Thứ Ba, 25 tháng 7, 2017

Núi của người nghèo

Núi của người nghèo
Hồng Phúc, 23/7/2017, (TBKTSG) - “Chụp đi?”. Bà cụ già người dân tộc ngồi trước cổng ngôi nhà có bờ rào đá hỏi, ra dấu bảo khách ngồi xuống cạnh bà và đứa trẻ đeo chiếc gùi cắm thơ lơ mấy cành hoa cải vàng trái vụ. Bạn tôi gật đầu, ngồi vào giữa hai bà cháu. Họ mỉm cười thành thục với việc chụp ảnh. “Tạch”, bạn tôi phủi quần đứng dậy. “Mười nghìn”, bà chìa bàn tay có những vết nứt đen đen ra trước mặt khách. Bạn tôi chững lại tý chút vì ngạc nhiên rồi nhanh chóng lấy ra tờ 10.000 đồng đưa cho bà. Bà chỉ sang đứa bé ngồi cạnh “đây nữa”.

Trẻ em vùng cao..Ảnh: Hồng Phúc
Đây là ngôi nhà người Mông có bờ rào đá đặc trưng, nơi đóng bộ phim Chuyện của Pao tại Lũng Cẩm, huyện Đồng Văn, Hà Giang. Nơi này bây giờ được dựng thêm chiếc cổng “Làng văn hóa du lịch Lũng Cẩm” để khách tới tham quan và chụp hình khi ghé qua cao nguyên đá.

Gần chỗ tôi đứng có hai em nhỏ, một em ôm bó hoa tam giác mạch trái mùa, một em gùi cái gùi mây trong có ít hoa cải vàng. Chúng tôi trò chuyện với em, xin chụp hình và đưa cho mỗi em 10.000, tôi đoán giá chung ở đây là thế vì tay em nào cũng có mấy tờ tiền mệnh giá đó cuộn lại. Bạn tôi, một người Hà Giang, nói các em này đã tiến bộ rồi vì nói được ít từ tiếng Kinh, mặc áo người Kinh, biết giao tiếp với khách du lịch, chụp ảnh và chiều ý khách. Ngày nào cũng thế, các em được coi như nhân viên làm việc “fulltime” ở khu vực này. Thế ở đây toàn núi đá thế này thì tiêu tiền ở đâu? Bạn trả lời họ để tiền vào cái ống tre treo trên cột nhà kia, đến phiên chợ thì đi mua xà phòng, rượu, bánh kẹo và cũng mới biết tiêu tiền từ khi có du lịch.

Đi vào trong nhà, anh chỉ cho chúng tôi thấy “một ông chồng” đang ngủ vùi trong góc nhà dù bây giờ khoảng bốn giờ chiều. Say đấy. Chị vợ với bốn đứa con ngồi nhìn đám khách du lịch chạy lăng xăng ngó nghiêng nhà mình với ánh mắt không động tâm. Ngày nào cũng có cả chục đoàn khách sục sạo nhà chị nên đâu còn lạ lẫm gì. Có anh hướng dẫn viên đang dẫn đoàn vốn quen biết chị đã hỏi sao mặt bị bầm tím miếng to thế kia? Chị nói tiếng Mông chỉ vào anh chồng nằm “một đống”. “Lại nó đánh hả, sao cứ để nó đánh thế?”. Chị không trả lời.

Tôi hỏi người hướng dẫn đưa khách đi thăm Đồng Văn, Mèo Vạc hơn chục năm nay anh thấy từ khi trở thành làng văn hóa, khách du lịch đến nhiều đời sống ở đây có khá hơn không? Anh bảo cũng có nhưng không đáng kể. Xã này có gần chục bản nằm rải rác xen kẽ giữa các ngọn núi cao nên chỉ có vài hộ gia đình đón khách ở mặt đường này là khá lên thôi, còn lại vẫn như xưa. Họ khá lên ở điểm nào? Anh trả lời, “thì biết mặc quần áo người Kinh, đi dép người Kinh, nói tiếng Kinh, ăn thức ăn kiểu người Kinh”. Thế bọn trẻ không đi học à? Có đứa đi đứa không. Họ có giàu lên không? Không, vẫn chăn bò và trồng ngô, trồng mấy thứ cây ăn quả, mận, lê, đào. Tiền khách cho đâu? Thì bỏ ống, chồng đi mua rượu. Như chứng minh lời anh nói, thằng con lớn nhất ở ngôi nhà chúng tôi đến thăm gùi từ đâu về một ôm cỏ rất lớn rải vào chuồng cho bò và dê ăn. Mắt nó tỉnh bơ trước đám người ồn ào lốn nhốn trong sân nhà.

Tôi nhớ lại cũng những ngôi nhà Mông này 15 năm trước khi tôi đã ở đây suốt một mùa hè dạy học cho các em nhỏ. Một cảm giác rất gần với cái vị khô tơi tả bứ ở cổ của bát mèn mén (ngô xay mảnh nấu chín) với mùi rượu ngô và thịt mỡ luộc. Tôi thấy vẫn cái nhà ấy, vẫn những gương mặt ná ná nhau ấy, những đồ vật gần như không đổi thay. Có lẽ đời sống họ khá thật ở đâu đó mà mắt thường không thể thấy chăng? “Ừ, chả lẽ 15 năm không khác. Có lẽ có khá đấy mà chậm quá nên mình không nhìn ra”, người hướng dẫn viên trả lời.


Hãy làm sao để người Mông sống như đời sống của họ, kiểu mà khiến họ hài lòng, thoải mái. Sinh ra trong đá, chết đi lặn vào với đá cũng là hạnh phúc, hà cớ gì phải nhao ra mặt đường chụp hình bấm điện thoại như người miền xuôi? Sống thuần phác có cái hay của sự thuần khiết, chứ tất cả người dân tộc đều giống người Kinh thì cao nguyên đá còn thú vị ở chỗ nào?


Anh kể đã dẫn khách cả “Tây và ta” đi Hà Giang gần chục năm, nguyên tắc của anh là luôn can ngăn khách không cho các em nhỏ tiền, sữa hay kẹo bánh. Nếu muốn ủng hộ thì đến ủy ban xã, bộ đội biên phòng hay mua quần áo đem đến nhà tặng hẳn hoi. Vì sao, vì có lần khách cho kẹo bánh nhiều quá các em bỏ học ra đường đứng đợi và chạy theo ô tô để nhận quà. Cô giáo với bộ đội biên phòng rất vất vả để đưa từng em trở lại lớp. Mà ăn kẹo không đánh răng nên hỏng hết cả răng. Tôi nói anh đã làm đúng.

Hôm sau, tôi đón xe ôm lên đỉnh cột cờ Lũng Cú, chàng thanh niên chở tôi là nhân viên quản trị mạng ở bưu điện huyện, cuối tuần chạy xe ôm kiếm thêm tiền. Cậu là người Lô Lô, một dân tộc hiếm, cũng nhà trong xã này, cũng lớn lên nghèo như bao cô bé cậu bé ở đây. Cậu đã quyết đi học hết lớp 12 rồi đi học cao đẳng tin học về xin được việc làm văn phòng huyện Mèo Vạc. Cả xã có mấy người được như em? “Bằng tuổi em chỉ có mình em”, cậu trả lời. Thấy tôi ngưỡng mộ quá xá, cậu lại nói “thì không muốn trồng ngô, phải quyết tâm”.

Bạn tôi giải thích không phải ai cũng như cậu thanh niên Lô Lô kia đâu, rất hiếm có người dân tộc nào ở nơi một năm chỉ tắm vài lần thế này (vùng Đồng Văn, Mèo Vạc hiếm nguồn nước nên người dân rất ít khi tắm) chịu thay đổi thói quen nghìn đời. Rồi anh kể nhiều khách Tây trầm trồ ca ngợi nơi này sao mà đẹp thế, nhưng anh thấy càng đẹp càng nghèo. Núi non này, nguy nga này, hùng vỹ này là núi của người nghèo.

Trên đường về tôi cứ nghĩ mãi về cô bé con mặc cái áo len “người Kinh” cười hiền lành ôm bó hoa chụp hình với khách. Trong những đứa trẻ đó, mấy đứa sẽ thành cán bộ, biết chữ và bước ra giao lưu với thế giới rộng lớn hơn bản làng và sống khác đời cha mẹ nó? Con người ta, nhận thức phải vượt lên hoàn cảnh là một chuyện, nhưng bước được đôi chân ra khỏi vòng tròn níu bám đã lên rêu hay không là một chuyện khác. Ở đây là phải vượt khỏi những đỉnh núi cao mỏi mắt, đẹp lộng lẫy trong nắng sớm kia, bởi chỉ 5 giờ chiều thôi bóng tối lại quây quần, đặc quánh.

Văn minh hóa vùng cao là phong trào được hô hào cả mười mấy năm nay, nhưng thực tế, chuyện đổi đời để bớt gian nan, không lăn lại những vòng bánh xe cũ như đời trước vẫn chỉ là chuyện cá nhân của một vài người. Tôi không thất vọng vì người dân tộc không thể văn minh, tôi hơi buồn vì họ văn minh theo kiểu “mười nghìn”. Ta hãy làm sao để người Mông sống như đời sống của họ, kiểu mà khiến họ hài lòng, thoải mái. Sinh ra trong đá, chết đi lặn vào với đá cũng là hạnh phúc, hà cớ gì phải nhao ra mặt đường chụp hình bấm điện thoại như người miền xuôi? Sống thuần phác có cái hay của sự thuần khiết, chứ tất cả người dân tộc đều giống người Kinh thì cao nguyên đá còn thú vị ở chỗ nào?

Tôi mong khách du lịch đến đây, đừng chỉ nháo nhác chụp hình “check in” cho đủ bộ, cũng đừng vội vã giúi tiền, giúi bánh kẹo vào tay mấy đứa trẻ. Đừng vội tưởng những người dân tộc này cứ sống lẫn với thiên nhiên thế là khổ, cũng đừng vội nghĩ những người da trắng môi đỏ kia với dáng vẻ ăn ngon mặc đẹp lại không có nỗi nhọc nhằn hay trái núi nào đang trĩu nặng trên vai.

http://www.thesaigontimes.vn/162670/Nui-cua-nguoi-ngheo.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét