Thứ Năm, 11 tháng 12, 2014

Vị thế đàng hoàng và “cái chân” của nền kinh tế

Vị thế đàng hoàng và “cái chân” của nền kinh tế
Đào Tuấn Cái gì cũng khá lên… nhưng tụt hậu vẫn hoàn tụt hậu”. “Đột phá thể chế nghe 30 năm nay vẫn như thế, chưa biết bao giờ mới có thể thực sự đột phá”. Đây là những đánh giá về nền kinh tế sau 30 năm hội nhập của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, trong một hội thảo quy mô do Ban Kinh tế T.Ư tổ chức.
Ông đặc biệt nhấn mạnh đến DN nhỏ và vừa “đúng ra phải là lực lượng rất quan trọng”. Thời báo Kinh tế Việt Nam, dẫn lời nguyên Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ Nguyễn Đình Lương cũng nhấn mạnh rằng, nếu Việt Nam không “thò chân” được vào nền kinh tế Mỹ hay Châu Âu thì không thể có nền kinh tế độc lập.

“Cái chân” ấy, nói xa nói gần thì cũng vẫn chỉ là các DN, người tạo ra sản phẩm, tạo ra của cải vật chất, tạo ra việc làm, tạo ra hội nhập và đóng thuế. DN “thò” được “chân” sang thì kinh tế hội nhập, phát triển, hoặc ngược lại, DN không thể “thò chân” cũng chính là nhân tố khiến nền kinh tế tụt hậu.

Còn nhớ trong phiên chất vấn tại kỳ họp QH vừa rồi, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói hết sức thẳng thắn rằng: Phát triển công nghiệp phụ trợ chính là phát triển DN vừa và nhỏ, chính là phát triển doanh nghiệp tư nhân, bởi không đề cập thì đó là sai lầm, và chúng ta còn loay hoay mãi”. Và theo ông, muốn để người dân, DN có tiền sẽ mang đầu tư kinh doanh, thay vì vào ngân hàng, thì cần phải có một môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch.

Nhưng nói thì bao giờ cũng dễ. Sau 30 năm hội nhập, thân phận DN vừa và nhỏ, DN tư nhân, không chỉ trong ngành công nghiệp phụ trợ, vẫn không hề thay đổi – ở vị thế người đi xin, khốn khổ trong muôn vàn rắc rối, cứ phải dựa mãi trên các mối quan hệ mới có thể tồn tại.

Đại Nam là một trong những ví dụ điển hình. Ba hôm trước, vụ đóng cửa khu du lịch được xới lại khi chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng: DN nào cũng vậy, luôn cần sự ủng hộ của chính quyền, bởi nếu bị phản đối, họ sẽ rất khó làm ăn. Cá nhân tôi nghĩ, việc ông Dũng phải kiện tỉnh Bình Dương cũng là việc cực chẳng đã.

Và ông thở dài: Ở ta, pháp luật nhiều khi lại được giải thích, vận dụng khác nhau.

Muốn những “cái chân” của nền kinh tế có thể “thò” được vào nền kinh tế Mỹ, Châu Âu, có lẽ ngoài sự minh bạch, thông thoáng như Bộ trưởng Vinh nói, thì còn cần một vị thế đàng hoàng ngay trên chính “sân nhà”. Đàng hoàng để có thể hành xử theo pháp luật mà không bị kỳ thị. Đàng hoàng với tư cách người đóng thuế, người tạo ra việc làm và của cải xã hội mà không phải xin xỏ. Và đàng hoàng để có thể chính danh trở thành động lực của đột phá.

http://laodong.com.vn/su-kien-binh-luan/vi-the-dang-hoang-va-cai-chan-cua-nen-kinh-te-276635.bld

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét