Thứ Tư, 29 tháng 3, 2017

Điếu văn: Đặng Kim Thành, một người tử tế

Điếu văn của Đặng Kim Sơn đọc tại tang lễ của Đặng Kim Thành:
Đặng Kim Thành, một người tử tế
Sự thành đạt ngoài những biểu tượng giầu có, quyền lực trước hết phải là người xứng đáng được tin yêu. Dù khó khăn đến mấy, con người vẫn phải sống tốt. Để cho người thật thà không bị lợi dụng, người hiền lành không bị đè nén, người giỏi dang được phát huy, người cống hiến được hạnh phúc thì mọi người phải biết bảo vệ chính mình, bảo vệ nhau về sức khỏe, về nếp sống, về cách làm việc và học tập và quan trọng là phải đấu tranh để xây dựng một đất nước của những con người tử tế. Đó là điều mà mọi người trong gia đình tôi, nhất là lớp trẻ sẽ noi theo để cuộc sống của ông Thành đem lại điều có ích nhất cho đời.
Image result for Đặng Kim Sơn
Kính thưa: Đại diện các cơ quan, đoàn thể, chính quyền, các cụ, các bác, họ hàng gần xa, bạn bè thân hữu. Hôm nay chúng ta tập trung tại đây chia tay Đặng Kim Thành về nơi an nghỉ cuối cùng. Được sự phân công của gia đình tôi là Đặng Kim Sơn viết những dòng này để vĩnh biệt em trai tôi. Điếu văn chia tay, tôi không kể về chức tước, khen thưởng mà Thành không có nhiều, chỉ nói chia sẻ đôi điều về con người đẹp đẽ này.

Ông Đặng Kim Thành sinh ngày 10 tháng 7 năm 1956. Bố mẹ đặt tên là Thành để kỷ niệm ngày gia đình từ chiến khu về ở trên ngôi nhà ở nóc thành Cửa Bắc. Thành luôn là con ngoan, trò giỏi và tuổi thơ của chúng tôi gắn liền với những tháng ngày hòa bình quí báu của đất nước và hạnh phúc của toàn dân.

Những ngày yên bình thật ngắn với đất nước và gia đình, cũng như nhiều trẻ em cùng lứa tuổi, chiến tranh đã tách Thành khỏi tổ ấm gia đình, năm 1967, em tôi phấn khởi xúng xính mặc bộ quân phục thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi cùng chúng bạn lên tàu sang Trung Quốc, có biết đâu rằng mình đang mãi mãi giã biệt tuổi thơ và cuộc sống êm đềm. Năm 1970 khi trường giải tán chúng tôi trở về thì đất nước và gia đình đã không còn như xưa. Do nghịch cảnh gia đình, chúng tôi thật vất vả mới được vào học tiếp phổ thông nhưng mọi điều bất công không đánh gục được cậu bé Thành ham học.

Vượt rất nhiều khó khăn, Thành tốt nghiệp phổ thông với mức điểm 25/30 – lúc đó là mức được tuyển đi học đại học nước ngoài. Thế nhưng nếu không có sự nỗ lực đấu tranh bền bỉ, kiên cường của mẹ thì cánh cửa đại học đã khép lại trước mặt anh em tôi. Tuy phải khó khăn hơn nhiều bạn bè cùng trang lứa mới được đi học nhưng Thành vẫn nhiệt tình xếp lại bút nghiên để gia nhập quân đội trong những ngày cả nước bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh.

Năm Thành cởi áo lính trở về trường, ông vẫn say mê học hành và học giỏi như trước. Hôm nay, tôi nhận thấy nhiều khuôn mặt bạn bè quen thuộc của ông. Chắc khó ai quên được một anh Thành, trung thực, cả tin, hết lòng với bạn bè và luôn hồn nhiên với đời. Thành là con người chẳng bao giờ chịu tin rằng cuộc đời tốt đẹp mà các thế hệ cha ông đã hết lòng xây đắp, mà mình và đồng đội sẵn sàng hy sinh để bảo vệ lại có lúc không mở ra cơ hội công bằng cho mình. Tôi không thể quên đôi mắt ngơ ngác của em tôi khi đi nhận việc bị nhiều cơ quan từ chối dù kết quả học hành rất tốt.

Có chuyên môn giỏi, làm việc rất cần cù và bản thân chẳng cần gì đến tiền bạc nhưng áo cơm gia đình luôn là gánh nặng với ông. Thời bao cấp, cả nước vật lộn với cuộc sống thì Thành cùng với anh chị em trong gia đình cũng chạy vạy tìm đường cứu nhà. Giấu tấm bằng kỹ sư kiến trúc, ông may mắn xin vào được một chân xuất khẩu lao động. Để được làm thợ, Thành học nghề hàn công nghiệp. Dưới cặp kính cận, mắt đỏ xưng húp vì lửa hàn, Thành khoe mình đã may mắn trở thành thợ. Bỏ vợ trẻ, con dại lặn lội sang phương trời Đông Âu xa xôi lao động. Vài tấm ảnh cople caravat chụp bên cây thông tuyết phủ không dấu được sự thật cuộc mưu sinh phũ phàng của những người lao động mũi tẹt da vàng, Cũng như mọi người, Thành làm thợ, làm phiên dịch, đi buôn thuốc, bị lừa đảo, bị trấn lột.

Khi được tạo cơ hội làm việc ở mọi cơ quan thì Thành rất tích cực, với ông, được hoạt động trong một tổ chức chuyên môn là lẽ sống; được sáng tạo, đóng góp bằng kiến thức của mình là niềm vui; được chia sẻ phối hợp với đồng nghiệp là hạnh phúc. Cái cách sống cống hiến hết lòng ấy biến ông thành con ong chăm chỉ hút mật nuôi đời, không tính đến lợi ích mình. Từ Công ty tư vấn cấp thoát nước đến Xưởng thiết kế kết cấu số 2, Xưởng thiết kế kết cấu số 1, Công ty cổ phần đầu tư tư vấn và thi công xây dựng Việt Nam hay văn phòng dự án sau này, mọi người quen ông kỹ sư đầu tóc bù xù, quần áo xộc xệch lúc thì cau có hò hét, lúc thì tít mắt cười hề hề và hay ôm lấy, cố làm mọi việc.

Có người nói, Thành là một trong những chuyên gia giỏi trong ngành kết cấu nước ở Việt Nam, giỏi nhờ chăm chỉ làm việc, giỏi vì lăn lộn với thực tế như một kỹ sư thực hành, một lớp chuyên gia lão luyện đang ngày càng vắng bóng. Như một đứa trẻ lớn tuổi thật thà, Thành cũng thích mọi thứ hào nhoáng của giới trí thức, ngày xưa thích được là đoàn viên, là đảng viên, làm cán bộ, có tý chức tước, có tý bằng cấp, mong có được học vị,…nhưng rồi khi đã ngộ ra thì nhẹ nhàng bỏ tất cả trở lại với chính mình, một anh culi sống bằng trí tuệ kỹ thuật, không chỉ để kiếm sống mà để say mê. Ông kè kè với bản vẽ và máy tính, nhiệt tình truyền nghề và làm việc cùng mọi người bất kể là ai, Tây hay Ta, giỏi hay kém, đồng nghiệp hay học trò...

Thành sống trong sáng đến mức nhẹ dạ. Còn bé, ông nắm tay bố mẹ, gia đình, đi học tuyệt đối tin vào thày cô, lớn lên trông cậy ở pháp luật, chơi với bạn coi ai cũng tốt như mình. Luôn lấy cái tốt đổi lại cái xấu. Bị lợi dụng, bị bóc lột, bị đè nén, bị đối xử bất công, khóc chán thì cười, tóc bạc phơ phơ, răng sáng ha hả vô tư. Khi hiểu rằng không còn ai trở che, bảo vệ cho mình thì bên cạnh cốc rượu, điếu thuốc giải khuây, Thành vẫn đặt niềm tin vào cuộc đời, không hại ai, không giận ai, không coi thường ai, kiên trì làm điều có ích.

Trong cuộc sống hôm nay, sự thành đạt được hiểu theo nghĩa nhiều tiền, lắm của, quyền cao, chức trọng, nhưng có lẽ ít người cho đến khi nằm xuống được như ông Thành - không có kẻ thù, không có người ghét bỏ, không có người oán hận. Chỉ có muôn vàn tình thương của những người ông yêu và của cả những người từng lợi dụng ông. Cả cuộc đời hy sinh bản thân chỉ nghĩ và làm những điều tốt lành. Trong kiếp người, được thế khác gì đã thành chính quả với đạo làm con người tử tế. Cái đạo tôi luyện giữa đời - xem ra bây giờ lại là cái đạo khó tu nhất.
Ông Thành mất sáng sớm ngày 17 tháng 3 năm 2017, tức 20 tháng 2 năm Đinh Dậu tại văn phòng dự án tại thành phố Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam nơi ông đã xa nhà làm việc nhiều tháng nay. Trong căn phòng chật hẹp, vừa ở, vừa làm việc, ông kỹ sư già nằm thanh thản bên bản thiết kế công trình nước cho một số đô thị nhỏ đang triển khai. Vợ yếu con thơ đã đón ông về với gia đình sáng hôm qua để hôm nay chúng ta được chia tay ông ở đây. Thành ơi, em vừa gọi điện về mừng mẹ thọ 99 tuổi. Ngày mai mẹ không biết là mọi người sẽ đưa em lên nằm với bố. Với em, mọi vất vả của kiếp người đã khép lại rồi. Sống khỏe, chết nhanh, âu cũng là điều may mắn ít ỏi em được hưởng.

Vĩnh biệt một cuộc đời tử tế và bình dị, chắc chắn có nhiều điều có ích học được. Sự thành đạt ngoài những biểu tượng giầu có, quyền lực trước hết phải là người xứng đáng được tin yêu. Dù khó khăn đến mấy, con người vẫn phải sống tốt. Để cho người thật thà không bị lợi dụng, người hiền lành không bị đè nén, người giỏi dang được phát huy, người cống hiến được hạnh phúc thì mọi người phải biết bảo vệ chính mình, bảo vệ nhau về sức khỏe, về nếp sống, về cách làm việc và học tập và quan trọng là phải đấu tranh để xây dựng một đất nước của những con người tử tế. Đó là điều mà mọi người trong gia đình tôi, nhất là lớp trẻ sẽ noi theo để cuộc sống của ông Thành đem lại điều có ích nhất cho đời.

Cuối cùng tôi xin thay mặt gia đình cám ơn Đại diện các cơ quan, đoàn thể chính quyền địa phương, cảm ơn bạn bè thân bằng quyến thuộc thân hữu xa gần đến chia tay vĩnh biệt người thân của gia đình tôi. Tang gia bối rối, có điều gì sai sót xin quí vị niệm tình tha thứ.

Đặng Kim Sơn
http://www.viet-studies.com/DangKimSon_DieuVanKimThanh.htm

TS Đặng Kim Sơn là con trai của tướng Đặng Kim Giang.

Thiếu tướng Đặng Kim Giang (1910-1983) là một tướng lĩnh, nguyên là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Nông trường. Ông là đại biểu Quốc hội khoá I, khoá II Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và là một trong những nhân vật chính trong Vụ án Xét lại Chống Đảng.

Ông tên thật là Đặng Rao, quê tại xã Minh Hưng, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Năm 1928, ông gia nhập Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Năm 1930 trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương và thoát ly gia đình hoạt động cách mạng. Ông lần lượt đảm nhiệm các chức vụ: bí thư chi bộ xã, bí thư đảng bộ tổng, Tỉnh ủy viên, Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc kỳ, hoạt động gây dựng phong trào cách mạng tỉnh Thái Bình.

Ông bị thực dân Pháp bắt kết án 12 năm tù giam, chịu đựng đòn tra bảo vệ cơ sở và bị giam tại các nhà lao: Hoả Lò, Hoà Bình, Sơn La. Ông vượt ngục Sơn La, tiếp tục hoạt động xây dựng phong trào cách mạng tỉnh Bắc Ninh.

Trong Cách mạng tháng Tám 1945, ông cùng với ông Đỗ Mười, Lê Trọng Tấn chỉ đạo khởi nghĩa giành chính quyền tại tỉnh Hà Đông. Sau đó ông trở thành Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Đông, Phó Bí thư Tỉnh uỷ.

Trong kháng chiến chống Pháp, ông lần lượt đảm nhiệm các nhiệm vụ sau: Ủy viên Uỷ ban Hành chính Kháng chiến Khu 2[1], Phó bí thư khu ủy Khu 2, Thường vụ khu ủy, Ủy viên Ủy ban Kháng chiến Hành chính Liên khu 3[2], Phó chủ tịch Uỷ ban Hành chính Kháng chiến Liên khu 3.


Gia đình ông Đặng Kim Giang

Sau đó ông chuyển sang quân đội. Năm 1951 ông là Phó chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp, tham gia các chiến dịch Thượng Lào, Biên Giới, Hòa Bình, Tây Bắc, Hà Nam Ninh và là Chủ nhiệm cung cấp, một trong bốn thành viên của Bộ chỉ huy và Đảng ủy Mặt trận Điện Biên, chịu trách nhiệm đảm bảo quân lương, súng đạn cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

Năm 1954, ông là Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Quân đội Nhân dân Việt Nam, Ủy viên Quân ủy Trung ương. Năm 1958, ông được phong quân hàm thiếu tướng. Năm 1959 - 1960 ông làm Quyền Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần.

Sau đó chiến dịch Điện Biên, ông giải ngũ. Năm 1960 ông được cử làm Ủy viên Ủy ban Kế hoạch Ngân sách của Quốc hội khóa 2 [3].

Năm 1960 Chính phủ tách Bộ Nông lâm thành 4 cơ quan là Tổng cục Thủy sản, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông trường, Bộ Nông nghiệp. Ông về Bộ Nông trường làm Bí thư Đảng đoàn và Thứ trưởng [4]. Ông tham gia đấu tranh cho đổi mới quản lý, giao đất tăng gia, giao nhà ở cho nông trường viên, hợp tác đầu tư với các nước xã hội chủ nghĩa, cho các nông trường liên doanh với các nông trường nước bạn. Tất cả những chủ trương cách tân đó đều bị coi là "xét lại", "đi theo con đường tư bản chủ nghĩa".

Năm 1967, ông là một trong những nhân vật chính trong Vụ án Xét lại Chống Đảng. Ông bị chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hoà bí mật bắt giam 7 năm tại nhà tù Hỏa Lò Hà Nội và quản thúc 7 năm sau đó tại xã Việt Đoàn, huyện Tiên Sơn, tỉnh Hà Bắc (nay là huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh) [cần dẫn nguồn].

Năm 1980 ông trở về Hà Nội, sống trong ngôi nhà cũ rộng 14 mét vuông tại 30 ngõ Chùa Liên Phái thuộc quận Hai Bà Trưng. Mười người, vợ chồng, con cái, cháu nội, cháu ngoại sống trong ngôi nhà đó hơn 10 năm trời [cần dẫn nguồn].

Ông mất ngày 16 tháng 5 năm 1983. An táng tại Nghĩa trang Văn Điển, Hà Nội.

Vợ ông là bà Nguyễn Thị Mỹ cán bộ ngành giáo dục nguyên Hội phó Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hà đông. Những người con của ông bà đều cố gắng vươn lên trong khó khăn 3 người là cán bộ trung cấp, 5 kỹ sư, 4 người là đảng viên. Đó là Tiến sĩ Đặng Kim Sơn (sinh năm 1954 sau chiến dịch Điện Biên)
 - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn, Đặng Kim Thành, Đặng Kim Thư, Đặng Kim Phương.

https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BA%B7ng_Kim_Giang


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét