Chủ Nhật, 30 tháng 7, 2017

Anh Vũ Dũng đã ra đi

Anh Vũ Dũng là thứ trưởng Bộ NG trong hơn 20 năm, sau đó làm Trưởng phái đoàn đại diện thường trực chính phủ VN tại Liên hợp quốc, Tổ chức thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva Thụy Sĩ (2009-2011). Cuối năm 2011, chưa hết nhiệm kỳ tại Geneva, anh được triệu tập về nước làm trợ lý Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Mặc dù không thích anh lắm (chủ yếu vì ghét dân ngoại giao), nhưng tôi tôn trọng anh. Đặc biệt, anh Dũng rất tốt với tôi và thường quan tâm giúp đỡ tôi. Điều làm anh đau lòng những năm cuối đời là người trợ lý, thư ký trong rất nhiều năm, người được anh hết lòng giúp đỡ, nhưng đã dùng hộ chiếu ngoại giao chạy sang Thụy Sĩ xin tị nạn chính trị. Đó là Đặng Xương Hùng, nguyên Vụ phó Bộ NG, nguyên phụ trách lãnh sự tại phái đoàn đại diện thường trực chính phủ VN tại Liên hợp quốc, Tổ chức thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva Thụy Sĩ cùng thời kỳ anh công tác bên đó. FB của Đặng Xương Hùng ở đây: Dang Xuong Hung (https://www.facebook.com/dang.xuonghung). Thương tiếc anh Vũ Dũng và chia buồn với gia đình anh. Lưu lại bài này để nhớ ngày đi viếng anh.
Anh Vũ Dũng đã ra đi
Minh Quang Vu Sáng 29/7/2017 lúc 06:00 Anh Vũ Dũng đã ra đi. Hết sức đau buồn và thương tiếc Anh. PS. Theo thông tin từ FB của Đại sứ Đình Dĩnh thì Lễ viếng sẽ được tổ chức từ 11.30 đến 12.45 thứ tư 02/8/2017 tại Nhà Tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Dũng nói gì
về Nam Quan, Bản Giốc và Trường Sa
02 Tháng Giêng 2008 - Ngày 31/12/2007 ông Vũ Dũng, thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia đến biên giới tỉnh Lào Cai để chủ tọa một buổi lễ đánh dấu hoàn thành việc cắm mốc biên giới Việt Hoa trong vùng tỉnh Lào Cai giáp ranh với tỉnh Vân Nam của Trung quốc, đồng thời đánh dấu việc hoàn thành 85% việc cắm 1.833 mốc trên biên giới dài hơn 1.300 km giữa hai nước. Nhân dịp này ông thứ trưởng Vũ Dũng đã trả lời hai cuộc phỏng vấn, một của nhật báo Nhân Dân (1), cơ quan ngôn luận của đảng cộng sản Việt Nam và một của báo Pháp Luật ở thành phố Sài Gòn. Báo Nhân Dân ở Hà Nội cũng như báo Pháp Luật ở Sài Gòn đều là báo đảng.




Qua việc giải thích các vấn nạn liên quan đến ải Nam Quan và thác Bản Giốc ông thứ trưởng Vũ Dũng cũng trả lời một câu hỏi về quần đảo Trường Sa. Đây là lần đầu tiên một giới chức cấp thứ trưởng công khai nói về việc chính phủ Trung quốc ký quyết định thành lập thành phố Tam Sa bao gồm trọn hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cuối tháng 11 năm 2007.


Sáu năm trước đây (ngày 28/1/2002) ông Lê Công Phụng, lúc đó là thứ trưởng Bộ Ngoại giao, người phụ trách thương thuyết về biên giới Việt Trung, trong một cuộc phỏng vấn của hãng thông tấn VASC Orient cũng đã trả lời một số câu hỏi của phóng viên Thu Uyên về vấn đề mất/được bao nhiêu đất và đặc biệt về thác Bản Giốc và ải Nam Quan qua Hiệp ước phân ranh biên giới với Trung quốc tháng 12/1999 (2). Nội dung các câu trả lời của ông Lê Công Phụng có thể dùng để so sánh với nội dung của ông Vũ Dũng để biết sự thật nằm ở đâu. Cả hai ông Lê Công Phụng và Vũ Dũng đều là thứ trưởng Bộ Ngoại giao và là những người phụ trách lãnh đạo các cuộc thương thuyết và cắm mốc với Trung quốc.

Trả lời một câu hỏi của báo Nhân Dân rằng “Một số mạng nước ngoài đưa tin thất thiệt rằng, Việt Nam bị mất đất. Ông có bình luận gì về ý kiến này?”, ông Vũ Dũng trả lời:

“Chủ quyền lãnh thổ là vấn đề hết sức thiêng liêng đối với bất kỳ quốc gia, dân tộc nào. Đối với dân tộc Việt Nam thì chủ quyền lãnh thổ lại càng thiêng liêng cao cả. Dân tộc ta từ nghìn xưa đã chiến đấu, hy sinh để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Gần tám thập kỷ qua, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, đã đi qua những cuộc kháng chiến vô cùng gian khổ, chịu đựng những hy sinh, mất mát to lớn để giữ vững chủ quyền lãnh thổ của mảnh đất thân yêu này.

Trong đàm phán với Trung Quốc và các nước láng giềng khác cũng như trong quá trình phân giới cắm mốc (PGCM) trên thực địa, chúng ta đều đã thể hiện hết sức rõ ràng lập trường bất di bất dịch, đó là: chủ quyền lãnh thổ là vấn đề mang tính nguyên tắc, không thể nhân nhượng. Vì vậy, không thể có chuyện "Việt Nam mất đất", "cắt đất" cho nước này, nước kia như một số mạng nước ngoài đưa tin.

Chỉ có thể giải thích rằng những mạng này hoặc do thiếu thông tin hoặc cố tình làm sai lệch thông tin vì những ý đồ khác nhau.”

Qua câu trả lời trên ông Vũ Dũng quả quyết Việt Nam không mất đất, và Việt Nam không cắt đất.

Trong cuộc phỏng vấn tháng 1/2002 khi trả lời một câu hỏi của phóng viên Thu Uyên rằng ông nghĩ thế nào về các nguồn tin hải ngoại nói trong việc phân định biên giới đi đến Hiệp định ký ngày 30/12/1999 Việt Nam mất 700 km2, ông Lê Công Phụng trả lời:

“Đàm phán lại lần này thì căn cứ để phân định đường biên giới là dựa chủ yếu vào các công ước đã được ký cách đây 100 năm. Và khi chúng ta và Trung Quốc đưa ra bản đồ chủ trương của mình (có nghĩa là theo chúng ta đường biên giới chỗ nào là đúng, theo Trung Quốc đường biên giới chỗ nào là đúng), hai bên chênh nhau 227 km2 tại 164 điểm. Và 227 km2 đó nằm trên quãng 400 cây số. Còn 900 cây số chiều dài còn lại thì hai bên nhất trí với nhau theo phân định của bản đồ Pháp - Thanh.

Trong 227 km2 đó, chúng ta đàm phán với Trung Quốc từ năm 1993, đi đến ký kết ngày 30/12/1999. Chúng ta được khoảng trên dưới 113 km2 và Trung Quốc được trên dưới 114 km2 Như vậy có thể nói, qua cuộc đàm phán thương lượng đi đến ký kết Hiệp định trên bộ, chúng ta và Trung Quốc đã đạt kết quả được công bằng và thỏa đáng. Nói chuyện chúng ta mất 700 km2, theo tôi nghĩ, hoàn toàn không thực tế.”

Như vậy ông Lê Công Phụng xác nhận trên toàn thể Việt Nam mất 1 km2.

Ông Vũ Dũng nói không mất gì cả, trong khi ông Lê Công Phụng nói mất 1km2. Vậy sự thật ở đâu? (đây là nói về sự thật do những người có trách nhiệm trong cùng một chính quyền nói ra, chứ chưa nói về sự thật lịch sử).

Về câu hỏi của báo Nhân Dân rằng: “Có nhiều dư luận khác nhau về việc phân định khu vực thác Bản Giốc và khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, xin Thứ trưởng cho biết ý kiến về vấn đề này?

Ông Vũ Dũng đã trả lời về ải Nam Quan như sau:

“Tại khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, theo các văn bản pháp lý lịch sử, đường biên giới luôn nằm phía nam Ải Nam Quan. Trấn Nam Quan do Trung Quốc xây dựng vẫn thuộc Trung Quốc, chứ không phải đường biên giới đi qua Ải Nam Quan như một số người vẫn hiểu.”

Sư khẳng định của ông thứ trưởng Vũ Dũng rất mơ hồ vì ông không nói rõ ranh giới hai nước nằm ở phía nam ải Nam Quan là bao nhiêu: Một trăm thước, 200 thước hay 300 thước?

Trả lời cùng một câu hỏi của VASC Orient về ranh giới tại ải Nam Quan rằng: “Còn về mục Nam Quan. Đi bộ từ Hữu nghị quan tới cột mốc số 0 đến vài trăm thước. Thực tế sự sai lệch này là như thế nào?”, ông thứ trưởng Lê Công Phụng nói rõ hơn:

“Nếu chúng ta bắt đầu tính biên giới từ chân tường hoặc chia đôi cửa mục Nam Quan thì cũng không được. Còn cột mốc số không - nhân dân Lạng Sơn báo cáo với Trung ương, Chính phủ và các nhà đàm phán rằng cột mốc có từ khi những người già còn chưa ra đời. Chúng ta tôn trọng cơ sở pháp lý đã có, tôn trọng thực tiễn, nhất là vì lâu nay quản lý đã như vậy. Cho nên hiện nay chúng ta công nhận mục Nam Quan là của Trung Quốc cách cột mốc số 0 trên 200m. Tính cột mốc số 0 trở về phía Nam là lãnh thổ của Việt Nam. Từ cột mốc số 0 trở về phía Bắc là của Trung Quốc.”

Vậy chính thức là cách ít nhất 200 thước

Theo giáo sư Trần Huy Bích, bút hiệu Từ Mai, phụ trách thư viện đại học UCLA (University California, Los Angeles) một đại học lớn của Hoa Kỳ lưu trữ nhiều tài liệu lịch sử, người giữa năm 2002 đã biên soạn một tài liệu về ải Nam Quan qua chiều dài của lịch sử Việt Nam nhan đề: “Một số sử liệu liên quan tới biên giới Việt Hoa” (3), thì ông giải thích vấn đề ranh giới như thế nào?

Giáo sư Trần Huy Bích giải thích rằng theo bản đồ biên giới Việt Trung trong Đại Thanh nhất thống chí của nhà Thanh ấn hành năm 1764 thì biên giới Hoa Việt chạy sát ngay ranh phía nam của ải Nam Quan.

Hai sự kiện lịch sử của Việt Nam cũng chứng minh ranh giới này. Thứ nhất Đại Nam nhất thống chí của triều Nguyễn chép rằng sát “phía nam ải Nam Quan có Ngưỡng đức đài của nước ta” và năm 1784 quan đốc trấn tỉnh Lạng sơn Nguyễn Trọng Đang đã cho thợ trùng tu Ngưỡng đức đài. Thứ hai là ghi chú trong thơ văn của cụ Nguyễn Du. Năm Quý Dậu (1813), khi vâng lệnh vua Gia Long, cầm đầu một sứ bộ sang Trung Hoa, thi hào Nguyễn Du đã ghi lại trong tập Bắc Hành Tạp Lục của cụ mấy câu thơ về ải Nam Quan như sau:
Lý Trần cựu sự yểu nan tầm
Tam bách niên lai trực đáo câm
Lưỡng quốc bình phân cô lũy diện
Nhất quan hùng trấn vạn sơn tâm...

(dịch nôm)
Việc cũ đời Lý, Trần xa xôi, mờ mịt khó tìm
Suốt ba trăm năm thẳng tới hiện nay
Hai nước chia đều nhau từ mặt chiếc lũy lẻ loi
Một cửa quan oai hùng trấn giữa muôn quả núi...

Cho mãi đến năm 1885 - sau hiệp ước Patenôtre (6/6/1884), Việt Nam mất quyền tự chủ vào tay người Pháp - Thanh triều ký hiệp ước Thiên Tân công nhận chủ quyền của người Pháp tại Việt Nam và hai bên Pháp Hoa đồng ý gởi phái đoàn đến biên giới Lạng Sơn để thảo luận về ranh giới. Lúc này Pháp đang mua chuộc Thanh triều vì quyền lợi của Pháp tại lục địa Trung quốc nên Pháp đã dễ dãi chấp nhận đòi hỏi của Trung quốc kéo đường ranh giới Việt Trung xuống phía nam cách xa ải Nam Quan chừng 100 mét. Và sự việc này đã được hai bên Pháp Hoa chính thức ký kết qua Thỏa ước Bắc Kinh ký ngày 26/9/1887. Từ đó cho đến năm 1895 là thời gian thương thảo cắm mốc biên giới, nhà Thanh đã khai thác yếu tố quyền lợi của Pháp tại lục địa Trung quốc để lấn đất nhiều nơi suốt dọc chiều dài biên giới Việt Trung.

Nói riêng về ranh giới tại ải Nam Quan thì nếu chấp nhận đường ranh Pháp Hoa ký năm 1887 thì ranh giới Việt Trung nằm ở phía nam của ải Nam Quan 100 thước. Trong khi ông nguyên thứ trưởng Lê Công Phụng nói 200 thước (còn ông đương kim thứ trưởng Vũ Dũng thì chỉ nói ở phía Nam hàm ý tối thiểu là 200 thước. Nghĩa là tại đó Việt Nam mất một dung đất ít nhất là 100 thước (không biết chiều dài bao nhiêu).

Vậy sao ông thứ trưởng Vũ Dũng bảo là không mất đất!

Liên quan đến thác Bản Giốc ông thứ trưởng Vũ Dũng nói:

“Thác Bản Giốc gồm hai phần: phần thác cao hoàn toàn thuộc Việt Nam, không có tranh chấp; phần thác thấp gắn liền với sông Quế Sơn. Theo Công ước Pháp - Thanh, đường biên giới đi giữa sông Quế Sơn đến thác và mốc 53 nằm phía trên thác đánh dấu sự chuyển hướng đường biên giới từ sông lên bờ. Hiện nay ta và Trung Quốc chưa PGCM đoạn biên giới khu vực này nhưng có thể khẳng định phần thác cao hoàn toàn thuộc Việt Nam, phần thác thấp sẽ được phân giới theo luật pháp và tập quán quốc tế về trung tuyến dòng chảy hoặc trung tuyến tàu thuyền đi lại được, hoàn toàn không có chuyện Việt Nam mất thác Bản Giốc như một số người nói. Hàng triệu lượt khách du lịch đến thác Bản Giốc đều biết rất rõ điều này.” 

Như vậy tại thác Bản Giốc không có vấn đề gì cả vì mọi sự đều rất rõ ràng theo Công ước Pháp-Thanh. Nhưng trả lời phỏng vấn của báo Pháp Luật ông Vũ Dũng nói rằng khu thác Bản Giốc là một trong những điểm C là điểm “hai bên có nhận thức khác nhau. Chẳng hạn địa hình thay đổi không như bản đồ thời Pháp-Thanh hoặc mô tả trước đây không rõ. Nhưng những khu vực này đi vào cụ thể dần dần được giải quyết. Thác Bản Giốc, cửa sông Bắc Luân đều là khu vực C như vậy.”

Ông thứ trưởng Vũ Dũng đã mâu thuẫn với chính ông. Nhưng so với câu trả lời của ông thứ trưởng Lê Công Phụng năm 2002 khi phóng viên Thu Uyên của VASC Orient hỏi về vấn đề thác Bản Giốc sự mâu thuẫn lại càng nổi bật hơn. Ông Lê Công Phụng nói:

“Về thác Bản Giốc, thì đây là điều rất phức tạp. Chúng tôi cũng rất lạ là trong sách sử của chúng ta và Trung Quốc từ năm 1960 đến nay, không ai nói thác Bản Giốc có phần là của Trung Quốc. Ngay Trung Quốc cũng không nói đấy là của Trung Quốc. Còn đối với chúng ta, thác này đã đi vào sử sách, nhất là sách giáo khoa của học sinh, thành di tích, điểm du lịch được nhiều người ưa chuộng”

Vậy sự thật ở đâu? Có phải Việt Nam đã mất một nửa thác Bản Giốc do ma thuật của Trung quốc và thái độ thiếu trách nhiệm của người thương thuyết Việt Nam không?

Thế nhưng ông thứ trưởng Vũ Dũng vẫn quả quyết là không mất đất!

Trả lời câu hỏi của báo Nhân Dân: “Vừa qua dư luận đã thể hiện thái độ bức xúc trước việc Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa, bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam”, ông thứ trưởng Vũ Dũng bình luận:

“Chính phủ ta đã tỏ thái độ rất rõ ràng về việc thành lập thành phố Tam Sa. Đây là việc làm không phù hợp với thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, không phù hợp với tinh thần và lời văn của tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông.

Lãnh đạo cấp cao Việt Nam, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có những biện pháp kịp thời đối với việc làm sai trái này. Chúng ta sẽ tiếp tục giao thiệp trực tiếp, chính thức với phía Trung Quốc về vấn đề này, cố gắng giải quyết vấn đề thông qua đàm phán hữu nghị trên tinh thần hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, có lý, có tình.

Chúng ta có đầy đủ bằng chứng pháp lý và lịch sử để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.”

Nội dung trả lời của ông thứ trưởng Vũ Dũng không khác gì những lời tuyên bố nhắc đi nhắc lại trước đây của ông Lê Dũng, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao và không làm cho lãnh thổ được an toàn hơn.

Trung quốc có môt lịch sử dài nên người Trung Hoa biết rõ những bài học lich sử hơn bất cứ một dân tộc nào trên thế giới. Và riêng đối với Việt Nam Trung quốc không sợ chính quyền mà họ sợ tinh thần chống xâm lăng của nhân dân Việt Nam. Chừng nào chính quyền Việt Nam chưa huy động được sự quyết tâm của toàn dân thì chừng đó Trung quốc không có gì phải lo ngại trong kế hoạch lấn đất giành biển của Việt Nam.

Đứng trước sự đe dọa mới của Trung quốc từ tháng 12/2007, cho đến giờ này chính quyền do đảng cộng sản Việt Nam nắm trọn chưa vận dụng sự yểm trợ của quốc tế và nhất là chưa làm một điều để huy động sức mạnh của toàn dân, trái lại họ đã triển khai lực lượng công an để răn đe ngăn cản nhân dân bày tỏ lòng yêu nước và quyết tâm bảo vệ bờ cõi.

Không biết với tình hình này khi Trung quốc dùng chính sách sức mạnh (như họ đã dùng năm 1974 tại Hoàng Sa và năm 1988 tại Trường Sa sát hại tổng cọng hơn 100 thủy thủ của hải quân Việt Nam) để đánh huyện Trường Sa thì Hà Nội lấy gì để bảo tồn lãnh thổ và bảo vệ sinh mạng của 700 binh sĩ và thủy thủ đang trấn giữ Trường Sa?

Nước bọt và chính sách ngoại giao 16 chữ vàng “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" do Trung quốc mớm vào miệng sẽ không giữ được nước như lời căn dặn của ông Hồ Chí Minh “Các vua Hùng dựng nước, bác cháu ta giữ nước”? Trái lại với cung cách lãnh đạo hiện nay của đảng cộng sản Việt Nam thì thực tế chỉ có thể là: “Các vua Hùng dựng nước, bác cháu ta bán nước”

Trần Bình Nam
04/01/2008

Chú thích:

(1) Bài phỏng vấn thứ trưởng Vũ Dũng của báo Nhân Dân ngày 2/1/2008

Hỏi: Xin ông cho biết ý nghĩa của việc hoàn thành phân giới cắm mốc (PGCM) biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc tại địa bàn tỉnh Lào Cai?

Trả lời: Với việc cắm cột mốc số 144 tuần qua, công tác PGCM trên tuyến biên giới của tỉnh Lào Cai của Việt Nam với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc đã kết thúc thắng lợi. Lào Cai trở thành tỉnh đầu tiên trong bảy tỉnh biên giới phía bắc nước ta hoàn thành nhiệm vụ mang tính lịch sử quan trọng này. Sự kiện này không chỉ có ý nghĩa to lớn đối với Lào Cai, mà còn có tác dụng lan tỏa tích cực đối với cả khu vực biên giới Việt - Trung và mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước.

Từ nay, đường biên giới của tỉnh Lào Cai đã được xác định rõ ràng và được đánh dấu bằng một hệ thống mốc giới hiện đại trên thực địa, tạo cơ sở để các ngành chức năng tiến hành quản lý biên giới một cách hiệu quả, góp phần gìn giữ sự ổn định ở khu vực biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng giao lưu hợp tác, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế - thương mại giữa tỉnh Lào Cai và tỉnh Vân Nam nói riêng và giữa Việt Nam với Trung Quốc nói chung.

Lào Cai hoàn thành PGCM cũng sẽ cổ vũ, khích lệ công tác PGCM trên toàn tuyến biên giới đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc. Các bài học và kinh nghiệm của Lào Cai chắc chắn sẽ được các tỉnh khác tham khảo, học tập để đẩy nhanh tiến độ PGCM nhằm hoàn thành nhiệm vụ có ý nghĩa lịch sử này trong sáu tháng đầu năm 2008, theo tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước ta, cũng như nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam - Trung Quốc.

Đúng như phát biểu ý kiến của đại diện lãnh đạo tỉnh Vân Nam, Trung Quốc tại Lễ mừng hoàn thành công tác PGCM của tỉnh Lào Cai ngày 30-12-2007 vừa qua: Có thể coi đây là "bông hoa đẹp" của quan hệ hợp tác, hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc nói chung và Lào Cai nói riêng, góp phần xây dựng đường biên giới Việt - Trung thật sự trở thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển.

Hỏi: Xin ông cho biết thực trạng tình hình PGCM trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc và khả năng hoàn thành toàn bộ nhiệm vụ này trước tháng 6.2008?

Trả lời: Biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc dài khoảng 1.400 km. Hai bên thống nhất cắm khoảng 1.800 cột mốc, trong đó có 1.533 mốc chính và gần 300 mốc phụ.

Kể từ khi cắm mốc giới đầu tiên tại cặp cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) và Đông Hưng (Quảng Tây) cuối năm 2001, trải qua hơn sáu năm bền bỉ phấn đấu, khắc phục muôn vàn khó khăn, gian khổ, đến nay các lực lượng PGCM của hai nước Việt Nam - Trung Quốc đã hoàn thành hơn 85% khối lượng công việc PGCM trên thực địa, đồng thời đã khẩn trương tiến hành nghiệm thu thành quả PGCM, đăng ký mốc giới, mô tả hướng đi của đường biên giới, hoàn chỉnh bản đồ đính kèm Nghị định thư PGCM...

Ngoài Lào Cai, các tỉnh Lai Châu, Quảng Ninh cũng đã hoàn thành hơn 95% công việc, Nhóm PGCM số sáu thuộc tỉnh Hà Giang cũng vừa hoàn thành toàn bộ công việc trên thực địa.

Mặt khác, để đẩy nhanh tiến độ PGCM, vừa qua, tại Hà Nội, hai Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ đàm phán về biên giới lãnh thổ Việt Nam và Trung Quốc đã nhất trí một số biện pháp quan trọng để đẩy nhanh tiến độ PGCM như tăng cường lực lượng PGCM, ưu tiên ổn định cuộc sống bình thường của cư dân biên giới, dỡ bỏ tất cả các công trình nằm trên đường biên giới, kể cả các công trình quân sự... để tạo thuận lợi cho PGCM.

Như vậy, với tiến độ PGCM như hiện nay và với các biện pháp quan trọng chỉ đạo công tác PGCM mà hai bên đã thỏa thuận, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng công tác PGCM trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc sẽ hoàn thành thắng lợi trong sáu tháng đầu năm 2008 như thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc.

Hỏi: Một số mạng nước ngoài đưa tin thất thiệt rằng, Việt Nam bị mất đất. Ông có bình luận gì về ý kiến này? 

Trả lời: Chủ quyền lãnh thổ là vấn đề hết sức thiêng liêng đối với bất kỳ quốc gia, dân tộc nào. Đối với dân tộc Việt Nam thì chủ quyền lãnh thổ lại càng thiêng liêng cao cả. Dân tộc ta từ nghìn xưa đã chiến đấu, hy sinh để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Gần tám thập kỷ qua, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, đã đi qua những cuộc kháng chiến vô cùng gian khổ, chịu đựng những hy sinh, mất mát to lớn để giữ vững chủ quyền lãnh thổ của mảnh đất thân yêu này.

Trong đàm phán với Trung Quốc và các nước láng giềng khác cũng như trong quá trình PGCM trên thực địa, chúng ta đều đã thể hiện hết sức rõ ràng lập trường bất di bất dịch, đó là: chủ quyền lãnh thổ là vấn đề mang tính nguyên tắc, không thể nhân nhượng. Vì vậy, không thể có chuyện "Việt Nam mất đất", "cắt đất" cho nước này, nước kia như một số mạng nước ngoài đưa tin.

Chỉ có thể giải thích rằng những mạng này hoặc do thiếu thông tin hoặc cố tình làm sai lệch thông tin vì những ý đồ khác nhau.

Việt Nam và Trung Quốc khởi động đàm phán về vấn đề biên giới trên bộ và Vịnh Bắc Bộ từ năm 1974. Năm 1991, hai bên ký Hiệp định tạm thời về việc giải quyết các công việc trên vùng biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc, năm 1993, ký tiếp Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ giữa hai nước; theo đó, về biên giới trên bộ, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế, cam kết tôn trọng đường biên giới lịch sử theo các Công ước Pháp - Thanh 1887 và 1895 để lại. Ngày 30.12.1999, Việt Nam và Trung Quốc đã ký Hiệp ước biên giới trên đất liền.

Vì vậy, có thể nói Hiệp ước 30.12.1999 là kết quả của quá trình đàm phán kiên trì trong rất nhiều năm giữa Việt Nam và Trung Quốc. Hiệp ước đã phản ánh đầy đủ, hoàn chỉnh nhất đường biên giới lịch sử để lại theo những nguyên tắc đã nói ở trên.

Hỏi: Gần đây có nhiều dư luận khác nhau về việc phân định khu vực thác Bản Giốc và khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, xin Thứ trưởng cho biết ý kiến về vấn đề này? 

Trả lời: Như trên tôi đã nói, căn cứ quan trọng nhất để xây dựng Hiệp ước biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc là các Công ước Pháp - Thanh năm 1887 và 1895. Do hạn chế của điều kiện lịch sử, các văn bản pháp lý về hoạch định và PGCM giữa Pháp và Nhà Thanh có những điểm quy định không rõ ràng. đường biên giới được vẽ trên bản đồ tỷ lệ lớn từ 1/20.000 đến 1/500.000, có nghĩa một mi-li-mét trên bản đồ tương đương với từ 20 m đến 500 m trên thực địa. Hơn nữa, địa hình trên bản đồ không hoàn toàn phù hợp với địa hình trên thực địa, nên rất khó xác định hướng đi của đường biên giới tại các khu vực này. Chính vì vậy tại các khu vực này đã xảy ra tranh chấp rất phức tạp và kéo dài.

Tại khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, theo các văn bản pháp lý lịch sử, đường biên giới luôn nằm phía nam Ải Nam Quan. Trấn Nam Quan do Trung Quốc xây dựng vẫn thuộc Trung Quốc, chứ không phải đường biên giới đi qua Ải Nam Quan như một số người vẫn hiểu.
Thác Bản Giốc gồm hai phần: phần thác cao hoàn toàn thuộc Việt Nam, không có tranh chấp; phần thác thấp gắn liền với sông Quế Sơn. Theo Công ước Pháp - Thanh, đường biên giới đi giữa sông Quế Sơn đến thác và mốc 53 nằm phía trên thác đánh dấu sự chuyển hướng đường biên giới từ sông lên bờ. Hiện nay ta và Trung Quốc chưa PGCM đoạn biên giới khu vực này nhưng có thể khẳng định phần thác cao hoàn toàn thuộc Việt Nam, phần thác thấp sẽ được phân giới theo luật pháp và tập quán quốc tế về trung tuyến dòng chảy hoặc trung tuyến tàu thuyền đi lại được, hoàn toàn không có chuyện Việt Nam mất thác Bản Giốc như một số người nói. Hàng triệu lượt khách du lịch đến thác Bản Giốc đều biết rất rõ điều này.

Như vậy, có thể khẳng định rằng, về tổng thể, các giải pháp đạt được trong việc giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền nói chung và đối với hai khu vực cụ thể nói trên là thỏa đáng, đáp ứng được lợi ích và nguyện vọng của cả hai bên.

Hỏi: Vừa qua dư luận đã thể hiện thái độ bức xúc trước việc Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa, bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, xin Thứ trưởng bình luận về vấn đề này?

Trả lời: Chính phủ ta đã tỏ thái độ rất rõ ràng về việc thành lập thành phố Tam Sa. Đây là việc làm không phù hợp với thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, không phù hợp với tinh thần và lời văn của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC).

Lãnh đạo cấp cao Việt Nam, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có những biện pháp kịp thời đối với việc làm sai trái này. Chúng ta sẽ tiếp tục giao thiệp trực tiếp, chính thức với phía Trung Quốc về vấn đề này, cố gắng giải quyết vấn đề thông qua đàm phán hữu nghị trên tinh thần hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, có lý, có tình.

Chúng ta có đầy đủ bằng chứng pháp lý và lịch sử để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Hỏi: Nhân đây, xin Thứ trưởng cho biết đôi nét về tình hình quan hệ Việt - Trung hiện nay? 

Trả lời: Quan hệ Việt - Trung từ sau bình thường hóa quan hệ năm 1991 đến nay đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Trung Quốc đã trở thành đối tác toàn diện rất quan trọng của Việt Nam. Lãnh đạo hai nước đã thường xuyên gặp gỡ, trao đổi và đạt được nhiều nhận thức chung rất quan trọng có liên quan đến tất cả các lĩnh vực quan hệ hai nước trên tinh thần tin cậy, hợp tác hữu nghị, cùng phát triển.

Liên quan đến biên giới lãnh thổ, lãnh đạo cấp cao hai nước đã thỏa thuận sớm hoàn thành PGCM biên giới trên bộ như đã nói ở trên; về trên biển, hai bên cam kết thông qua đàm phán hòa bình giải quyết các vấn đề tồn tại, tìm kiếm một giải pháp cơ bản, lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được, phù hợp luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của LHQ về Luật biển năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình.

Quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc có bước phát triển lớn. Trong nhiều năm liền, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam (riêng năm 2007, kim ngạch buôn bán hai chiều dự kiến đạt hơn 14 tỷ USD). Đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam tuy chưa tương xứng với tiềm năng nhưng đang tăng với tốc độ khá cao. Đặc biệt, với việc triển khai thực hiện dự án "hai hành lang, một vành đai kinh tế" đã được Lãnh đạo cấp cao hai nước thỏa thuận và nhiều dự án lớn khác về hạ tầng cơ sở như cải tạo, nâng cấp một số đoạn đường bộ và đường sắt, xây dựng một số cầu cảng, nhà máy điện..., Trung Quốc có thể sẽ trở thành một trong những nhà đầu tư lớn tại Việt Nam trong tương lai không xa.

Về du lịch, Trung Quốc là thị trường nguồn lớn nhất của Việt Nam với lượng khách từ Trung Quốc mỗi năm đạt từ 600.000 đến 800.000 lượt người và có thể tăng nhanh trong vài năm tới. Trung Quốc cũng đang là một trong những nước cung cấp tín dụng ưu đãi dài hạn cho Việt Nam để xây dựng các dự án hạ tầng cơ sở và công nghiệp. Quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực khác, kể cả quốc phòng, an ninh, cũng đang phát triển ngày thêm chặt chẽ. Hai nước đã và đang phối hợp với nhau rất tốt trên nhiều vấn đề khu vực và quốc tế.

Đối với vấn đề biên giới lãnh thổ, ngoài công tác PGCM như đã nói ở trên, trong Vịnh Bắc Bộ, hai nước đã phối hợp triển khai có hiệu quả hai hiệp định là Hiệp định phân định và Hiệp định hợp tác nghề cá; hải quân hai nước đã tiến hành nhiều cuộc tuần tra chung trong Vịnh; Tập đoàn dầu khí hai nước đã hoàn thành công tác khảo sát địa chấn chung trong Vịnh, số vụ vi phạm giảm một cách đáng kể. Hai nước cũng đã tiến hành ba vòng đàm phán về phân định khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và 11 vòng đàm phán về các vấn đề trên biển.

Mới đây nhất, trong cuộc gặp gỡ đặc biệt giữa hai Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về biên giới lãnh thổ, hai bên đã thỏa thuận tăng cường hợp tác trên biển, trước mắt trong các lĩnh vực ít nhạy cảm như nghiên cứu khoa học biển, phòng, chống thiên tai, phòng, chống tội phạm trên biển, đối xử nhân đạo với ngư dân hai nước.

Những kết quả đạt được nói trên cho thấy, cả hai nước Việt Nam và Trung Quốc đều đã có những cố gắng giữ gìn và vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt - Trung, vì lợi ích chung hai nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt - Trung là trách nhiệm và lợi ích của cả Việt Nam và Trung Quốc. Hai nước cần đứng trên tầm cao của lợi ích lớn của hai nước, của hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và quốc tế để xử lý các vấn đề do lịch sử để lại, các vấn đề nảy sinh thông qua đối thoại, thương lượng hòa bình.

Thực tiễn cũng chứng minh rằng, xây dựng mối quan hệ Việt - Trung "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" thật sự là nguyện vọng chung, là lợi ích lớn của nhân dân hai nước. Quan hệ giữa hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc đang phát triển tốt đẹp và chắc chắn sẽ ngày càng phát triển tốt đẹp hơn.

(2) Bài phỏng vấn ông nguyên thứ trưởng Lê Công Phụng

(Lời phóng viên Thu Uyên của VASC Orient)

“Dưới đây là nội dung cuộc trả lời phỏng vấn của Thứ trưởng Ngoại giao Lê Công Phụng dành cho phóng viên VASC Orient trong chiều 28/1/2002. Cuộc phỏng vấn xoay quanh việc phân định biên giới vì mục tiêu bảo vệ lãnh thổ và tạo môi trường hữu nghị”.

VASC Orient: Thưa ông, trong mấy ngày gần đây có khá nhiều website được thiết lập ở nước ngoài, một loạt những bài được viết ở trong nước của những người tự xưng là ''những người vì dân chủ ở Việt Nam'' có nói nhiều đến hiệp định biên giới giữa ta và Trung Quốc, trong khi Hiệp định trên bộ đã ký vào ngày 30/12/1999, còn Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ đã ký vào ngày 25/12/2000. Vậy, xin được hỏi ông thực chất con số ''hơn 700 km2'' mà họ nêu ra là thế nào? 

Thứ Trưởng Lê Công Phụng: Có lẽ là dư luận rất quan tâm, ngay cả những người nói là ''Việt Nam bán đất, người Việt Nam cắt đất cho Trung Quốc'' thì phần nào cũng thể hiện sự quan tâm của họ đối với đất nước, với Việt Nam. Nhưng trong đó cũng không ít người có ý xấu, kích động tinh thần dân tộc, gây phức tạp cho quan hệ giữa Việt Nam và Trung quốc.

Về biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, mọi người đều biết là thực dân Pháp và triều đình nhà Thanh đã hoạch định và phân giới cắm mốc theo 2 thỏa ước cách đây hơn 100 năm, tức là vào các năm 1887 và 1895. Theo 2 công ước đó, biên giới Việt Nam và Trung Quốc đã được phân định toàn bộ từ Tây sang Đông trên chiều dài trên dưới 1.300 cây số, và đã cắm trên 300 cột mốc. Trong hơn 100 năm qua, đã diễn ra rất nhiều biến thiên về con người, của thiên nhiên, của các sự kiện chính trị, và vì vậy đường biên giới không còn nguyên vẹn như lúc nhà Thanh và thực dân Pháp phân định một thế kỷ trước.
Trong tình hình như vậy, nước CHXHCN Việt Nam chúng ta và nước CHND Trung Hoa có nhu cầu cùng xác định lại đường biên giới, để làm sao mà thực hiện quản lý, làm sao mà duy trì được ổn định nhằm phát triển kinh tế và quan trọng hơn là nhằm xây dựng một mối quan hệ hữu nghị láng giềng hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc, vì chúng ta ngày nay và vì thế hệ sau này.

Đàm phán lại lần này thì căn cứ để phân định đường biên giới là dựa chủ yếu vào các công ước đã được ký cách đây 100 năm. Và khi chúng ta và Trung Quốc đưa ra bản đồ chủ trương của mình (có nghĩa là theo chúng ta đường biên giới chỗ nào là đúng, theo Trung Quốc đường biên giới chỗ nào là đúng), hai bên chênh nhau 227 km2 tại 164 điểm. Và 227 km2 đó nằm trên quãng 400 cây số. Còn 900 cây số chiều dài còn lại thì hai bên nhất trí với nhau theo phân định của bản đồ Pháp - Thanh.

Trong 227 km2 đó, chúng ta đàm phán với Trung Quốc từ năm 1993, đi đến ký kết ngày 30/12/1999. Chúng ta được khoảng trên dưới 113 km2 và Trung Quốc được trên dưới 114 km2. Như vậy có thể nói, qua cuộc đàm phán thương lượng đi đến ký kết Hiệp định trên bộ, chúng ta và Trung Quốc đã đạt kết quả được công bằng và thỏa đáng.

Nói chuyện chúng ta mất 700 km2, theo tôi nghĩ, hoàn toàn không thực tế. Bởi lẽ là chúng ta dựa trên đường biên giới mà thực dân Pháp và nhà Thanh đã phân định với nhau hơn 100 năm nay, chỉ đàm phán về 227 km2 thôi. Vậy thì làm sao có chuyện chúng ta nhường đất 700 cây số vuông trên bàn đàm phán! Việc chúng ta phải có nhân nhượng ở điểm này ở điểm khác, Trung Quốc cũng có nhân nhượng ở điểm này điểm khác bởi lẽ cái quan trọng nhất là dân cư. Dân chúng ta và dân Trung Quốc sống sát biên giới, có họ hàng với nhau, có huyết thống với nhau, chuyện di cư đi lại trên 100 năm như vậy là chuyện rất tự nhiên. Mà do tự nhiên như vậy cho nên bây giờ chúng ta mới cần phân định để ổn định, phân định để giữ hòa bình, phân định để tạo điều kiện cho nhân dân hai bên đường biên có cuộc sống ổn định. Có những chỗ nếu như dân cư bên Trung Quốc có sang ta một vài trăm thước thì chúng ta cũng chấp nhận để họ được ổn định. Ngược lại, có nhiều chỗ dân Việt Nam lấy vợ, lấy chồng rồi kéo sang bên phía Trung Quốc, cách đường biên giới từ thời Pháp - Thanh dăm bảy trăm thước, bạn cũng chấp nhận.

Chúng ta cũng cần khẳng định một điều nữa là trong chuyện phân định biên giới như thế này, không thể có thắng hay thua được. Chúng ta không hề có ý định nhằm giành chiến thắng trong phân định biên giới với Trung Quốc và chắc chắn chúng ta cũng không chấp nhận phía Trung Quốc giành thắng lợi trong phân định biên giới với chúng ta. Chúng tôi nghĩ rằng người dân chúng ta rất quan tâm, các địa phương cũng rất quan tâm. Nhưng mà mối quan tâm ấy cũng cần đúng mức, không nên làm hoặc nói một cái gì đó không thực tế - nó chỉ gây ra những phức tạp trong quan hệ, gây xáo động trong suy nghĩ của người dân là hoàn toàn không có lợi. Nói là để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc mà đưa ra những lập luận không thực tế, thì có khi lại vô tình gây hại cho đất nước.

VASC Orient: Thưa ông, cả hai bản Hiệp định chúng ta đã ký đã 1-2 năm nay, vậy nhưng lúc này các ý kiến trái chiều mới ồn ào lên. Vậy thời điểm này là có lý do gì không? 

Ông LCP: Về Vịnh Bắc Bộ chúng ta đã phân định được hơn 1 năm nay. Hai bên đang tiếp tục đàm phán một số việc kỹ thuật có liên quan đến hợp tác ngành cá, Việt Nam và Trung Quốc cũng chưa duyệt phê chuẩn Hiệp định phân Vịnh Bắc Bộ. Thế còn Hiệp định biên giới trên bộ, chúng ta đã ký được 2 năm nay và cuối năm 2001 đã bắt đầu chính thức cắm mốc. Việc người ta nêu lên vào thời điểm này, chúng tôi cho là có gắn với sự kiện nước ta cắm cột mốc đầu tiên biên giới với Trung Quốc.

Thứ hai là trong tình hình hiện nay, rất nhiều lực lượng thù địch từ bên ngoài đang tìm cách gây khó khăn cho Chính phủ và nhân dân chúng ta trong việc phát triển quan hệ đối ngoại.

Thứ ba, chúng ta sẽ tiếp tục đàm phán về biên giới với Lào để bổ sung những gì mà chúng ta và Lào chưa làm xong; chúng ta đang tiếp tục đàm phán biên giới với Campuchia; chúng ta tiếp tục đàm phán với Malaysia và chúng ta cũng đang đấu tranh rất là mạnh với các bên liên quan trong vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa. Cho nên, rất có thể nói người ta nêu ra vấn đề biên giới lúc này để cảnh báo rằng Việt Nam không thể có những người có liên quan, không được tùy tiện bán đất, bán lãnh thổ cho nước ngoài. Nếu những người có ý kiến như vậy hiểu được yêu cầu của nhân dân Việt Nam là làm sao có đường biên giới hòa bình vì hữu nghị và ổn định với các nước láng giềng - vì chỉ có như vậy chúng ta mới tập trung được sức lực để xây dựng phát triển - thì chắc là họ không nói lãnh đạo Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam đang tìm cách bán đất, bán chủ quyền cho người nước ngoài. Chúng ta làm là vì dân, vì đất nước và theo truyền thống ông cha chúng ta, một tấc chúng ta cũng không nhường và một li về biên giới lãnh thổ quốc gia chúng ta không thể dành cho ai được. Với tinh thần như vậy, trong quá trình đàm phán chúng ta cũng đã làm rất nghiêm túc. Chúng tôi cũng không phê phán những người Việt Nam luôn luôn nêu ra những yêu cầu rất cao về đất đai, nhưng rõ ràng là giành thêm đất người khác thì chúng ta cũng không muốn. Đường lối Đảng và Chính phủ chúng ta hiện nay là phù hợp với lợi ích lớn nhất của dân tộc: giữ đất và bảo vệ lãnh thổ chủ quyền, tạo không khí hòa bình để tập trung vào công cuộc xây dựng đất nước.

VASC Orient: Thưa ông, có một chi tiết mà rất nhiều người nói đến, người ta nói đến thác Bản Giốc, Mục Nam Quan. Thưa ông, ở trong đó có cái gì là sự thật và có cái gì thực ra chỉ là sự phóng đại mang màu sắc cảm tính là nhiều? 

Ông LCP: Về thác Bản Giốc, thì đây là điều rất phức tạp. Chúng tôi cũng rất lạ là trong sách sử của chúng ta và Trung Quốc từ năm 1960 đến nay, không ai nói thác Bản Giốc có phần là của Trung Quốc. Ngay Trung Quốc cũng không nói đấy là của Trung Quốc. Còn đối với chúng ta, thác này đã đi vào sử sách, nhất là sách giáo khoa của học sinh, thành di tích, điểm du lịch được nhiều người ưa chuộng.

Đây là điều mà chúng tôi rất khó hiểu, bởi lẽ trong công ước giữa nhà Thanh và Pháp, thác Bản Giốc chỉ thuộc về chúng ta có 1/3 thôi; và theo thực trạng cột mốc được cắm từ thời nhà Thanh, thì chúng ta cũng chỉ được 1/3 thác.

VASC Orient: Tức là cột mốc đang tồn tại đã được cắm từ thời Thanh? 

Ông LCP: Đúng vậy. Cột mốc đang tồn tại đã được cắm từ thời Thanh, xác định chỉ có chưa được một nửa thác Bản Giốc là ở bên phía ta. Theo quy định quốc tế, khi phân giới cắm mốc thì thác được coi như một dòng sông, một dòng suối. Đã là sông suối thì đường biên giới đi qua luồng chính, tức là chỗ tàu thuyền đi lại được. Còn đối với sông suối nơi tàu thuyền không đi lại được, thì đường biên giới phải đi theo rãnh sâu nhất.

VASC Orient: Chẳng nhẽ tất cả các khách du lịch, trong đó có những người có trách nhiệm, đi thăm thác Bản Giốc mà không phát hiện ra cột mốc nằm đó hay sao? 

Ông LCP: Cột mốc không nằm sát Bản Giốc. Khi chúng tôi khảo sát thì mới thấy cột mốc nằm trên một cồn nhỏ ở giữa suối, cách đấy khoảng mấy trăm thước. Vì vậy nên cũng không mấy ai quan tâm đến cột mốc ở thác Bản Giốc.

Trước tình hình như vậy, chúng tôi nghĩ rằng trong đàm phán phải hợp lý, thỏa đáng phù hợp với mặt pháp lý. Chúng ta phải căn cứ vào những thỏa thuận pháp lý Thanh - Pháp, căn cứ vào biểu đồ, căn cứ vào cột mốc hiện có mà dân địa phương nói là cột mốc đó từ xưa đến nay chưa ai thay đổi cả. Cuối cùng, lãnh đạo chúng ta cũng nhất trí trong tất cả các điều kiện ấy, không thể đòi hỏi thác Bản Giốc phải là của chúng ta hoàn toàn được.
Lẽ ra theo thực tiễn thì chúng ta chỉ được 1/3. Nhưng sau đàm phán, chúng ta và bạn đã thỏa thuận thác Bản Giốc được chia đôi, mỗi bên được 50%. Hiện nay cả 2 bên đang tiến hành khai thác du lịch phía bên mình.

Ở chỗ này, nếu nói chúng ta bán đất thì hoàn toàn vô lý. Pháp lý lẫn thực tiễn đều không cho phép chúng ta giữ chủ quyền trên toàn bộ thác Bản Giốc.

VASC Orient: Còn về mục Nam Quan. Đi bộ từ Hữu nghị quan tới cột mốc số 0 đến vài trăm thước. Thực tế sự sai lệch này là như thế nào? 

Ông LCP: Trong sử sách, trong văn thơ đều nói đất của chúng ta kéo dài từ mục Nam Quan đến mũi Cà Mau. Mục Nam Quan ở đây nếu nói là cái cổng thì cũng là một cách, nhưng nếu nói là khu vực thì cũng là một cách nói. Giống như đại đa số các cửa khẩu biên giới, ''cửa khẩú' theo nghĩa rộng thường bao gồm hai cửa khẩu.

VASC Orient: Và chúng thường cách nhau bao nhiêu thước? 

Ông LCP: Ví dụ như ở Bắc Luân thì hai cửa khẩu cách nhau khoảng 100m. Còn các khu vực trên đất liền, sát với sông suối, thì tùy địa hình của từng bên. Chúng ta cũng biết là ải Nam Quan là cuối khúc sông. Nếu chúng ta bắt đầu tính biên giới từ chân tường hoặc chia đôi cửa mục Nam Quan thì cũng không được. Còn cột mốc số không - nhân dân Lạng Sơn báo cáo với Trung ương, Chính phủ và các nhà đàm phán rằng cột mốc có từ khi những người già còn chưa ra đời. Chúng ta tôn trọng cơ sở pháp lý đã có, tôn trọng thực tiễn, nhất là vì lâu nay quản lý đã như vậy. Cho nên hiện nay chúng ta công nhận mục Nam Quan là của Trung Quốc, cách cột mốc số 0 trên 200m.

Tính cột mốc số 0 trở về phía Nam là lãnh thổ của Việt Nam. Từ cột mốc số 0 trở về phía Bắc là của Trung Quốc.

VASC Orient: Đó là nói về đất. Bây giờ xin nói về biển. Việc phân định Vịnh Bắc Bộ đã được thực hiện thế nào? 

Ông LCP: Vịnh Bắc Bộ có tính đặc thù riêng - là vịnh chung giữa Việt Nam và Trung Quốc, nhưng lại là vịnh mở, tàu thuyền quốc tế vẫn qua lại; còn chủ quyền là của Việt Nam và Trung Quốc.

Chúng ta tiến hành phân định Vịnh Bắc Bộ bởi lẽ: Một là từ trước tới nay chưa có đường biên giới trên Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Hai là, 100 năm trước thực dân Pháp thỏa thuận với nhà Thanh vẽ một đường quản lý hành chính; và cũng 100 năm nay, đặc biệt là thời gian gần đây khi mà nghề nghiệp đánh cá, khi mà các vấn đề chính trị - kinh tế biến động, thì việc xâm phạm qua lại trên đường quản lý hành chính do Pháp - Thanh đặt ra xảy ra thường xuyên và phức tạp. Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đang phát triển rất thuận lợi, cả 2 nước đều có nhu cầu là phải làm rõ đâu là của Việt Nam, đâu là của Trung Quốc. Có như vậy mới tạo sự ổn định trong quan hệ, không để xảy ra những xung đột, va chạm gây bất hòa.

Chúng ta đã tiến hành đàm phán với Trung Quốc đặt mục tiêu ký kết hiệp định là cuối năm 2000. Nhưng cũng phải nói thêm việc chúng ta đàm phán vấn đề phân Vịnh Bắc Bộ từ những năm 70, nhưng do nhiều lý do nên chưa đi đến kết quả. Lần này đàm phán được là rất thuận lợi. Với suy nghĩ của một người Việt Nam, mà đặc biệt là người trực tiếp tham gia, chúng tôi cho rằng càng để lâu thì càng khó.

Chúng ta cùng với Trung Quốc đàm phán dựa vào các cơ sở sau: Một là Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982, mà cả ta và Trung Quốc đều tham gia ký kết. Thứ hai, chúng ta căn cứ vào điều kiện tự nhiên của Vịnh Bắc Bộ và quan trọng nhất là địa lý về phía Việt Nam và về phía Trung Quốc và nguồn lợi trong vịnh như thế nào để phân định.

VASC Orient: Hệ thống đường quản lý hành chính mà Pháp - Thanh đặt ra cho Vịnh Bắc Bộ chúng ta có xem như một cơ sở không? 

Ông LCP: Chúng ta không xem như vậy được, bởi lẽ nó hoàn toàn không phù hợp với luật pháp quốc tế, tức là Công ước về biển của Liên hợp quốc năm 1982. Nó cũng không phù hợp với thực tiễn quốc tế. Trước đây, Pháp hoạch định đường biên với nhà Thanh để dễ quản lý. Cũng như trước đây, khi chúng ta bị thực dân Pháp chiếm đóng, thì toàn bộ vùng biển Campuchia là thuộc quyền Việt Nam quản lý, trong đó có rất nhiều đảo, tức là chỉ để tiện trong thời điểm đó mà thôi. Bây giờ đã phân định lại, thì việc phân định phải hợp lý, phù hợp với pháp lý, phù hợp với thực tiễn.

VSAC Orient: Vậy con số đầu tiên mà chúng ta đưa ra để đàm phán tức là khoảng 60% là xuất phát từ những điều kiện này? 

Ông LCP: Khi mà ta chưa đưa ra con số 61% Vịnh Bắc Bộ là của Việt Nam thì cơ bản ta đã dựa trên các điều kiện này. Nhưng, ai cũng biết nghĩ khi đàm phán, thương lượng thì cần nêu ra các ưu tiên số 1, 2, 3..., các phương án đưa ra có thể là từ 1 đến 3, có thể từ 1 đến 5 phương án khác nhau để đạt 1 phương án thỏa đáng nhất. Vì vậy, sau nhiều năm đàm phán, đến năm 2000, ta và Trung Quốc đã ký được Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ, chúng ta được 53,2% tổng diện tích và Trung Quốc được 46,8% tổng diện tích Vịnh Bắc Bộ. Và chúng tôi cho rằng những gì chúng ta có thể đạt được, cần phải đạt được thì đã đạt được.

VASC Orient: Cụ thể là gì thưa ông? 

Ông LCP: Một là diện tích. Hai là về quy chế đối với đảo Bạch Long Vĩ, vì đây là hòn đảo rất đặc biệt nằm giữa Vịnh, mà thông thường các đảo nằm giữa Vịnh thì không có vùng pháp lý xung quanh; nhưng đối với đảo Bạch Long Vĩ thì chúng ta đạt một vùng bao bọc xung quanh là 15km. Thứ ba là đường đóng cửa vịnh của chúng ta đã phân chia một cách thỏa đáng, hoàn toàn đúng như dự kiến, các điểm đó liên quan đến phân định tổng thể Vịnh Bắc Bộ. Cái thứ tư chúng ta đã đạt được, là sự phân định rất hợp lý về vùng cửa sông Bắc Luân, giáp mối biên giới trên bộ.

Tất nhiên chúng ta cũng chú ý đến mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt là chúng ta cũng quan tâm đến lợi ích của ngư dân Việt Nam cũng như lợi ích của ngư dân Trung Quốc. Đồng thời chúng ta đã ký với Trung Quốc một Hiệp định hợp tác ngành cá trên toàn Vịnh Bắc Bộ và vùng quá độ (đó là tên gọi của vùng biển phía Bắc đảo Bạch Long Vĩ). Hiện nay, hai bên đang tranh luận về điều kiện kỹ thuật để có thể sớm hoàn thiện bản Hiệp định hợp tác ngành cá. Theo Hiệp định, vùng đánh cá chung kéo dài khoảng 15 năm và vùng quá độ là 4 năm.

Chúng ta làm như vậy có cơ sở của nó bởi vì có lẽ trên thế giới này có rất nhiều vùng đánh cá chung như ở Trung Quốc và Nhật, Nga và Phần Lan... và rất nhiều nước Nam Mỹ có vùng đánh cá chung, thường các hiệp định này ký 10, 20, 50 năm tùy điều kiện. Từ những năm 50, chúng ta đã có Hiệp định đánh cá với Trung Quốc. Trước đây chúng ta cho tàu thuyền Trung Quốc vào cách bờ Việt Nam chỉ có 3 hải lý, 6 hải lý, 12 hải lý để đánh bắt. Còn bây giờ, vùng quá độ cách điểm nhô xa nhất của các đảo ven bờ của chúng ta 22 hải lý và vùng đánh cá cũng cách bờ chúng ta ít nhất là 36 hải lý.

Như vậy là sau khi hết thời hạn Hiệp định đánh cá chung cộng với thời kỳ quá độ, tại vùng biển của chúng ta, ai muốn vào đánh cá đều phải xin phép Việt Nam. Tất nhiên, ngay bây giờ, số lượng tàu Trung Quốc vào đánh cá cũng cần có phép của Việt Nam, và tàu nước ngoài thì càng phải xin phép.

VASC Orient: Chúng ta có điều kiện để kiểm soát số tàu ra vào ở vùng cách bờ 40 hải lý đó không, thưa ông? 

Ông LCP: Chúng ta cố gắng tăng cường lực lượng hợp tác với Trung Quốc, bởi vì theo Hiệp định này sẽ thành lập Ủy ban hỗn hợp kiểm soát việc đánh cá, lượng hải sản cho phép, đồng thời kiểm tra những hoạt động ngoài đánh cá. Chúng tôi nghĩ rằng biển cả là mênh mông, kiểm soát cho chặt không phải dễ. Nhưng với tinh thần Hiệp định như vậy, chúng tôi tin là ta và Trung Quốc sẽ hợp tác chặt chẽ với nhau để thực hiện tốt Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác đánh cá giữa hai bên.

VASC Orient: Thưa ông, ông là người trực tiếp tham gia vào quá trình đàm phán, ông cảm thấy thế nào trước thực tế là dân chúng không được biết nhiều lắm về nội dung đàm phán. Cho nên bây giờ một số người dễ bị lung lạc bởi những con số mà các thế lực chống đối đưa ra, dù không có gì chính xác theo như lời ông nói? 

Ông LCP: Chúng tôi tiến hành đàm phán dựa trên mục tiêu mà lãnh đạo Đảng và Nhà nước nêu ra, đó là những mục tiêu nhằm bảo đảm lợi ích dân tộc. Quá trình đàm phán về những vấn đề biên giới lãnh thổ, cũng như tất cả những vấn đề có liên quan đến lãnh thổ đều hết sức phức tạp. Chúng tôi cũng báo cáo với quốc dân đồng bào từng đợt đàm phán một, còn kết quả và phương án như thế nào thì cũng không có điều kiện để báo cáo. Bởi lẽ là đang trong quá trình đàm phán, khó có thể nói những phương án, những chủ trương của mình. Việc nhân dân không hiểu sâu lắm cũng là điều dễ hiểu, nhưng chúng tôi tin rằng nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tin vào mục tiêu chúng ta đề ra.

Có điều là cả ta và Trung Quốc đều xuất phát từ một nhu cầu rất bức bách là phải phân định lại biên giới cho rõ ràng. Như tôi đã nói, do biến thiên về thiên nhiên, khi phân định cách đây 100 năm thì đường biên giới đi qua một quả đồi; nhưng hơn 100 năm qua, quả đồi này biến mất và lại xuất hiện quả đồi khác. Mà đường biên giới tự nhiên nó phải đi theo địa hình. Nhân dân chúng ta không có điều kiện để theo dõi nhiều, kể cả cán bộ các ngành các cấp của Trung ương cũng không phải tất cả đều biết. Cái quan trọng nhất là xác định mục tiêu của Đảng, của Chính phủ, các thành viên đàm phán, kể cả các thành viên các ngành có liên quan đều bám sát mục tiêu. Chúng tôi cho rằng mục tiêu mà lãnh đạo chúng ta đề ra là chúng ta đã đạt. Vì vậy, trong quá trình chúng ta làm, có thể dân không hiểu, nhưng khi chúng ta báo cáo kết quả với quốc dân đồng bào, thì đồng bào sẽ hiểu.

VASC Orient: Cuộc báo cáo đó được diễn ra trước Quốc hội? 

Ông LCP: Trước khi ký kết với bạn, chúng tôi trình qua rất nhiều cấp. Một là báo cáo Chính phủ, xem Chính phủ đã đồng ý với đề án này chưa. Sau đó báo cáo với Trung ương Đảng và Ban bí thư. Sau đó thì báo cáo với Quốc hội, vì Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, Quốc hội là cơ quan phê chuẩn hiệp ước, Quốc hội đại diện cho nhân dân. Quốc hội đồng ý thì lúc ấy mới ký kết. Có rất nhiều hiệp định ký với nước ngoài mà chúng tôi không nhất thiết phải báo cáo rộng rãi như thế theo quy định hành chính của chúng ta, riêng trong các vấn đề biên giới, lãnh thổ, chủ quyền thì tất tật dù lớn dù bé, dù ký với nước nào, cũng phải thông qua các cấp trung ương và cuối cùng là Quốc hội.

VASC Orient: Thưa ông, hình dung Tổ quốc chúng ta là một mái nhà, thì chúng tôi - những công dân ở trong đó - luôn luôn có cảm giác như nhà mình vô cùng vững chãi, kín đáo, có đủ 4 bên tường, có cả mái, có cả phên dậu đàng hoàng. Thực tế, như ông cho biết, chúng ta đang trong quá trình đàm phán phân định biên giới với các bạn láng giềng, rồi đưa những kết quả đàm phán đó vào thực tế. Vậy ông có lời tâm sự nào với giới làm báo chúng tôi, bởi chúng tôi sẽ là người làm nhiệm vụ đưa thông tin tới quốc dân đồng bào? 

Ông LCP: Chúng ta không phải đàm phán nhiều nữa. Đối với bạn Lào, chúng ta đã làm xong rồi, chỉ còn sửa sang một vài chỗ sai lệch giữa thực tế và pháp lý, giữa việc cắm mốc với văn bản hiệp định.

Đối với Trung Quốc - bây giờ chỉ còn vấn đề phân giới cắm mốc. Điều này không hoàn toàn đơn giản. Có điểm cột mốc, đi bộ phải mất 10 ngày, thì khi đưa nguyên vật liệu cắm một cái mốc thì chắc cả tháng. Phân giới cắm mốc là phải thể hiện đường biên giới trong hiệp ước vào thực tế, nhưng cũng không dễ dàng như chúng ta nghĩ. Việc phân chia trong nội địa, giữa huyện này, xã này còn tranh luận được, thì giữa hai quốc gia chắc chắn còn cần phải có những thương lượng trong quá trình phân giới cắm mốc.

Với Campuchia, chúng ta đang tiến hành đàm phán. Trường Sa, Hoàng Sa chúng ta cũng đang tiến hành đàm phán.

Chúng tôi nghĩ rằng, chúng tôi đã có một số kinh nghiệm rút ra trong quá trình thương lượng đàm phán để đạt kết quả và tạo được sự ủng hộ rộng rãi nhất của toàn dân. Chúng tôi đề nghị như thế này: Trong điều kiện cho phép và với những thông tin cho phép, chúng tôi sẽ thường xuyên thông báo với giới truyền thông trong nước và chúng tôi cũng đề nghị với giới truyền thông trong nước giúp chúng tôi quảng bá cho nhân dân biết. Chúng tôi đề nghị với báo chí nếu có những thông tin gì gây băn khoăn, sai lệch hãy cho chúng tôi biết ngay. Chúng tôi còn có hướng giải quyết và cùng với các bạn trong giới thông tin cùng đấu tranh với những luận điệu phá hoại lợi ích của đất nước chúng ta.

VASC Orient: Câu hỏi cuối cùng, thưa Thứ trưởng. Có lẽ cuộc phỏng vấn của tôi không làm ông vui? 

Ông LCP: Có lẽ không phải thế! Cái làm tôi không vui có lẽ là vì chúng ta chưa làm cho mọi người hiểu hết cái mà chúng ta đã làm. Cảm ơn nhà báo, vì cuộc phỏng vấn này là một cơ hội để giải thích. Tôi đã thực hiện được nhiệm vụ là thông qua đây góp phần quảng bá cho những người chưa hiểu chuyện này thì hiểu thêm, cho những thành viên trong cộng đồng của chúng ta trong nuớc cũng như ngoài nước biết thêm những điều mà chúng ta đã làm là hợp lý và vì lợi ích của dân tộc ta. (Thu Uyên - VASC Orient).

(3) “Một số sử liệu liên quan tới biên giới Việt Hoa” (Từ Mai)

Không người Việt Nam nào không bàng hoàng, đau xót trước sự việc đất nước mất ít nhất trên 700 cây số vuông miền biên giới và trên 10 ngàn cây số vuông hải phận. Quan trọng hơn nữa, những vùng đất và biển bị mất có tầm chiến lược sinh tử, có ý nghĩa lịch sử thiêng liêng đối với dân tộc, và với nhiều tài nguyên phong phú. Có cơ duyên tìm được một số sử liệu đáng lưu ý liên quan tới biên giới Việt Hoa trong khoảng hơn 200 năm qua, người viết những dòng này xin được trình bày những tài liệu ấy tới tất cả những ai quan tâm đến quyền lợi cùng tương lai đất nước.

I . Chiếc cổng “Trấn-Nam quan” của Trung Hoa

Trong Vân đài loại ngữ, được sáng tác khoảng năm 1777, nhà bác học Lê Quý Đôn (1726-1784) ghi lại bài ký “Trùng tu Trấn-Nam quan” của Tuần phủ Quảng tây Lý Công Phất đời Ung chính nhà Thanh. Theo bài ký này, việc tu bổ Nam quan là việc của nhiều quan chức nhà Thanh đã chuẩn bị gỗ, đá từ trước, nhưng người thực sự dùng tiền được thưởng (1800 lạng bạc) giúp cho việc tu bổ tiến hành là Án sát Quảng tây Cam Nhữ Lai. Bài ký cho biết: “Cửa quan này từ lâu không được sửa sang, ngày càng đổ nát,” và chép lại câu nói của viên Án sát họ Cam: “Các quan thú trước nghèo cho nên không sửa sang nổi. Nay đã có món tiền thưởng này, một mình ta xin gánh việc ấy.” Việc tu bổ bắt đầu từ tháng 2 năm Ung chính thứ ba (Ất Tỵ, 1725), đến mùa Đông năm ấy mới hoàn tất. Bài ký cũng cho biết: “Cửa quan này tường cao, lầu kín; nơi khám xét, nơi đóng quân, nơi canh phòng đều đầy đủ, chỉnh tề.” Cam Nhữ Lai người tỉnh Giang tây, thi đậu Tiến sĩ, làm quan được tiếng thanh liêm; trước đã làm Tri phủ Thái bình (tỉnh Quảng tây, giáp biên giới Việt Nam) trước khi thăng Phó sứ đạo Tả giang rồi Án sát Quảng tây. Các quan chức nhà Thanh cùng tham gia vào việc tu bổ Nam quan có Tổng đốc Lưỡng Quảng Khổng Dục Tuân, Đề đốc Quảng tây Hàn Lượng Phụ, và Tổng trấn đạo Tả giang Lương Vĩnh Hi (1).

Theo nhà bác học Lê Quý Đôn, việc dùng tiền bạc, gỗ đá, và bỏ ra gần một năm để tu bổ Trấn-Nam quan là việc của nhiều quan chức Trung Hoa đời Thanh, đáng kể nhất là Án sát Cam Nhữ Lai. Ta có thể tin: chiếc cổng này của Trung Hoa. Chính vì của họ nên họ đã đặt tên là “cổng để trấn giữ phương Nam.” Người đổi tên cho Nam quan gần đây (“cổng để hòa mục với phương Nam”) cũng là một người Trung hoa khác: Mao Trạch Đông.

II . Cho tới tháng 3-1886, biên giới Việt Hoa ở đúng vị trí của Nam quan

Tuy Trấn-Nam quan của Trung Hoa, cho tới tháng 3-1886, khi các Ủy viên của chính phủ Pháp tới gặp đại diện của Trung Hoa để phân định biên giới theo sự quy định của Hiệp ước Thiên tân (1885), chiếc cổng này vẫn được coi là mốc biên giới giữa hai nước Hoa Việt.

Dưới đây là bản chụp lại một bản đồ chính thức của triều đình nhà Thanh về miền biên giới Quảng tây – Lạng sơn, được in trong Đại Thanh nhất thống chí (Da Qing yi tong zhi). Đây là một bộ sách công phu và đồ sộ, hoàn tất trong đời Càn long nhà Thanh (trị vì 1736-1795), và được in theo lệnh của chính vua Càn long năm Giáp Thân, 1764. Đại Thanh nhất thống chí gồm 500 quyển, với bản đồ từng phủ, huyện của Trung Hoa. Trong bản đồ phủ Thái bình, tỉnh Quảng tây (giáp với Việt Nam), ba quan ải được đề cập tới là Trấn-Nam quan, Thủy khẩu quan, và Bình nhi ải. Theo bộ địa dư chính thức của nhà Thanh này, biên giới Hoa Việt chạy sát ngay trước Trấn-Nam quan cũng như Thủy khẩu quan, và cắt ngang Bình nhi ải với phần của Trung hoa nhiều hơn (xin xem bản đồ 1). Trong bộ sách này, bản đồ phủ Thái bình được in ở quyển 365, các tờ 1 và 2.

Đại Thanh nhất thống chí vẫn được tàng trữ ở thư viện Bắc kinh cùng một số thư viện quan trọng của Trung Hoa. Tại Hoa Kỳ, bên cạnh thư viện Quốc hội, bộ sách cũng được giữ tại thư viện một số Đại học lớn: UC Berkeley, UCLA, Univ. of Colorado (Boulder), Univ. of Florida (Gainsville), Univ. of Michigan (Ann Arbor), Univ. of Pittsburg (Pennsylvania)...

Bản đồ kèm theo bài này được rút ra từ cuốn La Frontière Sino-Annamite (Biên giới Hoa-Việt) của Gabriel Devéria, do nhà Ernest Leroux xuất bản tại Paris năm 1886 (năm bắt đầu phân định biên giới). Bản đồ này chỉ khác bản đồ nguyên thủy của nhà Thanh ở chỗ các địa danh đã được chuyển từ chữ Hán ra phiên âm theo mẫu tự La tinh, dùng hệ thống phiên âm của người Pháp cuối thế kỷ 19. Chẳng hạn: Trấn Nam quan = Tchen nan kouan, Thủy khẩu quan = Chouei keou kouan, Bình nhi ải = Ping eurl ai.
Chính vì Trấn Nam quan được coi là ở ngay tại biên giới hai nước (từ cổng trở về bắc: Trung Hoa, về nam: Việt Nam) nên Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn mới chép: “Phía bắc cửa có Chiêu đức đài, đằng sau đài có Đình tham đường của nước Thanh, phía nam có Ngưỡng đức đài của nước ta,” và nói rõ thêm về Ngưỡng đức đài: “bên tả bên hữu đài có hai dãy hành lang, mỗi khi sứ bộ đến cửa quan thì dùng chỗ này làm nơi tạm nghỉ” (2).

Hai giáo sư Trần Gia Phụng và Hà Mai Phương đều đã dựa vào Đại Nam nhất thống chí (vừa kể) và Phương đình dư địa chí của Nguyễn Văn Siêu để nêu lên việc Đốc trấn Lạng sơn Nguyễn Trọng Đang trùng tu Ngưỡng đức đài năm Giáp Thìn (1784), nhằm năm Cảnh hưng 45 đời vua Lê Hiển tông. Xin góp thêm một nhận xét: theo văn bia do chính vị Đốc trấn họ Nguyễn viết, việc trùng tu này gần một năm mới xong (từ mùa Hạ năm Giáp Thìn đến mùa Xuân năm Ất Tỵ, 1785). Trong gần một năm ấy, nhiều toán dân phu “do bốn dịch trưởng trông nom công việc” đã tới đài “dùng gạch ngói” để sửa và xây cho được “hoành tráng, cao rộng thêm.” Nếu Ngưỡng đức đài, tại ngay phía nam của Nam quan, không thuộc địa giới nước ta thì làm sao dân phu Lạng sơn có thể hàng ngày tới thực hiện những công việc huyên náo trong một thời gian kéo dài như thế? Và nếu đài, một công trình kiến trúc tại khu vực Nam quan “nằm sâu trong lãnh thổ Trung Hoa” như tình trạng hiện nay, thì vị Đốc trấn Lạng sơn tốn nhân công, vật dụng tu bổ để làm gì?

Sang triều Nguyễn, Nam quan vẫn được coi là biên giới hai nước. Khi vâng lệnh vua Gia long cầm đầu một sứ bộ sang Trung Hoa năm Quý Dậu, 1813, thi hào Nguyễn Du đã ghi lại những nhận xét về cửa quan này như sau:
Việc cũ đời Lý, Trần xa xôi, mờ mịt khó tìm
Suốt ba trăm năm thẳng tới hiện nay
Hai nước chia đều nhau từ mặt chiếc lũy lẻ loi
Một cửa quan oai hùng trấn giữa muôn quả núi.
..
Nguyên văn trong Bắc hành tạp lục:
Lý Trần cựu sự yểu nan tầm
Tam bách niên lai trực đáo câm
Lưỡng quốc bình phân cô lũy diện
Nhất quan hùng trấn vạn sơn tâm... 
(3)

Câu “Hai nước chia đều nhau từ mặt chiếc lũy lẻ loi” cho ta thấy: “mặt chiếc lũy lẻ loi chính là nơi phân định biên giới hai nước.” Và đó là chuyện “từ ba trăm năm thẳng tới hiện nay.” Vị thi hào Chánh sứ của Việt Nam đồng ý hoàn toàn với Đại Thanh nhất thống chí của Trung Hoa. Từ đồn canh biên giới của Việt Nam thời ấy, không hề và không thể có những câu đau lòng: “Nam quan nằm sâu trong đất Trung Hoa, đứng đây không nhìn thấy được” (4).

III . Tháng 3-1886, chúng ta mất 100 thước đất ở Nam quan

Để thi hành Điều III Hiệp ước Thiên tân, ký ngày 9 tháng 6 năm 1885 giữa đại diện chính phủ Pháp là Jules Patenôtre với đại diện nhà Thanh là Li Hong-Chang (Lý Hồng Chương), Teng Tcheng-Sieou (Tăng Thành Siêu [?]) và Si Tchen, chính phủ Pháp cử một phái đoàn gồm 5 Ủy viên lấy từ 3 bộ khác nhau (bộ Ngoại giao, bộ Chiến tranh, và bộ Hải quân) tới biên giới HoaViệt gặp đại diện Trung Hoa để phân định biên giới. Phái đoàn do Tổng Lãnh sự Bourcier Saint-Chaffray thuộc Bộ Ngoại giao cầm đầu. Trong phái đoàn có sự tham dự của Bác sĩ P. Néis, một nhà thám hiểm và cũng là Bác sĩ của Hải quân.

Bác sĩ Néis viết một hồi ký, cung cấp nhiều chi tiết quan trọng về chuyến đi này, đăng nhiều kỳ trên tạp chí Pháp Le Tour du Monde năm 1887 dưới nhan đề “Sur les frontières du Tonkin.” Thiên hồi ký mới được Tiến sĩ Walter E. J. Tips, một chuyên viên về Đông Nam Á dịch sang Anh ngữ, in thành sách dưới nhan đề The Sino-Vietnamese Border Demarcation, 1885-1887. Sách do White Lotus Press xuất bản tại Bangkok năm 1998, và đã được giữ trong rất nhiều thư viện Đại học ở Hoa kỳ.

Phái đoàn Pháp rời Marseille cuối tháng 9-1885, tới Hà nội ngày 1 tháng 11, nhưng mãi đến 12 tháng 1-1886 mới thực hiện được cuộc gặp gỡ đầu tiên với phái đoàn Trung Hoa tại Đồng đăng. Phái đoàn Trung Hoa do chính Teng Tcheng-Sieou, một trong những nhân vật ký Hiệp ước Thiên tân, cầm đầu.

Theo bác sĩ Néis, trong các cuộc gặp gỡ sơ bộ tại Đồng đăng các tháng 1 và 2-1886, phái đoàn Trung Hoa đưa ra những đòi hỏi về lãnh thổ cực kỳ quá đáng (“most exaggerated claims” trong bản Anh ngữ). Cuộc thảo luận bế tắc, suýt đổ vỡ hai lần. Mặt khác, song song với những đòi hỏi ấy, phái đoàn Trung Hoa tỏ ra rất hào phóng với phái đoàn Pháp trong việc khoản đãi: những bữa tiệc thịnh soạn với vây, yến, hải sản, rượu champagne với các nhãn hiệu nổi tiếng, nhiều quà tặng... Hai phái đoàn đồng ý: ngày 20 tháng 3-1886 sẽ gặp nhau để phân định biên giới ở Trấn Nam quan (bác sĩ Néis gọi là “Porte de Chine” và cho biết người Việt gọi là “cua ai”) (5).

Cũng theo bác sĩ Néis, hôm phái đoàn Pháp rời Đồng đăng lên Nam quan, trên các ngọn đồi nhìn xuống Đồng đăng suốt cho tới đường đi Thất khê, quân đội Trung Hoa xuất hiện khắp nơi, mang theo rất nhiều cờ và cắm xuống nhiều chỗ, làm như những vùng đất ấy thuộc Trung Hoa. Để tới Nam quan, phái đoàn Pháp phải đi xuyên qua các đơn vị quân đội ấy. Tới Nam quan, Trưởng phái đoàn Pháp lên tiếng phản đối việc xâm phạm lãnh thổ, yêu cầu quân Trung Hoa rút về bên kia biên giới. Thoạt đầu, các viên chức Trung Hoa làm bộ không hiểu gì hết trước lời yêu cầu của phái đoàn Pháp “acted as if they did not understand any of our demands”). Tới khi phái đoàn Pháp cho biết sẽ chỉ bắt đầu cuộc thảo luận sau khi quân đội Trung Hoa đã rút hết, các viên chức Trung Hoa mới giải thích: quân đội ấy là do các vị quan võ “tự ý đưa sang” để “đón tiếp phái đoàn Pháp một cách trọng thể” nhưng không báo cho họ (các quan văn) được biết. Tuy nhiên, họ cũng ra lệnh cho các đơn vị quân đội lui về bên kia biên giới để cuộc thương thảo được tiến hành (6).

Phái đoàn Pháp biết rằng Nam quan nằm ngay trên đường biên giới. Các tài liệu, bản đồ họ có trong tay đều cho thấy như thế. Nhưng các đại diện Trung Hoa cương quyết nhấn mạnh (“strongly insist”) rằng chiếc cổng và bức tường ngăn không được coi là biên giới. Họ muốn có “ít nhất một ít thước của khoảng đất hoang trước cổng” (“at least a few meters of fallow terrain in front of it”). Sau khi đi bộ ra trước cổng quan sát, phái đoàn Pháp đồng ý nhân nhượng: biên giới sẽ chạy theo một con suối dưới chân đồi, trước chiếc cổng “khoảng 150 thước.” Đây là nhân nhượng đầu tiên, cũng là một nhân nhượng khá rộng rãi. Theo bác sĩ Néis, sau đó phái đoàn Pháp không ngớt khoe khoang về điều này (7).

Một trí thức Việt Nam tại Pháp, ông Trương Nhân Tuấn, đã hi sinh rất nhiều thời gian và công phu vào tìm kiếm trong Văn khố Đông dương của Pháp tại Aix-en-Provence, và tìm được nhiều tài liệu liên quan đến Hiệp ước Thiên tân cùng Biên bản việc phân định cùng cắm mốc biên giới. Theo những tài liệu ông Tuấn tìm thấy, phần thứ 3 của Biên bản nhắc tới cột mốc trước Nam quan: cột mốc này được cắm trên đường từ Nam quan về Đồng đăng, cách cửa quan 100 thước (“sur le chemin de Nam Quan à Dong Dang, à 100m au S. de la porte”) (8).

Trên nhật báo Người Việt số ra ngày 5 tháng 4-2002, nhà báo Ngô Nhân Dụng đã lưu ý tới chỗ sai biệt giữa hồi ký của bác sĩ Néis và biên bản do ông Tuấn tìm thấy: cột mốc cách Nam quan “100 thước” theo biên bản và “khoảng 150 thước” theo hồi ký. Ông Dụng nêu nhận xét: biên bản cho biết khoảng cách theo đường chiếu thẳng, “đường chim bay”, trong khi hồi ký ước lượng khoảng cách theo những bước quanh co đi bộ xuống đồi. Tuy chỗ sai biệt không lớn, biên bản nhiều phần chính xác và có giá trị pháp lý hơn. Điểm quan trọng là biên giới mới chạy theo một con suối trước cửa quan. Người viết những dòng này hoàn toàn đồng ý với ông.

Tóm lại, so với các đời trước, ngày 20 tháng 3 năm 1886, biên giới Việt Nam tại Nam quan đã bị lùi lại 100 thước do sự hào hiệp của phái đoàn Pháp đối với các quan nhà Thanh, đáp ứng phần nào những khoản đãi từ phái đoàn Trung Hoa. Đây mới là nhân nhượng đầu tiên. Trong việc cắm mốc biên giới này -- mãi đến 1895 mới hoàn tất – lãnh thổ Việt Nam còn chịu nhiều mất mát đáng kể hơn thế nữa.

IV . Một số đất Việt Nam bị mất sau cuộc phân định biên giới 1886-1895

Theo nhà nghiên cứu Pháp Charles Fourniau trong bài “La frontière sino-vietnamienne et le face à face franco-chinois à l’époque de la conquête du Tonkin” in trong cuốn Les Frontières du Vietnam (Paris : Harmattan, 1989), trong mấy năm phân định biên giới, phái đoàn Pháp có lý do để nhân nhượng phái đoàn Trung Hoa trong các thương thảo liên quan đến lãnh thổ Việt Nam. Trong một công điện gửi từ Bắc kinh về Pháp ngày 10 tháng 10-1886, Đô đốc Rieuner cho biết Lý Hồng Chương đã nói thẳng với ông: “Nước Pháp đã được rất nhiều khi lấy được Bắc kỳ, chư hầu của Trung quốc từ 600 năm nay. Việc ấy lại qua sự trung gian của tôi (Lời chú của người viết: Lý Hồng Chương muốn nói ông ta đã điều đình và ký Hiệp ước Thiên tân, bản hiệp ước công nhận quyền “bảo hộ” của Pháp trên đất nước Việt Nam) . Điều này đã gây cho tôi (vẫn lời Lý Hồng Chương) nhiều phiền muộn. Theo tôi, cần một sự đền bù dưới hình thức một nhân nhượng nhỏ về lãnh thổ tại biên giới An-nam” (nguyên văn: “Une compensation sous la forme d’une petite cession de territoire sur la frontière de l’Annam me semble nécessaire”) (9).

Trong thời gian ấy, Pháp cũng đang muốn ký với Trung Hoa một hiệp ước thương mại để được quyền buôn bán ở Hoa nam cùng mở các tòa Lãnh sự ở Quảng tây và Vân nam. Mỗi khi có mâu thuẫn đến độ bế tắc khiến các phái đoàn cắm mốc biên giới phải hỏi ý chính phủ, chỉ thị từ phía Pháp thường là: “nhân nhượng” (10). Chính vì thế, theo một chính sách nhiều nhà nghiên cứu gọi là “politique des pourboires” (“chính trị tiền trà nước”), trong cuộc phân định biên giới giữa Pháp và nhà Thanh này, Việt Nam đã bị mất nhiều lãnh thổ đáng kể. Để làm thí dụ, xin đơn cử hai vùng đất quan trọng hơn cả: một số làng ở Đông bắc Móng cái và vùng mỏ đồng Tụ long.

Một số làng ở Đông bắc Móng cái:

Theo bác sĩ Néis, sát theo bờ biển phía Đông bắc Móng cái có một số làng Việt Nam. Cư dân gồm người Việt cùng nhiều sắc dân thiểu số chứ không có người Hoa. Những làng này ngăn cách với vùng đất Trung Hoa bao quanh bằng mấy rặng núi hình vòng cung của dãy Thập vạn đại sơn (Shiwan dashan) . Danh hiệu một số làng là danh hiệu Việt Nam: Trung sơn, Song phong, Mai công... Một số làng sống bằng nghề đánh cá lấy tên Vạn Công, Vạn Mi, Vạn Thọ, Vạn Tray... như nhiều làng đánh cá Việt Nam khác. Các làng này từ trước vẫn sống dưới quyền quản trị của triều đình Việt Nam.

Có một điều bất thường là các làng này không tiếp giáp với lãnh thổ chính của Việt Nam. Một dải đất chiều ngang 10 cây số thuộc tỉnh Quảng đông của Trung Hoa chắn ngang ở giữa. Muốn đi từ các làng này về lãnh thổ chính của Việt Nam (chẳng hạn Móng cái) phải đi khoảng 10 cây số qua đất Trung Hoa, hoặc phải dùng thuyền. Ngay khi mới tới Móng cái và biết được điều ấy, bác sĩ Néis đã tiên liệu sẽ gặp rắc rối trong việc phân định biên giới. Ông vẽ một bản đồ (xin xem bản đồ 2) và gọi khu vực này là “enclave annamite” (vùng Việt Nam bị vây trong lãnh thổ Trung Hoa) (11).

Các làng này quây quần quanh một vũng biển nhỏ có tên là vũng Vạn Xuân. Một mỏm đất nhọn chạy nhô ra biển, bọc phía ngoài chặn sóng gió, có tên là mũi Bạch long (phía Trung Hoa gọi là Pak-lung). Bác sĩ Néis được cho biết: Tổng đốc Lưỡng Quảng Zhang Zhi-Dong (Trương Chi Động), một đối thủ chính trị đáng kể của Lý Hồng Chương, rất muốn đoạt vũng biển và mũi đất này.

Việc tranh chấp xảy đến đúng như dự đoán. Theo những tìm tòi của bác sĩ Néis, tất cả những tiêu chuẩn xác định chủ quyền cần thiết, từ phong tục truyền thống, tập quán, văn kiện sổ sách, cho đến tài liệu địa dư chính thức của Trung Hoa, đều cho thấy vùng đất này thuộc miền Bắc Việt Nam (“Traditions, customs, records, and even official Chinese geography indicate this country as being part of Tonkin”). Trong một điện văn do phái đoàn phân định biên giới gửi cho đại diện chính phủ Pháp có câu: “Tham khảo nhiều nguồn tài liệu khác nhau, các ủy viên của nước Pháp đã thu thập được một hồ sơ thật lớn về thẩm quyền của đế quốc An nam trên vùng đất này” (“Les commissaires francais avaient accumulé une grosse documentation sur les droits de l’empire d’Annam sur cette région, en consultant des sources nombreuses et variées”) (12). Nhưng phái đoàn Trung Hoa nhất định không nhân nhượng. Họ được lệnh một cách chính thức từ Trương Chi Động: không được nhìn nhận vùng đất này là của Bắc kỳ (“They had formal order from the viceroy of Canton not to recognize this territory as Tonkinese”) (13) .

Phái đoàn Pháp không thể làm gì khác hơn là viết một tờ trình kèm theo bản đồ, gửi về xin ý kiến chính phủ. Sau sáu tháng chờ đợi (từ tháng 12-1886 đến tháng 6-1887), bác sĩ Néis được biết: vị Đặc ủy đại diện chính phủ Pháp, người đang điều đình một Hiệp ước thương mại quan trọng ở Bắc kinh (Ernest Constans) đã quyết định nhường các làng ấy cùng mũi đất Bạch long cho Trung Hoa. Trong “Thỏa ước phân định biên giới giữa Trung Hoa và Bắc Kỳ” (“Convention relative à la délimitation de la frontière entre la Chine et le Tonkin”) do Ernest Constans, Đặc ủy viên Cộng hòa Pháp, ký với đại diện Trung Hoa tại Bắc kinh ngày 26 tháng 6 năm 1887, vùng đất trên được nhắc tới như sau: “Những điểm tranh chấp ở Đông và Đông bắc Móng cái, phía bên kia biên giới theo sự ấn định của Ủy ban phân giới, được phân phối cho Trung Hoa” (“Il est entendu que les points contestés qui sont situés à l’est et au nord-est de Monkai, au-delà de la frontière telle qu’elle a été fixée par la Commission de délimitation, sont attribués à la Chine”). Bác sĩ Néis kết thúc đoạn hồi ký về chuyện này một cách ngậm ngùi: “dân chúng trở về nhà, từ nay trở đi là người Tàu” (14).

Việc mất các làng phía Đông bắc Móng cái là một thiệt hại kép đối với Việt Nam: ảnh hưởng đến ranh giới hải phận. Trong buổi thuyết trình về biên giới Việt Hoa tại Viện Việt Học ngày 7 tháng 4 năm 2002, giáo sư Nguyễn Văn Canh cho biết: quyết định nhường vùng đất phía Đông bắc Móng cái cho Trung Hoa của Ernest Constans đã ảnh hưởng tới việc phân chia hải phận vịnh Bắc Việt một cách thiệt hại cho Việt Nam. Người viết những dòng này hoàn toàn đồng ý với giáo sư. Vì vùng đất trên bị mất, đường ranh chia hải phận vịnh Bắc Việt (“đường ranh Brévié”) chỉ được tính từ mỏm cực đông của đảo Trà cổ. Mỏm này cách ranh giới phía đông của vùng đất bị mất 27 cây số về phía tây. Ranh giới hải phận Việt Nam trong vịnh Bắc Việt do đó cũng bị đẩy lùi về tây, hẹp hơn 27 cây số.

Vùng mỏ đồng Tụ long:

Theo Đại Nam nhất thống chí và Khâm định Việt sử thông giám cương mục, núi Tụ long ở xã Tụ long, châu Vị xuyên; sau khi châu này phân đôi, được cắt cho huyện Vĩnh tuy, cách huyện lỵ 200 dặm về phía đông bắc. Trong núi có mỏ đá nam châm và đồng đỏ, cũng có chỗ lẫn ngân sa. Trong đời Lê trung hưng vùng này đã mất vào tay Trung Hoa đúng 40 năm, từ năm Mậu Thìn 1688 đến năm Mậu Thân 1728. Sang đời Nguyễn, mỏ đồng Tụ long vẫn được khai thác. Triều đình cho dựng bảo Tụ long, một loại đồn binh, để bảo vệ biên giới và vùng mỏ này. Nói về nguồn lợi của mỏ đồng Tụ long thời trước, ca dao có câu:
Đồng Tụ long, thiếc Sông Ngâu
Tiền rừng bạc bể kể đâu sánh bằng.

Tổng Tụ long gồm 9 xã (Tụ nhân, Tụ nghĩa, Tụ hoa, Tụ mỹ, Tụ thanh, Tụ long...).

Theo Charles Fourniau, tổng này hoàn toàn thuộc lãnh thổ Việt Nam (“Le canton de Tulong, tout entier territoire de l’Empire annamite...”) (15). Sau mấy đợt nhân nhượng của người Pháp từ 1887 đến 1897, 3 phần 4 tổng Tụ long gồm cả mỏ đồng, với một diện tích khoảng 750 cây số vuông, đã bị nhường cho Trung Hoa, sáp nhập vào phủ Khai hóa, tỉnh Vân nam. Nguyệt san Revue Indochinoise, số 5 và 6, xuất bản tại Hà nội các tháng 5 & 6-1924, có đăng bài tường thuật của Trung tá Bonifacy, “Le canton de Tu-long et la frontière Sino-Tonkinoise,” kèm theo một bản đồ ghi từng giai đoạn của việc nhường đất này. Revue Indochinoise hiện rất khó tìm. Rất may, tấm bản đồ ấy cùng các chi tiết về việc nhường đất đã được in lại trong cuốn Sử liệu về biên giới ta và Tàu từ đời nhà Lý cho tới đầu thời Pháp thuộc của Hà Mai Phương và Chu Thu Hằng, do Mai Hiên xuất bản tại Campbell, California năm 1999. Độc giả muốn tìm hiểu thêm về tổng Tụ long cũng như về việc mất các vùng đất khác, xin tham khảo tài liệu kể trên.

Một kỹ thuật đặc biệt

Bên cạnh việc khai thác tối đa lòng ham muốn quyền lợi kinh tế của người Pháp và việc dùng các hình thức khoản đãi để mua chuộc hầu được lợi trong việc phân định biên giới các năm 1886-1895, phía Trung Hoa còn áp dụng một thủ đoạn vô cùng đặc biệt: khủng bố và hạ sát. Theo Trung tá Bonifacy, sau khi nhiều người Pháp trong Ủy ban phân định biên giới bị tấn công và thiệt mạng, phần lớn biên giới Hoa Việt chỉ được ấn định trên bản đồ. Bác sĩ Néis cho biết trong một chuyến đi quan sát biên giới giữa Lào kay – Vân nam vào tháng 8 năm 1886, hai lần toán của ông bị phục kích. Hai sĩ quan cầm đầu toán bảo vệ, Trung úy Geil và Thiếu úy Henry, bị bắn chết, nhiều phu khuân vác bị thương. Ủy viên tiền nhiệm của bác sĩ Néis trong việc phân định biên giới tại Móng cái là Phó lãnh sự J. B. S. Haitce cùng một số nhân viên bị hàng trăm người Trung Hoa tấn công, và bị thảm sát (chặt đầu) ngày 27 tháng 11 năm 1886.

Hai vụ tấn công ở biên giới Lào kay – Vân nam do các toán thổ phỉ thực hiện, nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy phái đoàn Trung Hoa đã dàn xếp, hay ít nhất biết trước cuộc tấn công. Ủy viên Trung Hoa từ chối không chịu cùng đi với phái đoàn Pháp trong chuyến công tác này. Khi phái đoàn Pháp đề nghị ít nhất cho một nhân viên địa hình Trung Hoa cùng đi, nhân viên này dùng một thuyền riêng chứ không đi chung, và lánh đi đâu mất buổi chiều trước cuộc phục kích. Trong vụ tấn công ở Móng cái, toán người Hoa từ bên kia biên giới kéo sang, một số mặc quân phục. Bác sĩ Néis cho biết: tuy không trưng được bằng cớ, những tin tức tình báo ông nhận được sau đó cho biết các vụ tấn công này do chính Tổng đốc Trương Chi Động chủ mưu với sự tiếp tay của Trưởng phái đoàn Trung Hoa Teng Tcheng-Sieou (Tăng Thành Siêu?) . Đảm nhiệm việc thi hành là một viên chức Trung Hoa họ Vương (Wang) ở Đông Hưng (“Tong Hing” theo lối phiên âm của Pháp thời ấy), thuộc cấp của Tổng đốc họ Trương. Nhà nghiên cứu Charles Fourniau (một người Pháp) hạ bút: “Theo người Pháp, Trương Chi Động có trách nhiệm trong vụ sát nhân này” (16).

V . Một kinh nghiệm mất đất và đòi đất của người trước

Như đã trình bày trên, vùng mỏ đồng Tụ long từng bị mất cho Trung Hoa trong đời Lê trung hưng, 40 năm sau mới đòi lại được. Dưới đây xin tóm lược ít kinh nghiệm của người trước trong việc mất đất cũng như đòi đất này.

Theo Cương mục và Đại Nam nhất thống chí, đầu đời Lê trung hưng, Gia quốc công Vũ Văn Mật có công đánh nhà Mạc, được phong An tây vương, và được đời đời giữ đất Tuyên quang (địa giới trấn Tuyên quang thời ấy rất rộng, tiếp giáp với Trung Hoa, gồm cả khu vực tỉnh Hà giang hiện nay). Con ông là Thái phó Nhân quốc công Vũ Công Kỷ và cháu là Thái bảo Hòa quốc công Vũ Đức Cung (theo Lê Quý Đôn trong Kiến văn tiểu lục: Vũ Công Ứng) tuy được quyền tự trị, vẫn tòng phục triều đình. Đến đời chắt là Thiếu phó Tông quận công Vũ Công Đắc ỷ thế xa xôi hiểm trở, muốn tự lập xưng vương. Sau khi Công Đắc bị bộ thuộc sát hại, triều đình phong cho con Công Đắc là Vũ Công Tuấn tước Khoan quận công nhưng giữ ở kinh đô, rồi sai quan đi trấn giữ Tuyên quang (17).

Không rõ do các quan triều đình cử đi không được lòng dân địa phương, phần đông là người thiểu số, hay do những bất mãn vì chuyện bị giam lỏng không được về lãnh địa, ba năm sau Vũ Công Tuấn bỏ trốn về Tuyên quang làm phản. Lúc ấy là năm Nhâm Tý, 1672, đời vua Lê Gia tông.

Mười sáu năm sau, bị triều đình dồn đuổi, Vũ Công Tuấn chạy sang Vân nam, đem ba châu thuộc lãnh địa xin sáp nhập vào Vân nam để mong được che chở. Quan địa phương nhà Thanh bèn chiếm luôn ba châu ấy, đặt chức tuần ty để thu thuế. Đó là các châu Vị xuyên, Bảo lạc thuộc Tuyên quang, và châu Thủy vĩ thuộc Hưng hóa. Mỏ đồng Tụ long thuộc châu Vị xuyên. Trấn thủ Tuyên quang - Hưng hóa là Lê Huyến gửi thư sang phân biện nhưng viên chức nhà Thanh không chịu trả. Bấy giờ là năm Mậu Thìn, 1688, đời vua Lê Hi tông, nhằm năm thứ 27 niên hiệu Khang hi nhà Thanh (18).

Trong những dịp sang tuế cống sau đó, sứ thần Việt Nam nhiều lần trình bày vấn đề ba châu này. Nhưng mỗi khi Thanh đình định cho điều tra, các quan địa phương nhà Thanh lại tâu rằng các châu ấy “thuộc Trung quốc từ lâu,” và đổ cho Việt Nam đã “lợi dụng tình trạng hỗn loạn sau khi nhà Minh mất để mưu toan bành trướng lãnh thổ.” Mãi đến năm Bính Ngọ, 1726, theo đề nghị của Tổng đốc Quảng tây Khổng Dục Tuân, triều đình nhà Thanh mới đồng ý trả lại một phần đất đã mất nhưng vẫn không trả khu vực mỏ đồng (19).

Hai năm sau, Mậu Thân 1728, nhà Thanh trả thêm đất cùng khu vực mỏ đồng. Có lẽ do những tế nhị trong việc bang giao thời trước, chính sử của ta chép rất sơ lược về vấn đề này. Cương mục chỉ viết là khi vua Ung chính nhà Thanh theo lời cáo buộc man trá của quan phủ Khai hóa (tỉnh Vân nam), hạ sắc văn bắt ta phải “trả những đất đã chiếm,” viên thổ mục giữ quan ải là Hoàng Văn Phác “dùng lời lẽ kháng cự, nhất thiết không chịu tiếp nhận sắc văn.” Tình trạng căng thẳng kéo dài. Tổng đốc Vân nam – Quý châu là Ngạc Nhĩ Thái một mặt đưa văn thư sang Quảng tây, yêu cầu chia địa điểm phòng giữ, một mặt xin triều đình điều động binh mã ba tỉnh để đối phó. Vua Thanh phải sai một Tả đô ngự sử và một Nội các học sĩ tới biên giới để “xem xét sự động tĩnh của nước ta.” Cương mục cũng cho biết: “lúc ấy biên giới phương bắc cảnh giới nghiêm ngặt.” Hai viên chức của nhà Thanh sắp sửa ra đi thì Thanh đình nhận được quốc thư từ Đại Việt đưa sang. Theo Cương mục , quốc thư trình bày “lòng thành thờ nước lớn” khiến vua Thanh Ung chính rất đẹp lòng, lập tức sai quan viết sắc văn trả lại cả vùng Tụ long (20).

Ta có quyền tin Cương mục chép theo lối “ý tại ngôn ngoại,” tránh không nhắc đến một số điểm tế nhị, chứ sự thật không đơn giản như thế. Việc viên thổ mục giữ quan ải một nước nhỏ “dùng lời lẽ kháng cự,” nhất quyết không chịu tiếp nhận sắc văn của Thiên tử nhà Thanh là một hành động quá vượt mức bình thường. Gây nên những chấn động tới độ Tổng đốc hai tỉnh lớn của Trung Hoa phải xin triều đình “điều động binh mã ba tỉnh” để đối phó, và “biên giới phương bắc cảnh giới nghiêm ngặt,” ta không thấy viên thổ mục bị triều đình Đại Việt khiển trách. Rốt cục những chấn động ấy đưa tới việc vua Thanh quyết định trả đất sau khi đọc xong một bức thư, một việc dằng dai từ mấy chục năm nhà Thanh chưa chịu thi hành. Nhiều phần viên thổ mục không hành động tự ý, mà đã đảm nhiệm thành công và xuất sắc một vai trò được điều hợp từ cấp cao hơn.

Nghiên cứu sâu thêm về bang giao Hoa Việt thời ấy và đối chiếu với sử Trung hoa, nhà sử học Philippe Langlet, nguyên giáo sư Đại học Văn khoa Sàigòn, cho biết: Bốn năm trước đó (1724), Việt Nam đã thực hiện một cuộc biểu dương binh lực (“démonstration militaire”), đánh lui đạo quân do Tổng đốc Vân nam – Quý châu cử đến để khai thác mỏ đồng. Trong thời gian này, tù trưởng các bộ lạc thiểu số ủng hộ triều đình Việt Nam, trong khi quân đội nhà Thanh đang gặp khó khăn ở Trung Á. Đang cần tập trung một binh lực đáng kể tại Tân cương, vua Ung chính không muốn có thêm một cuộc chiến ở biên giới phía Nam. Điều khám phá này được trình bày trong bài “La frontière sino-vietnamienne du XVIIIe au XIXe siècle”, in trong Les Frontières du Vietnam (Paris : Harmattan, 1989) (21).

Dù sao đi nữa, chuyện trả đất đã thực sự xảy ra. Vua Ung chính gửi sang một văn thư đầy “khẩu khí Thiên triều”: “Trẫm thống trị thiên hạ. Phàm những nước đã liệt vào phiên phong, thì dầu một thước đất không chỗ nào không phải đất đai do trẫm chủ tể, can chi phải so đo 40 dặm đất nhỏ bé ấy làm gì?... 40 dặm đất ấy nếu thuộc vào Vân nam thì là nội địa của trẫm, nếu thuộc vào An nam thì vẫn là ngoại phiên của trẫm, không có một chút gì phân biệt cả. Vậy chuẩn đem đất ấy ban thưởng cho quốc vương được đời đời giữ lấy.” (22) Đúng như câu ngạn ngữ “bắt không được, tha làm phúc.” Thiên tử đại lượng, đã “ban thưởng” cho một quốc vương có lòng thành kính. Điểm đáng ghi nhận là thiên tử “thưởng” một cách vĩnh viễn, được “giữ đời đời.” Chính sử không ghi lại bức thư đã đưa vua Ung chính tới quyết định trả đất, và cũng không cho biết tác giả thư ấy là ai. Ta có quyền tin: thư này không phải chỉ nói chuyện “lòng thành thờ nước lớn.” Vừa mềm mỏng vừa cương quyết, tác giả bức thư đã thành công một cách thật xuất sắc, không khác Ngô Thì Nhậm trong bức thư làm hòa với nhà Thanh 61 năm sau (Kỷ Dậu, 1789).
Chuyện trả đất chưa chấm dứt.

Theo Cương mục , khi Tả Thị lang bộ Binh Nguyễn Huy Nhuận và Tế tửu Quốc tử giám Nguyễn Công Thái (vị quan đứng đầu Quốc tử giám, cơ sở giáo dục cao cấp nhất thời đó) lên nhận đất với đồng thuận từ triều đình nhà Thanh là biên giới ở sông Đỗ chú, thổ quan phủ Khai hóa muốn ăn chặn một số đất ở Bảo sơn thuộc tổng Tụ long, nên đã chỉ một con sông khác (ở phía Nam sông thật) nói gian là sông Đỗ chú. Tế tửu Nguyễn Công Thái phải xông pha lam chướng, vượt những chỗ hiểm trở để tìm ra sông Đỗ chú thật, rồi cùng quan nhà Thanh tranh biện và dựng mốc biên giới. Bia của Bắc quốc ở bờ phía Bắc, bia của Nam quốc ở bờ Nam. Bia bờ Nam được khắc như sau: “Giới mốc châu Vị xuyên, trấn Tuyên quang, nước An nam, lấy sông Đỗ chú làm căn cứ” (23). Năm ấy, Mậu Thân 1728, là năm Bảo thái thứ 9 đời vua Lê Dụ tông, ngoài Bắc dưới quyền chúa An đô vương Trịnh Cương, sử Trung Hoa nhằm năm Ung chính thứ 6 nhà Thanh. Đề cập đến chuyện này, Đại Nam quốc sử diễn ca chép như sau:
Đem thư biện với nhà Thanh
Mỏ đồng, mỏ kẽm lại giành về ta
Lập bia bên Đỗ chú hà
Giới cương từ đó mới là phân minh 
(24).

Tình trạng phân minh ấy được tiếp tục qua triều Nguyễn. Theo Đại Nam nhất thống chí, năm Minh mạng 13 (Nhâm Thìn, 1832), triều đình còn cử quan tới biên giới trùng tu nhà bia bên bờ sông Đỗ chú. Biên soạn trong khoảng các năm 1864-1875, Đại Nam nhất thống chí vẫn đề cập đến biên giới này (25). Việt Nam mất chủ quyền do Hòa ước Giáp Thân, 1884. Ba năm sau, vùng đất này bị nhường cho Trung Hoa do Thỏa ước Bắc kinh ngày 26 tháng 6-1887 như đã nói trên. Bia và nhà bia chắc đều không còn.

VI . Một vài nhận xét

Các viên chức Trung Hoa, từ các quan ở Vân nam thời Khang hi, Ung chính, qua Lý Hồng Chương, Trương Chi Động cuối thế kỷ 19, tới các viên chức cao cấp của Đảng Cộng sản hiện nay, nói chung vẫn có một điểm giống nhau. Nếu thấy có cơ hội lấn được chút đất nào ở biên giới nước ta, họ đều không bỏ lỡ. Chỉ trừ một giai đoạn tương đối ngắn là giai đoạn Pháp thuộc, lịch sử Việt Nam chủ yếu là một chuỗi những cố gắng liên tục của dân tộc ta trong việc đối phó với ông láng giềng khổng lồ phương Bắc.

Trong việc đối phó với những tham vọng đất đai của Trung Hoa, ta phải đương đầu không phải chỉ với chính quyền trung ương của họ, mà còn cả với các thế lực địa phương. Chuyện Tổng đốc Lưỡng Quảng Trương Chi Động, các quan nhà Thanh ở Vân nam, và viên thổ quan chỉ sông Đỗ chú giả ở Khai hóa... là những thí dụ điển hình.

Để bảo vệ đất đai của tổ tiên hầu truyền lại cho hậu thế, tiền nhân ta đã phải tranh đấu rất gian nan. Việc Tế tửu Nguyễn Công Thái, một nhà giáo dục, một vị quan văn, quyết dấn thân vào những chỗ hiểm trở, xông pha lam chướng, không quản những nguy hiểm có thể xảy ra cho chính bản thân để tìm ra sông Đỗ chú thật, là một tấm gương đáng ghi nhớ.

Để bảo vệ đất đai vùng biên giới, sự ủng hộ của dân địa phương – nhất là các sắc tộc thiểu số – vô cùng cần thiết. Năm 1688, ba châu Vị xuyên, Bảo lạc, Thủy vĩ bị mất do sự vụng về của triều đình đối với địa phương. Theo Cương mục , sau khi quan nhà Thanh đoạt mất ba châu này, Trấn thủ Lê Huyến tìm cách khuyến dụ cư dân tại địa phương theo triều đình, nhưng không thành công. Năm 1728, một trong những lý do khiến nhà Thanh phải nhân nhượng là lãnh tụ các sắc tộc thiểu số đứng về phía triều đình Đại Việt.

Những người cầm đầu nước Pháp cuối thế kỷ 19 đem binh lực tới công phá Đà nẵng, chiếm Gia định, đoạt Hà nội, uy hiếp Huế ..., để đòi quyền “bảo hộ” Việt Nam. Một trong những hành động đầu tiên của họ sau khi lấy được quyền ấy là cắt nhiều vùng đất của Việt Nam cho Trung Hoa để đổi lấy quyền lợi kinh tế. Đó là một hành động cực kỳ sai trái. Cũng may, Pháp là một xã hội dân chủ với truyền thống trọng sự thật và lẽ phải. Nhiều trí thức Pháp đã đem những chuyện ấy viết lại một cách trung thực để chúng ta biết rõ quá khứ và quyền lợi dân tộc. Chúng ta ghi nhận những nét đẹp trong truyền thống dân chủ của nước Pháp và cám ơn các nhà trí thức ấy.

Đảng Cộng sản Việt Nam giải thích: phải điều đình lại về lãnh hải và biên giới vì Hiệp ước Thiên tân là do thực dân (Pháp) ký với phong kiến (nhà Thanh). Câu nói thoạt nghe có vẻ hữu lý. Nhưng nếu đúng như thế thì phải chữa lại những sai trái, bất công trong quá khứ. Như trên đã thấy, trong việc phân định biên giới những năm 1886-1895, Việt Nam bị thiệt và đã mất rất nhiều đất. Nếu điều đình lại thì cần điều chỉnh những mất mát bất công ấy. Nay không chữa được một chút thiệt hại nào của quá khứ mà còn mất thêm. Như thế thì điều đình và ký để làm gì?

Người viết những dòng này góp tiếng nói với toàn thể quốc dân trong và ngoài nước, yêu cầu những người cầm đầu Đảng Cộng sản Việt Nam nghĩ đến trách nhiệm trước tiền nhân và hậu thế mà công bố những hiệp ước đã lỡ ký với Trung Hoa. Mối lo của đất nước là mối lo chung. Đáng lẽ nên mừng rỡ khi thấy có những trí thức lỗi lạc và tâm huyết như Trần Khuê, Phạm Hồng Sơn, Lê Chí Quang... (những vị Nguyễn Công Thái thời nay) chung lo trước những khó khăn của đất nước, lại tìm cách đàn áp, giam hãm họ, những người cầm đầu Đảng Cộng sản chỉ tự làm mình cô lập và bất lực thêm. Không đủ khả năng đối phó trước những tham vọng càng ngày càng phức tạp của người ngoài, Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ mỗi ngày một thất bại, sa lầy thêm, và thêm nặng tội trước lịch sử.

Mấy lời nói thêm của người viết:

Khi đưa ra một dẫn chứng cho thấy chiếc cổng “Trấn Nam quan” của Trung Hoa, người viết những dòng này tuyệt không có ý phủ nhận quan niệm “đất nước chúng ta từ ải Nam quan đến mũi Cà mâu.” Quan niệm ấy chính xác: vùng “ải” Nam quan thuộc lãnh thổ nước ta.

Theo tất cả các tự điển, “ải” có nghĩa là “chỗ đất hẹp, hiểm trở, dễ phòng thủ” (tương đương với “défilé” trong tiếng Pháp hoặc “defile,” “narrow valley or mountain pass” trong tiếng Anh). Theo chữ Hán, “ải” được viết với bộ “phụ” (núi đất, gò đống), một bộ gồm những chữ liên quan tới hình thế thiên nhiên của đất chứ không nhất thiết phải có công trình kiến trúc nhân tạo. “Ải Nam quan” là vùng đất hẹp, hiểm trở, dễ phòng thủ của Việt Nam, tiếp cận chiếc cổng Trấn Nam quan của Trung Hoa. Năm 1886, tuy người Pháp có nhường cho Trung Hoa 100 thước đất trước cổng, nhưng vùng đất hiểm trở ở phía nam Trấn Nam quan dài hơn thế rất nhiều. Việc mất trọn vùng này tới độ “đứng ở đồn canh biên giới, không còn trông thấy Nam quan đâu nữa” như hiện nay là trách nhiệm trước lịch sử của những người cầm đầu đảng Cộng sản. Ngày 19 tháng 4-2002 vừa qua, một trí thức am tường Hán tự là ông Nông Bản Nhân đã lên tiếng qua một điện thư gửi tới nhiều nhóm trao đổi ý kiến tại quốc ngoại về vấn đề này. Người viết những dòng này hoàn toàn đồng ý với ông.

Trong thời Pháp thuộc, tuy biên giới trên lý thuyết cách Nam quan 100 thước,
biên giới trên thực tế vẫn ngay tại Nam quan. Khoảng cách 100 thước không lớn. Liên hệ giữa Pháp với Trung Hoa trước 1945 không xấu nên người Pháp và người Việt bên này biên giới vẫn có thể tới sát Nam quan. Nhiều vị cao niên, nhất là các vị cư ngụ quanh khu vực Lạng sơn, Đồng đăng đã cho biết điều này.

Ở miền Bắc trước 1979, trước khi những thế lực “vừa là đồng chí, vừa là anh em” lăn xả vào đánh giết nhau, dân ta vẫn có thể tới sát Nam quan. Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện cho biết: khoảng 1977, sau khi được trả tự do lần thứ nhất, chính ông đã có dịp cùng nhiều người khác đến cạnh chiếc cổng. Tình trạng dân Việt bên này biên giới không còn có thể tới Nam quan chỉ mới xảy ra gần đây, do tội của những người cầm đầu đảng Cộng sản.

Trần Bình Nam
Chú thích
1. Lê Quý Đôn, Vân đài loại ngữ, Quyển 3: “Khu vũ loại”. Phạm Vũ & Lê Hiền dịch và chú giải (Sàigòn: Miền Nam, 1973), trang 160-162.
2. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí: tỉnh Lạng sơn. Phạm Trọng Điềm dịch, Đào Duy Anh hiệu đính (Huế: NXB Thuận Hóa, 1997), trang 384-385.
3. Nguyễn Du, “Trấn Nam quan,” trong Nguyễn Du toàn tập. Tập I: Thơ chữ Hán, Mai Quốc Liên phiên âm, dịch nghĩa với sự cộng tác của Nguyễn Quảng Tuân... (Hà nội: NXB Văn Học, 1996), trang 295.
4. Lời công an biên phòng nói với những người muốn đến thăm Nam quan năm 2001.
Dẫn từ nhiều tài liệu khác nhau, trong đó có: Trần Gia Phụng, Ải Nam quan. (Toronto, Ont., Canada : Non Nước, 2002), trang 30.
5. P. Néis, Sur les Frontières du Tonkin, Walter E. J. Trips dịch sang Anh ngữ, The Sino-Vietnamese Border Demarcation, 1885-1887.(Bangkok: White Lotus, 1998), trang 16-18.
6. P. Néis, Sách đã dẫn, trang 37-38.
7. P. Néis, Sách đã dẫn, trang 38.
8. Trương Nhân Tuấn, Tài liệu nhận được qua điện thư, ngày 10 tháng 5-2002. Xem thêm: Trương Nhân Tuấn, Biên Giới Việt Trung 1885-2000 – Lịch sử hình thành và những tranh chấp. Dũng Châu xb., 2005.
9. Charles Fourniau, “La frontière sino-vietnamienne et le face en face franco-
chinois à l’époque de la conquête du Tonkin”, trong Les Frontières du Vietnam 
(Paris : Harmattan, 1989), trang 90.
10. Charles Fourniau, Tài liệu đã dẫn, trang 211. Xem thêm P. Neis, Sách đã dẫn,
trang 211.
11. P. Néis, Sách đã dẫn, trang 142, 203.
12. P. Néis, Sách đã dẫn, trang 208. Xem thêm Fourniau, Tài liệu đã dẫn, trang 92.
13. P. Néis, Sách đã dẫn, trang 208-209.
14. “Convention relative à la délimitation de la frontière entre la Chine et le Tonkin, signée à Pékin le 26 juin 1887,” trong France, Code no. 95886, Recueuil des Traités conclus par la France en Extrême-Orient, in lại trong Trần Gia Phụng,
Sách đã dẫn, trang 59-61. Xem thêm P. Néis, Sách đã dẫn, trang 211-212.
15. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí (đã dẫn), Tập 4, trang 345.Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, Chính biên, Quyển 37. (Huế : NXB Thuận Hóa, 1998), trang 809. Xem thêm Fourniau, Tài liệu đã dẫn, trang 92.
16. Bonifacy, “Le canton de Tu-long et la frontière Sino-Tonkinoise” trong Revue Indochinoise, số 5 & 6 (Mai – Juin 1924), tóm lược trong Hà Mai Phương & Chu Thu Hằng, Sử liệu về biên giới ta và Tàu từ đời nhà Lý cho tới đầu đời Pháp thuộc (Campbell, California : Mai Hiên, 1999), trang 19. Xem thêm Néis, Sách đã dẫn, trang 113-129, 157-170, 185. Xem thêm Fourniau, Tài liệu đã dẫn, trang 91.
17. Cương mục (đã dẫn), trang 731-732.
Đại Nam nhất thống chí (đã dẫn), trang 360-361.
18. Cương mục (đã dẫn), trang 749.
19. Cương mục (đã dẫn), trang 803.
20. Cương mục (đã dẫn), trang 808-809.
21. Philippe Langlet, “La frontière sino-vietnamienne du XVIIIe au XIXe siècle” trong Les Frontières du Vietnam (đã dẫn), trang 72,
22. Cương mục (đã dẫn), trang 809.
23. Cương mục (đã dẫn), trang 809-810.
24. Lê Ngô Cát & Phạm Đình Toái, Đại Nam quốc sử diễn ca, Hoàng Xuân Hãn chú giải (Sàigòn: Trường Thi, 1956), trang 194.
25. Đại Nam nhất thống chí (đã dẫn), Tập 4, trang 353.

https://hung-viet.org/a4785/thu-truong-bo-ngoai-giao-vu-dung-noi-ve-nam-quan-ban-gioc-va-truong-sa-co-gi-la

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét