Thứ Năm, 27 tháng 7, 2017

Chuyện “ngày tàn của IS sắp đến”?

Chuyện “ngày tàn của IS sắp đến”?
Lữ Giang
Hôm 10.7.2017, trong một tuyên bố của Tòa Bạch Ốc, Tổng Thống Donald Trump nói rằng đánh bại nhóm chủ chiến ở Mosul "báo hiệu ngày tàn của chúng ở Iraq và Syria sắp đến". Cũng trong ngày hôm đó, Thủ tướng Haider al-Abadi chính thức tuyên bố Iraq đã chiến thắng tại thành phố Mosul, nơi IS từng tuyên bố là thủ đô của chúng. Nhưng đa số các chuyên gia không tin “ngày tàn của IS sắp đến”.
Bản đồ nơi chiến địa: Aleppo, Raqqa (Syria) và Mosul (Iraq)
AI CHO CHÚNG NÓ TÀN?
Theo phân tích của đài CNN, kể từ khi được thành lập, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (Islamic State - IS) đã chuẩn bị cho "hậu Nhà nước Hồi giáo". Lời kêu gọi của IS từ lâu đã là "Baqiya wa tatamaddad", tức "Duy trì và mở rộng". Trong khi sự mở rộng của IS có thể kéo dài nhiều thế hệ thì các lãnh đạo của tổ chức này cũng đã chuẩn bị cho một "Nhà nước Hồi giáo không có quốc gia"(Stateless Islamic State). Điều này có nghĩa là IS sẽ duy trì tổ chức thông qua ý thức hệ và bất kỳ công dân của một nước nào cũng có thể trở thành tay súng IS. Các chỉ huy hàng đầu và các tay súng lâu năm chắc chắn vẫn trụ lại Iraq và Syria, tạo thành một cuộc kháng chiến ngầm.
Về phía Hoa Kỳ, có nhiều dấu hiệu cho thấy Tổng thống Trump chẳng biết gì về kế hoạch “Một Trung Đông Mới” của Hoa Kỳ được ban hành từ năm 2008 nên ông mới nói như vậy. Theo kế hoạch này, sau khi thanh toán các lãnh tụ Hồi Giáo có chủ trương tái hình thành một dế chế Hồi giáo gióng Đế chế Ottoman ngày xưa, sẽ chia 5 nước trung tâm ra thành 14 nước. Hiện nay mới chỉ có Libya bể thành nhiều mãnh, còn Iraq và Syria chỉ mới bể làm hai, một phần thuộc về khối Shiite (còn gọi là Shia) và một phần thuộc về người Kurd. Khối Sunni chưa có đất dụng võ ở hai nước này.

Mỹ định cho nhóm Nhà Nước Hồi Giáo (IS) trở thành một Nhà Nước thuộc khối Sunni nằm ngang giữa hai nước Iraq và Syria, nhưng IS đã đi ra ngoài vòng kiểm soát nên phải thanh toán. Tuy nhiên, trước khi tấn công vào Mosul, Mỹ đã mở đường cho một toán quân lớn của IS gồm khoảng 9000 người di chuyển bằng xe về tỉnh Deir ez Sor của Syria, một tỉnh lớn nằm ở miền trung Syria sát với biên giới Iraq với mục tiêu bảo vệ phần đất mà Mỹ muốn dành cho khối Sunni. Nhưng Nga thấy rõ âm mưu của Mỹ nên đã cho quân đội Syria đến chiếm đóng tỉnh lỵ của tỉnh này. IS chỉ có thể đóng rải rác từ Raqqa xuống Deir ez Sor. Điều này cho thấy Mỹ còn muốn dùng IS làm công cụ chia cắt cả Iraq lẫn Syria, biến mỗi nước thành 3 vùng tự trị khác nhau. Như vậy cuộc chiến với IS còn dài.

SỰ TÀN BẠO CỦA IS

Abu Bakr Al Baghdadi, thủ lĩnh của Nhà nước Hồi giáo (IS), được đặt biệt danh là "thủ lĩnh vô hình" vì hành tung bí ẩn, luôn cẩn trọng để không tiết lộ nhiều thông tin về bản thân và nơi ở của mình. Sự tàn nhẫn và kỷ luật của y đã thu hút nhiều tân binh đi theo IS, nhóm thánh chiến nguy hiểm nhất thế giới.

Nhà báo Barham Omer, trưởng phòng thời sự kênh truyền hình KNN ở tỉnh Erbil, Iraq, nói:
Không thể kể hết những tội ác mà IS đã gây ra ở Iraq, không chỉ là các tội ác diệt chủng chống lại loài người, chúng âm mưu phá huỷ những bằng chứng về nền văn minh nhân loại, các cổ vật được lưu truyền từ xa xưa. Người dân Iraq dù là người Shia, Sunni hay người Kurd đều trải qua cuộc sống địa ngục dưới sự cai trị của IS”,

Việc Mỹ đưa quân vào Iraq và lật đổ chế độ Saddam Hussein năm 2003 đã thay đổi trật tự ưu tiên cũ. 10 năm sau sự kiện này, dưới danh nghĩa chống khủng bố, người Kurd và người Shiite đã đánh đuổi những địa chủ người Sunni khỏi vùng đất của họ. Từ chỗ nắm quyền, người Sunni bị đẩy vào thế yếu. Do vậy, khi phiến quân IS tràn vào, người Sunni hỗ trợ lực lượng này vì muốn tạo ra sự thay đổi bộ máy do người Shiite đang cai trị với đầy rẫy những điều mà họ cho là bất công, áp bức”.

Nhưng ông Sheik Ghazi Mohammed Hamoud, tộc trưởng người Sunni tại thị trấn Rabia từng bị IS kiểm soát trước khi được người Kurd giải phóng, nói với Washington Post rằng dần dần người Sunni cũng nhận ra họ đã phạm sai lầm: “IS không chừa một ai. Chúng như cơn sóng thần càn quét cả người Sunni. Chúng tôi mất tất cả, nhà cửa, người thân, công việc”,

Ông Zawahiri, lãnh đạo mạng lưới Al Qaeda thuộc khối Sunni, từng yêu cầu IS tập trung vào Iraq và để lại Syria cho nhóm Al Nusra. Nhưng lãnh tụ Baghdadi và các chiến binh IS đã công khai thách thức họ. Nhiều nhà bình luận cho rằng điều này đã làm tăng uy tín của Baghdadi đối với nhiều chiến binh Hồi giáo!

Ngày 16.6.2017, quân đội Nga tuyên bố Abu Bakr al-Baghdadi, thủ lĩnh tối cao của Nhà nước Hồi giáo (IS), đã bị tiêu diệt trong cuộc không kích của Nga. Nhưng tin này chưa kiểm chứng được.

BIẾN NƠI CHIẾM ĐÓNG THÀNH “ĐỊA NGỤC TRẦN GIAN”

Trong 3 năm qua, có khoảng sáu triệu người đang sống trong các vùng lãnh thổ mà nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) chiếm đóng. Khu vực này trải dài ở các vùng phía bắc Iraq và đông Syria.

Trên đường tháo chạy
Liên Hiệp Quốc cho biết tình trạng bạo lực của IS đồng nghĩa với hàng loạt những vi phạm nhân quyền – “tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người, và có thể cả tội diệt chủng”. Các cuộc tấn công do Mỹ dẫn đầu nhằm vào nhóm này cũng khiến nhiều thường dân thiệt mạng oan.
Tờ Global Post ghi lại chia sẻ của những người dân bỏ trốn, trong đó cho thấy phần nào vào cuộc sống dưới sự thống trị của IS.

1.- Tiêu diệt những người không cùng tôn giáo
Người Yazidi, thành viên một nhóm tôn giáo thiểu số ở miền bắc Iraq bị hành hạ suốt nhiều thế kỷ vì đi theo một kiểu tôn giáo cổ xưa. Với IS, người Yazidi bị coi là ngoại đạo. Khi lực lượng IS nắm quyền kiểm soát hàng chục ngôi làng Yazidi ở vùng Sinjar, họ đã hành quyết đàn ông và bắt cóc hàng ngàn phụ nữ và trẻ em. 
Tổ chức Hội Yazidi bí mật đóng tại Sinjar nhưng hiện tại đang hoạt động ở tại thành phố thủ đô Erbil của của người Kurd tại Iraq đã ghi tên được hơn 12.000 người Yazidi mất tích – trong đó có 5.000 phụ nữ và 7.000 nam giới. Những người này được cho là đã thiệt mạng hoặc bị bắt cóc.
Có ít nhất 47 người trong số đó đã trốn thoát. Họ kể lại những vụ cưỡng bức, cưỡng hôn, và bị đày làm nô lệ. Rất nhiều người như cô Sara nói rằng họ bị gả làm vợ của phiến quân IS, hoặc bị bán làm nô lệ với giá từ 100 - 1.000 USD.  Cô Sara kể lại: Có khoảng 20 chiếc xe. Chúng đều có vũ khí hạng nặng. Chúng tách đàn ông, đàn bà riêng ra. Một số nam giới định trốn và bị bắn. Chúng nhốt mẹ tôi với các phụ nữ lớn tuổi ở một căn phòng. Những cô gái Yazidi trẻ hơn bị đưa lên xe. Khi xe chở đủ người và đi khỏi, Sara nghe thấy tiếng súng nổ ở phía sau. Bà Narin cho biết: Chúng tôi chỉ còn lại sáu phụ nữ. Sau khi nghe ngóng và không thấy tiếng động lạ, mọi người tìm cách mở cửa. Cửa mở, họ thấy hàng chục xác nam giới đã chết. Trong đó có cả con trai bà. Cơ quan Giám sát Nhân quyền Syria của Anh cho biết có 300 vụ phụ nữ Yazidi bị IS đưa sang Syria, một số người trong đó bị bán ở chợ tại Aleppo.
 Image result for Pictures of IS in Mosul and Aleppo
Một nơi IS vừa đi qua
Kinh hoàng bắt đầu đến với cô Leila 19 tuổi khi cô chạy trốn khỏi ngôi làng ở Sinjar với chồng và gia đình. Xe của IS đuổi kịp họ, phiến quân đã bắt đàn ông phải nằm sấp xuống mặt đất rồi bắn họ, trong đó có cả những thiếu niên mới khoảng 14 tuổi. Leila tận mắt chứng kiến cảnh chồng cô bị giết. Leila ôm lấy đứa con cùng với các phụ nữ khác bị đưa tới thị trấn Sebai, rồi cuối cùng là tới Mosul. Leila kể lại: “Chúng tôi đi qua rất nhiều thi thể. Thậm chí là có xác trẻ con”. Cô với hơn 1.000 phụ nữ khác bị giam trong một tòa nhà. Các cô đều bị yêu cầu cải sang đạo Hồi. Leila đã trốn thoát thành công khi cô được một người đàn ông Ảrập cứu và đưa khỏi vùng bị nạn, giúp cô đoàn tụ với những người thân tại Erbil. 
Ông Samer kể lại: Ông cùng vợ và con trai bị đuổi khỏi nhà ở Bashiqa, Iraq, sau khi IS chiếm thị trấn. Họ đưa chúng tôi tới một bãi đất trống trước một cái mương. Họ bảo chúng tôi xếp thành hàng. Chúng tôi nhìn xuống và thấy các thi thể. Firas, 15 tuổi, cho biết cậu thoát chết khỏi một vụ thảm sát người Yazidi ở Kocho và nói: “Chúng tôi nằm xếp chồng lên nhau. Họ nghĩ là đã giết chết hết mọi người. Họ bắn vào đầu và lưng từng người rồi bỏ đi”.
Đằng sau cánh cửa những tòa nhà trông không mấy nổi bật ở thành phố Fallujah, Iraq, là nơi IS sử dụng để tra tấn, hành quyết tù nhân dã man như thời trung cổ.
Hệ thống nhà tù địa ngục này là dấu tích còn sót lại sau hàng loạt những vụ tra tấn dã man những người bị bắt vì những tội danh như ăn cắp, hút thuốc, tranh chấp đất đai hay vi phạm quy định về trang phục của nhóm phiến quân.
Ngay khi đặt chân vào nơi này, Đại tá Haitham Ghazi, một sĩ quan tình báo của đơn vị phản ứng khẩn cấp của cảnh sát Iraq đã phải thốt lên: “Bạn có thể cảm thấy hơi thở của tù nhân còn quanh quẩn đâu đó bên trong nơi này”.

2.- Khống chế phụ nữ
Bà Sherazade - 35 tuổi, làm nghề dạy học - nhớ lại: "Ngày đầu tiên Mosul vào tay IS, khi ra đường, tôi thấy một biểu ngữ rất lạ vẽ trên tường: "Cái đẹp chân chính cần phải được che giấu". Họ hô hào phụ nữ phải che giấu nhan sắc bằng cách dùng vải đen che toàn bộ thân người.
Qua ngày 11.6.2014, chính quyền IS ban hành "Wathiqat al-Madina" (Hiến pháp của thành phố), trong đó đặc biệt nhấn mạnh "phụ nữ không được ra khỏi nhà trừ khi có việc tối cần thiết". Phụ nữ còn bị cấm uống nước nơi công cộng, nhìn vào mắt đàn ông lạ hoặc nói chuyện với họ, thậm chí không được ra vườn nhà phơi đồ nếu không che mạng trên mặt. Phụ nữ phải mang đủ 5 phụ kiện: giày đen, bao tay đen, jibab (áo chùng che toàn thân), niqab (khăn trùm đầu) và miếng che mặt để che mắt. Với trang phục này, phụ nữ cảm thấy rất nóng nực và luôn bị vấp té vì không thấy khi bước đi. Tục tảo hôn được IS cho phép. Bé gái lên 9 có thể lấy chồng, sinh con.
Để thực thi luật Sharia, IS lập đội cảnh sát Hồi giáo Diwan al-Hisba (riêng nữ có đội Katiba al-Khansa) rảo khắp Mosul bằng xe chuyên dụng. Hình phạt được áp dụng ngay tại hiện trường, nhẹ nhất là đánh 25 roi. Một bà mẹ cho con bú để lộ một phần ngực trong bệnh viện lập tức bị al-Khansa trừng phạt bằng cách lấy kìm kẹp núm vú, thậm chí dùng răng cắn chảy máu.

3.- Dùng dân làm bia đỡ đạn
Một trong những tội ác lớn khác của IS là dùng thường dân Mosul làm lá chắn sống khi giao tranh với quân đội Iraq. Chúng nấp sau lưng thường dân, đẩy họ ra phía trước để tấn công quân Iraq. Ai không muốn trở thành lá chắn sống phải nộp tiền tươi. Đây cũng là một cách bổ sung ngân sách nuôi dưỡng bộ máy IS. Phóng viên Fox News từng chứng kiến cảnh IS chất đầy trẻ em lên xe khi di chuyển từ thị trấn này sang thị trấn khác để máy bay Mỹ và đồng minh không dám ném bom.
Chuyên gia chống khủng bố Iraq Karim Aljobory nói với phóng viên đài Fox News: "Chúng quấn đai bom vào phụ nữ và trẻ em Iraq. Chúng tôi không thể phân biệt ai là lính IS, ai là thường dân. Nhiều người trong chúng tôi chết vì những người đeo đai bom bất đắc dĩ đó".
Mosul là thủ phủ tỉnh Nineveh. Đa số dân ở đây là người Kurd theo đạo Hồi phái Sunni. Sau khi Mỹ đánh chiếm Iraq năm 2003, Mosul trở thành chiến trường ác liệt nhất, đặc biệt khi nó rơi vào tay IS cách đây 3 năm.
Những sự tàn bạo của IS đã tạo nên “chính nghĩa” cho Hoa Kỳ khi thanh toán họ. Chuyện dài về IS còn rất dài, có dịp chúng tôi sẽ kể tiếp.

CUỘC CHIẾN VẪN CÒN TIẾP TỤC
Kế hoạch “Một Trung Đông Mới” của Mỹ đang gây ra những hậu quả rất tàn khốc. Các nước Iraq, Libya và Syria đã phải gánh chịu những hậu quả nặng nề nhất, tiếp theo là các nước châu Âu, nơi các phong trào di dân Hồi giáo được lùa đến. Mỹ là chánh phạm nhưng bị tổn thương nhẹ nhất. Nhưng kế hoạch này chỉ mới hoàn thành chưa đến một nữa, nên cuộc chiến còn kéo dài, có khi hai ba năm, có khi mười hay hai mươi năm nữa…
Nga đã can thiệp vào Syria để bảo vệ chỗ đứng của Nga ở Trung Đông, trong khi chính sách của Donald Trump đã làm nhiều nước châu Âu muốn tách rời khỏi kế hoạch của Mỹ ở Trung Đông, do đó gánh nặng của Mỹ sẽ lớn hơn trong giai đoạn tới. Chúng tôi sẽ trình bày trong một bài khác.
Ngày 28.7.2017
Lữ Giang 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét