cửa chào đón các cơ hội đầu tư nước ngoài.
Kinh tế Việt Nam trong hơn 10 năm qua đã liên tục tăng trưởng cao tạo tiền đề cho sự gia tăng nguồn dự trữ ngoại hối quốc gia.
Tuy nhiên, những con số tăng trưởng này cũng chưa đủ phản ánh tính bền vững của nền kinh tế khi mà nợ công cũng tăng theo, nhập khẩu nhiều hơn, sự phụ thuộc vào nước ngoài lớn hơn và nguy cơ bị tác động trước những cuộc khủng hoảng cũng gia tăng.
Điều đáng chú ý là các chỉ tiêu như dự trữ ngoại hối so với số tháng nhập khẩu, hay tương quan của dự trữ ngoại hối so với nợ ngắn hạn hoặc cung tiền của M2 đều nằm trong xu hướng giảm, và còn cách xa các nước trong khu vực.
Trong bối cảnh đó, dự trữ ngoại hối của Việt Nam tuy đã tăng lên nhưng tiềm lực thật sự dường như vẫn còn mong manh trước những biến động của kinh tế toàn cầu.
Ngọc Hằng
http://trithucvn.net/kinh-te/van-de-ve-du-tru-ngoai-hoi-cua-viet-nam.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét