Chủ Nhật, 26 tháng 3, 2017

(2) Lái lợn vùng biên: Ám ảnh tử thần

Tôi đi làm… lái lợn
Kỳ cuối: Ám ảnh tử thần
TP - Đội ngũ lái lợn dọc biên giới vẫn truyền tai nhau vụ lật xe chở lợn xuống vực sâu khiến một người tử vong khi vào bản Thin Phong (Quang Hán, Trà Lĩnh, Cao Bằng) cuối năm 2016. Để người dân không phải đối mặt vực sâu, núi thẳm chở lợn theo đường tiểu ngạch vượt biên, bộ đội biên phòng cùng chính quyền địa phương tuyên truyền, hỗ trợ người dân thành lập tổ bốc vác hàng hóa tại cửa khẩu.
Vụ lật xe chở lợn khiến chị Mã Thị D. tử vong
 tại huyện Ngân Sơn (Cao Bằng). Ảnh: A.Quỳnh.
“Cần câu cơm” nơi biên giới
Vào năm 2016, khi người dân đang dùng ngựa thồ lợn, gạo qua biên giới bị cơ quan chức năng Trung Quốc bắt giữ, cả huyện Trà Lĩnh có tới gần 40 con ngựa bị bắt. Ngựa thồ ở vùng cao như con trâu là đầu cơ nghiệp vùng xuôi giúp gùi các loại nông sản người dân làm ra như ngô, rau xuống chợ bán, nay bị bắt, người dân rơi cảnh mất “cần câu cơm”.

Chúng tôi đến thăm gia đình anh Triệu Văn Hòa (xã Quang Hán) một trong những gia đình bị phía Trung Quốc thu giữ ngựa. Nhà anh Hán có 4 con nhỏ. Hai vợ chồng vỏn vẹn hai sào đất nương cấy được 1 vụ lúa và 1 vụ ngô. Ngôi nhà sàn rộng chừng 40 mét vuông không có gì giá trị. Ngồi trên sàn nhà, mùi xú uế xộc thẳng vào mũi, ruồi nhặng bay quanh bếp nấu.

“Lúa, ngô thu hoạch ở nương về cho cả gia đình ăn dần. Mùa giáp hạt, hôm nào tôi đi thồ hàng được vài chục nghìn còn có tiền mua gạo. Tôi vay mượn khắp nơi mới đủ tiền mua ngựa. Lúc ngựa bị bắt, cả nhà lo phát ốm, vừa không đi làm có tiền đong gạo, vừa không biết lấy tiền đâu trả nợ”, anh Hòa chia sẻ.

Theo Chủ tịch UBND xã Quang Hán Hoàng Văn Dương, những gia đình bị bắt ngựa đa số có hoàn cảnh khó khăn. Ngựa là phương tiện đi lại, giúp người dân trong công việc hàng ngày. Thậm chí nhiều hộ dân khó khăn phải đi vay tiền ngân hàng mua ngựa chăn nuôi và theo hàng xóm thồ nông sản vì sinh kế qua đường biên thì bị bắt. “Mỗi con ngựa giá rẻ nhất cũng 20 triệu. Nhiều nhà bị bắt ngựa mà khoản vay ngân hàng còn đó, mất kế sinh nhai, họ bơ vơ lắm”, ông Dương cho biết.

Theo ông Dương, dù biết thồ hàng qua biên giới là vi phạm các quy định về biên giới lãnh thổ nhưng chính quyền xã chủ yếu tuyên truyền người dân là chính, chứ không thể áp dụng biện pháp xử lý mạnh. Trước kia, khi chưa có công việc thồ hàng, cuộc sống quá khó khăn, nhiều gia đình ở xóm giáp biên hoặc bỏ xứ đi nơi khác kiếm sống, hoặc bị đối tượng xấu lừa sang Trung Quốc làm lao động bất hợp pháp, bị bóc lột sức lao động, thậm chí bị bắt giam, đi tù.

Sau khi xảy ra vụ việc ngựa của dân nghèo bị thu, giữ, Đồn biên phòng Trà Lĩnh đã hội đàm trao đổi với lực lượng chức năng Trung Quốc và đề nghị phía bạn trả lại ngựa cho bà con. “Trường hợp phát hiện người dân vi phạm, bên cạnh nhắc nhở, giáo dục, đồn biên phòng vẫn xử phạt theo quy định pháp luật nếu tái phạm”, một lãnh đạo Đồn biên phòng Trà Lĩnh cho biết.

Vực sâu trên đường vào bản Thin Phong, nơi xảy ra vụ lật xe tải chở lợn khiến anh Nguyễn Văn Hoàng (30 tuổi) tử vong trong cabin. Ảnh: Q.N

Bỏ mạng dưới vực sâu

Ngoài nguy cơ bị cơ quan chức năng Trung Quốc bắt giữ, thương lái lợn phải đối mặt với hiểm nguy trên những cung đường hiểm trở. Ngồi trong căn nhà ở thị trấn Hùng Quốc (Trà Lĩnh, Cao Bằng), bà Long Thị Vui vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại giây phút thoát chết trong gang tấc. Cuối năm 2016, xe tải của gia đình bà chở 190 con lợn ngược vào lối mòn ở bản Thin Phong (xã Quang Hán, Trà Lĩnh) xuất lợn. Vào đến nơi, đúng ngày Trung Quốc cấm đường, xe lợn ngược trở ra. Gia đình có việc gấp, bà Vui mượn xe máy về trước. Khi bà rời đi chừng vài phút, bỗng nghe tiếng rầm, tiếp sau đó tiếng lợn kêu ầm ĩ.

“Linh tính chuyện chẳng lành, tôi quay trở lại, cả xe lợn nằm dưới vực sâu chừng 30m. Vội vàng gọi người ứng cứu nhưng cả lái và phụ xe kẹt cứng trong cabin, nhà tôi tìm thuê người, thuê máy cẩu mới đưa được các cháu ra ngoài”, bà Vui quay đi gạt nước mắt kể về cái chết kinh hoàng người thân trên đường chở lợn.

Trong chuyến đi định mệnh ấy, anh Nguyễn Văn Hoàng (30 tuổi), người từ Bắc Giang lái xe tải chở lợn mắc kẹt trong cabin phải bỏ mạng nơi đáy vực. Phụ xe may mắn bị thương và kịp thời đi viện cứu chữa. Vừa cấp tập cứu người, bà Vui phải thuê dân bản lùa những con lợn còn sống đem đi bán, mong vớt vát được chút tiền vốn. Số lợn chết tại chỗ, bà thuê người gom lại rồi thuê cần cẩu suốt 2 ngày trời ròng rã mới kéo hết lợn chết và xe tải khỏi vực.

“Giờ mỗi lần nghĩ lại chuyến xe ấy tôi lại rùng mình. Thương nhất đứa cháu chưa vợ con thiệt mạng, để lại bố mẹ già ở quê. Công việc này đành chấp nhận, dù đêm khuya, trời mưa, đường trơn trượt nhưng vì sinh kế nó vận vào người không cố gắng vượt qua nguy hiểm thì không xuất bán được lợn”, bà Vui ngậm ngùi.

Gia đình bà Vui chỉ là một trong nhiều nạn nhân các vụ tai nạn thương tâm của giới thương lái lợn thịt xuất bán dọc biên giới. Xe chở lợn có trọng tải lớn, cồng kềnh trong khi đường đèo dốc hiểm trở. Đội quân thương lái vẫn truyền tai nhau về bi kịch xảy ra với gia đình anh Thân Văn H. (26 tuổi, Phú Bình, Thái Nguyên). Vào cuối tháng 4/2016, hai vợ chồng anh thuê xe tải của người quen ở Yên Thế (Bắc Giang) chở lợn lên Cao Bằng xuất bán. Đang trên quốc lộ 3, thuộc thôn Pù Cà, xã Lãng Ngân (Ngân Sơn, Bắc Kạn) xe mất lái lật ngang ra đường. Vợ anh H. là Mã Thị D. (22 tuổi) tử vong trên cabin.

“Hai vợ chồng nó vừa cưới được 2 năm, vay mượn ngân hàng để có tiền đi buôn. Vừa đi được vài chuyến thì xảy ra tai nạn. Vợ chết để lại đứa con hơn 1 tuổi khiến thằng H. như người mất hồn. Một mình vừa chăm con nhỏ vừa lo trả khối nợ khổng lồ”, lái xe Nguyễn Văn Hải, một người bạn trong hội lái xe chở lợn kể lại.

Người dân thành lập tổ bốc xếp hàng hóa ở cửa khẩu. Ảnh: Q.N.

Hợp tác xã bốc vác vùng biên

Để người dân bớt rủi ro khi bốc vác vùng biên, Đồn biên phòng Trà Lĩnh phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn người dân các thôn bản sát biên giới thành lập tổ bốc vác hàng hóa. Sáng ngày 1/3, chúng tôi có mặt tại bãi đỗ xe cửa khẩu Trà Lĩnh. Từng tốp phụ nữ, thanh niên vây quanh đống lửa sưởi ấm.

Chị Nguyễn Thị Thái - một trong những thành viên của tổ bốc vác cho biết, mỗi tổ khoảng 12 người thay nhau bốc vác hết hàng trong mỗi container. Lần lượt các tổ luân phiên nhau làm việc. Trong lúc chờ có xe hàng mới, các chị quây quần bên bếp lửa ấm, chuyện như ngô rang.

Theo đại úy Vũ Minh Chiến, Phó Đồn trưởng nghiệp vụ, kiêm Trạm trưởng Biên phòng cửa khẩu Trà Lĩnh, tại cửa khẩu có 4 tổ bốc vác hàng hóa với khoảng 120 thành viên, là người dân các xã giáp biên. Trong đó, bản Mía và bản Nà Đoỏng (thị trấn Hùng Quốc, Trà Lĩnh, Cao Bằng) có số lượng đông nhất. Mỗi gia đình có một thành viên tham gia tổ bốc vác. Khi nhiều việc, sẽ huy động thêm.

Chi phí bốc xếp tùy thuộc vào từng loại hàng khác nhau, như tiền công bốc thuốc lá 5.000 đồng/kiện hàng; 1 tấn gạo khoảng 500.000 đồng. Trung bình mỗi tháng cửa khẩu xuất khoảng 2.000 tấn gạo. Để đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ người dân trong các tổ bốc xếp hàng, Trạm biên phòng cửa khẩu Trà Lĩnh cử người túc trực cả ngày lẫn đêm hỗ trợ người dân nếu gặp khó khăn. Đồng thời quản lý chặt chẽ, tránh việc đối tượng xấu gian lận thương mại.

“Tới đây, chúng tôi định hướng thành lập hợp tác xã (HTX) bốc vác hàng hóa. Theo đó, HTX có quy định, quy chế hoạt động, có cấp quần áo bảo hộ lao động và đóng bảo hiểm cho các thành viên. Đồng thời HTX đứng ra ký hợp đồng với các doanh nghiệp cần vận chuyển hàng hóa, phân bổ công việc cho các thành viên. Mô hình HTX mới sẽ khoa học, hiệu quả, vừa giúp bà con ổn định cuộc sống, vừa đảm bảo an ninh trật tự. Từ đó thay đổi tư duy, nếp nghĩ của bà con, tránh việc vượt biên bốc vác hàng hóa trái phép, vừa nguy hiểm vừa dễ gây ra hệ lụy”, đại úy Chiến cho biết.

(Tên nhân vật được thay đổi)

Sẽ đàm phán xuất khẩu chính ngạch lợn hơi sang Trung Quốc

Trao đổi với Tiền Phong, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, giá lợn lao dốc thời gian qua, được Cục cảnh báo từ lâu vì tăng trưởng “nóng”, đặc biệt sự bấp bênh, dựa vào xuất tiểu ngạch đi Trung Quốc. Năm 2016, tổng đàn lợn cả nước đạt trên 30 triệu con, tăng trên 4 triệu con so năm trước, do hiệu ứng giá từ thị trường Trung Quốc. Mới đây, Bộ NN&PTNT có văn bản cảnh báo các địa phương, chỉ đạo rà soát, kiềm chế mở rộng đàn lợn.

Về thị trường Trung Quốc, ông Vân cho rằng, tuy là thị trường lớn, nhưng việc buôn bán chủ yếu tiểu ngạch, nên nhiều rủi ro. “Nếu chúng ta phát triển đàn lợn theo hiệu ứng đám đông, kinh nghiệm, lời đồn hoặc tư duy giá tăng thì sản xuất ồ ạt sẽ không đúng với quy luật sản xuất hiện nay”- ông Vân nói.

Theo Cục trưởng Chăn nuôi, các cơ quan chức năng đang cố gắng đàm phán thị trường mới, đặc biệt là Trung Quốc để có xuất khẩu chính ngạch lợn hơi. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi ký kết, phát triển theo chuỗi, đảm bảo sản xuất có kế hoạch, bền vững.

Nam Khánh
http://www.tienphong.vn/xa-hoi/toi-di-lam-lai-lon-ky-cuoi-am-anh-tu-than-1133724.tpo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét