Chủ Nhật, 26 tháng 3, 2017

Triết gia Trần Đức Thảo – vài nghi vấn còn lại

Triết gia Trần Đức Thảo – vài nghi vấn còn lại
Nguyễn Đình Cống - Hồi sinh viên (1956-1960) tôi đã nghe tên và biết ông dính vào Nhân văn – Giai phẩm. Ban đầu tôi háo hức tìm hiểu, sau biết ra thì vừa phục vừa thương. Dần dần tôi được đọc các bài viết về ông, nổi lên ở 3 vấn đề chính: 1- Ông là nhà triết học tài năng; 2- Là nhà Macxit, bảo vệ và giải thích triết học Marx; 3- Người có cuộc sống cơ cực trong hàng ngũ trí thức.

Tôi đọc một số tác phẩm của ông, nhưng vì kiến thức triết học chưa đủ tầm nên chỉ hiểu được một ít mà thôi. Điều tôi quan tâm là một nhà triết học lớn như ông, được phong giáo sư, sau khi chết còn được tặng Huân chương Độc lập và Giải thưởng Hồ Chí Minh, vậy ông có đóng góp gì tích cực trong việc vận dụng triết học cho công cuộc xây dựng đất nước, đặc biệt là việc vận dụng chủ nghĩa Marx vào trong đời sống. Càng tìm hiểu càng bị rối mù. Gần đây có lúc tôi tưởng đã hiểu được ông, nhưng rồi lại như đang bị đi vào ngõ cụt. Nguyên nhân nằm ở tác phẩm được ông viết vào cuối đời, cùng vài quyển sách về ông.

Ông được xem là nhà Macxit chân chính. Còn tôi, trước 35 tuổi tôi tuyệt đối tin tưởng và tôn sùng Marx, nhưng rồi dần dần tôi phát hiện ra Marx có sai lầm. Khi biết Bertrand Russell, nhà khoa học lớn của nước Anh, hồi trẻ cũng rất tin, nhưng khi lớn tuổi đã từ bỏ Marx, tôi nghĩ rằng có thể mình đã đúng. Thế nhưng tại sao một nhà triết học lớn như GS Trần Đức Thảo vẫn bảo vệ Marx. Tôi không thể tưởng tượng được một người có trí tuệ siêu việt vẫn cho Marx đúng trong khi một người tầm thường như tôi cho Marx sai. Hay là tôi quá chủ quan, chưa thấy được chỗ ngu dốt của mình.
Thế rồi tôi đọc được sách “TRẦN ĐỨC THẢO-NHỮNG LỜI TRĂN TRỐI” của Tri Vũ Phan Ngọc Khuê (PNK), trong đó ở chương 14, nêu đích danh Marx là thủ phạm của những tội ác mà một phần nhân loại phải gánh chịu. Theo PNK, GS Thảo đang gấp rút hoàn chỉnh cuốn sách đã ấp ủ mấy lâu nay, cho rằng đó sẽ là cuốn sách cuối đời. Trong sách đó ông vận dụng triết học để chứng minh sai lầm và tội ác của Marx: PNK tường thuật lời GS Thảo, nói tại Nhà Việt Nam ở París vào ngày 12 tháng 4,1993:
Tôi tính ít ra cũng phải bốn tháng nữa thì mới có thể hoàn thành cuốn sách với kết luận hoàn toàn mới mẻ và khách quan về mặt triết học. Vì cũng phải lướt qua những bước biến đổi của xã hội, thông qua các giai đoạn phát triển của vật chất, của vũ trụ, trải nghiệm vấn đề môi trường bị tàn phá do phát triển… chứ không thể nhảy ngay tới kết luận giản dị là mọi sự xấu xa đã xẩy đến là do học thuyết sai lạc của Marx. Thật là bi thảm cho một nhà triết học như tôi, khi đã quyết tâm cống hiến cả đời mình cho lý tưởng cách mạng vô sản. Nhưng rồi cuối cuộc đời, tôi mới khám phá ra rằng mình đã bị lạc hướng vào con đường cách mạng không tưởng, con đường độc ác, không lối thoát, mà Marx đã vạch ra”… Khi cuốn sách này được xuất bản thì các anh sẽ thấy mọi nút thắt, mọi trói buộc, mọi sức ép sẽ được tháo gỡ ra cho bằng hết… để minh bạch vấn đề công tội trong lịch sử… Công của ai, tội của ai? Đấy là cách chuộc tội của Trần Đức Thảo này!”(*)
Đọc đến đây tôi nghĩ: Có thế chứ. Thế mới đúng là nhà triết học lớn chứ, cuối cùng ông đã nhận ra sai lầm của Marx và bản thân mình đã bị lạc hướng gần cả cuộc đời.
GS Thảo đột ngột từ trần vào ngày 24 tháng 4 năm 1993 tại Paris, sau khi tỏ ý định ra khỏi nhà khách sứ quán Việt Nam tại Pháp để đi tìm sự tự do. GS chết khi cuốn sách cuối đời chưa được công bố, nội dung cuốn sách vẫn còn nằm trong bí mật. Nghe đâu mọi bản thảo của nhà triết học được thu giữ, niêm phong, nộp cho cơ quan có trách nhiệm.
Năm 2016 cuốn sách “TRIẾT GIA TRẦN ĐỨC THẢO – DI CẢO, KHẢO LUẬN, KỶ NIỆM” do Nguyễn Trung Kiên (NTK) sưu tầm và biên soạn được phát hành. Sách dày trên 1700 trang. Theo Tự bạch của người biên soạn thì NTK đã cùng Tiến sĩ Cù Huy Chữ (là thành viên trong tổ thư ký của Thủ tướng Phạm Văn Đồng) phân loại, hệ thống hóa hàng ngàn trang bản thảo mà nhà triết học để lại cho hậu thế. NTK không nói rõ trong các trang bản thảo có bao gồm “Cuốn sách cuối đời chưa viết xong” của GS hay không vì không thấy đưa vào Di cảo nội dung nào tương tự như các ý đã nêu trên đây trong trích dẫn(*). Trong Di cảo có trình bày tác phẩm được cho là cuối cùng của GS là: “SỰ LÔGIC CỦA THỜI HIỆN TẠI SỐNG ĐỘNG”, được viết vào đầu năm 1993. Trong tác phẩm đó cũng không thấy bóng dáng của ý tưởng phê phán Marx. Tôi đã cố tìm trong hơn 1700 trang của cuốn sách xem có chỗ nào trình bày quan điểm của Trần Đức Thảo phê phán Marx hay không. Tôi chưa tìm thấy.
Như thế là thế nào. Đến cuối đời GS Thảo đã nhận ra chỗ sai của Marx hay chưa nhận ra, vẫn bảo vệ Marx. Đối với tôi đó là nghi vấn lớn. Khi tin vào sách của NTK thì phải nghi ngờ PNK và ngược lại. Nếu tin vào PNK, tin vào NHỮNG LỜI TRĂN TRỐI thì thấy NTK mới chỉ nêu lên một phần của sự thật, mặc dầu phần đó chiếm trên 90% thời gian hoạt động của GS Thảo nhưng lại không chứa đựng bản chất. Tôi băn khoăn, đề ra 3 giả thuyết: 1- Chương 14 của Những lời trăn trối là bịa đặt của PNK; 2- Chương 14 là trung thực nhưng NTK, TS Chữ không hề biết vì GS Thảo chỉ mới nói mà chưa viết ra, hoặc có viết nhưng tài liệu liên quan đã bị che giấu; 3- NTK và TS Chữ có biết rằng: “cuối cuộc đời, GS Thảo mới khám phá ra rằng mình đã bị lạc hướng vào con đường cách mạng không tưởng, con đường độc ác, không lối thoát, mà Marx đã vạch ra”, nhưng không dám trình bày. Tôi tạm nghiêng về giả thuyết 3 và xin có đôi lời:
Bạn Nguyễn Trung Kiên thân mến. Quyển sách do bạn sưu tầm, biên soạn được nhiều học giả có tên tuổi đánh giá cao, nó giống như một tượng đài lớn được dựng lên, một chân dung lớn được thể hiện. Nhưng giá trị đích thực của tượng đài hoặc chân dung không ở quy mô to lớn mà ở thần khí toát ra từ đó. Khi quan sát “Tượng đài Triết gia Trần Đức Thảo” do bạn dựng nên, tôi thấy một bóng mờ của triết gia lớn (vì tôi không phải là triết gia) và thấy rõ một con người bảo vệ học thuyết Marx. Đây có thể là cố ý của bạn hoặc do vô tình tạo ra như vậy. Điều này có lợi cho những ai muốn duy trì, kiên định Chủ nghĩa Mác- Lênin (CNML), họ nấp vào cái bóng đó để tiếp tục lừa dối thiên hạ. Ngược lại điều đó gây tác hại cho phong trào vận động dân chủ đang dùng thực tiễn và lý luận để chứng minh những sai lầm của CNML, đang muốn thay đổi thế chế.
Tôi viết nghi vấn trên đây là dựa vào ý 15 trong Tự bạch của người biên soạn.
Một nghi vấn nữa là cái chết của GS Thảo. Theo sách Triết gia Trần Đức Thảo…, nguyên nhân gần gây ra cái chết của GS là cú vấp ngã ở cầu thang, tạo nên một số chấn thương.
Theo PNK: “Bác Thảo hằng ngày vẫn có nếp ăn uống rất tinh khiết, không bao giờ ăn thức ăn cũ. Vậy mà ngay xẩm tối hôm thứ năm ấy, bỗng bác bị “thượng thổ, hạ tả” như bị trúng độc: vừa nôn mửa vừa đại tiện tràn lan đến mệt lã đi”.
Sau đó GS được đưa vào phòng, tắm rửa, nghỉ ngơi. Khi xe cấp cứu đến, bác sĩ của toán cấp cứu hỏi, cán bộ sứ quán trả lời:
– Trước đó bệnh nhân đã làm gì để rồi rơi vào hôn mê?
– Ông ta trước đó, đã bị ngất xỉu rồi bị té ở cầu thang!
– Bị ngất xỉu đến té ngã như vậy, sao không thấy thương tích gì trên người?
– Cái đó thì tôi không rõ, nhưng ông ta cũng đã cao tuổi rồi và rất yếu.
Vậy cú vấp ngã (té) đóng vài trò gì trong cái chết của GS. Mà rồi không thấy nói gì đến việc khám nghiệm tử thi trước lúc hỏa táng.
Những nghi vấn trên tôi chỉ có thể nêu ra để người nào, cơ quan, tổ chức nào có điều kiện và trách nhiệm tiến hành điều tra, tìm ra sự thật. Nếu điều tra, chứng minh được những điều trong sách của PNK “Trần Đức Thảo- Những lời trăn trối” là bịa đặt thì phải công khai cho nhiều người biết để khỏi bị mắc lừa. Còn nếu như nội dung sách của PNK là trung thực thì sách của NTK, tưởng rằng đề cao được GS Thảo nhưng thực chất đã làm cho nhiều người không biết được đúng tư tưởng của ông vào cuối đời và sự phản tỉnh của ông, cuốn sách vừa đề cao, vừa làm nhục ông. Câu cuối cùng trong Lời giới thiệu cuốn sách, Nguyễn Trọng Chuẩn viết: “Cũng chắc chắn là Trần Đức Thảo còn là một hiện tượng triết học cần được tranh luận trong thế kỷ XXI”. Phải chăng có ý ám chỉ đến các nghi vấn vừa nêu.
N.Đ.C.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét