Họp báo khẩn vụ hàng trăm người tụ tập đòi đất ở Kon Tum
Dân trí - Chiều 27/7, UBND tỉnh Kon Tum đã tổ chức họp báo để thông tin về việc người dân thôn Plei Sar và Lâm Tùng (xã Ia Chim, TP Kon Tum) tập trung đòi Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum trả lại đất. Theo ông Bùi Thanh Bình - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Kon Tum - thông tin, vào ngày 30/6/2017, người dân 2 thôn Plei Sar và Lâm Tùng của xã Ia Chim (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) đã tự ý tiến hành giăng dây, cắm cọc, chia lô và dựng lều canh giữ, yêu cầu công ty trả lại đất cho dân.
Quang cảnh buổi họp báo
Ông Bình cho biết, trước tình hình trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo TP Kon Tum vận động, thuyết phục người dân chấp hành pháp luật, không được lấn chiếm đất đai, tự giác tháo dỡ lều bạt trái phép. Đồng thời, hướng dẫn các hộ dân thiếu đất sản xuất làm đơn gửi các cơ quan chức năng để giải quyết.Tuy nhiên, người dân các thôn không thực hiện việc tháo dỡ lều bạt mà còn tổ chức canh giữ, chiếm đất trái pháp luật.
Đến ngày 24/7, lực lượng chức năng đang tiến hành quá trình tháo dỡ thì người dân đã chống đối quyết liệt và tấn công lực lượng chức năng. Do vậy, TP Kon Tum đã sử dụng lực lượng dự phòng, công cụ hỗ trợ để giải tán đám đông.
Chính quyền xã Ia Chim và Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum đã dừng việc tháo dỡ. Sau đó, tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tự tháo dỡ lều, bạt, cọc phân chia đất trái pháp luật, không tụ tập đông người gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Người dân tụ tập đông người đòi đất (ảnh cắt từ clip)
Đến tối cùng ngày, người dân đã tự tháo dỡ các lều bạt nói trên. Hiện nay tình hình tại khu vực trên đã cơ bản ổn định.
Ông Huỳnh Tấn Phục - Chủ tịch UBND TP Kon Tum - cho biết, có khoảng 300 đến 400 người dân đã đụng độ với lực lượng bảo vệ của nông trường cao su. Khi tình hình trở nên căng thẳng, lực lượng dự phòng đã được điều động để ngăn cản hai 2 bên.
“Đối với những người dân thiếu đất sản xuất và đất ở thực sự, TP Kon Tum tuyên truyền người dân viết đơn xin được cấp đất để được xem xét, giải quyết. Tuy nhiên đến nay, tại 2 thôn trên mới chỉ có 16 đơn của người dân gửi lên”, ông Phục cho biết thêm.
Tìm hiểu về nguyên nhân xảy ra việc tranh giành đất trên, đại diện Công ty cao su Kon Tum cho biết, gần 210 ha đất người dân đòi là thuộc Nông trường Cao su Ia Chim của công ty. Đất này được công ty khai hoang năm 1985 từ rừng tự nhiên và đưa vào trồng cao su, không liên quan gì đến đất của người dân. Đến nay, cây cao su đã hết chu kỳ khai thác và đang thực hiện tái canh.
Phạm Hoàng
http://dantri.com.vn/xa-hoi/hop-bao-khan-vu-hang-tram-nguoi-tu-tap-doi-dat-o-kon-tum-20170728082012458.htm
7 bình luận
- Lê Mạc Mạc · 11:54 ngày 28/07Cty cao su nói hay quá .k liên quan đất của dân sao dân dám đòi. theo tôi phải có gì ẩn khuất phía sau dân mới bức xúc như vậy. đề nghị cơ quan thẩm quyền nên xem lại vấn đề nầyThích·Trả lời·Chia sẻ
- Nguyễn Pha SiL · 10:28 ngày 28/07Đất đai hiện nay lọt vào tay các Cty và các Quan địa phương quá nhiều , người Dân thiếu đất canh tác dẫn đến tranh chấp là điều đương nhiên , Hiện nay người Dân đã hiểu biết rất là nhiều về Pháp Luật Dân trí họ ngày càng cao .Thích·Trả lời·Chia sẻ
- Vfu Youtube.123 · 09:57 ngày 28/07Tôi bất ngờ khi nói là đất cty vỡ hoang mà dân lại lên đòi đất. Cái kiểu gì đây. Kiểu j cũng có uẩn khúcThích·Trả lời·Chia sẻ
- Subway · 09:55 ngày 28/07Bản chất nông dân VN hiền lành, chịu đựng nên khi họ làm như thế chắc chắn có lý do . Hãy tìm hiểu kỹ.Thích·Trả lời·Chia sẻ
- Quangquang · 09:51 ngày 28/07Sự lạm dụng và hậu quả dai dẳng vì thiếu sự minh bạch ...?Thích·Trả lời·Chia sẻ
- Minh La · 09:27 ngày 28/07Chắc chắn có khúc mắc gì nên người dân mới phản đối đông như vậy. Mong báo Dân Trí tìm hiểu rõ gốc rễ của vấn đềThích·Trả lời·Chia sẻ
- NhatLong · 08:56 ngày 28/07Về bản chất người nông dân Việt Nam là hiền lành, đôn hậu họ chỉ phản kháng khi và chỉ khi bị bần cùng hóa nên ko khỏi có những hành động quá khích vi phạm pháp luật. Thiết nghĩ, chúng ta nên suy xét vấn đề một cách thấu đáo để tránh những bất công xã hội khiến tình hình trở nên nghiêm trọng. Giải quyết căn nguyên mới chữa đc bệnh, nên có những chính sách khuyên nông, khuyến khích nông nghiệp mạnh mẽ hơn nữa, đồng thời các dự án liên quan đến đất nông nghiệp phải suy tính cẩn trọng 2 lần trước khi thực hiện.