Thứ Ba, 25 tháng 7, 2017

Bài hay: Khi nghệ sỹ để ngỏ cuộc đời

Khi nghệ sỹ để ngỏ cuộc đời
TP - Những ngày qua, dư luận xôn xao với câu chuyện đời tư của nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý. Có lẽ, chưa bao giờ như bây giờ, nhắc đến Nguyễn Văn Tý người ta lại tạm quên những “Dư âm”, “Dáng đứng Bến Tre”, “Mẹ yêu con”, “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ”… in dấu lừng lững trong kho tàng ca khúc Việt Nam. Dư luận còn đang bận với mớ bòng bong: Thực hư chuyện nhạc sỹ bị con bỏ rơi ra sao?
Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý.
Ồn ào vừa qua thiệt hại cho hình ảnh nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý trong lòng người hâm mộ. Với một người sáng tạo nghệ thuật điều cần đọng lại với đời, với người nên chỉ là những “đứa con” tinh thần của mình. Những câu chuyện khác không quan trọng hoặc không nên để nó thành “dấu ấn riêng”.

Đau như tô vẽ “bóng chiều”

Chẳng ai mong nhìn thấy hình ảnh cha đẻ của những ca khúc đẹp đẽ một thời trên cái giường lộn xộn trong buổi chiều tà của đời người. Lại nhớ đến chuyện chơi facebook của một số nhà văn có tuổi. Thôi thì, tiện gì “cúng” nấy.

Người ta có thể thấy hình ảnh nhà thơ Trúc Thông lơ ngơ diện bộ đồ ngủ đứng ngắm mấy cô manơcanh trong cửa hàng quần áo trên phố. Có thể thấy hình ảnh nhà văn nổi tiếng đang bệnh nằm trên giường run run nắm chiếc phong bì của bạn văn đến thăm. Có những hình ảnh buồn thương, khốn khổ của văn nghệ sỹ bị nhiều người góp ý cũng được chủ nhân trang facebook xóa đi nhưng có những hình ảnh vẫn “vô tư” ở lại. Đáng buồn cho sự vô tình của ai đó.

Có người nói: nghệ sỹ sáng tạo không cần thiết giữ gìn vẻ ngoài như nghệ sỹ giải trí. Đúng là “vỏ bề ngoài” của một nhà văn, nhà thơ, một nhạc sỹ không nói lên điều gì. Nhưng cái cảnh về chiều thương tâm của họ có nên chụp và giới thiệu bừa bãi hay không? Nếu họ còn đủ tỉnh táo liệu họ có cho phép chúng ta làm điều ấy?

Tôi có một khoảng thời gian rất ngắn giúp việc cho nữ sỹ Anh Thơ, chẳng bao lâu sau bà qua đời, thọ 84 tuổi. Vốn không được đánh giá cao về diện mạo lúc còn sống nhưng Anh Thơ khi về già vẫn rất quan tâm vẻ ngoài. Mỗi sáng, vẫn thấy bà ngồi trước gương tay cầm chiếc bút chì kẻ lông mày. Dẫu tay run, nét mày vẽ không đều, không đẹp nhưng bà cũng đủ truyền cảm hứng yêu đời, yêu cái đẹp cho những người chứng kiến cảnh ấy.

Cho nên, không có gì lạ khi người ta trách những ai đã tường thuật “quang cảnh mâu thuẫn gia đình” của nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý. Chẳng giúp gì cho gia đình nhạc sỹ, chẳng ích gì cho người đọc, chỉ khiến mọi thứ trở nên rắc rối hơn. Lời than của nhạc sỹ già: “Con tôi nó bỏ tôi đi, không lo lắng cho tôi dù tôi là người đẻ ra nó, cho nó ăn học thành tài”. Hay sự lên tiếng của con gái nhạc sỹ: “Hai năm nay không đến thăm bố và mọi điều đều có lí do của nó”… cũng chỉ làm người trong cuộc và độc giả thấy đắng đót thêm. Phơi bày làm chi cái cảnh đắng cay không lối thoát?

Nếu ai đó muốn nhân dịp này kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng với nhạc sỹ tên tuổi, thiết nghĩ cũng không cần “thế chấp” chuyện gia đình người ta. Chúng ta từng chứng kiến nhiều nghệ sỹ lâm hoàn cảnh bệnh tật hiểm nghèo đã được cộng đồng, nhất là giới văn nghệ sỹ sát cánh đùm bọc ra sao. Huống chi nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý tên tuổi lừng lững trong nền ca khúc Việt? Thực ra câu chuyện nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý gặp khó khăn, bệnh tật không mới. Các ca sỹ như Cẩm Vân, Trịnh Vĩnh Trinh, Tùng Dương… đã từng đến tận nhà trò chuyện và biếu quà cho ông, hơn 70 triệu đồng, do đông đảo nghệ sỹ hai miền quyên góp, cách đây khoảng 3 năm.

Nhà văn Lê Lựu. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

“Quan tòa bất đắc dĩ”

Khi câu chuyện buồn về nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý bung ra, có người nhớ đến chuyện gia đình của nhà văn Lê Lựu, cũng nổ ra đúng mùa hoàng hôn đời người. Bao nhiêu thương cảm của độc giả dành cho cha đẻ “Thời xa vắng” khi đọc những bài viết của ông trên báo: Nhà văn gánh trên người 14 thứ bệnh, toàn “bệnh khủng”, tiểu đường, phổi, thận... bữa thuốc nhiều hơn bữa cơm. Thương nhà văn song người yêu mến ông cũng đành ngậm ngùi: Tuổi già, bệnh tật âu cũng là qui luật, tránh sao?

Nhưng câu chuyện đời tư của Lê Lựu mới khiến người đọc không biết nghĩ thế nào cho phải. Ông kể về hai người vợ cũ để lại cho ông những oán giận. Đặc biệt, bà vợ lấy theo sự sắp đặt của gia đình đã âm thầm làm thủ tục đứng tên sổ đỏ ngôi nhà hương hỏa của ông, để đến nông nỗi, ông muốn có chốn đi về thắp hương cho tổ tiên cũng khó. Trước đó, Lê Lựu cũng từng kể tội người vợ sau và con cái ký vào đơn từ bỏ ông. Rồi ông tổng kết: “Người như tôi, không đến nỗi hèn, mà suốt đời bị vợ con chèn ép”.

Chuyện gia đình Lê Lựu dần sáng tỏ qua một bài viết minh oan cho vợ cũ của ông ở quê. Câu hỏi của tác giả bài báo đặt ra khiến người đọc bất ngờ: “Chuyện lý, chuyện tình sẽ ra sao khi ông (tức nhà văn Lê Lựu) cứ đòi chuyển tên sổ đỏ của người vợ đầu (đã li dị), trong khi bà ấy chỉ có một đứa con (với ông), không hề đi bước nữa, bao năm qua vẫn ở ngôi nhà ấy, chăm sóc bố mẹ ông cho đến khi họ mất - sang tên mình?”. Trách những người viết đã đưa câu chuyện riêng của nhà văn, nhạc sỹ lên báo cũng có phần đúng. Nhưng nếu người trong cuộc không nhiệt tình kể thì người hóng chuyện lấy gì để viết?!

Có người nghi ngờ: Hình như phong cách “showbiz” đã ăn sâu vào mọi ngõ ngách, đến cả những người làm công việc sáng tạo văn học nghệ thuật giờ cũng kể chuyện nhà, là sao? Không ai tránh được tuổi già (thường bị ghép đôi với lẩm cẩm) nhưng những người còn đủ trẻ, đủ khỏe sao cũng bị lôi kéo theo “câu chuyện lẩm cẩm” của người già? Để từ đó mọi chuyện rối tung? Bỗng dưng khán giả bị biến thành “quan tòa” bất đắc dĩ phân định trường hợp sổ đỏ của nhà Lê Lựu, đến trường hợp con cái thiếu trách nhiệm với cha già, trong trường hợp của nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý. Nếu cho rằng, nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ… cũng chỉ là con người với “hỉ, nộ, ái, ố” thì việc người đời dò xét chuyện gia đình họ, quên mất tác phẩm của họ, cũng đâu có gì đáng trách?

Còn nhớ một lần phỏng vấn nhà văn Khuất Quang Thụy, hỏi ông về đời riêng vốn lâu nay thành “giai thoại” trong làng văn nghệ, ông không từ chối, cũng không mở lòng, chỉ đọc bài thơ: “Tôi để ngỏ đời tôi/Mặc mưa sa bão táp/Tôi để ngỏ thơ tôi/Cho người đời đến đọc/Tôi để ngỏ đời tôi/Chờ em vào cấu xé/Chán rồi thì em đi/Nhớ em về lại nhé”.

Người sáng tạo nghệ thuật có lợi thế hơn người trong showbiz ở chỗ đó. Nếu “dân” showbiz thất tình lại tâm sự, kể lể để giải khuây, hâm nóng tên mình thì người sáng tạo thay vì kể lể có thể dồn tâm huyết vào một sáng tác. Khán giả vẫn mong muốn được nghe một bài ca buồn, một tiểu thuyết, một truyện ngắn nói về nỗi cô đơn của người già trong gia đình hiện đại, hơn là nghe những lời bộc bạch ai oán của họ.

Nói những lời như thế, người già nào chẳng nói được, cần gì đến những người sáng tạo tinh thần? Lại nhớ đến bài thơ cuối cùng của nhà thơ Tố Hữu: “Tạm biệt đời ta yêu quí nhất/Còn mấy dòng thơ, một nắm tro/Thơ gửi bạn đường. Tro bón đất/Sống là cho. Chết cũng là cho”.

ĐÀO NGUYÊN

http://www.tienphong.vn/van-nghe/khi-nghe-sy-de-ngo-cuoc-doi-1169848.tpo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét