Rộ mốt nghệ sĩ Việt mang tên 'ngoại'
25/03/2017 Thanh Niên - Khi hàng loạt ấn phẩm báo chí đăng tin DJ Nimbia hỗ trợ nhà thiết kế Ba Lan gốc Việt Devon Nguyễn thực hiện phần nhạc trình diễn thời trang tại Tuần lễ thời trang Paris 2017, nhiều người đã ngơ ngác hỏi Nimbia là người nước nào, sống ở đâu...
Addy Trần, DJ Daniel Mastro...ẢNH: CTS
Ngay từ khi tham gia The Remix New Generation 2017 (trong đội của thành viên S.T), nghệ danh của anh chàng DJ này cũng đã khiến khán giả thắc mắc, bên cạnh hàng loạt các cái tên “ngoại” xuất hiện trong cuộc thi như DJ - nhà sản xuất Hoaprox (thuộc đội Bảo Thy); DJ - nhà sản xuất Daniel Mastro (đội của Tronie-MiA); nhà sản xuất Kewt Hew, DJ Paranoid (đội Yến Trang); DJ Mie, nhà sản xuất GIN (đội Mai Tiến Dũng)... Đó là chưa kể những Chan Than San, Chi Pu, M.I.A, Sam, Kelly, Yanbi, Lil'Knight, Karik, JustaTee, Emily, Tim, Issac, Jun, Tronie, Will, Kimmese, Suboi, Mr.A, Mr.T, Touliver, Young Uno, Andree, Kyo, Lil’ Shady, Only C, Lynh Bacardi, XilliX... cũng luôn khiến người xem, người nghe ngẩn ra không biết nghệ sĩ đến từ xứ nào, trong khi đây đều là các nghệ sĩ Việt.Sợ nhầm lẫn hay sính ngoại ?
Cách đây 6 tháng, từng có một cuộc tranh luận trên mạng xung quanh việc nghệ sĩ nên hay không nên lấy nghệ danh nước ngoài, đã thu hút đông đảo văn nghệ sĩ, giới trẻ tham gia. Nhiều ý kiến gay gắt cho rằng việc lấy nghệ danh Tây là thờ ơ với tiếng mẹ đẻ, là sính ngoại... Nhạc sĩ Mew Amazing phản bác và cho rằng không phải cứ lấy nghệ danh nước ngoài là thờ ơ với tiếng Việt. Anh cũng nói lên “nỗi lòng” nếu lấy tên thật Đức Hùng thì thường bị nhầm lẫn với nhiều người khác.
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung bày tỏ: “Tôi từng nghe các nghệ sĩ trẻ tâm sự việc tại sao phải lấy nghệ danh nước ngoài. Các em cho rằng việc lấy tên Tây sẽ dễ tạo sự chú ý, tạo sự khác biệt và không bị trùng tên tiếng Việt giống các nghệ sĩ khác. Đó là cái lý các em đưa ra khi đặt tên. Cá nhân tôi là người luôn ủng hộ giới trẻ nên không bài xích họ. Là một đàn anh đi trước, tôi chỉ khuyên các em đừng nên quên cái tên cha mẹ đặt cho và đã gắn với gia đình mình. Việc lấy nghệ danh cố gắng sao cho dễ nghe, dễ nhớ, dễ chịu và phải mang ý nghĩa. Mọi người không cấm các em vì đó là quyền tự do của con người, nhưng các em cũng nên nghĩ đến mình là người công chúng, là người tạo nên sức ảnh hưởng lớn cho gu thẩm mỹ của giới trẻ. Các em hãy cân nhắc khi đặt nghệ danh cho mình để không bị cho rằng đánh mất đi cái tên của người VN”.
Trong khi đó, nhạc sĩ Trần Minh Phi thẳng thắn cho rằng việc chọn nghệ danh nước ngoài để dễ được khán giả biết đến và dễ dàng hòa nhập quốc tế là cách nghĩ hơi nông cạn. “Cái tên không làm nên con người mà con người làm nên cái tên. Chính chất xám, sáng tạo của nghệ sĩ sẽ làm cho thế giới biết đến tên họ qua tác phẩm mà không nhất thiết họ phải mang tên quốc tế. Các nhạc sĩ, ca sĩ châu Á được quốc tế tôn vinh đều mang tên tiếng mẹ đẻ. Đặng Thái Sơn là cái tên Việt mà cả thế giới đều tán dương. Tiếng Việt đủ sức để chúng ta tìm một nghệ danh thuần Việt thì không nên đi vay mượn tiếng nước ngoài để khỏi mang tiếng vọng ngoại, lai căng. Không đủ sức bơi ra biển lớn là do năng lực của nghệ sĩ chứ không vì cái tên Việt hay Tây”, anh nói.
Nghệ danh ngoại gây rắc rối
Có một dạo khi ca sĩ Nathan Lee xuất hiện trên Đài HTV, bảng tên trên truyền hình hiện ra Trương Triều Trúc Lân (thay vì Nathan Lee), một số người tưởng đài để lộn tên, nhưng thực ra đó là tên thật của Nathan Lee. Theo quy định “ngầm” của HTV thì phải viết rõ tên thật đối với những nghệ sĩ mang nghệ danh “ngoại”. Nhưng đến thời điểm này, có lẽ vì quá nhiều tên tuổi ngoại nên “luật ngầm” này không còn thấy áp dụng.
Hữu Minh (sinh viên năm 2 Đại học Kinh tế TP.HCM) đặt câu hỏi: “Tại sao đạo diễn đình đám Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng không lấy tên Pháp; tại sao nhạc sĩ jazz danh tiếng Nguyên Lê dù sinh tại Pháp vẫn lấy tên tiếng Việt? Tại sao nghệ sĩ chúng ta ở trong nước cứ phải tìm kiếm những cái tên xa lạ và rất khó nhớ như vậy? Nói thật, cho đến nay rất ít nghệ sĩ nghệ danh ngoại để lại ấn tượng mạnh cho tôi”.
Về những rắc rối liên quan đến tên ngoại, ông bầu Hoàng Tuấn bày tỏ: “Tôi là bầu sô mà không thể biết và nhớ tên những nghệ sĩ lấy tên ngoại. Đúng là giờ nhiều quá các tên theo kiểu ngoại ấy nên rối. Đi xin giấy phép biểu diễn sau khi để tên thật phải mở ngoặc nghệ danh (đối với các tên tuổi mà cơ quan quản lý đã quen). Còn với một số người khi đi xin visa mà nghệ danh xa lạ quá các cơ quan cũng hỏi kỹ, rồi phải có giấy xác nhận của người đó. Nói chung rắc rối lắm nên tôi vẫn thích nghệ danh Việt hơn”.
Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Vương Duy Biên: Thẩm mỹ kiểu gì mà cứ sính tên Tây
“Tôi cũng không rõ là thẩm mỹ kiểu gì mà lại cứ sính tên Tây. Quyền lấy nghệ danh là quyền tự do, hiện cũng không có gì áp vào để cấm được. Nhưng nó phản ánh việc những người đó sính ngoại. Mình là người VN, tên VN xịn sao lại không dám dùng mà lại phải mượn một cái gì đó mà không dựa vào tài năng thực sự. Thế bây giờ các vĩ nhân Nguyễn Đình Thi hay Văn Cao mà cũng đổi thành Andrey hết thì buồn cười. Có lẽ phải làm thế nào để các bạn nhận thức lại.
Các phương tiện truyền thông phải nên gọi đúng tên của người ta, nhất là truyền hình. Cứ đúng tên thật mà gọi. Nếu tất cả cùng hợp tác thì nắn được điều đó thôi chứ việc gì phải dùng đến luật pháp. Các bạn ấy chẳng qua muốn dùng tên đó để thu hút sự chú ý của công chúng. Nên nếu truyền thông không cho tên đó xuất hiện thì chả cần luật pháp”.
Dạ Ly
http://thanhnien.vn/van-hoa/ro-mot-nghe-si-viet-mang-ten-ngoai-818887.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét