Tự do trong giáo dục
Facebook nhắc lại bài viết này tôi post cách đây tròn hai năm. Đọc lại càng bức bối cho nền giáo dục u ám nước nhà mà thế hệ này sang thế hệ khác phải chịu đựng. Đau buồn không đủ diễn tả. Phải nói là giận dữ. Nền giáo dục phi nhân bản áp đặt lên hiện tại lẫn tương lai với cái gông Marx-Lenin đã cho thấy quá rõ kết quả tồi tệ, nhưng sau bao nhiêu năm, nó vẫn được “vận dụng” và “sáng tạo”. Sẽ không bao giờ có cuộc cách mạng triệt để nào chấn chỉnh hệ thống giáo dục một khi giáo dục được định khuôn bằng ý thức chính trị cộng sản. Tôi không tin bất kỳ ai trong bộ máy lãnh đạo giáo dục có đủ khả năng thay đổi được điều này. Nền giáo dục tồi tệ này sẽ tiếp tục hành hạ và bóp chết những khái niệm căn bản trong giáo dục: khai phóng và tự do.
Những đứa trẻ được tự do “bò ra đường” vẽ nghịch ngay
Tự do trong giáo dục
Việt Nam hệt như Mỹ cách đây hơn một thế kỷ, khi vào năm 1899, nhà giáo dục Mỹ William T. Harris than phiền rằng hệ thống giáo dục Mỹ đã phát triển một “cỗ máy” mà học trò chỉ biết ngồi nghe. Giáo dục là vậy sao? Giáo dục là giúp định hình nhân cách thông qua cung cấp kiến thức và tạo ra một xã hội sáng tạo, hay là chỉ sản xuất những người máy chỉ để phục tùng? Chúng ta nghe nói rất nhiều về chuyện VN còn nghèo nên không thể so với các nước phương Tây. Vấn đề có phải thực là do nghèo, hay đó là cái cớ để biện bạch một hệ thống giáo dục mục ruỗng đầy bức bối và phi tự do? Hãy thử xem một trường hợp để thấy việc đưa lý do “nghèo” chỉ là một sự lấp liếm ngụy biện.
Trường tiểu học José Urbina López nằm cạnh một bãi rác gần biên giới Mỹ-Mexico. Nó dành cho cư dân thành phố nhếch nhác Matamoros với 489.000 cư dân, một trong những điểm nóng của cuộc chiến ma túy Mexico, nơi người dân vốn quen với cảnh giang hồ bắn nhau như cơm bữa, nơi xác người bị vất bên vỉa hè… Để đến trường, học sinh phải đi trên con đường bụi bặm chạy song song với con kênh hôi thối nồng nặc. Dân địa phương gọi ngôi trường của họ là “un lugar de castigo” (nơi của sự trừng phạt). Học sinh trường José Urbina López đều nghèo, chẳng hạn em Paloma Noyola Bueno 12 tuổi, con một gia đình với ông bố làm nghề “móc rác”. Đó cũng là nơi có thầy Sergio Juárez Correa, người cũng trưởng thành cạnh một bãi rác của thành phố này.
Năm 2011, thầy giáo trẻ Correa bắt đầu tìm kiếm phương pháp giáo dục. Anh tình cờ xem một video về Sugata Mitra, giáo sư giáo dục học Đại học Newcastle (Anh). Từ cuối thập niên 1990, Mitra đã thử nghiệm mô hình giáo dục tự do bằng cách cho học sinh Ấn Độ tiếp cận máy tính và tự học. Không có bất kỳ hướng dẫn nào, các em, thế mà, vẫn tự học để biết nhiều điều, từ chuỗi ADN đến tiếng Anh. Năm 1999, Mitra là nhà khoa học máy tính tại một công ty ở New Delhi. Văn phòng ông nằm sát khu ổ chuột.
Ngày nọ, Mitra treo một máy tính trên bức tường nhìn ra khu ổ chuột và lẳng lặng quan sát. Bọn trẻ tò mò. Rồi chúng tìm cách sử dụng. Năm 2010, Mitra cài vào máy tính thông tin về vật chất sinh học phân tử và đặt máy tại Kalikuppam (ngôi làng ở Nam Ấn Độ). Ông chọn một nhóm từ 10-14 tuổi, nói với chúng rằng trong máy có “gì đó” rất thú vị. 75 ngày sau, bọn trẻ biết cách sử dụng máy tính rồi tự tìm hiểu sinh học phân tử. Mitra kiểm tra chúng bằng một bài test. Bọn trẻ trả lời đúng được ¼ câu hỏi. Sau 75 ngày nữa, với hỗ trợ một người địa phương, bọn trẻ trả lời đúng toàn bộ. Từ nghiên cứu thực nghiệm trên, Mitra bắt đầu xây dựng mô hình giáo dục tự do mà hiện được áp dụng nhiều nơi thế giới…
Mô hình Mitra thật ra không mới. Nó là sự trở về với định tính của giáo dục nguyên thủy: giáo dục là tự do chiêm nghiệm và tự do sáng tạo. Mô hình này có từ thời Socrates. Các nhà lý thuyết giáo dục, từ Johann Heinrich Pestalozzi, Jean Piaget đến Maria Montessori, đều tin rằng học sinh sẽ học bằng cách chơi và được thúc đẩy khám phá bằng óc tò mò. Albert Einstein từng trải qua một năm tại ngôi trường theo phương pháp Pestalozzi vào giữa thập niên 1890 mà sau đó ông có nhắc đến khi kể rằng phương pháp Pestalozzi đã giúp ông có được sự tự tin và tự do để thực hiện những thử nghiệm nền tảng đầu tiên cho thuyết tương đối. Hai người sáng lập Google, Larry Page và Sergey Brin, cũng nói ngôi trường theo phương pháp Montessori đã mang lại tinh thần độc lập và sáng tạo cho họ.
Năm 2009, Đại học Louisville và MIT thực hiện một nghiên cứu với 48 trẻ từ 3-6 tuổi. Bọn trẻ được chia làm hai nhóm, với cùng một món đồ chơi. Một nhóm được hướng dẫn một chức năng của món đồ chơi; nhóm kia không được hướng dẫn. Ở nhóm đầu, chúng phát hiện thêm bốn chức năng của đồ chơi; nhóm thứ hai, chúng chơi lâu hơn và phát hiện trung bình 6 chức năng… Thí nghiệm này chứng minh rằng não người tự nó đã biết học và nó sẽ học nhiều hơn bằng sự kích thích qua một xúc tác hơn là can thiệp bắt buộc.
Trở lại ngôi làng nghèo Mexico nơi có ngôi trường nghèo José Urbina López của đám học sinh nghèo và ông giáo nghèo Sergio Juárez Correa. Ngày khai giảng 21-8-2011, Correa vào lớp. Anh bắt đầu nói rằng, có những đứa trẻ trên thế giới có thể nhớ pi đến hàng trăm dấu phẩy; có thể viết giao hưởng; chế robot và thậm chí máy bay. Những đứa trẻ bên kia biên giới nước Mỹ, tại Brownsville (Texas), có laptop, internet tốc độ cao… “Tuy nhiên, các em có một thứ có thể làm các em ngang bằng với bất kỳ đứa trẻ nào trên thế giới: đó là “tiềm năng” – Correa nói. Từ đó, học trò Correa tự tìm cách khai mở tiềm năng. Từ việc dạy toán bằng cách cho tự đếm đồng xu, Correa tổ chức các buổi thảo luận về mọi đề tài. Liệu đồng tính và phá thai có nên bị cấm? Chính phủ Mexico nên làm gì về nạn di cư lậu vào Mỹ? Khi học trò hỏi phía bên kia Mặt trăng là gì, thầy Correa không ngại nói không biết. Về tra Google, thầy trở lại lớp với câu trả lời vào hôm sau.
Ngày kia, có một con lừa lọt xuống cái giếng gần trường. Chủ lừa nói rằng con vật đã già và thà chôn luôn nó hơn là tìm cách cứu nó ra. Thế là ông ấy quyết định lấp giếng. Tuy nhiên, mớ đất hất xuống làm giếng nông hơn cuối cùng đã giúp con lừa nhảy ra khỏi dễ dàng. Lấy câu chuyện này, Correa nói với học sinh: “Chúng ta như con lừa đó, các em ạ. Mọi thứ ném vào ta đều là cơ hội để ta vươn ra khỏi cái giếng của chính mình”. Vào mùa thi cuối niên khóa, hầu hết học trò Correa đều đạt điểm cao. Điểm cao nhất của học sinh lớp Correa thuộc về em Paloma Noyola Bueno 12 tuổi, với 921. Điểm cao nhất toàn quốc cũng là 921! Cô bé mất cha và sống sát bên đống rác công cộng khổng lồ, Paloma, hệt như con lừa mà em chứng kiến. Em đã tự thân thoát khỏi cái giếng u tối không bằng một nền giáo dục khuôn mẫu, một nền giáo dục xa xỉ những lời hứa, một nền giáo dục tham nhũng mục thối từ thượng tầng; mà, đơn giản, bằng ngọn đuốc của giáo dục tự do.
© FB Mạnh Kim
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét