Tôi đi làm... lái lợn vùng biên
Kỳ 1: Đường biên lúc 0h
TP - Việc nuôi lợn ồ ạt, rồi trông chờ vào những chuyến hàng của thương lái “đổ” qua đường mòn, lối mở dọc biên giới đã khiến hàng nghìn người dân nuôi lợn cả nước nhiều phen điêu đứng mỗi khi Trung Quốc dừng mua. PV Tiền Phong đã nhập vai vào đội ngũ thương lái buôn lợn để tận thấy sự phập phù, tù mù đầu ra của nông sản nói chung và lợn thịt nói riêng.
Nhiều người được thuê để lùa lợn từ thùng xe tải xuống.
Khi có hiệu lệnh “thông đường”, xe tải chở lợn ì ạch bò lên những con dốc quanh co, cao vút cho kịp giờ giao hàng ở các lối mở dọc đường biên. Giờ giao lợn thường vào giữa đêm đến sáng sớm với muôn ngàn hiểm nguy chực chờ.“Tập đoàn” đuổi lợn
Sau gần 3 ngày đêm trên đường, trưa ngày 26/2, xe tải chở 150 con lợn thịt (khoảng 15 tấn lợn hơi) của anh Nguyễn Quang Quý từ Bình Phước ra tới huyện Trà Lĩnh (Cao Bằng). Phía sau xe, những chú lợn dường như cũng mệt mỏi sau chặng đường dài, nằm uể oải. Xe chở lợn của anh Quý tới nơi vào đúng thời điểm cấm đường. Mọi đường mòn, lối tắt dọc biên giới giáp Trung Quốc đều bị chốt chặn. Chạy loanh quanh một vòng thị trấn Trà Lĩnh, anh Quý cho xe tấp vào lề đường nằm chờ. Xe của anh Quý là một trong hàng chục xe chở lợn dội về Trà Lĩnh trong những ngày cấm biên. Từng đoàn xe nối đuôi nhau chạy quanh các lối mở, đường mòn chờ đợi.
“Đường biên cấm 5 ngày nay. Bên kia lối mòn, công an biên phòng Trung Quốc chốt chặn, xe chở lợn nằm chờ. Chủ hàng bên kia báo tin thông đường, dù nửa đêm cũng phải chạy lên đến lối mòn để kịp giao hàng”, anh Quý cho biết.
Vật vờ chờ đợi đến khoảng 0h, có hiệu lệnh thông đường. Anh Quý cho xe chạy theo con đường nhấp nhô sỏi đá, tiến vào lối mở tại xã Tri Phương (Trà Lĩnh). 3h sáng, xe đến đầu bản. Tấp xe vào lề đường, chờ xe tải nhỏ đến sang hàng, anh Quý cho biết: “Hôm nay may mắn, đường thông sớm nên chỉ chờ gần chục tiếng. Có chuyến, đường tắc phải chờ vài ngày, lại tốn thêm tiền chăn lợn (tức cho lợn ăn cám, tắm nước-PV)”.
Ngoài lối mở ở Tri Phương, xe chở lợn thịt xuất bán còn đi theo các lối mở ở xã Quang Hán, Xuân Nội. Ngày hôm sau, theo chân tài xế tên Hải, chở lợn thịt từ Bắc Giang lên Trà Lĩnh xuất bán, chúng tôi tiếp tục hành trình vào lối mở ở bản Thin Phong (xã Quang Hán). Gần 2h sáng, nghe tin báo thông đường, anh Hải lái chiếc xe ngược đèo dốc vào Thin Phong.
Những dốc cao dựng đứng, một bên vách núi, một bên vực sâu thẳm. Vượt qua những con dốc uốn khúc, cua ngoặt, thi thoảng nghe tiếng đất đá sạt dưới bánh xe, anh Hải tập trung cao độ cho xe bò dần lên đỉnh Thin Phong. Thấy tôi xanh mặt vì lo lắng bởi cung đường uốn khúc, đèo dốc, anh Hải an ủi: “Em yên tâm, đường hôm nay khô ráo nên dễ đi. Khi trời mưa xuống, đường trơn tuột, bánh xe đảo, trượt là chuyện bình thường”.
Sau gần tiếng bò qua những con dốc uốn lượn quanh các quả núi, xe anh Hải đến gần lối mở cạnh cột mốc 729. Nghe tiếng xe tải ì ạch bò vào bản, người dân Thin Phong đồng loạt thức dậy. Mỗi người một chiếc đèn pin, cây gậy từ 50cm đến cả mét, lục đục mặc áo mưa, mũ nón ùa ra. Trời về khuya, trên đỉnh cao Trà Lĩnh, gió lùa, sương giá tái tê.
Nhanh như cắt, một chiếc xe tải nhỏ lùi vào cạnh thùng xe anh Hải. Hàng chục người từ già tới trẻ thoăn thoắt bám vào, cheo leo thành xe tải, lấy gậy xua, chọc đàn lợn. Những chú lợn ì ạch, mặc cho người xua đuổi, cứ nằm lì giữa thùng xe. Tiếng lợn kêu ầm ĩ, vang vọng khắp dãy núi.
Hơn chục người được phân công theo xe tải nhỏ lên thẳng lối mở cạnh cột mốc. Lúc xe tải dừng lại, họ xếp dọc thành hàng, xua lợn qua mốc giới. Bên kia cột mốc, đội ngũ lùa lợn của thương lái Trung Quốc sẵn sàng đưa lợn lên xe.
Trời tối đen, bỗng nghe tiếng người kêu, chúng tôi rọi đèn pin, cụ bà bước hụt chân, ngã từ thành xe (cao chừng 2m) xuống mặt đất. Vài người xúm lại đỡ bà dậy, đưa vào đống củi sưởi ấm rồi tiếp tục công việc.
Vừa nhăn nhó, xoa đôi chân tím bầm vì vết ngã, bà là Triệu Thị Mùi (65 tuổi) cho biết: “Mắt kém, trời lại tối, tôi nhìn nhầm cây gậy của cô bên cạnh là thanh chắn thùng nên bước hụt. Mỗi tối, ra với bà con, đuổi hết xe lợn, mọi người chia cho vài chục nghìn lấy tiền mua gạo nuôi đứa cháu nội”.
Bà Mùi là một trong hàng trăm người dân ở các thôn bản, dọc đường mòn, lối mở giáp biên giới tham gia vào “tập đoàn” đuổi lợn. Công đuổi mỗi con lợn từ trên thùng xe xuống đất được 10 nghìn đồng. Mỗi xe tải chở lợn thường trả công khoảng 3 triệu đồng. Cuối buổi giao hàng, người dân chia đều tiền công. Mỗi người được khoảng 50 nghìn đồng. Đêm nào giờ thông đường kéo dài, tiền công khoảng 100 nghìn đồng mỗi người. Sau buổi làm, ai nấy lấm lem.
Khi cõng lợn, dù vấp cũng cố giữ lợn không rơi xuống vì không đủ tiền đền lợn.
“Cõng” lợn qua biên
Ngoài lợn thịt, các lái buôn còn chuyển lợn con (khối lượng từ 8-12 kg/con) qua quả đồi dọc biên giới giao cho bạn hàng Trung Quốc. Sáng ngày 28/2, chúng tôi tiếp tục theo 2 xe chở lợn con về đường mòn tại xã Quang Hán. Xe dừng lại, hàng chục phụ nữ từ trung niên đến cụ già dắt theo ngựa thồ, đòn gánh tiến đến chiếc xe chở lợn con.
Chị Triệu Thị Vân (bản Thin Phong, xã Quang Hán) bước đến đầu tiên. Chị nhanh tay cột dây cương ngựa vào thùng xe rồi lầm lũi chất từng rọ đựng lợn con vào ghế thồ đặt trên lưng ngựa. Đặt được 3 con, lợn đua nhau kêu eng éc làm chú ngựa giật mình, đạp tung dây cương.
Chị Vân cố giữ ngựa đứng im, không kịp tránh nên chân ngựa dẫm lên chân chị. Nhìn đôi chân sưng vù, thâm tím, chị Vân ngậm ngùi: “Lợn kêu thường khiến ngựa giật mình, lồng lên, mình phải cố giữ chặt. Thà để ngựa dẫm vào chân mình còn hơn để ngựa dẫm vào lợn con, vì không may lợn què chân hay chết phải đền cả triệu bạc, bằng công thồ lợn cả năm”.
Sau khi chất đầy lợn lên giá thồ đặt lên lưng ngựa, chị Vân cắm cúi dắt ngựa đi thẳng lên vách núi qua đường biên sang nước bạn. Đường dốc, ngựa ỳ lại không chịu đi, chị Vân còng lưng lôi cương ngựa nhích từng bước lên dốc. Mỗi con lợn cõng qua biên, chị nhận được từ 8.000 - 10.000 đồng tiền công.
Ngựa thồ dùng thồ lợn qua biên.
Tiếp sau chị Vân, bà Triệu Thị Đức (65 tuổi) cầm đòn gánh ghé vai vào thùng xe chở lợn. Hai chú lợn con 2 đầu, bà Đức còng lưng giữ thăng bằng, bò dần lên con dốc sỏi đá trơn trượt. Dù trời rét căm căm, gió thổi vù vù nhưng người bà ướt đẫm mồ hôi.
Dừng nghỉ trên đỉnh dốc sau khi hoàn thành chuyến cõng lợn đầu tiên, thấy tôi kêu khó đi vì dốc cao, bà Đức cười: “Hôm nay cháu vào đúng ngày trời khô ráo. Chứ hôm mưa xuống, dốc như đổ mỡ, thậm chí không đi được giày, phải bấm ngón chân xuống mặt đất cho khỏi trượt ngã. Mình ngã đau chút còn chịu được chứ không may lợn rơi xuống, trượt theo triền dốc xuống thung lũng thì không đủ tiền đền cho chủ lợn”.
Anh Thắng, chủ xe tải chở lợn con biển số 24C 003XX cho biết, lợn con gom từ các tỉnh miền xuôi như Bắc Ninh, Hưng Yên thậm chí vào cả miền Trung, miền Nam. “Xuất lợn này không nói trước được thời gian, chủ mua hàng bên Trung Quốc báo thông đường ở tỉnh nào thì mình giao ở đó, từ Cao Bằng, Móng Cái, Lạng Sơn…
Bán lợn con đỡ mệt hơn lợn thịt bởi lợn thịt nặng, khó vận chuyển qua đường biên nên thường phải xuất vào ban đêm. Chuyến nào bị cấm biên dài ngày thì coi như lỗ vốn bởi phí chăn lợn lên cao, thậm chí lợn chết sau chặng đường và thời gian dài chờ đợi”.
Theo những người dân dọc biên giới, lợn thường đổ qua lối mòn biên giới vào ban đêm. Cạnh các cột mốc ở lối mở tự phát, người dân thường dựng lán trại bằng lều bạt để tránh rét trong lúc chờ thông đường để đưa lợn qua biên giới…
(Còn nữa)
Thống kê của Bộ NN&PTNT, năm 2016, cả nước xuất khẩu 600.000 tấn lợn hơi sang Trung Quốc với giá trị hơn 1 tỷ USD qua đường tiểu ngạch.
Ông Hoàng Văn Dương, Chủ tịch UBND xã Quang Hán cho biết, các bản dọc biên giới của xã rất khó khăn vì đất làm nương ít, người dân thiếu việc làm. “Người dân trông chờ vào những chuyến xe chở lợn thịt, lợn con và gạo qua biên giới để kiếm chút tiền công về đong gạo. Trong các cuộc họp với người dân ở từng bản, chính quyền xã tuyên truyền người dân giữ an ninh trật tự khi bốc vác”, ông Dương nói.
http://www.tienphong.vn/xa-hoi/toi-di-lam-lai-lon-vung-bien-1133398.tpo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét