Hà Tĩnh sẽ xử lý 10 quan chức vi phạm trong vụ Formosa
Mười quan chức cấp tỉnh ở Hà Tĩnh được xác định là có vi phạm trong thảm họa môi trường Formosa sẽ bị trừng phạt tương ứng với mức độ phạm tội, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Tĩnh thông báo.
Thảm họa môi trường Formosa ở Hà Tĩnh đã dẫn
đến các cuộc biểu tình của giáo dân ở Nghệ An
Mười quan chức cấp tỉnh ở Hà Tĩnh được xác định là có vi phạm trong thảm họa môi trường Formosa sẽ bị trừng phạt tương ứng với mức độ phạm tội, theo báo mạng VnExpress dẫn kết quả kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy.Được biết 5 giới chức có mức vi phạm nghiêm trọng sẽ bị kỷ luật và 5 người còn lại sẽ bị kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Những giới chức này được xác định có sai sót trong việc tham mưu, tổ chức thực hiện dự án nhà máy thép của Công ty Hưng Nghiệp Formosa-Hà Tĩnh.
Trong số năm quan chức bị xem xét kỷ luật có Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường Võ Tá Đinh, hai Phó Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Đặng Văn Thành và Hoàng Thanh Tùng, cựu Phó Trưởng ban này giờ là Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh – ông Ngô Đình Vân – và phó Giám đốc Sở Xây dựng Phạm Văn Tình.
Năm người sẽ phải kiểm điểm gồm hai Phó giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường là Phạm Trần Đệ và Phan Thăng Long, hai phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Phan Lam Sơn và Nguyễn Hùng Mạnh và Giám đốc Sở Xây dựng Trần Xuân Tiến.
Kỷ luật cụ thể như thế nào thì còn chờ Ban thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh họp mới xem xét, theo VnExpress.
Tuy nhiên, một số người cho rằng xử lý các cá nhân vi phạm vẫn chưa đủ mà chính quyền Việt Nam cần thay đổi luật lệ và tăng cường quản lý trong lĩnh vực môi trường.
Vụ nhà máy thép Formosa xả thải ra biển vào năm 2016 đã gây ra thảm họa môi trường lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam, ảnh hưởng đến môi trường sống và sinh kế của cư dân bốn tỉnh miền Trung là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế.
Cho đến nay các cán bộ cấp cao nhất bị xác định có trách nhiệm trong thảm họa Formosa gồm cựu Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang và hai cựu Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến, Nguyễn Thái Lai của Bộ Tài nguyên-Môi trường, ông Võ Kim Cự, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh. Các quan chức này thuộc diện trung ương quản lý và đã bị Ủy ban Kiểm tra trung ương quy trách nhiệm.
Ông Cự, trong cương vị người đứng đầu Ban Cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân Hà Tĩnh trong giai đoạn 2011-2016, và các ông Quang, Tuyến, Lai được xác định là đã “thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát” trong quá trình thực hiện dự án Formosa.
Tất cả bốn cựu quan chức này đều bị xác định là “có vi phạm nghiêm trọng” đến mức phải thi hành kỷ luật. Ngoài ra, ông Hồ Anh Tuấn, người đứng đầu Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng trong giai đoạn Formosa đầu tư xây dựng, cũng bị kỷ luật.
Cho đến nay, chưa có ai cao hơn các vị này bị xem xét trách nhiệm trong vụ Formosa và việc xử lý họ vẫn dừng lại ở mức kỷ luật của Đảng chứ chưa bị truy tố hình sự.
Trao đổi với VOA, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nói việc chính quyền thi hành kỷ luật một số người chỉ nhằm mục đích “xoa dịu sự bức xúc trong dư luận”.
“Nếu kỷ luật ai đi nữa mà Formosa vẫn còn tồn tại, vẫn tiếp tục xả thải lấy mất cơ hội làm ăn kinh doanh của người dân thì đối với họ việc kỷ luật đó là vô nghĩa,” ông nói.
Về trách nhiệm của chính quyền, ông A nói:
“Quốc hội, Chính phủ phải thay đổi luật pháp, thay đổi các quản lý, siết chặt chính sách môi trường để các doanh nghiệp nước ngoài không thể lợi dụng luật lệ lỏng lẻo của Việt Nam để biến Việt Nam thành bãi thải của họ.”
Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói “có khả năng có nhiều cán bộ cấp cao đã bị đồng tiền mua chuộc” để làm ngơ cho Formosa vi phạm môi trường.
Nhận định về cách xử lý, kỷ luật của Đảng đối với các cán bộ làm sai trong vụ Formosa, Tiến sĩ A nói:
“Có một thực tế ở Việt Nam: người tham nhũng đi chống tham nhũng, người làm sai kỷ luật người làm sai. Tất cả đều từ một Đảng mà ra.”
Mời xem Video: Hé lộ mưu đồ nhân vật đứng phía sau để Trung quốc buộc Việt Nam phải ngưng khoan dầu ở Bãi Tư Chính?
VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét