Thứ Bảy, 29 tháng 7, 2017

Chuyện trả nợ dân trong KC, sao mãi cù nhầy?

Hôm nay vào mạng không thấy tin gì hợp ý. Đất nước đang có rất nhiều chuyện mà sao báo chí cả lề phải lẫn trái đều im ắng không bình luận. Lạ quá.
Chuyện trả nợ dân trong kháng chiến, sao mãi cù nhầy?
Quay trở lại chuyện dân cho cách mạng vay, mượn tiền, vàng và lương thực… trong hai cuộc kháng chiến, nay ngoài việc Nhà nước quyết định tiếp tục gia hạn thời gian trả nợ cho dân thì phải chăng cũng nên có những hình thức khen thưởng khác kèm theo, như một hình thức tri ân với người có công với Tổ quốc. 
Doanh nhân Trịnh Văn Bô và vợ – bà Hoàng Thị Minh Hồ. 
Ảnh: Gia đình cung cấp cho báo chí 
Tôi được biết, trong một văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Tài chính đã dẫn một loạt các văn bản cho thấy thời gian kết thúc việc thanh toán các khoản Nhà nước vay dân trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ là hết ngày 31.12.1998. Tuy nhiên mới đây, Phó thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình vừa có chỉ đạo Bộ Tài chính tiếp tục đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vẫn tiếp tục thanh toán, trả nợ cho dân đối với các trường hợp người dân còn chứng từ gốc.

Thông tin nói trên thể hiện rất rõ một điều, đó là để đảm bảo “công tác giải quyết nợ dân thực hiện thống nhất trên cả nước và đảm bảo quyền lợi cho người dân”. Được biết, nguồn kinh phí chi trả sẽ lấy từ nguồn đảm bảo xã hội của ngân sách địa phương. Trường hợp có khó khăn vướng mắc thì Bộ Tài chính đề nghị các địa phương phản ánh về cơ quan này để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ có cách giải quyết.

Nhân sự kiện này, tôi nghĩ đến vài câu chuyện cũ mà tôi có dịp trực tiếp gặp gỡ đương sự, nay muốn kể lại để thấy rằng đây là một việc rất đáng phải làm và nếu chúng ta làm tốt sẽ càng khiến cho dân tin yêu.

Chuyện thứ nhất xảy ra khoảng năm 1992-1993. Khi ấy tôi đang làm việc ở toà soạn báo Thanh Niên tại Hà Nội thì có một đoàn người dân từ Hải Phòng đến gặp để nhờ lên tiếng sau nhiều năm khiếu kiện bất thành. Theo họ kể lại, vào những năm chống Pháp, nhiều gia đình ở một vài xã thuộc huyện An Dương, Hải Phòng đã vui lòng giúp đỡ bộ đội và du kích địa phương trưng dụng nhiều tấn thóc, thậm chí cả thuyền chở lúa để bộ đội, du kích có lương thực đảm bảo chiến đấu.

Họ cho tôi xem những tờ giấy biên nhận của các lực lượng vũ trang ngày đó, màu đã ngả vàng, hằn cả nếp gấp đã mủn đến mức tả tơi. Những giấy tờ xác nhận đã trưng dụng của ông X, bà Y ở thôn, xã… và cam kết sau này, khi hoà bình thì Cách mạng sẽ có trách nhiệm trả lại cho bà con. Bà con lên khiếu kiện nói rằng mình đã lên Văn phòng Quốc hội nhiều lần mỗi khi có kỳ họp Quốc hội diễn ra. Nhưng rồi cũng không đi đến đâu. Bộ Tài chính thì “đẩy” họ lên kêu Quốc hội, Chính phủ. Nghĩa là người nông dân cứ “tít mù nó lại vòng quanh”, tốn kém tiền nong đi lại khá nhiều mà chẳng có hy vọng gì sáng sủa…

Tôi tự thấy báo chí cũng cần góp tiếng nói trong chuyện này, hy vọng từ đó Nhà nước sẽ có được những chính sách phù hợp. Một trong những lý do khiến tôi làm việc này cũng chính là vì trong các tờ xác nhận của thủ trưởng đơn vị trong kháng chiến ngày đó lại là đại tá quân báo Phạm Đức Kính sau Sài Gòn giải phóng. Ông là cha đẻ của bạn học hồi nhỏ với tôi mà gia đình tôi từng về nhà ông tản cư (ở thôn Đồng Dụ, xã Đặng Cương) trong thời gian tránh bom đạn Mỹ đánh ra miền Bắc (1964-1968). Tức là bản thân tôi cũng từng chịu ơn những gia đình nông thôn vùng này ngày nào.

Tôi đọc những bản xác nhận của ông với bà con thì được biết, ông khi đó giữ chức Chính trị viên huyện đội An Dương, TP.Hải Phòng. Ông Kính ký xác nhận chuyện cũ nói trên kèm theo dấu và chữ ký xác nhận của đơn vị ông đang công tác. Tôi từng biết về ông khá rõ: Năm 1954, ông đã được tổ chức bí mật phân công đóng vai nhà tư sản xuống tàu há mồm rời cảng Hải Phòng di cư vào Sài Gòn. Ông đi cùng một nữ tình báo viên đóng giả làm vợ.

Sau này bị lộ, bà đã bị địch tra tấn rất thương tâm. Chúng cắt đôi nhũ hoa của người phụ nữ kiên cường ấy. Sau bà được tổ chức cho vượt ngục, đưa ra Bắc chữa bệnh. Bà tìm gặp vợ ông Phạm Đức Kính ở quê. Họ ôm lấy nhau rồi kể lại trong nước mắt và tôi may mắn đang ở trọ nhà bà Kính nên được nghe kể, cảm thấy vô cùng xúc động…

Nói lan man đôi chút là để chúng ta hiểu thêm về những cán bộ quân đội đã từng được dân ủng hộ vật chất trong kháng chiến. Tôi hiểu, để thực thi việc này đòi hỏi phải có nghị quyết của Quốc hội, phải có nghị định của Chính phủ thì mới giải quyết nổi, bởi nó mang tính chung của toàn quốc. Sau đó một số năm, xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, việc này cũng đã được Quốc hội và Chính phủ xử lý hợp lòng dân như ban hành văn bản trả nợ vay, mượn của dân trong 2 cuộc kháng chiến.

Chuyện thứ hai liên quan đến gia đình nhà tư sản dân tộc nổi tiếng Trịnh Văn Bô – Hoàng Thị Minh Hồ mà tôi có may mắn quen biết. Kể từ trước ngày Độc lập cho đến suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, ông bà Trịnh Văn Bô đã ủng hộ cuộc kháng chiến cả thảy 5.147 lượng vàng. Trong đó, riêng tại Tuần lễ vàng (9.1945), ông bà đã góp 117 lạng để làm gương cho nhiều người hưởng ứng. Nên nhớ, ngân khố quốc gia khi giành chính quyền chẳng có gì ngoài mấy trăm đồng Đông Dương tiền rách. Đó là chưa kể ngôi nhà ở phố cổ Hà Nội (48 Hàng Ngang) rộng tới 1.000m2, thông sang tận phố Hàng Cân cũng đã được gia đình vui vẻ hiến tặng cho nhà nước để làm di tích Cách mạng (nơi Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập) như 63 năm qua.

Năm 1954, khi giải phóng Thủ đô, ông bà Trịnh Văn Bô đã sửa lại ngôi nhà 34 Hoàng Diệu định để ở thì thiếu tướng Hoàng Văn Thái, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội khi đó (sau là đại tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng), đã ngỏ lời muốn mượn ngôi nhà để tiện cho ông làm việc vì nằm cạnh cơ quan bộ, với lời hứa sau 2 năm, khi thống nhất Bắc Nam thì sẽ trả lại gia đình ông bà. Tiếc rằng đến 21 năm sau, đất nước mới thống nhất và lúc này (1975) ông bà Bô mới chính thức gửi đơn xin lại ngôi nhà của họ.

Vậy mà phải đến ngày 9.9.1994, ông bà mới có quyết định trả nhà, dù được ghi là “Tặng gia đình” do ông bà có công lớn với đất nước trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Tuy nhiên, vì lý do nào đó, quyết định “tặng nhà” trên đã tạm dừng (tháng 3.1995), chưa được thi hành. Về mặt pháp lý, nếu đã gọi là tạm dừng thi hành thì cũng có nghĩa quyết định nói trên vẫn không thay đổi, hiệu lực vẫn còn và lẽ ra tạm dừng thì nên có thời hạn nhất định.

Được biết, gia đình bà quả phụ Trịnh Văn Bô cuối cùng đã vào ở ngôi nhà này từ năm 2003 khi Bộ Quốc phòng bàn giao lại cho Ban Tài chính quản trị Trung ương tạm giữ. Nhưng cho đến nay, ước muốn được cấp sổ đỏ mới đối với gia đình bà quả phụ Trịnh Văn Bô nay đã 104 tuổi vẫn chưa đạt được, mà nguyên nhân bị “tắc” từ đâu gia đình cũng không hay.

Việc Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính tiếp tục chi trả những tài sản vay, mượn của dân qua hai cuộc kháng chiến nên chăng cũng phải tính đến trường hợp nêu trên. Quay trở lại chuyện dân cho cách mạng vay, mượn tiền, vàng và lương thực… trong hai cuộc kháng chiến, nay ngoài việc Nhà nước quyết định tiếp tục gia hạn thời gian trả nợ cho dân thì phải chăng cũng nên có những hình thức khen thưởng khác kèm theo, như một hình thức tri ân với người có công với Tổ quốc.

Quốc Phong
(Một Thế Giới)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét