Thứ Hai, 6 tháng 3, 2017

Toàn văn phát biểu của ông Nguyễn Đức Chung

Toàn văn bài phát biểu dậy sóng của ông Nguyễn Đức Chung
Giao Thông 05/03/2017 Hôm 4/3/2017, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, đã có bài phát biểu dậy song khi thẳng thắn nêu rõ hiện tượng công an đứng sau quán bia vỉa hè, người nhà cán bộ đứng sau bãi giữ xe tại Hội nghị Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng lòng đường, hè phố. Tại đây, ông đã có những chỉ đạo mạnh mẽ nhằm lập lại trật tự đô thị, lấy lại vỉa hè cho người đi bộ, lòng đường cho người tham gia giao thông. Dưới đây là toàn văn bài phát biểu của ông:
"Tôi xin nêu ngắn gọn lại bốn việc:
Phần thứ nhất là tất cả việc liên quan đến lấn chiếm vỉa hè, lấn chiếm trong ngõ để bán hàng, trông giữ ô tô, xe máy.
Thứ hai là liên quan đến bán hàng rong.


Thứ ba là quảng cáo, rao vặt dán khắp trên các tường, cột, có địa chỉ. Có lần tôi về ngay cổng nhà tôi, người ta cũng dán quảng cáo khoan bê tông. Tôi lấy máy gọi đến, tôi bảo: “Nhà tôi muốn khoan bê tông, gọi thêm người đến để khoan cho tôi”. Lúc sau tôi gọi thêm cả trưởng công an phường ra, thế là từ đấy bặt cả cái ngõ. Thế thì có nghĩa là chúng ta làm được chứ không phải không làm được.

Thực tế là những năm 2013-2014-2015 chúng ta đã làm rất tốt, và hình ảnh Công an TP đã trang bị hơn 140 xe 750kg, sau đó chúng ta chuyển đổi hình thức sang xe đạp, đã được người dân rất ca ngợi, rất gần dân.

Thế nên lúc nãy đồng chí Đình (ông Nguyễn Xuân Đình, Trưởng phòng Cảnh sát trật tự, Công an TP.Hà Nội - PV) có nêu: Có thu bàn ghế không, có giằng xé không? Các đồng chí thấy báo chí một thời đã nêu hình ảnh rất phản cảm, cái anh cảnh sát mà lại giằng xé cái rổ bán hoa quả của người dân, thế rồi các đồng chí thu mấy cái biển, thu mấy cái bàn ghế nhựa về công an các phường... Có chế tài thanh lý đâu! Đi phường nào cũng vứt ngổn ngang cả, sau đó tôi với cương vị Giám đốc tôi đã yêu cầu chấm dứt cái việc thu đó.

Ở đây tôi nói các đồng chí là chúng ta có cách làm, mà thực ra chúng ta đã làm nhưng chúng ta không kiên trì. Và thực sự có những đồng chí lãnh đạo không quan tâm, nó mới dẫn tới tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”, lúc làm lúc không như thế này. Tại sao bây giờ có quận người ta vẫn làm tốt, tại sao có quận chúng ta không làm? Bởi vì chính người đứng đầu không quan tâm, tôi phải nói rõ...

Và đồng chí Bí thư cũng nhắc tôi hôm nay phải nhấn mạnh điểm này, còn nếu như tất cả các đồng chí là người đứng đầu, là chủ tịch UBND các phường xã, là giám đốc các sở, trưởng công an các phường, quận mà các đồng chí thực hiện theo đúng nhiệm vụ chức năng của mình thì chúng ta hoàn toàn có thể làm tốt được. Chúng ta làm tốt được các đồng chí ạ!

Trước tiên tôi phải nhấn mạnh với các đồng chí đó là lần này chúng ta làm, thế còn cách làm thì tôi đề nghị thế này: Nhìn chung Hà Nội phải có một cách làm (riêng), không thể ra quân rầm rộ. Cái vấn đề là chúng ta làm thế nào cho bền vững, để người dân không tái lấn chiếm, mọi người phải tâm phục khẩu phục, mọi người phải thấy mình phải có ý thức với thủ đô, phải có ý thức với việc không vứt rác, phải có ý thức không lấn chiếm vỉa hè... để cho Thủ đô đẹp đẽ. Các đồng chí làm làm sao để cho mục tiêu phải đạt được đến như vậy.
Chứ còn nếu ra quân phá dỡ xong rồi đi khỏi thì người ta lại bán hàng. Tôi xin báo cáo với các đồng chí, xin lỗi anh Khương có lẽ về các anh không điều tra, chứ tôi làm Giám đốc (Giám đốc Công an TP.Hà Nội - PV), tôi thống kê hơn 180 quán bia vỉa hè thì có trên 150 quán bia có ông công an đứng sau. Cho nên tất cả các ông công an mà bỏ, mà thôi, quán triệt về là tôi nói trật tự hết.

Hoặc là có ông liên quan đến ở phường. Nay là tôi nói thế có đồng chí bí thư, có các đồng chí chủ tịch ở đây có dám cam đoan với tôi là các điểm trông giữ xe ở phường (không) có người nhà, có bãi đỗ xe của các ông bí thư, chủ tịch không? Có đấy các đồng chí ạ, tôi xin nói với các đồng chí là có cả! Thế bây giờ các đồng chí phải là người quán triệt, phải là người về giáo dục, bảo người nhà (mình) thôi, chấm dứt là nó đã đỡ đi rồi.

Tôi xin nói rõ, hôm nay tôi phải nêu rõ với các đồng chí là thực tế. Còn nếu lần này không làm, tôi sẽ có trách nhiệm chỉ đích danh từng chỗ một: Chỗ nào của đồng chí bí thư quận nào, chỗ nào đồng chí chủ tịch quận nào, chỗ nào đồng chí trưởng phường, chỗ nào đồng chí sở nào, kể cả lãnh đạo sở, người nhà cũng có.

Hôm nay tôi nói có các đồng chí ở đây, có anh Thành Trưởng Công an quận Nam Từ Liêm ở đây không? Các điểm, bãi đỗ xe xung quanh Bến xe Mỹ Đình có những ai? Người nhà nhà ai ở đấy? Quê ở đâu? Các đồng chí cứ lôi lên xem có phải quê Bắc Ninh không? Thế thì ai là người quê ở Bắc Ninh thì các đồng chí cứ tra ngược ra. Tôi không tiện nói ở đây nhưng xin nói như vậy. Cho nên các đồng chí cần nắm rõ công tác điều tra cơ bản, nắm rõ rồi thì mới có phương pháp đúng được.

Tôi đề nghị các đồng chí lần này làm phải cương quyết, phải bền vững. Hà Nội tôi xin nói là không ồn ào, các đồng chí cứ ồn ào, cứ ra quân nghe có vẻ, xuống không khéo lại làm ùn tắc thêm đường.

Thứ nhất các đồng chí phải quán triệt là không ồn ào.

Thứ hai là phải kiên trì.

Thứ ba là các đồng chí đi đúng ba bước.

Bước thứ nhất, tuyên truyền nhắc nhở đến từng gia đình một. Cái này chúng ta đã thực hiện sau khi có Chỉ thị 14 ngày 12/12, gần như tôi thấy các phường xã nào cũng làm rất là tốt. Bây giờ chúng ta phải làm lại, chủ tịch UBND xã, phường phải chịu trách nhiệm thành lập các tổ. Các tổ này có thành phần là công an phường làm nòng cốt, tổ trưởng dân phố và dân phòng. Từng tổ 2-3 người đến từng gia đình một.

Đến một phường không nhiều đâu, chỉ có mặt đường thôi chứ trong ngõ, trong nhà không ai bán hàng đâu. Đến từng nhà, đầu tiên là tuyên truyền thuyết phục.

Tôi đề nghị các đồng chí chủ tịch UBND phường nên có một cái thư ngỏ. Trong đó nêu rõ là thực hiện theo chủ trương của TP, quận về việc yêu cầu các gia đình, hộ kinh doanh ở mặt đường, mặt ngõ không lấn chiếm vỉa hè để bán hàng, kinh doanh, trông giữ xe đạp xe máy... Đề nghị ông/bà chấp hành...

Bước đầu ra một thông điệp gửi đến từng nhà. Các đồng chí chịu khó đi từng nhà. Cái này tôi đề nghị đồng chí Giám đốc Công an TP giao trách nhiệm cho trưởng công an phường, có hai lực lượng làm nòng cốt, một là cảnh sát trật tự, hai là cảnh sát khu vực phải vào cuộc.

Có 1.700 cảnh sát khu vực, mà mỗi đồng chí phụ trách 250 hộ, mà có phải 250 hộ này có phải hộ nào cũng mặt đường đâu, cùng lắm một phần tư là mặt đường. Mặt đường thì cùng lắm 10-15 ngày là các đồng chí đi được tất cả các mặt đường rồi. Hay các huyện thì chỉ có mấy thị xã, trung tâm thị trấn mới có bán hàng thôi, có phải đường nào cũng bán hàng đâu?

Cho nên tôi đề nghị bước một làm như vậy. Các đồng chí ra yêu cầu, ra thông điệp cho họ trong bao nhiêu ngày phải tháo dỡ, trong quá trình bán hàng là không được bầy (ra vỉa hè).

Bước hai là kiểm tra xem họ có thực hiện không. Chúng ta làm có tình có lý. Bước hai là các đồng chí đi kiểm tra, nhắc nhở.

Hết bước hai rồi thì đến bước ba, bắt đầu cưỡng chế và phạt. Lúc đó thì người vi phạm không kêu vào đâu được.

Chúng ta cứ làm đúng trình tự theo ba bước như vậy. Làm không ồn ào, làm kiên trì, bài bản trên tinh thần các bước tôi đã đề nghị.

14 đối tượng, 14 việc

Còn bây giờ đối tượng nào là chính? Tôi đề nghị các đồng chí chỉ cần làm được 14 loại đối tượng này. Trước kia lúc làm Giám đốc Công an TP, tôi đã thống kê được 8, nhưng giờ các đồng chí làm 14 đối tượng này thì tôi tin rằng Hà Nội sẽ sạch đẹp.

Thứ nhất là tất cả các cửa hàng bán hàng ăn: Cơm, lẩu, hải sản... Chiều đến là các quận, các giờ khác nhau “bật đèn xanh” cho người bán. Chúng ta phải nhất quán. Có nhiều nhà kinh tế trước đây từng lên tiếng về vấn đề liên quan đến giải quyết công ăn việc làm, nghèo... Tôi xin thưa rằng nếu để ùn tắc giao thông, nếu TP nhếch nhác, bẩn thỉu, vệ sinh môi trường thế này... thì quan trọng, lớn hơn cả là chúng ta mất đi văn hóa của một TP văn minh, thì chúng ta không bao giờ xây lại được. Cái đó mới là cái mất lớn!

Các đồng chí cứ tính xem mỗi ngày 1 triệu người đi làm, mỗi người tắc 30 phút, cứ nhân theo kiểu nhân công chia theo tuần của các nước thì tốn bao tiền?

Chúng ta phải nhất quán rằng không thể vì mấy hộ, vì mấy người bán hàng rong từ các tỉnh, từ ngoại thành vào đây mà để Thủ đô nhếch nhác, đường phố bẩn thỉu thế này được. Không thể vì một vài người được.

Thứ hai là các hàng bán hoa. Các đồng chí cứ để ý xem các nơi bán hàng hoa, họ cứ bầy hết ra ngoài. Họ phải bầy tất cả trong khi chỉ giới của cửa hàng, cửa ở đâu thì chỉ được bày từ đó trở vào.

Thứ ba là hàng bán hoa quả.

Thứ tư là hàng bán điện máy, các đồng chí thấy là nào là tủ lạnh, quạt điện...

Thứ năm là bán chè chén, trà chanh các loại.

Thứ sáu là sửa chữa xe đạp xe máy. Các đồng chí thấy là bầy hết ra lòng đường, vỉa hè, dầu mỡ bẩn thỉu hết ra.

Thứ bảy là đồ da, đồ thời trang. Bán đồ da thì các đồng chí thấy ở Hoàn Kiếm, Hàng Dầu... treo hết ra cửa. Bán đồ thời trang thì ma-nơ-canh cũng bày hết ra vỉa hè.

Thứ tám là đồ thể thao, khung ảnh. Các đồng chí đi dọc Nguyễn Thái Học, các đồng chí thấy bán đồ thể thao, khung ảnh bầy hết cả ra ngoài. Nhà anh đến đâu thì anh chỉ làm đến đó thôi!

Thứ chín là trông giữ xe đạp xe máy trái phép

Thứ mười là bán hàng rong: hoa quả, rau, thực phẩm...

Mười một là liên quan đến một bộ phận người bán hàng ngô, khoai, sắn luộc vào buổi tối.

Mười hai là vứt rác ra đường. Các hộ dân phải vứt rác đúng giờ, sắp tới có các công ty đấu thầu rồi, có các thùng rác rồi thì phải cho rác vào thùng.

Mười ba là đeo bám khách du lịch.

Mười bốn là giả danh xe buýt, xe thương binh, xe 3 bánh, xe quá tải, quá khổ...

Làm được 14 việc này thì tôi tin là thành phố phong quang hết!

Còn về vấn đề trách nhiệm, đồng chí Bí thư cũng nêu với tôi là: Chủ tịch UBND, phường, trưởng công an các quận, phường phải chịu trách nhiệm chính liên quan đến 14 công việc nêu trên.

"Nhấc" một vài đồng chi đi!

Năm nay là năm kỷ cương hành chính, nếu các đồng chí không tổ chức triển khai một cách nghiêm túc, nếu không có hiệu quả, không kiên trì để tái chiếm... thì các đoàn kiểm tra về mặt công vụ của TP mà kiểm tra đến lần thứ ba là phải xem xét vấn đề trách nhiệm...

Và tôi xin nói thẳng thắn là lần này TP cũng sẽ phải xem xét “nhấc” một vài đồng chí đi!

Hôm nay tôi cũng xin nói về công an thì đồng chí Bộ trưởng Tô Lâm cũng có Chỉ thị 120 rất rõ rồi. Trưởng Công an phường tham gia cấp ủy, chúng tôi với góc độ ngành dọc hoàn toàn có thể cách chức về mặt Đảng để phải chuyển, chứ không phải chờ ý kiến anh Khương. Lần này TP sẽ làm rất nghiêm túc.

Vấn đề thứ tư liên quan đến một số vấn đề cụ thể. Sau các bước làm, có thể người ta vi phạm lần thứ nhất, lần thứ hai nhưng đến lần thứ ba thì lực lượng quản lý thị trường phải vào cuộc, nếu ba lần vi phạm thì lực lượng quản lý thị trường phải thu giấy phép kinh doanh.

Lần này chúng ta phải nói ra những thông điệp rất rõ ràng, mạnh mẽ như thế, bất kể hàng đó bán hàng gì, và phải yêu cầu đóng cửa hàng. Khi nào các anh cam đoan, khi nào khắc phục thì cho bán hàng lại.

Chúng ta thực hiện đúng: Tuyên truyền, nhắc nhở, sau đó để họ tự phá dỡ, tự nhận thức. Nếu để họ tự giác, tự làm thì mới bền vững được, không thì các đồng chí đi cái là đằng sau lại như đám bèo, lại trôi thôi..."

***Tít phụ trong bài phát biểu do Báo Giao thông đặt

Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội


Xem thêm Video: Phát biểu" dậy sóng" của ông Nguyễn Đức Chung về đòi lại vỉa hè

H. Nam
http://www.baomoi.com/toan-van-bai-phat-bieu-day-song-cua-ong-nguyen-duc-chung/c/21688433.epi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét