Thứ Năm, 30 tháng 3, 2017

KẺ ĐẠI NGỐC – THE GREATER FOOL

KẺ ĐẠI NGỐC – THE GREATER FOOL
FB Lê Nguyễn Duy Hậu, 29-3-2017 - Những năm gần đây, mình phải tiễn một vài người bạn của mình đi nước ngoài. Họ ra đi mà không hẹn ngày về. Mỗi lần có ai đi, mình đều đan xen cảm xúc. Vừa mừng cho bạn, vừa đau lòng. Mình từng gọi hiện tượng này là cuộc vượt biên lần thứ ba. Hai lần trước, người ra đi để chạy trốn quá khứ của họ (1975), hoặc chạy trốn hiện tại (1989). Nhưng lần này, nhiều người đang ra đi để chạy trốn tương lai. Mình thường chúc phúc lành cho họ và không dám ra tiễn ở phi trường. Họ đúng khi sợ hãi cái tương lai bất định mà mình tin ai cũng lờ mờ mường tượng ra.
“The Greater Fool” (tạm dịch: kẻ đại ngốc) là một thuyết kinh tế, giả định rằng con người làm giàu dựa trên sự vô lý trí của kẻ khác. Chẳng hạn, khi bạn mua một bức tranh với giá 10 đồng, bạn đang không quan tâm vào chính giá trị thực của bức tranh, mà đơn giản bạn chỉ đang giả định rằng sẽ có một ai khác hỏi mua bức tranh của bạn với giá 12 đồng. 

Cứ như những người tham gia trong trò chơi quả khoai tây nóng, nhiệm vụ của bạn không phải là giữ lấy quả khoai tây đang nóng mà là chuyền nó sang tay kẻ tiếp theo càng nhanh càng tốt. Bạn thắng cuộc khi quả khoai tây được chuyển sang cho kẻ khác, hay khi bức tranh được bán cao hơn giá bạn mua 2 đồng. Những người nhận quả khoai tây sau bạn, hoặc mua bức tranh từ bạn, được gọi là những “kẻ đại ngốc”. Họ “ngốc” hơn bạn vì đến sau bạn và bạn thịnh vượng từ sự ngốc nghếch đó.

Trong lĩnh vực nào cũng có những “kẻ đại ngốc” như vậy. Chính những kẻ đại ngốc tạo nên một nền kinh tế hàng hóa lưu thông, tạo nên sự thịnh vượng (của người khác). “Kẻ đại ngốc” thường bị cười chê, nhưng giống một giải thi đấu thể thao, không có những kẻ thất bại, sẽ không có người chiến thắng.

Người ta thường nghĩ trở thành “kẻ đại ngốc” là số phận, là sự xui rủi. Nhưng đôi khi, “kẻ đại ngốc” lại là một sự lựa chọn. Họ chọn đi theo những con đường riêng, làm những việc không được ngợi ca, chấp nhận bỏ qua những cơ hội tiền tài… vì một mục tiêu cộng đồng nào đó. Họ chấp nhận nắm lấy quả khoai tây nóng để không ai phải phỏng tay vì nó nữa. Họ trân trọng bức tranh vì giá trị đích thực của nó chứ không phải vì điều gì khác.

Và họ thường không được ngợi ca. Nhưng kẻ đại ngốc cũng chẳng cần ngợi ca. Đối với họ, công việc tạo nên hạnh phúc và ý nghĩa của công việc tạo ra mục tiêu hàng ngày. Đó không phải là một sự hy sinh, mà là sự lựa chọn.

Thầy Nguyễn Thận, người dành 17 năm tìm công lý cho ông Huỳnh Văn Nén, là một “kẻ đại ngốc” như vậy. Nhưng ông chưa bao giờ nghĩ mình hy sinh. Ông tìm thấy được ý nghĩa của hành trình cứu người đó và hạnh phúc với nó, cho dù người ngoài có thể nghĩ ông là một gã khùng.

Một giáo viên khác, thầy Đỗ Việt Khoa, cũng là một “kẻ đại ngốc”. Hơn 12 năm kể từ khi được tung hô là người hùng, thầy Khoa hứng chịu nhiều trù dập và trả thù từ hệ thống mà thầy đụng vào. Đau đớn nhất có lẽ là khi thầy nhận được…0% phiếu tín nhiệm tại nơi làm việc khi thầy ứng cử ĐBQH năm 2007. 12 năm sau ngày thầy được gọi là “người đương thời”, thầy gần như mất tất cả, chỉ còn lại một lý tưởng chống tiêu cực không dứt. Khi được hỏi, thầy chỉ cười và cho rằng do mình cố chấp.

Mình có may mắn biết được một “kẻ đại ngốc” khác. Anh từ bỏ công việc của Nhà nước và những lời mời hấp dẫn từ khu vực tư để trở thành một luật sư cộng đồng. 10 năm lăn lộn khắp những điểm nóng, ít ai biết anh là ai, không một bài báo nào nói về anh… nhưng anh vẫn tự hào vì những gì mình làm. Hạnh phúc của anh đo đếm bằng hạnh phúc của những người dân anh đã giúp chứ không bằng danh tiếng anh có. Đó cũng chẳng phải là sự hy sinh, mà là sự lựa chọn.

Có rất nhiều “kẻ đại ngốc” khác vẫn hoặc lặng lẽ, hoặc nhiệt huyết ngoài kia. Cách làm của họ khác nhau, số phận của họ cũng có thể khác nhau, nhưng có một điểm chung mà mình thấy từ họ: đó là sự nặng lòng với xứ sở họ sinh ra. Một “kẻ đại ngốc” mình biết trả lời mình đơn giản là “nếu không mình thì là ai bây giờ?”. Một “kẻ” khác vừa cười vừa nói như tự sự “khó lắm, biết mà không làm gì, khó lắm.” “Kẻ đại ngốc” có thể là bất kỳ ai trong xã hội này. 

Từ những người chấp nhận nhường đèn đỏ để người đi bộ qua nốt đoạn đường để rồi nhận lời trách móc từ kẻ cùng giao thông. Đến những người đánh đổi nỗi nhớ nhà để theo đuổi những lý tưởng về công lý và dân chủ ở hại ngoại (vì không thể quay về được nữa). Họ cũng có thể là một nhà hoạt động môi trường tuyên chiến với nhiệt điện than thay vì về hùa với nó và hưởng lợi từ những dự án triệu đô. Hay thầm lặng hơn là bác họa sĩ tô điểm khu phố mình cho đẹp hơn. Mình tin trong mỗi chúng ta đều tồn tại một bản năng “đại ngốc” như vậy.

Những năm gần đây, mình phải tiễn một vài người bạn của mình đi nước ngoài. Họ ra đi mà không hẹn ngày về. Mỗi lần có ai đi, mình đều đan xen cảm xúc. Vừa mừng cho bạn, vừa đau lòng. Mình từng gọi hiện tượng này là cuộc vượt biên lần thứ ba. Hai lần trước, người ra đi để chạy trốn quá khứ của họ (1975), hoặc chạy trốn hiện tại (1989). Nhưng lần này, nhiều người đang ra đi để chạy trốn tương lai. Mình thường chúc phúc lành cho họ và không dám ra tiễn ở phi trường. Họ đúng khi sợ hãi cái tương lai bất định mà mình tin ai cũng lờ mờ mường tượng ra.

Nhìn cảnh như vậy, có lẽ những gì sót lại để giữ lòng tin cho mình là những “kẻ đại ngốc” mà mình biết. Họ làm tất cả với một ước mơ (có lẽ là hoang đường) rằng nếu có ai đó phải ra đi nữa thì chỉ là để theo đuổi một giấc mơ, một hoài bão, một cơ hội nào đó chứ không phải để chạy trốn một tương lai ngay trên quê hương. 

Mình cảm động vì sự ngang bướng, cố chấp của họ. Mình khâm phục sự nặng lòng mà họ dành cho xứ sở. Và mình dành tặng những tâm sự này thay cho lời cảm ơn dành cho những “kẻ đại ngốc” đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét