Chủ Nhật, 26 tháng 3, 2017

Manh nha thị trường tranh nội địa

Manh nha thị trường tranh nội địa
24/03/2017 - Theo các nhà phê bình mỹ thuật, thời cơ để hình thành thị trường tranh nội địa đã đến, vấn đề còn lại là họa sĩ, các tổ chức nghệ thuật, phòng tranh… đón nhận như thế nào mà thôi.
Ảnh: H.A
5 năm nữa sẽ không còn cảnh “chợ chiều”
Lâu nay, mặc nhiên tranh rao bán trên thị trường là tranh rẻ tiền và tranh du lịch, chỉ để làm quà tặng. Vì thế nó không cần phải có dấu ấn của tác giả, không cần phải có giá trị thẩm mỹ hay tư tưởng, nghệ thuật. Đó không phải là thị trường nghệ thuật. Trừ trường hợp một số họa sĩ làm ra hàng loạt tranh để bán, một phần để kiếm tiền, một phần để quảng bá nghệ thuật của họ” - họa sĩ, nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân cho biết tại buổi nói chuyện chuyên đề về thị trường tranh nghệ thuật trong khuôn khổ Domino Art Fair tại TPHCM.

Một trong những lý do khiến thị trường mỹ thuật Việt Nam không phát triển mạnh như các nước khác là vì mức sống của người dân còn thấp. Họa sĩ Nguyễn Quân phân tích: Thị trường bây giờ mới hình thành là bởi vì bây giờ người ta mới có tiền. Chứ lúc trước, kể cả những người giàu nhất cũng không thể chi ra 4.000 - 5.000 USD để mua một bức tranh được. Họ chỉ chi được mấy trăm thôi.

Còn theo diễn giả Lý Đợi - phóng viên Báo Thể Thao & Văn Hóa, thị trường Việt Nam đang chuyển hướng, trước đây người ta chỉ chơi tranh với sở thích về văn hóa nghệ thuật hơn là sở thích về sưu tập. Một khi người mua xem tranh như là một tài sản thì việc người ta củng cố tài sản đó để sinh lợi nhuận là việc rõ ràng hơn so với các thế hệ sưu tập trước đây.

Nhìn lại 4 thế hệ sưu tập, từ thế hệ ông Đức Minh cho đến thế hệ của những quý cô 8x sau này, thấy ngày nay rất nhiều phụ nữ mua tranh. Trong 4 thế hệ đó thì bây giờ người ta mới nhìn một bức tranh như là một tài sản nhiều hơn. Nhiều người dự đoán khoảng đến năm 2020 thì Việt Nam sẽ đáp ứng được đầy đủ 7 tiêu chí mà một tác phẩm nghệ thuật muốn hoàn hảo phải đạt được.

Tin vui cho giới họa sĩ vào cuối năm 2016: Sàn đấu giá nghệ thuật Lý Thị Auction trong phiên đấu giá đầu tiên hồi cuối năm ngoái đã đưa lên sàn bức “Mẫu đơn đỏ” của danh họa Lê Phổ với mức giá 35.000 USD - tương đương 795 triệu đồng, cùng tranh của nhiều họa sĩ khác như Lê Văn Xương, Lương Lưu Biên, Lê Thiết Cương, Lê Kinh Tài, Trần Đông Lương…

Bà Lý Bích Ngọc - nhà sáng lập Lý Thị Auction - mong muốn làm thay đổi suy nghĩ của người Việt, rằng mỹ thuật thực sự là một kênh đầu tư hấp dẫn và những ai yêu mỹ thuật đều có thể tiến vào thị trường nghệ thuật. Theo bà Bích Ngọc, trong vòng 5 năm tới, thị trường mỹ thuật Việt có thể bước vào một giai đoạn phát triển bùng nổ chứ không còn trong cảnh “chợ chiều” như hiện tại.

Đừng tự làm tranh mình mất giá

Trong sơ đồ mỹ thuật Đông Dương và Đông Nam Á nói chung, mỹ thuật Việt Nam chẳng thiếu tiếng nói đặc sắc, nhưng luôn thiếu địa vị cao. Theo các nhà phê bình, chung quy là thiếu thị trường nội địa lành mạnh, thiếu nền nghiên cứu và phê bình đúng tầm vóc, thiếu chiến lược tiếp thị cấp độ quốc gia, thiếu hệ thống định giá và bảo hiểm, ngân hàng tài trợ.

Hội họa hiện đại Việt Nam thời kỳ đầu có 3 bộ tứ sáng giá, đó là “Trí Lân Vân Cẩn”, “Phổ Thứ Lựu Đàm”, “Nghiêm Liên Sáng Phái”…, ít quốc gia Đông Nam Á nào có được. Rồi những tên tuổi lớn như Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Tiến Chung, Lê Văn Đệ, Lương Xuân Nhị, Tạ Tỵ, Tôn Thất Đào..., rồi các thế hệ họa sĩ sau này đã cung cấp cho thị trường quốc tế hàng trăm tên tuổi, hàng ngàn tác phẩm. Thế nhưng, do thiếu thị trường nội địa, Việt Nam không thể làm giá và nâng giá lên cao.

Theo các nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật, nếu không đúng quy trình định giá và làm giá, thì tranh Việt bán được 1.000 USD cũng khó và đắt, nhưng đúng quy trình thì bán 1 triệu USD là bình thường, là rẻ. 

Ví dụ: Năm 2007, cách đây đúng 10 năm, nhà sưu tập Lê Thái Sơn dự đoán tranh Lê Kinh Tài (ảnh) sẽ chạm đến mức 10.000 USD/m2 vào năm 2020. Trong khi bây giờ thì đã gấp 3-4 lần, không phải do Lê Kinh Tài vẽ đẹp hơn gấp đôi, hoặc “nổ” gấp 5 gấp 10, mà vì họa sĩ này đi đúng luật chơi của thị trường, tuân thủ sự làm giá và giữ giá. Bây giờ ai đến xưởng vẽ Lê Kinh Tài mua, bớt 20-30% anh cũng không bán. Bởi chỉ cần phá giá vài lần, xem như tiêu tùng, lúc ấy bán bao nhiêu cũng khó.

2-3 thập niên trước, quốc tế quan tâm đến mỹ thuật Việt Nam vì tò mò, muốn bổ khuyết bộ sưu tập, và quan trọng là giá rẻ. Các phòng tranh và họa sĩ Việt biết điều đó đã lợi dụng để làm tranh giả, vẽ tranh chiều thị hiếu nên mau chóng bão hòa, vì vậy không có thị trường nội địa đáng tin để tiếp tục kích thích nhu cầu quốc tế. Cho nên, mấy năm gần đây, quốc tế hết ưu tiên mua tranh Việt mà chuyển sang mua ở những nước có nhiều tương lai hơn như Indonesia, Thái Lan, Myanmar, Philippines…

Và, trong khi chờ ngày ló rạng của thị trường nội địa, có một nguy cơ rất lớn rằng nền mỹ thuật hiện đại của Việt Nam sẽ không còn tác phẩm hiện đại...
Nhà phê bình Nguyễn Quân: Họa sĩ đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành thị trường nội địa 

“Tôi nghĩ đóng góp quan trọng nhất của họa sĩ vào thị trường là vẽ trung thực, thật sự trung thực với cá nhân mình, không bị ảnh hưởng bởi các vấn đề khác. Mà đã là cho cá nhân thì là cho tổ quốc, cho nhân loại. Việc thứ hai là đã vào thị trường thì phải tuân thủ thị trường. Anh tự cho mình cái quyền muốn làm gì thì làm là không được, ngay cả về giá cả. Giống như cầu thủ bóng đá, muốn có giá cao anh phải có người đại diện. Người ta phải đi vòng vo mới bán được 800.000 đôla một cái tranh, thì không phải họa sĩ đòi tất cả. Có khi ông chỉ có một phần thôi. Tôi nghĩ là người họa sĩ phải hiểu điều đó. Khi hiểu điều đó thì họa sĩ sẽ tự tin là anh chỉ vẽ cho anh, như thế là anh đã giúp cho thị trường, chứ cứ lựa theo thị trường là mất tích ngay”.

http://laodong.com.vn/van-hoa-giai-tri/manh-nha-thi-truong-tranh-noi-dia-649273.bld

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét