Chủ Nhật, 26 tháng 3, 2017

Nhiễu loạn các trường quốc tế

Nhiễu loạn các trường quốc tế
22/03/2017 - Chúng ta đang đặt ra những tham vọng lớn về giáo dục. Đó là phải dốc sức đầu tư để có trường đại học (ĐH) đẳng cấp thế giới hoặc xây dựng mới những trường ĐH đạt đẳng cấp quốc tế. Trong số ấy, không ít lãnh đạo các trường đã chạy đua đổi tên thành trường quốc tế, tự cho mình là trường quốc tế, nhưng thực tế “quốc tế” đến đâu thì chẳng ai biết được.
Trường Cao đẳng Quốc tế Kent từ khi 
thành lập đến nay toàn thuê mướn cơ sở
Thực hư trường quốc tế Việt Nam
Hiện nay cả nước có cả chục trường từ ĐH đến cao đẳng (CĐ) với tên gọi rất kêu là trường ĐH quốc tế, trường CĐ quốc tế. Riêng tại khu vực Đông Nam bộ có đến 8 trường, gồm ĐH Quốc tế RMIT, ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM), ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Quốc tế Sài Gòn, ĐH Quốc tế Miền Đông, CĐ Quốc tế Cetana PSB Intellis, CĐ Quốc tế Kent, CĐ Quốc tế TPHCM. Tuy nhiên, thực tế cái chuẩn hay đẳng cấp quốc tế chỉ là “hữu danh vô thực”, vì chưa có trường nào lọt vào tốp những bảng xếp hạng uy tín của thế giới.

Trường CĐ Quốc tế Cetana PSB Intellis thuộc Công ty TNHH Centena Việt Nam, đầu tư vào Việt Nam từ năm 2003 (theo giấy phép của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 18-9-2003) và đến ngày 30-6-2015 được Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) ký quyết định thành lập trường. Trường này đào tạo hệ CĐ bằng tiếng Anh, do Học viện PSB Singapore và Hội đồng thi Quốc tế ĐH Cambridge cấp bằng. Tuy nhiên, từ khi hoạt động tại Việt Nam đến nay, các cơ sở đào tạo của trường vẫn phải đi thuê mướn. Tương tự, Trường CĐ Quốc tế Kent thuộc Công ty TNHH Quốc tế Kent, cũng được Bộ GD-ĐT ký quyết định cùng ngày 30-6-2015 và cho thời gian hoạt động là 25 năm, tính từ năm 2003, nhưng hiện vẫn thuê và mướn cơ sở vật chất, dự án xây trường chỉ nằm trên giấy.

Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, Trường CĐ Quốc tế TPHCM là trường Việt Nam được gắn nhãn quốc tế, nhưng thực chất cơ sở đào tạo vẫn thuê chỗ này, mướn chỗ nọ. Đã vậy, đội ngũ giảng viên đào tạo cũng chỉ là giảng viên trong nước.

Điều đáng nói là tại những trường quốc tế trên, số lượng công trình nghiên cứu khoa học công bố trên các tạp chí khoa học uy tín của thế giới lại rất hiếm. Ngoại trừ Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM), số lượng giảng viên tại các trường còn lại đạt trình độ tiến sĩ còn rất ít, không thu hút nổi giảng viên có uy tín của nước ngoài giảng dạy.


Những tiêu chí nào?

Mục tiêu chúng ta đặt ra phải có trường đẳng cấp quốc tế trong bối cảnh hội nhập với giáo dục toàn cầu là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu ấy, đòi hỏi chúng ta phải có kế hoạch, lộ trình và chiến lược dài hơi chứ không thể nói suông được. Chúng ta lại càng không thể chỉ gắn “mác” trường quốc tế A, B, C để cho oai, gây sự chú ý để thu hút người học.

Từ năm 2009, Bộ GD-ĐT có tham vọng triển khai đề án xây dựng 4 trường ĐH trình độ quốc tế, với vốn vay thực hiện khoảng 400 triệu USD. Đề án đặt mục tiêu đến năm 2020, 4 trường này lọt vào tốp 200 trường ĐH tốt nhất trên thế giới; đến năm 2012 sẽ mời ít nhất 50% giảng viên quốc tế giảng dạy; đến năm 2016 thành lập các trung tâm xuất sắc đào tạo sau ĐH với quy mô 4.000 sinh viên, thu hút 5% sinh viên quốc tế, mời 40% giảng viên quốc tế, 30% giảng viên có bằng tiến sĩ hoặc tương đương… Tuy nhiên, đến nay mục tiêu này gần như phá sản.

Theo một chuyên gia giáo dục, chúng ta chưa phân tích đâu là các tiêu chí cho một trường ở đẳng cấp quốc tế và bằng cách nào để biết được một trường nào đó đã đạt đến vị trí ấy. Một trường ĐH đẳng cấp quốc tế khi có các yếu tố quan trọng như: Chất lượng xuất sắc trong việc đào tạo; nghiên cứu khoa học và phát triển, phổ biến tri thức; có những hoạt động nhằm đóng góp về văn hóa, khoa học và đời sống cho xã hội… 

Trong đó, chất lượng đào tạo phải hội đủ các yếu tố đồng bộ và đội ngũ giảng viên đòi hỏi phải có những giáo sư nổi tiếng, có những hoạt động hướng dẫn và giảng dạy chất lượng cao; cơ sở vật chất như phòng học, phòng thực hành, thí nghiệm, thư viện… đạt chuẩn và có những sinh viên năng động. Nói đến việc nghiên cứu, phát triển và phổ biến tri thức chính là trường học phải đẩy mạnh nghiên cứu, biến những ý tưởng thành hiện thực và áp dụng để phát triển kinh tế xã hội. Những hoạt động đóng góp cho văn hóa, khoa học và cộng đồng bao gồm nhiều mặt, gồm các dịch vụ như xuất bản, hội thảo khoa học, hoạt động nghệ thuât… nhằm gắn kết và đóng góp cho cộng đồng không chỉ trong nước mà lan rộng ra thế giới.

Hiệu trưởng một trường ĐH tại TPHCM cho biết: “Muốn đạt đến trình độ trường đẳng cấp quốc tế, trước tiên chúng ta phải có đầy đủ các yếu tố đồng bộ về đội ngũ, cơ sở vật chất, chương trình… theo chuẩn quốc tế. Nếu chúng ta chưa có được những yếu tố cơ bản này thì đừng mơ đến cái gọi là trường quốc tế. Và để biết mình đang ở đâu thì không còn cách nào khác là chúng ta phải tham gia các tổ chức kiểm định uy tín của quốc tế, để biết mình thiếu cái gì, yếu cái gì và cải thiện. Khi đã có đầy đủ các điều kiện của một trường ĐH đẳng cấp quốc tế thì chúng ta cứ tham gia các tổ chức xếp hạng uy tín của quốc tế, như tổ chức xếp hạng của ĐH Giao thông Thượng Hải (SJTU), của Phụ trương Thời báo Luân Đôn (THES). Không nói đâu xa, ngay trong khu vực Đông Nam Á, Singapore có trường thuộc tốp 10, 20 trường tốt nhất của ĐH của thế giới”.

Thiết nghĩ, trong điều kiện còn quá nhiều bất cập như hiện nay, giáo dục ĐH nước ta nên tập trung cho những mục tiêu cụ thể và hữu ích, hơn là chạy đua để gắn mác “quốc tế” cho trường.

THANH HÙNG
http://www.sggp.org.vn/giaoduc/2017/3/452951/#sthash.soR9yfMs.dpuf

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét