Thứ Hai, 3 tháng 4, 2017

Vì sao Trung Quốc chưa và sẽ không sụp đổ?

Vì sao Trung Quốc chưa và sẽ không sụp đổ?
Chiến lược sinh tồn của Đảng Cộng sản Trung Quốc
Lược dịch từ: Book Reviews: The Dictator’s Dilemma (Asia Sentinel).
Nguyễn Hoài An / 03 Apr 2017 - Năm 1993, có khoảng 8.700 cuộc biểu tình diễn ra trên khắp Trung Quốc. Năm 2015, con số này đã tăng lên hơn 200.000 cuộc. Những cuộc biểu tình thể hiện sự bất mãn của người dân Trung Quốc về đủ mọi vấn đề: vấn nạn tham nhũng, những vụ cưỡng chế thu hồi đất đai, các vụ vi phạm nhân quyền, thảm họa môi trường, quyền của các tộc người thiểu số, v.v…

Ảnh: Asia Sentinel.
Kể từ sau sự kiện Tiananmen (Thiên An Môn) năm 1989 đến nay, Trung Quốc đã bị đục khoét đến rỗng ruột. Theo ước tính, trong mười năm trở lại đây, các quan chức của đất nước này đã tuồn ra ngoài từ 1 nghìn tỉ đến 3 nghìn tỉ USD, trong số nhóm người đục khoét ấy phải kể đến người thân của ít nhất 5 cựu hoặc đương kim ủy viên Bộ Chính trị.

Nhưng Trung Quốc vẫn vững vàng đứng đó.

Trung Quốc không và sẽ không sụp đổ. Đó là kết luận được đưa ra trong cuốn sách hấp dẫn mới được Nhà xuất bản Đại học Oxford ra mắt đầu năm nay: The Dictator’s Dilemma: The Chinese Communist Party’s Strategy for Survival (Thế lưỡng nan của nhà độc tài: Chiến lược sinh tồn của Đảng Cộng sản Trung Quốc).

Tác giả cuốn sách, Bruce J. Dickson, là chủ nhiệm Khoa Khoa học Chính trị và là giám đốc Trung tâm Sigur Nghiên cứu châu Á tại trường Đại học George Washington.

Dickson đã thiết kế và tiến hành hai cuộc khảo sát trên khắp đất nước Trung Quốc, một vào năm 2010, một vào năm 2014 – hai năm trước và sau khi đội ngũ lãnh đạo Trung Quốc có thay đổi lớn với hiện tượng Xi Jinping (Tập Cận Bình). Như lời Dickson, hai cuộc khảo sát này đóng vai trò như những cú chớp “trước và sau” cho biết ý kiến, quan điểm của người dân Trung Quốc đối với kết quả hoạt động của giới lãnh đạo.

Người dân Trung Quốc, như Dickson viết, hoàn toàn ý thức được sự đàn áp, băng hoại và loạn chức năng của chế độ cầm quyền. Hàng triệu người trong số họ hàng ngày kéo lên Weibo và các phương tiện truyền thông xã hội khác than phiền về những bức xúc thường nhật đối với chính quyền. Như các con số thống kê của Viện Khoa học Trung Quốc cho thấy, công chúng cũng sẵn sàng đổ cả ngàn người xuống đường để biểu tình.

Thế nhưng, bất chấp những điều ấy, người dân Trung Quốc vẫn chọn gắn bó với chính quyền này.

Có thể thấy rõ qua cuốn sách của Dickson, Đảng Cộng sản là người làm chủ cuộc chơi. Họ khéo lèo lái sao cho các ưu tiên của họ luôn được cân bằng.

Mặc dù như thông tấn viên của tờ Financial Times Jamal Anderlini đã chỉ ra, hối lộ vẫn là “thủ tục thường ngày” ở Trung Quốc, song người dân Trung Quốc có lẽ lại ấn tượng hơn cả với sự mạnh tay của chính quyền trong chiến dịch “đả hổ”. Cho đến nay, chiến dịch cải tổ này của Xi Jinping đã bỏ tù 100.000 quan chức, trong đó có 120 quan chức cấp cao và 5 nhà lãnh đạo cấp nhà nước, vì hành vi tham nhũng.

Bên cạnh việc bỏ tù các quan chức tham nhũng, Xi Jinping cũng phát động một chiến dịch song song, mạnh tay không kém là bỏ tù các luật sư, nhân viên xã hội, nhà hoạt động xã hội. Như Anderlini chỉ ra, với những cuộc bố ráp vô tội vạ như thế, Trung Quốc đã quay lại thời kỳ chuyên chế, hàng chục năm chậm chạp nhích trên con đường tự do của đất nước này đã tan thành bong bóng. Tuy nhiên, nhiều người dân Trung Quốc lại ấn tượng hơn bởi thực tế chính quyền đã “tham khảo ý kiến của các chuyên gia, bên hữu quan và công chúng một cách có chọn lọc song rộng khắp,” chấp nhận và thậm chí là khuyến khích xã hội dân sự non trẻ trong nước.

Kết quả là, người dân Trung Quốc có thể muốn có thay đổi và mở cửa, song họ sẽ ưu ái thay đổi trong hệ thống hiện tại hơn. Dù ngặt nghèo, song hệ thống này được đa số người dân đánh giá là ngày càng trở nên dân chủ hơn.


Một bức tranh về Chủ tịch Xi Jinping tại Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Beijing. Ảnh: China News Service.

Đảng Cộng sản Trung Quốc lôi kéo sự ủng hộ của người dân bằng cảm thức tự hào dân tộc đối với những thành tựu kinh tế và các thành tựu khác của đất nước. Người ta cũng có thể cảm nhận có những thay đổi trong lòng hệ thống. Điều đó có thể thấy rõ với những ai đã tới thăm Trung Quốc trong vài chục năm trở lại đây. Đứng tại Beijing (Bắc Kinh) hay Shanghai (Thượng Hải), bạn sẽ thấy những thành phố hiện đại không kém bất kỳ thành phố nào trên thế giới với hệ thống giao thông đáng ngưỡng mộ.

Song thế lưỡng nan kinh điển đối với những nước như Trung Quốc là liệu những chiến thuật họ dùng để thu hút sự ủng hộ của người dân có quay lại phản họ? Họ đã cho người dân hưởng thụ một mức thu nhập cao cùng với hàng hóa vật chất dồi dào, nhưng mức sống cao hơn, rồi dân trí cao hơn cuối cùng có khiến người dân khao khát được sống trong một nền dân chủ đa đảng?

Đáng tiếc, câu trả lời có vẻ như là không.

Câu trả lời này dường như cũng tương tự ở những nước khác. Singapore là một ví dụ.

Là một trong những xã hội giàu có bậc nhất châu Á, với nền dân trí cao, song trong cuộc bầu cử năm 2015, người dân Singapore vẫn chọn trao 83 trên tổng số 89 ghế cho Đảng Nhân dân Hành động cầm quyền. Bởi thế, dù có một chế độ đại nghị dễ khiến người ta lầm tưởng là hệ thống đại nghị Westminster, song xét ra Singapore cũng chẳng dân chủ hơn Trung Quốc là bao.

Với câu trả lời ấy, cuốn sách của Dickson có thể làm nhiều người nản lòng. Sau khi xem xét tất cả các nhược điểm của hệ thống Trung Quốc, cuối cùng Dickson kết luận Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ vẫn yên vị. Nguyên nhân không chỉ là vì sự tăng trưởng GDP không ngừng nghỉ ở Trung Quốc đã giúp người dân thoát khỏi cảnh nghèo túng với một số lượng lớn chưa từng có. Dù có những biện pháp mạnh tay để đảm bảo quyền lực, song đảng này cũng kể thành công câu chuyện khơi dậy tinh thần dân tộc: Trung Quốc, ngay cả trong kỷ nguyên của Tập và các biện pháp kiểm soát ngặt nghèo, là đất nước của tương lai mà không cần đến nền dân chủ đa nguyên.

“Thách thức khi dự báo tương lai của Trung Quốc là sự tồn tại của những xu hướng đối ngược giữa phát triển và mục ruỗng, thích nghi và tiêu mòn, cải tổ và thoái triển,” Dickson kết luận. “Là người quan sát, chúng ta cần có khả năng duy trì cùng lúc nhiều ý tưởng, đặc biệt là khi những ý tưởng ấy đối nghịch nhau hơn là bổ sung cho nhau”.

Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc thường niên của Trung Quốc vừa kết thúc phiên họp 12 ngày với mục đích chủ yếu là để tán dương sự lãnh đạo của đảng bất kể những thiếu sót của đất nước, và những thiếu sót ấy là không nhỏ. Nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu chậm lại, tổng nợ công đã chiếm đến 17% tổng sản phẩm quốc gia, các cuộc nổi dậy nổ ra ở Xinjiang (Tân Cương), nhiều người bị bỏ tù vì những lý do mà các nước tự do phản đối.

Thế nhưng, trong cuộc bỏ phiếu chớp nhoáng ấy, 98% đại biểu tán thành báo cáo của Thủ tướng Li Keqiang (Lý Khắc Cường). Phần lớn 1,35 tỉ người của đất nước này cũng sẽ cùng chung ý kiến. Dickson, với cuốn sách rất đáng để suy nghĩ này, có vẻ như đã bắt đúng tinh thần thời đại. Và The Dictator’s Dilemma xứng đáng là một cuốn sách có trên giá sách của bất kỳ học giả nào nghiên cứu về Trung Quốc.

http://luatkhoa.org/2017/04/diem-sach-chien-luoc-sinh-ton-cua-dang-cong-san-trung-quoc/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét