Thứ Ba, 11 tháng 4, 2017

Mỹ mang ghế G7 dụ hoặc Nga bỏ Assad?

Mỹ mang ghế G7 dụ hoặc Nga bỏ Assad?
Theo truyền thông Anh, rất có thể phương Tây sẽ áp dụng sách lược “Cây gậy và củ cà rốt” với Nga, trong vấn đề tương lai của ông Assad. Mâu thuẫn chính trị giữa Nga và phương Tây ngày càng thì ngày càng trở nên gay gắt, thậm chí có thể nói là “không thể điều hòa”. Nhìn tư thế của Nga hiện nay thì kể cả được mời trở lại, tư cách thành viên của họ trong nhóm G8 thật vô nghĩa. Rất khó để phương Tây sử dụng được coi bài G8 để lung lạc được Moscow, còn hăm dọa, trừng phạt, cấm vận thì từ 3 năm nay Nga đã quá quen và đang từng bước vượt qua cái vòng kim cô của phương Tây. Do đó, chắc chắn là cả “cây gậy” lẫn “củ cà rốt” mà ông Tillerson, nếu có, đưa ra sẽ không mảy may tác động được đến ông Putin.

16 năm qua, Nga chưa bao giờ thực sự là một phần của G8
Phương Tây áp dụng “cây gậy và củ cá rốt” với Nga
Nga đổi Assad lấy vị trí thành viên G7? Đó là tin đưa trên tờ báo Anh The Daily Telegraph khi nói về việc phương Tây có thể ra điều kiện với Nga về vấn đề “đi hay ở” của Tổng thống Syria Bashar al-Assad - một mục tiêu nhất quán từ hàng chục năm nay của họ.

"Với trường hợp của Nga, thông thường tối hậu thư không có tác dụng" - nguồn tin bình luận, do đó cần áp dụng cả những biện pháp mềm dẻo và những mối lợi lớn để Nga chấp thuận.

Tờ báo Anh bình luận rằng, triển vọng cho phép Nga trở lại G7 có khả năng sẽ được sử dụng như một bộ phận của chiến lược "cây gậy và củ cà rốt” trong cuộc đàm phán với Moscow, liên quan đến sự hỗ trợ mà nước này dành cho chính quyền của ông Assad.

Tờ báo Anh cho biết rằng, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson sẽ có chuyến thăm Moscow trong tuần này. Rất có khả năng ông Tillerson ​​sẽ đưa "tối hậu thư" cho Tổng thống Vladimir Putin, đòi hỏi Nga chấm dứt sự hỗ trợ đối với chính quyền Syria. Nếu ông Putin đồng ý thì Nga sẽ có “quà”, còn trong trường hợp ngược lại, Washington và Brussels sẽ áp đặt biện pháp trừng phạt mới đối với Moscow.

Phương Tây hy vọng rằng, vị ngoại trưởng Mỹ vốn có quan hệ khá tốt với ông Putin sẽ thuyết phục được nhà lãnh đạo Nga.

Tờ báo Anh nhận định, cùng với sự đe dọa, giới ngoại giao phương Tây cũng đang xem xét khả năng mời ông Putin một chỗ ngồi sau bàn của "G7" - vị trí mà ông đã mất sau khi sáp nhập Crimea vào lãnh thổ của Nga - như một phần thưởng cho sự đồng ý của Tổng thống Nga.


Nguồn tin của The Daily Telegraph trong chính giới Anh cho rằng, nhà lãnh đạo Nga "đang mong muốn một cách tuyệt vọng để được trở lại ngồi cùng bàn với Pháp, Đức, Italia, Nhật, Anh, Hoa Kỳ và Canada, - nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới.

Các nhà ngoại giao Anh và Mỹ nhận định, dù sao Putin cũng đang cần “một chiến lược rút lui khỏi cuộc khủng hoảng Syria, mà vẫn giữ được thể diện”, do đó, cần phải đưa ra những điều kiện hấp dẫn mà không để Nga mất mặt thì cơ hội thành công sẽ cao hơn.

Ngoài ra, trong chính giới Anh cũng cho rằng, bất kể những tuyên bố gay gắt của Nga, Tổng thống Nga vẫn sẽ kính trọng Tổng thống Mỹ Donald Trump bởi ông đã trở thành thủ lĩnh thế giới đầu tiên sẵn sàng đối địch với Putin ở Syria.

Tuy nhiên, từ trước đến nay Nga đã nhiều lần bày tỏ thái độ không cần thiết phải quay trở lại G8 bởi Moscow cho rằng, G7 không phải là một tổ chức quốc tế, có quyền kết nạp hay khai trừ các thành viên. Do đó, chẳng ai có quyền ra điều kiện cho Nga để được gia nhập nhóm.

Nga không thiết tha với G8

Ngay từ khi sáp nhập Crimea vào lãnh thổ Liên bang, Tổng thống Nga Vladimir Putin luôn giữ vững quan điểm là ông sẽ không hề tiếc nuối việc các đối tác G7 trừng phạt Nga về vấn đề Ukraine, bằng cách loại Nga ra khỏi nhóm 8 nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Nhà lãnh đạo nước Nga cho biết, ông không hề có chút tiếc nuối nào về việc G-8 loại Moscow, Tổng thống Nga đã không thèm đếm xỉa đến ý kiến của các nước phương Tây về vấn đề bán đảo Crimea và nội chiến ở Donbass-miền Đông Ukraine, cũng như vấn đề Syria.

Vào thời điểm kết nạp Nga vào G8 năm 1998, về hình thức, G7 đã công nhận Nga là một nước công nghiệp hóa, là cùng “giá trị quan”, nhưng trên thực tế, không chỉ giới chính khách phương Tây mà ngay cả các quan chức Moscow cũng đã thừa nhận rằng, việc nước này có chân trong G8 chỉ là một “cuộc hôn nhân cưỡng ép” về chính trị.

Cựu tổng thống Pháp Sarkozy đã từng chỉ ra, đánh giá về trình độ kinh tế, Moscow không thể đại diện một nước công nghiệp hóa có trình độ cao, do đó, Nga không thích hợp cho một vị trí trong G8.

Vào thời điểm đó, Nga đang trải qua thời kỳ kinh tế trì trệ sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, thực lực kinh tế không chỉ kém rất xa so với nhóm G7, về lĩnh vực kinh tế toàn cầu, tính đại diện của Nga còn kém cả Trung Quốc, Ấn Độ thậm chí là cả Hàn Quốc.

Về quan điểm giá trị quan và lợi ích địa - chính trị, giữa Nga và G7 có sự khác biệt một trời một vực, thậm chí là mâu thuẫn gay gắt trong một số vấn đề cùng quan tâm, ví dụ như Ukraine, Syria, Iran hay Triều Tiên.

Có thể nói, G7 và Nga tuyệt không có tiếng nói chung, nên ngay từ đầu G8 đã là một “cuộc hôn nhân cưỡng ép”, do Washington và EU ngay từ đầu đã mượn cớ “thống nhất hành động” và “dân chủ hóa” để nhốt “gấu” vào trong “cái lồng vàng G8” để Moscow khỏi vượt tầm kiểm soát.


Nga sẽ không chấp nhận tái hợp “cuộc hôn nhân gượng ép” với G7

Còn Nga lúc đầu rất hồ hởi khi khoác tấm áo “nước công nghiệp hàng đầu”, Nhưng sau khi lên nắm quyền, ông Putin cho rằng “một âm mưu lớn nhằm kiềm chế Nga” đang được triển khai. Nhà lãnh đạo Nga không còn nhấn mạnh sự hòa hợp với phương Tây, mà chủ yếu đề cao chủ nghĩa dân tộc.

Do đó, trong suốt “cuộc hôn nhân 16 năm”, bất luận là về địa-chính trị, hình thái ý thức hay là các tiêu chí kinh tế của G8, thì Nga vẫn là kẻ bên lề hay nói trắng ra là “kẻ chầu rìa”, G8 vẫn chỉ là G7+1.

Hiện nay, cơ cấu kinh tế của Nga vẫn chưa có sự điều chỉnh hợp lý, phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt, lợi nhuận từ công nghiệp khai thác dầu mỏ vẫn lấn át các ngành công nghiệp khác.

Trong khi đó, mâu thuẫn chính trị giữa Nga và phương Tây ngày càng thì ngày càng trở nên gay gắt, thậm chí có thể nói là “không thể điều hòa”. Nhìn tư thế của Nga hiện nay thì kể cả được mời trở lại, tư cách thành viên của họ trong nhóm G8 thật vô nghĩa.

Do đó, rất khó để phương Tây sử dụng được coi bài G8 để lung lạc được Moscow, còn hăm dọa, trừng phạt, cấm vận thì từ 3 năm nay Nga đã quá quen và đang từng bước vượt qua cái vòng kim cô của phương Tây. Do đó, chắc chắn là cả “cây gậy” lẫn “củ cà rốt” mà ông Tillerson, nếu có, đưa ra sẽ không mảy may tác động được đến ông Putin.

Thiên Nam
http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/my-mang-ghe-g7-du-hoac-nga-bo-assad-3332980/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét