Chủ Nhật, 30 tháng 7, 2017

Nhà báo nói về bức ảnh VTV dùng làm phông ngày 26/7

Nhà báo chụp ảnh lính Trường Sa 1975 nói về bức ảnh VTV sử dụng trong chương trình ngày 26/7
Sự việc VTV phát phóng sự có bức ảnh lính nguỵ ở Xuân Lộc ăn mừng bên cờ Đảng và cờ đỏ sao vàng rồi nói là hình ảnh giải phóng Trường Sa đã gây tranh cãi trên cộng đồng mạng. Ai đó có thể vô ý nhầm lẫn hay cố tình, và họ đã khơi dậy nỗi đau mất mát của cả dân tộc, họ cần có một lời xin lỗi đối với anh linh của các anh hùng liệt sĩ, của cán bộ chiến sĩ sư đoàn 341, của quân đoàn 4 đã ngã xuống ở Xuân Lộc. Chí ít ra họ nên làm như thế !

Có người còn xưng là cựu chiến binh giải phóng Trường Sa nói mình có mặt trong bức ảnh đó. Có bạn còn bảo 98% là ảnh Trường sa?!




Để làm rõ chân tướng sự việc, tối 27-7, phóng viên đã gọi điện cho ông Nguyễn Khắc Xuể, nguyên phóng viên Báo QĐND, là một trong hai nhà báo được tham gia chuyến tàu đầu tiên ra tiếp quản Trường Sa tháng 5-1975 (khi giải phóng không có ai chụp ảnh) nhưng là ngừoi duy nhất còn sống. Nhà báo Nguyễn Thắng đi cùng đã mất cách đây vài năm.


Nhà báo Nguyễn Khắc Xuể. Ảnh: TRƯỜNG GIANG

Qua trao đổi, ông Khắc Xuể cho biết:

1- Trường Sa tháng 5-1975 chỉ có bộ đội đặc công Quân khu 5 và hải quân nhưng đều mặc trang phục bộ binh, đội mũ cối, chưa hề có mũ sắt như bức ảnh lính nguỵ.

2- Bộ đội ra giải phóng Trường Sa và ba chuyến tàu tiếp quản đều giả dạng tàu cá, ăn mặc thống nhất, cũng không mang theo cờ để tuyên truyền nên trên đảo chỉ có cờ vải là cờ nửa đỏ nửa xanh, hoàn toàn không có cờ Đảng, cờ đỏ sao vàng. Khi giải phóng xong, anh em dùng tôn cắt và sơn, vẽ cờ đỏ sao vàng rồi treo lên cột thông tin nên các bức ảnh ông Xuể chụp cờ rất “cứng”.

3 – Ảnh giải phóng TS đăng trên các báo đều là ảnh ông Xuể chụp nhưng khi về phải nộp hết lên trên, chỉ công bố vài bức, đều là ảnh do ông Xuể chụp cảnh bộ đội huấn luyện, sinh hoạt trên đảo. Cứ mũ cối thì mới là bộ đội Trường Sa 1975!


Bức ảnh đảo Song Tử Tây tháng 5-1975 do nhà báo Nguyễn Khắc Xuể chụp.

Vậy đâu là sự thật ?

Lần theo nguồn gốc của tấm ảnh thì những chứng cứ đầu tiên cho thấy, các cựu quân nhân sư 18 Ngụy rất thích dùng tấm ảnh này, trên các trang tin, trang cá nhân của họ thường xuất hiện tấm ảnh để minh họa cho các bài viết, các hồi ức của họ. Bởi có lẽ đối với họ, đây là “chiến thắng cuối cùng” và là tự hào của những kẻ thua cuộc như họ.

Vậy những lá cờ đó từ đâu mà họ có?

Trong các tài liệu lịch sử của chúng ta đều gọi Xuân Lộc là “cánh cửa thép” khi mà đối phương tập trung quân số vũ khí trang bị tối đa ở đây hòng tạo ra một thành lũy cuối cùng đủ khả năng bảo vệ cho Sài gòn. Chính vì thế chúng ta đã tổn thất, hy sinh ở đây rất lớn, Chỉ riêng trong trận sáng ngày 8/4/1975 khi hai mũi tiến công vào thị xã Xuân Lộc theo hướng “trại thương phế binh VNCH” và hướng ngã ba cua Heo đã vấp phải sự phản công mãnh liệt của đối phương. Ngày 11/4/1975 ta tấn công trại Huỳnh Văn Điền, hậu cứ của địch ở thị xã Xuân Lộc nhưng không thành công. 


Đêm 11/4/1975 một tiểu đoàn của ta hành quân từ Bình Lộc về Xuân Lộc bị tiểu đoàn 2, trung đoàn 52, sư 18 Ngụy do Huỳnh Văn Út chỉ huy tăng viện cho trung đoàn 43 của Lê Xuân Hiếu phục kích ở Suối Tre, do hành quân có cả ô tô nên bị bất ngờ, ta hy sinh hơn 100 đồng chí, trong đoàn xe khoảng 30 chiếc đó có chở theo vũ khí trang bị, lương thực, thực phẩm và các mặt hàng quân nhu, những lá cờ trong tấm ảnh chính là do địch thu được ở trận này.

Tấm ảnh từ đâu mà có?

Khi ta đồng loạt tấn công từ nhiều hướng, chế độ Ngụy quyền lung lay, chúng hoảng hốt đề nghị Mỹ viện trợ khẩn cấp, tổng thống Ford lúc đó đã đưa ra một con số là 722 triệu đô la, tuy nhiên vấp phải sự phản ứng về nghi ngờ khả năng chiến đấu của quân VNCH. Để lên giây cót tinh thần đồng thời chứng minh khả năng chiến đấu, VNCH đã tổ chức cho ký giả trong và ngoài nước đến Xuân Lộc quan sát. Ngày 13/4/1975 trực thăng Chinook đã chở các ký giả đến Tân Phong, một trong những nơi mà Lê Minh Đảo, tư lệnh sư 18 Ngụy cho thiết lập một Bộ chỉ huy hành quân của hắn, tại đây sau khi nghe hắn huênh hoang thề tử thủ và nghe Phạm Văn Phúc , tỉnh trưởng Long Khánh diễn thuyết về mấy ngày vừa qua thì đoàn ký giả được Lê Xuân Hiếu, trung đoàn trưởng trung đoàn 43 đưa theo quốc lộ 1 về khu chợ Xuân Lộc, nơi bọn chúng cho trưng bày những vũ khí, trang bị, chiến lợi phẩm mà chúng thu được.

Tại đây chúng đã bố trí sẵn để cho các ký giả chụp ảnh nhằm để họ viết bài, trong các tấm ảnh được chụp lần đó có tấm ảnh binh lính Ngụy cầm cờ đã nói ở trên. Qua đối chiếu các bức ảnh thì có khoảng 8-10 người được bố trí để cho các ký giả chụp. Các bài báo được viết sau lần đi đó cũng không thể thay đổi được số phận của họ, khi mà sự sụp đổ đã đến rất gần. Tuy nhiên tất cả chúng ta cần ghi nhớ, đó là tấm ảnh mà bọn chúng hân hoan trước sự ngã xuống của hàng trăm, hàng ngàn cán bộ chiến sĩ đã ngã xuống ở Xuân Lộc nói riêng và trên khắp đất nước Việt Nam này nói chung.

Ai đó có thể vô ý nhầm lẫn hay cố tình, và họ đã khơi dậy nỗi đau mất mát của cả dân tộc, họ cần có một lời xin lỗi đối với anh linh của các anh hùng liệt sĩ, của cán bộ chiến sĩ sư đoàn 341, của quân đoàn 4 đã ngã xuống ở Xuân Lộc. Chí ít ra họ nên làm như thế !

Nhà báo Nguyễn Văn Minh/ Báo QĐND

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét