“Lỗ hổng” trong tiêu chí lựa chọn lãnh đạo cấp cao
Tham vọng quyền lực là thuộc tính của con người, là động lực của sự phát triển, không hiểu ai tham mưu cho lãnh đạo lại ghép nó vào ý nghĩa xấu xa? Không tham vọng quyền lực thì đừng làm lãnh đạo, vấn đề là phải kiểm soát quyền lực trong khuôn khổ của pháp luật.
Hình minh họa
Tham vọng quyền lực là một khía cạnh thuộc về bản năng đầu đàn, nó tự có trong mỗi con người và chỉ khác nhau ở mức độ yếu hay mạnh chứ không phải “tốt hay xấu”. Tốt, xấu là khái niệm thuộc về văn hoá, mà văn hoá là sản phẩm của bản năng sáng tạo. Nếu trong quy định của Đảng về tiêu chí cán bộ lãnh đạo mà có điều “tuyệt đối không tham vọng quyền lực” thì thật khó hiểu và hoàn toàn thiếu hiểu biết về bản chất của vấn đề.Từ lâu rồi, tôi đã đề cập đến vấn đề đánh giá tư tưởng của con người là một trong những vấn đề khó đánh giá nhất. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành quy định của Bộ Chính trị về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban bí thư quản lý, trong đó nhấn mạnh đến tiêu chí tuyệt đối không tham vọng quyền lực và kiên định với Chủ nghĩa Mác Lê Nin.
Để một xã hội phát triển lành mạnh về phía tiến bộ cần có (1) Một học thuyết phát triển đủ tốt và đủ tiên tiến, (2) Một hệ thống luật pháp & thể chế & bộ máy nhà nước & thị trường tổ chức tốt, (3) Những cá nhân – con người tốt – tức là đủ phẩm chất lắp vào các vị trí của hệ thống số (2) và (3) thường đồng thời là sản phẩm của (1) và (2).
Hệ thống luật pháp và thể chế này (2) vừa sử dụng lại cũng vừa phát triển và giám sát các cá nhân (3) đó, khiến cho họ “không muốn, không dám, và không thể” tham nhũng, rộng hơn là phải đáp ứng được yêu cầu của vị trí công việc. Hệ thống cũng rất sớm phát hiện và đào thải những cá nhân không phù hợp – cả về đạo đức công vụ lẫn năng lực hoàn thành nhiệm vụ. Một hệ thống yếu kém không thể làm được việc ấy dẫn đến người xấu thì lợi dụng leo được lên cao và trục lợi, người tốt bị loại từ “vòng gửi xe”, không có không gian để tồn tại hoặc bị tha hóa thành người xấu.
Các quy định mới do Tổng bí thư ký ban hành chỉ đề cập đến bản thân những cá nhân tách rời mà không đề cập đến (1) và (2) nêu trên là một biến số phụ thuộc của vấn đề.
Kiên định Chủ nghĩa Mác Lê Nin thuộc về học thuyết phát triển là một vấn đề rất lớn. Khi người ta kiên trì đi theo sự tiến bộ thì ta có thể dùng từ “kiên định”, còn ngược lại thì kiên định sẽ trở thành “bảo thủ, trì trệ” cản trở sự phát triển.
Ở các nước chậm tiến, người cầm đầu xưa nay đều có khuynh hướng muốn chọn người theo khẩu vị của mình, khiến cho con “matrioska” ngày càng bé đi. Nhưng nguy hiểm hơn là giả danh dân chủ, tập thể, tiêu chuẩn khách quan để áp đặt nhân sự “thủ túc” nhưng lại không chịu trách nhiệm gì hết.
Đọc kỹ tiêu chuẩn, tôi cho rằng đây chỉ là cách biên tập lại bằng ngôn ngữ khác của 27 biểu hiện của thoái hóa, biến chất, ‘tự chuyển hóa’, “tự diễn biến”…nêu tại Hội nghị TW4, khóa XII. Vì vậy, khi bàn về 27 biểu hiện nói trên mọi người đã có nhiều ý kiến thì Quyết định mới này chắc chắn cũng có lắm ý kiến. Chỉ có điều ngại nói ra thôi.
Tiêu chuẩn phải là những thước đo, tức là phải lượng hóa được, cân đo đong đếm được. Trong khi đó làm thể nào để khẳng định được “Tuyệt đối không tham vọng quyền lực.”? Hay “Kiên định với Chủ nghĩa Mác Lê Nin.”? Cho nên trong cuộc sống thực, các tiêu chí này sẽ được dùng vào mục tiêu nào đó, chứ tuyệt nhiên không phải để chọn người tài. Chưa nói đến: Ai trong đảng có thể giải thích được chuẩn xác Chủ nghĩa Mác Lê Nin là gì? Nhất là so với nguyên gốc những gì Mác và Lênin đã viết ra. Nó có phải thực sự dẫn đường cho đất nước ta trong thế giới hôm nay?
Liên quan đến tiêu chí lựa chọn cán bộ lãnh đạo cấp cao, trong bài “Chính trị và kỹ trị” nhà báo Huy Đức đã huỵch toẹt nguyên văn như sau: ”Nhiệm kỳ này vẫn rơi rớt không ít thành viên tiến thân bằng những nấc thang được lắp đặt bởi các “nguyên lý” của hai nhiệm kỳ trước đó. Nhiều nhà báo “uống rượu” với Trương Minh Tuấn, ngơ ngác khi chứng kiến một kẻ thô lỗ, ăn không nên đọi, nói không nên lời; làm trưởng phòng bảo vệ ở một cơ quan báo chí đã là quá đáng, bỗng nhiên trở thành Bộ trưởng có quyền cấp thẻ, rút thẻ của mình. Trương Minh Tuấn nếu không vượt thẩm quyền, ký quyết định cho MobiFone đi vay 8.900 tỷ mua một cơ sở hạ tầng truyền hình trị giá tối đa là 300 tỷ, liệu có thể có tiền, có cái ghế UVTƯ, bộ trưởng?”
Người dân có quyền đặt câu hỏi ai phải chịu trách nhiệm để nhiều thành viên tiến thân như kiểu của ông Trương Minh Tuấn để trở thành lãnh đạo đất nước?
Ngẫm suy, tiêu chuẩn lần này là để chọn những người không đổi mới, bởi đổi mới ở nước ta chính là nói ngược, làm ngược với những gì chủ nghĩa Mác – Lê Nin chỉ bảo. Đơn cử mấy thí dụ:
Việc vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin vào mỗi nước khác nhau ít nhiều, nhưng đều tuân thủ các “quy luật phổ biến” (9 quy luật) nêu trong Tuyên bố Moscova năm 1957 của 12 đảng cộng sản và công nhân các nước XHCN. Thực chất “9 quy luật ” đó có một số nội dung quan trọng nhất, chủ yếu nhất, phổ biến nhất mà Liên Xô và các nước thuộc khối Liên Xô trước đây và Đảng cộng sản Việt Nam hiện nay đang vận dụng:
(i) “Kế hoạch tập trung” là phải “xóa bỏ kinh tế thị trường”, phải là Cương lĩnh thứ 2 của Đảng.
(ii) “Sở hữu” phải là “công hữu về tư liệu sản xuất”.
(iii) Hợp tác hóa nông nghiệp.
(iv) “Tư tưởng” phải là “tư tưởng XHCN” vv…
Từ năm 1986 đến nay, nước ta chuyển sang kinh tế đa thành phần sở hữu, chuyển sang kinh tế thị trường, xóa bỏ việc hợp tác hóa trong nông nghiệp nên chúng ta từ một nước nhập bo bo để ăn, trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Như vậy thực tế, Việt Nam có còn kiên định theo chủ nghĩa Mác Lê Nin?
Nhìn chung, việc vạch ra “tiêu chuẩn” và “chọn người theo tiêu chuẩn” là cách làm cũ, gắn với thể chế kinh tế chỉ huy tập trung quan liêu, do một đảng cầm quyền. Sòng phẳng ra mà nói, người ta vạch ra nhưng chưa nơi nào và chưa ở đâu thực hiện nó cả. Nó chẳng có gì hơn là cái bảng “Tiết hạnh khả phong” trao cho cô Tư Hồng. Điều cần tránh học mót lối thách cưới “gà chín cựa, ngựa chín hồng mao…” của vua Hùng gạt Thủy Tinh để Sơn Tinh chắc suất làm rể.
“Tam quyền phân lập”, “nhà nước pháp quyền”, “kinh tế thị trường”, “xã hội dân sự”, “tòa án hiến pháp” đã được chứng minh là một hệ thống luật pháp & thể chế & bộ máy nhà nước & thị trường tổ chức tốt, rất hiệu quả và thành công ở đa số các quốc gia. Nếu vì điều kiện gì đó, mà ta chưa có ngay hệ thống này thì cũng nên đặt lộ trình để có được hệ thống ấy thay vì cứ phải bàn mãi những cá nhân, con người tốt, tức là đủ phẩm chất lắp vào các vị trí của hệ thống theo lý thuyết (1) độc tài “nhân trị” hay “đức trị” luẩn quẩn mãi thế này.
Nếu như tiêu chuẩn có ý nghĩa thật, thì tiêu chuẩn trước hết mà dân cần ở người lãnh đạo là không bảo thủ, không tham nhũng. Cách chọn phù hợp là bầu cử công khai minh bạch, trong đó các quan chức ứng cử nói rõ những điều đổi mới muốn làm và khai báo tài sản của mình được giám sát công khai.
Đừng biến cán bộ, lại là cán bộ cao cấp nữa, thành những robot được lập trình sẵn cho những mục tiêu của lập trình! Cho đến nay, kể cả ở mức cao nhất có thể có được của phát triển trí tuệ nhân tạo, cũng không thể tạo ra được robot thay thế được con người, nó càng không thể có tâm hồn như con người. Cũng như không có một thứ chủ nghĩa hay sự kiêng cấm nào, có thể ngăn ngừa được sự sa đọa của con người nếu nó chỉ là một cái máy được lập trình và hoạt động trong một hệ thống hỏng. Mọi nỗ lực theo hướng này là ảo tưởng và duy ý chí, ngoan cố trốn tránh việc phải làm là xây dựng con người và xây dựng một hệ thống chính trị/xã hội lành mạnh.
Thiết nghĩ, trong hoàn cảnh hiện tại của nước ta là hãy cứ bám lấy cái gì đúng đã đề ra được, đó là trung thành với sự nghiệp dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh, bảo vệ tổ quốc, thực hiện dân chủ & công khai minh bạch để thúc đẩy & rèn luyện cán bộ thực hiện mục tiêu này. Làm được như vậy là đất nước được nhờ rồi.
Tô Văn Trường
(Blog Kim Dung)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét